Thực hư loài cây biết đi như con người, mỗi năm đi được 20 m
Các du khách tới khu Dự trữ sinh quyển Sumaco Unesco, cách thủ đô Quito, Ecuador 100 km thường được nghe các hướng dẫn viên ở đây kể câu chuyện về Socratea exorrhiza, loài cọ biết đi nổi tiếng trong những cánh rừng rậm rạp ở Trung và Nam Mỹ.
Những đồn đoán về loài cây này bắt đầu từ năm 1980 khi người dân trong vùng kháo nhau về những cây cọ có thể di chuyển. Lời đồn thổi càng khiến nhiều người bán tín bán nghi khi nhà khoa học Peter Vrsansky tới từ Viện Hàn lâm Khoa học Bratisla, Slovakia khẳng định từng chứng kiến cảnh tượng này.
Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người ta tin vào câu chuyện nhuốm màu thần thoại đó. Bởi trên thực tế, các nhà khoa học cho tới nay vẫn chưa thể giải thích được lý do vì sao phần rễ của loài cây lại có hình dạng đặc biệt như vậy.
Những cây cọ có phần rễ đặc biệt trong những cánh rừng thuộc khu Dự trữ sinh quyển Sumaco Unesco.
Quan sát từ bên ngoài, những cây cọ thuộc khu Dự trữ sinh quyển Sumaco Unesco có hệ thống rễ phát triển dài, vươn mạnh mẽ ra xa gốc cây, trồi lên cả mặt đất. Một số rễ cắm xuống vùng đất xung quanh khiến mỗi chiếc cây trông như có khá nhiều chân.
Nhiều người tin rằng cấu tạo đặc biệt này giúp những cây cọ này có thể di chuyển từ chỗ tối tăm để hướng tới những nơi giàu ánh sáng. Sau khi di chuyển tới địa điểm mới, phần rễ cũ sẽ tự rút lên khỏi mặt đất và chết đi và được thay thế bằng phần rễ mới mọc lên sau đó. Quá trình này theo đó diễn ra trong vài năm và mỗi năm, mỗi cây sẽ đi được khoảng 20 m.
Tuy nhiên, nhà sinh vật học Gernado Avalos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững ở Atenas, Costa Rica cho rằng đây chỉ là những câu chuyện được hư cấu.
Ông Avalos cho biết những cây cọ nói trên không thể đi bộ vì rễ của chúng không di chuyển. Một vài rễ trên thực tế có thể đã chết đi nhưng thân cây vẫn nằm nguyên tại chỗ.
"Việc cho rằng loài cọ này có thể di chuyển tới nơi có ánh sáng chỉ là câu chuyện vui mà các hướng dẫn viên du lịch kể cho khách nghe khi dẫn họ đi tham quan", ông này nhấn mạnh trong nghiên cứu chi tiết về bộ rễ của loại cây này được công bố hồi năm 2005.
Mặc dù vậy, nhà sinh vật học tới từ Costa Rica vẫn chưa thể tìm ra vai trò của những chiếc rễ độc đáo của loại cây này. Nhiều người cho rằng, việc mọc nhiều rễ giúp cho cây cọ này có thể tồn tại trong khu vực đầm lầy hoặc vươn cao lên đón lấy ánh sáng mà không phải tăng kích thước phần thân.
(Nguồn: BBC)
Song Hy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét