Người có khí chất cao quý
Ai cũng muốn được cao quý trong đời, được nể trọng. Nhưng ít người biết rằng tiền bạc không làm nên người cao quý, danh vọng không làm nên người đáng trọng. Rốt cuộc thì người cao quý, họ là ai?
Người xưa phân biệt “phú” và “quý” rất rõ ràng. Nhà giàu trong vùng, quá khứ gọi là “thổ hào”, của cải đầy kho, người hầu cả trăm. Nhưng có nhiều “thổ hào” mãi chỉ là kẻ trọc phú, giàu mà không sang, không quý. Nhiều người giàu cố gắng học lấy vẻ cao sang, quý phái nhưng cũng chỉ có thể là “giả quý” (cao quý giả tạo). Họ chính là “trưởng giả học làm sang” mà học mãi chẳng thành.
“Phú” là tính bằng con số, hiện vật, bạc tiền nhưng “quý” thì lại liên quan đến sự tôn nghiêm trong cảnh giới tinh thần của người ta. Khí chất cao quý ngấm sâu vào hồn cốt của người ta dù có tiền bạc trăm vạn lượng cũng không sao mua được. Bởi nó liên quan chặt chẽ với sự giáo dục, hun đúc truyền thống của gia tộc và sự tu dưỡng của cá nhân.
Người có khí chất cao quý, có phúc khí đều có 6 đặc trưng lớn dưới đây.
1. Đức dày
Người xưa nói: “Hậu đức tải vật” (đức dày chở muôn vật), ý là người ta chỉ cần có đức hạnh tốt thì làm chuyện gì cũng thành. Trái lại, người không có đức lớn thì chẳng có cách nào thành công. Người xưa cũng khuyên răn chúng ta cần phải vui vẻ chịu thiệt, nghĩ cho người khác mới có thể làm nên việc lớn.
Đồng thời, đức dày chính là phúc. Làm người mà có đức dày thì được mọi người tôn trọng. Người có đức dày luôn có thể lấy tấm lòng độ lượng mà bao dung người khác. Người muốn gây dựng sự nghiệp càng cần phải có phong thái khoáng đạt, bao dung hết thảy người trong thiên hạ. Khi ấy, họ mới mong được người thiên hạ bao dung và thu được nhân tâm.
Trong “Đạo Đức Kinh” có câu: “Đại trượng phu xử kỳ hậu, bất cư kỳ bạc; xử kỳ thực, bất cư kỳ hoa” (Tạm hiểu: bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng).
Vậy cũng nói, người có đức dày chính là “ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng” vậy. Lão Tử đã nhìn ra rằng những thứ hoa lệ, phồn hoa, danh lợi mà chúng ta vẫn nói đến ngày nay, trên bản chất là nông cạn, ngu muội, không thực tại, càng không phải là vĩnh hằng. Vậy điều gì mới mang giá trị vĩnh cửu đây? Đáp án mà Lão Tử đưa ra chính là “dày”, chính là đức dày.
Người có khí chất cao quý thật sự không theo đuổi phồn hoa, hư danh quá mức. Họ thường giữ vẹn tinh anh, chất phác, trở về với chân ngã của mình. Càng là người có học thức, tu dưỡng cao thì càng hòa ái, phúc đức. Họ xem nhẹ hết thảy quyền lực, tiền tài. Khi đối diện với những mảnh đời bất hạnh, họ nổi lòng thương xót, dấy khởi tâm từ bi, không còn coi “đẳng cấp” xã hội là điều quan trọng nữa. Đây chính là một loại khí chất cao quý nhất.
Nếu như không có đức dày do tự mình tích lũy mà chỉ nhờ vào phúc của công danh, lợi lộc có được từ thủ đoạn phi pháp thì cũng giống như bông hoa cắm trong bình. Thiếu đất đai sinh trưởng, chẳng mấy chốc chúng sẽ tự khô héo lụi tàn mà thôi.
2. Thiện lương
Dẫu có ở trong gian nhà sang trọng đến đâu, lái chiếc xe đắt tiền đến mấy, thật ra người ta cũng chẳng có gì xuất sắc cả. Lương thiện mới là cái gốc làm người. Với một kẻ xa lạ, có thể biểu lộ ra thiện ý to lớn bao nhiêu, đó mới là thước đo thật sự đánh giá sự cao quý của một người. Điều đáng tiếc là rất nhiều người không hề để tâm đến điều này.
Có những trọc phú mới nổi đến nhà hàng dùng cơm, hơi chút không vừa ý là liền lớn tiếng quát mắng người phục vụ. Cũng có những lãnh đạo suốt ngày chỉ chăm chăm tóm chặt một chút lỗi nhỏ của cấp dưới mà không chịu bỏ qua. Lại có những người miệng nói lời đạo lý mà trong lòng đầy ác tâm, giảng những câu thiện lương mà không ghê tay làm việc xấu. Sự tình như vậy trong cuộc sống ta vẫn luôn có thể dễ dàng bắt gặp.
Để nhìn rõ bản chất một người, hãy nhìn cách anh ta đối xử với những người yếu thế hơn mình ra sao. Đây chính là lý do khiến nhiều kẻ giàu có, trên mình mặc toàn hàng hiệu nhưng lại không khiến người khác cảm thấy được một chút khí chất cao sang nào.
Chỉ có người luôn ôm giữ tâm thiện lương, đối đãi với người khác tốt lành dù trong bất kể hoàn cảnh nào mới xứng đáng được coi là người cao quý giữa những kẻ tầm thường. Phẩm chất ấy là thiên tính cũng là do sự tu dưỡng của cá nhân đó tạo thành. Người ta chỉ cần chân thành, trung thực, từ bi cũng có thể làm người khác cảm động rơi nước mắt. Người mà lòng ôm giữ thiện niệm, làm nhiều việc lành, há có thể không cao quý ư?
3. Giữ chữ tín
Người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng, quốc gia không giữ chữ tín thì không sao hùng mạnh được. Cổ nhân coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh quan trọng nhất để làm người. Tuân Tử nói: “Thành tín là điều mà người quân tử cần phải tuân giữ, cũng là nền tảng của việc nước nhà“.
Nếu như không có thành tín, bất kể việc gì cũng không thể làm được tốt. Quan hệ qua lại giữa người với người, then chốt nhất là phải thành tín. Lời đã hứa thì nhất định phải làm, việc đã làm thì nhất định phải kiên quyết, dứt khoát. Thành tín thuộc về phạm trù đạo đức, không có trọng lượng, cũng không có giá cả nhưng có thể khiến một người hoặc được tôn kính, hoặc thân bại danh liệt.
Người không giữ lời hứa thì mọi lời nói, hành động của anh ta chẳng còn chút giá trị gì, thậm chí khiến người khác ghét bỏ. Còn người thành thực tuân giữ lời hứa, có tâm hồn cao quý, thật khiến người khác ngưỡng mộ. Bởi vì: “Xe không bánh thì không đi được, người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng“.
Trong “Úc Ly Tử” có ghi lại một câu chuyện về chữ tín rất hay. Chuyện kể rằng ở Tế Dương có một vị thương nhân giàu có, trong lúc qua sông chẳng may thuyền bị chìm. Ông nắm được một mảnh gỗ, lớn tiếng hô cứu mạng.
Có một ngư dân nghe tiếng kêu cứu liền vội vàng chèo thuyền đến. Vị thương nhân vội kêu lớn lên: “Tôi là phú ông giàu có nhất vùng Tế Dương. Nếu ông có thể cứu tôi, tôi sẽ cho ông 100 lạng vàng“. Nhưng sau khi được cứu lên bờ, vị thương nhân lại trở mặt, chỉ đưa cho ngư dân 10 lạng vàng. Người ngư dân trách ông ta không giữ lời hứa, tráo trở lật lọng.
Phú ông nói: “Anh chỉ là một dân chài, cả đời cũng không kiếm được mấy đồng bạc, nay lại đột nhiên có được 10 lạng vàng như vậy còn không thấy mãn nguyện ư?“. Ngư dân nghe vậy bèn lặng lẽ bỏ đi.
Không ngờ về sau, vị phú ông đó lại một lần nữa bị lật thuyền ở ngay chỗ cũ. Phú ông lại lớn tiếng hô: “Ai cứu tôi với! Ai có thể cứu tôi, tôi sẽ cho người ấy 100 lạng vàng“.
Mọi người đều biết chuyện lật lọng ngày trước của ông ta nên không ai muốn đến cứu. Ngay lúc vị phú ông sắp không gắng gượng thêm được nữa, bỗng có một người ngư dân chèo thuyền đến cứu ông ta lên bờ.
Phú ông lần này lại lấy ra 10 lạng vàng định đưa cho người ngư dân. Ngư dân đó nói: “Không cần đâu! Tôi cứu ông là bởi lương tâm, chứ không phải vì 10 lạng vàng đó. Hẳn ông đã quên tôi rồi“. Phú ông nhìn kỹ lại thì ra đó chính là người đã cứu ông lần trước. Sau đó, người ngư dân lên thuyền lấy ra 10 lạng vàng ngày trước trả lại cho phú ông, rồi quay lưng bỏ đi.
Người có khí chất cao quý, ắt phải là người biết giữ chữ tín vậy.
4. Khiêm tốn
Có câu: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn” (Tạm hiểu: Nhún nhường thì luôn được lợi ích, cao ngạo, tự mãn thì luôn chiêu mời tổn hại và tai họa). Chỉ có bảo trì tâm thái khiêm tốn, người ta mới có thể học hỏi cái hay từ người khác và có được cơ hội trưởng thành. Khoe khoang quá lố chỉ có thể chứng minh cho sự vô tri của mình. Chỉ mới đắc được một chút thu hoạch đã kiêu căng tự mãn, như vậy chẳng khác nào khiến bản thân thụt lùi, mãi không thể tiến bước.
Ernest Hemingway có một câu nói rất hay: “Cao quý thật sự không phải là cao hơn người khác một bậc, mà là xuất sắc hơn bản thân trước đây“. Càng là người có khí chất cao quý, càng là người hiểu rõ đạo lý “ngoài núi còn có núi cao hơn” thì càng khiêm tốn trong cư xử, đối đãi, có thể nhận thấy ưu điểm của người khác mà dốc lòng học theo.
Phàm là những người tự phụ, cho mình là nhất, nhìn đời bằng nửa con mắt, khoe khoang khoác lác, ngông cuồng tự đại, nhất định là quá ít trải nghiệm và tôi luyện. Một người ăn nói ngông cuồng thực tế là đã bị che mất con mắt, bịt mất hai tai của mình, không cách nào tiếp nhận được ý kiến của người khác, nhìn không thấy được chân lý và sự thật.
Khiêm tốn là một loại trí huệ thật sự, cũng chính là sự thông minh được ẩn giấu đi mà không để lộ ra ngoài. Người khiêm tốn đều được mọi người yêu mến.
5. Chính trực
Bạn không nhất định trở thành một vĩ nhân nhưng hoàn toàn có thể làm một người chính trực. Vậy thế nào là chính trực? “Chính” là công chính, chính khí, là không nghiêng không lệch, không giả tạo, là quang minh lỗi lạc. “Trực” chính là rộng rãi, thẳng thắn, chân thật, đi thẳng về thẳng, không quanh co uốn lượn, không trôi theo dòng đời.
Người có khí chất cao quý, không kể là chuyện lớn chuyện nhỏ, không kể là đối đãi với ai, đều hoàn toàn chân thành. Đó không phải là chuyện lấy lòng giản đơn, càng không phải vì để giành được sự cảm thông. Đơn giản là làm người cần phải biết chính trực như vậy.
Tâm thuật không ngay chính, có ý lừa bịp, miệng nói một đường lòng nghĩ một nẻo, giở mánh khóe thủ đoạn, trước mặt giảng lời quân tử, sau lưng làm chuyện tiểu nhân thì tuyệt đối không phải là chuẩn tắc đối nhân xử thế.
Chính trực là rường cột tinh thần của con người, cũng là thể hiện phẩm cách cao quý của một người.
6. Kiên trì
Ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với lựa chọn thế này: Kiên trì không ngừng hay là từ bỏ buông xuôi. Nếu như là người yếu đuối, không chỉ sẽ lựa chọn từ bỏ và cam lòng nhận thua mà còn tìm rất nhiều lý do để biện minh cho bản thân. Nhưng người mạnh mẽ sẽ luôn kiên trì không ngừng, dù biết kết quả là thất bại cũng phải thử một phen.
Có người từng nói: “Người thành đại sự trên đời này đều là người ngốc“. Kiểu người này một khi nhận ra được mục tiêu thì chỉ chuyên tâm, kiên trì đi về phía trước cho đến khi đạt được thành công. Trái lại, có những người được xem là thông minh nhưng đầu óc xoay chuyển quá mau lẹ, làm việc nhìn ngang nhìn dọc, nghĩ đông nghĩ tây, kết quả chuyện gì cũng không thành.
Tăng Quốc Phiên, đại thần trung hưng nổi tiếng của triều Mãn Thanh, vốn không phải là thông minh trời sinh. Nhưng vì sao một mình ông có thể trở thành “lập đức lập công lập ngôn ba bất hủ, làm thầy làm tướng làm quan chỉ một người”?
Bên trong lá thư gửi cho em trai mình, ông tự nhận mình “mỗi ngày viết nhật ký bằng chữ Khải, mỗi ngày đọc 10 trang sử, mỗi ngày ghi lại một bản ‘cuộc truyện trò lúc dùng trà’. Ba việc này chưa từng gián đoạn một ngày nào“.
Đằng sau ba việc mà Tăng Quốc Phiên làm mỗi ngày chỉ là 2 chữ: Kiên trì. Tinh thần kiên trì là cột trụ của thành công, phản ánh phẩm chất nội tại của một người và là thể hiện của tầm nhìn xa trông rộng.
Tăng Quốc Phiên cũng không phải chỉ “một ngày làm tốt ba việc” mà còn duy trì sự kiên trì ấy trong nhiều lĩnh vực khác suốt cả đời. Ví như, trong quân đội, ông luôn yêu cầu bản thân dậy sớm bất kể tiết trời nóng lạnh ra sao, bất kể hoàn cảnh thế nào. Ông chỉ cần “nghe tiếng gà gáy liền thức dậy“, huấn luyện binh sĩ, giải quyết các loại công việc.
Có thể kiên trì, giữ bền chí, nói ra thì thấy rất dễ, thật sự làm được mới khó. Trên đời, người làm việc có thủy có chung, kiên định không lay chuyển là không nhiều.
Kẻ thù khó chiến thắng nhất của đời người chính là bản thân mình. Dẫu bạn tự chủ có mạnh mẽ hơn nữa thì cũng có những lúc bị bản thân mình đánh bại. Nhưng nếu muốn nổi bật, trở nên xuất sắc thì cần phải duy trì thường hằng, kiên trì làm ngay cả những việc tưởng chừng đơn giản, bình thường nhất trong đời. Chỉ có người kiên trì mới đi đến tận cùng vạch đích thành công.
Theo NTDTV
Phi Long biên dịch
Phi Long biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét