Truyện ngắn : "ĐÔI ĐŨA" và "TÓC THỀ "

1:55:00 CH

 

Ðôi Ðũa

image

 

 

 

Ðời sống tình cảm của người dân Việt trong ca dao cũng dính vào đôi đũa khá nhiều.

 

Tôi đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

 

Ðũa lệch thì nản chết. Nó gợi lên một sự so le thảm thương. Lệch nhau cũng hình dung bằng đôi đũa, bằng nhau khít khao cũng đũa một đôi.

 

Ðôi ta như đũa trong kho

Không tề, không tiện, không so cũng bằng.

 

Ðũa mốc không được nằm trên mâm son. Trèo cao quá coi không được mắt.. Phải ngang hàng với nhau, xứng hợp với nhau, con mắt mới vừa.

 

Ðôi ta là bạn thong dong

Như đôi đũa ngọc nằm trên mâm vàng

Bởi chưng thày mẹ nói ngang

Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.

 

Vui cũng đũa, buồn cũng đũa, trách móc cũng đũa. Ðũa dính vào cái ăn nên đũa cũng nằm dềnh dang trong đầu.  nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã vẽ ra đôi tay bối rối tập tành biết yêu như tập tành cầm đũa.

 

 

tình mới lớn, phải không em, rất mỏng?

cách tập tành nào cũng dễ hư hao

thuở đầu đời cầm đũa thấp cao

và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ

 

Chúng ta sinh ra hình như đã biết cầm đũa. Nhưng cái lọng cọng của đôi đũa trong những bàn tay chuối mắn của tây đầm cộng với những đôi mắt xanh ánh lên nét hào hứng như đang tham dự vào một trò chơi thích thú thấy cũng có nét dễ thương.

 

MẸ, CON GÁI VÀ ÐÔI ÐŨA

Người con gái bị mẹ ép gả vào nơi không tương xứng, phải lấy người mình không yêu thương đã thốt lên lời than cay đắng:

"Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng"

Chuyện vợ chồng trăm năm quan trọng là thế, vậy mà có khi dân gian đánh giá không bằng chuyện một đôi đũa: "Vợ dại không hại bằng đũa vênh". Thế mới biết người dân mình cẩn trọng trong việc lựa chọn những chiếc đũa sao cho tương xứng với nhau. Rất nhiều những lời khuyên bổ ích khác được xây dựng bởi hình tượng đôi đũa như: "So bó đũa chọn cột cờ", "Vơ đũa cả nắm", "Ðũa mốc lại chòi mâm son"…

Bài học đầu tiên tôi được học khi ngồi trong mâm cơm là bài học về đôi đũa. Phải cầm đũa sao cho đúng, gắp được thức ăn mà không làm rơi vãi lung tung. Ngày đầu tiên được cầm đôi đũa là một ngày khá trọng đại với một đứa bé "thích làm người lớn" bởi chỉ người lớn mới đủ khéo léo để điều khiển đôi đũa thật nhanh nhẹn, nhịp nhàng.  Ðũa ăn cơm không được cắm thẳng lên trên bát bởi người ta chỉ làm thế trong đám ma. Ðứa trẻ con khi ấy là tôi nghe nói đến ma chay là khiếp vía, chẳng bao giờ dám không làm theo lời mẹ.

 

image

 

Rồi nhà tôi cũng chuyển sang dùng nồi cơm điện. Ngày gói đôi đũa cả bóng loáng nước tre, mòn vẹt cả một đầu cất vào góc sâu nhất trong chạn bát, tôi thấy trong mắt mẹ thoáng chút ưu tư. Ngày bố mẹ ra ở riêng trong gian tập thể bé xíu của cơ quan bố, hành trang hai người chỉ có một valy quần áo. Trong đó đựng luôn cả chục bát ăn cơm, chục đôi đũa con và một đôi đũa cả. Mười một đôi đũa ấy chính tay bà ngoại đã vót cho mẹ mang theo để mỗi bữa ăn còn lưu lại chút hình ảnh của quê hương. Hơn chục năm trời mẹ ngồi đầu nồi xới cơm cho cả gia đình rồi hướng dẫn các con cách xới cơm sao cho đúng mực, đôi đũa cả đầu tiên bà ngoại cho đã không còn. Nhưng đôi đũa nào cũng in dấu bàn tay mẹ, cũng là chứng nhân cho những bữa cơm gia đình đầm ấm, rộn vang tiếng chuyện trò, cười nói của các con. Khi con mới lớn lên, biết chơi chuyền, chơi chắt, con len lén về lấy trộm chục đũa của mẹ làm chuyền. Biết được mẹ không hề la mắng, chỉ dặn con rằng không được dùng đũa ăn cơm để nghịch bởi đôi đũa gắn với miếng ăn trong miệng, phải trân trọng giữ gìn. Vậy mà cũng chính bàn tay mẹ đã vót cho con đôi que đan đầu tiên trong đời bằng một đôi đũa mới bởi giữa thành phố thật khó tìm được đốt tre ưng ý, mà con thì sốt ruột, muốn học rồi phải được đan ngay bằng chính que đan của mình…

Nhớ những ngày hè về thăm ông nội, tôi vẫn thường ngồi xem ông vót đũa, bàn tay ông nhanh thoăn thoắt thật tài tình. Vừa vót đũa ông vừa kể chuyện ngày xửa ngày xưa mà không hề làm sai một chút. Bây giờ mỗi lần đi siêu thị, mắt hoa lên với hàng chục loại đũa không chỉ từ tre mà còn làm bằng nhựa, bằng i-nốc, bằng gỗ mun, gỗ kim giao, gỗ dừa…, không chỉ đũa Việt Nam mà còn nhập về từ các nước, tất cả đều làm bằng máy, thẳng đều tăm tắp , tôi lại nhớ về những đôi đũa mộc mạc của ông bà năm xưa. Ngày ông mất, bác cả tự tay vót đũa cắm trên bát cơm quả trứng đặt lên quan tài cho ông. Nhớ về ký ức đau buồn ấy, tôi vẫn thấy hiện lên chùm nan tre loăn xoăn của đôi đũa thấp thoáng trước tấm ảnh ông hiền hậu như đang muốn mỉm cười. Ðôi đũa gắn bó với con người khi còn sống và cũng theo con người đi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Rồi mai đây trở thành người mẹ, trong bữa cơm đầu tiên con được dùng đôi đũa, tôi sẽ kể với con rằng: Con có biết xung quanh đôi đũa là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam ta?...

 

BÀI THƠ ÐÔI ÐŨA

 

Ðọc bài thơ em viết cho anh

Kể chi li em nói về đôi dép

Là vật dụng song hành thật đẹp

Anh liên tưỏng về: "Ðôi đũa" chẳng kém chi.

 

Ðôi đũa kia trông có vẻ nhu mì

Nhưng quấn quýt bên nhau, sao mà chặt thế

Dao, rĩa, môi, thìa cũng đành vị nể

Thoăn thoắt, nhịp nhàng, không thể rời mâm.

 

Sánh gắp bên nhau đôi lúc cũng âm thầm

Ðể hưởng thụ nhâm nhi cùng chén rượu

Rơi một chiếc coi như là bất hiếu

Số phận chiếc còn đành lặng lẽ nằm im.

 

Tiệc muốn ngon lại phải kiếm tìm

Một chiếc khác để giúp mình gắp tiếp

Hai chiếc cạnh nhau, luôn là thông điệp

Gánh vác hết mình cho đến lúc tàn mâm.

 

Với như ta, đôi lúc cũng còn nhầm

Chọn chồng thấp, vợ cao là khập khễnh

Khi đôi đũa kia, không bằng mà lệch

Chắc chắn đau lòng người dự tiệc khi ăn.

 

Ðôi đũa vô tri: tre, gỗ khô cằn

Nhưng khăng khít bên nhau không ganh tị

Hai chiếc đũa cùng nhau chung một ý

Bữa ăn nào cũng phải có mặt cả đôi.

 

Cùng với nhau theo ta trọn cuộc đời

Dẫu bằng: gỗ, tre, ngà,...hay bằng nhựa

Nhưng vẫn bên nhau cùng giữ gìn lời hứa

Gắn bó cả đời suốt bữa tiệc cùng mâm.

 

Hai chiếc đũa bên nhau có vẻ âm thầm

Sẽ ngừng gắp khi mất đi một chiếc

Chỉ còn một là mất đi bữa tiệc

"Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia".

 

Thân mến,


VienDzu Suu Tam

 

Thưa dần những bụi tre làng rì rào trong nắng gió, theo đó thói quen dùng đũa cả xới cơm cũng không còn nhiều nếu không muốn nói là đang mất hẳn trong mỗi gia đình Việt, dù ở thành thị hay nông thôn.

Người Việt thường có thói quen tự tay “sáng chế” ra các vật dụng đơn giản trong gia đình bằng những nguyên liệu quen thuộc. Cũng giống như cái cuốc, xẻng… có cán được tạo nên nhờ gỗ của những thân cây quanh vườn, đôi đũa cả - vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm gia đình người Việt được vót từ thân tre mộc mạc.

Thời nay, con người được hưởng nền công nghệ tiên tiến với sự ra đời ồ ạt của các vật dụng hiện đại và vô cùng tiện ích trong gia đình. Những vật dụng đó làm giảm tải đi phần nào khó khăn mà con người gặp phải do quỹ thời gian chật hẹp. Và, nét đẹp trong bữa cơm hàng ngày của người dân Việt cũng vì thế mà không còn giữ nguyên vẹn. Bây giờ, người ta nấu nồi cơm điện nên không còn dùng đến đôi đũa cả để xới cơm nữa. Thay vào đó, người ta dùng môi nhựa để. Cơm nấu nồi điện, bốc khói nghi ngút và kêu một tiếng “tách” để báo chín. Chỉ chờ có thế, người ta lấy luôn ra ăn. Có nhà lấy môi đánh tơi cơm rồi múc vào bát cho mọi người, nhà thì không đánh tơi mà xấn luôn một khối, vừa môi cơm và xúc vào bát. Thế nên những người có tuổi, từng một thời gắn liền với đôi đũa cả, thường nuối tiếc về hình ảnh bếp than hồng, nồi gang nấu cơm dẻo thơm cùng với chiếc đũa cả thô mộc.



Tre được chọn làm đũa cả thường phải là tre già, nếu làm bằng tre non thì đũa cả sẽ không để được lâu và dễ bị mọt. Những người phụ nữ khéo tay sẽ vót được đôi đũa cả đều tăm tắp, bằng nhau về kích thước và trông thật trơn tru.

Người ta dùng đũa cả để đảo khi cơm sôi, để ghế cơm và để xới cơm nữa… Vật dụng quen thuộc, nhỏ bé, mộc mạc là thế nhưng chứa đựng trong nó không ít những triết lí sâu sắc về lễ nghi gia đình, về nếp nhà của mỗi người. Chả thế mà quan sát cách xới cơm cho các thành viên trong gia đình của các bà, các chị là thấy ngay được nề nếp, trật tự, sự lễ phép của con cái đối với bố me, ông bà, của vợ đối với chồng…

Mùi mộc của tre quyện trong hương lúa mới thấy nao cả lòng. Chợt ước ao được một lần trở lại bên mâm cơm ngày xa xưa, cả nhà quây quần thật ấm cúng, giơ đôi bàn tay lũn chũn đón lấy bát cơm được xới từ cây đũa cả mẹ vót trong chiều đông. Cũng giống chiều đông ấy, nhưng hôm nay có bóng chiều hanh vàng hắt chút nắng nhẹ đầu Xuân trên những khóm hoa – như một sự tiếc nuối của thời gian về những gì đã qua đi…
 Theo Món ngon Hà Nội

 

 

Tóc Thề

Nguyễn Khôi

 

Bố mẹ tôi lấy nhau từ lúc hai người còn rất trẻ.  Mẹ kể: ngày trước, trong đám sinh viên trường Mỹ Thuật mẹ chỉ để ý đến bố vì bố có mái tóc rất đẹp. Mối tình của hai người cũng lắm trắc trở. Bà tôi bảo: "Con yêu gì thằng đó, chân yếu tay mềm, rồi cũng khổ thân mày". Mẹ cười nói với bà: "Con yêu vì anh ấy có mái tóc đẹp. Cái tóc là gốc con người mà mẹ!"  Cả họ ngoại tôi đều bảo mẹ gàn. Riêng bạn bè của mẹ thì khuyên ngăn: "Chẳng lẽ mày yêu hắn chỉ vì mái tóc?"  Mẹ triết lý: "Nhưng ít ra cũng còn có cái để yêu". Lúc chỉ còn có hai người với nhau, mẹ cũng nói thật lòng với bố thế. Cứ tưởng rằng bố sẽ buồn, nhưng không, Bố còn đùa tếu: "Mái tóc muôn năm".

 

image

 

Sau ngày cưới, mẹ đi chợ sắm cho tổ ấm của mình. Trong những thứ linh tinh mà mẹ khuân về có một cái kéo, một con dao cạo sắc lem. Mẹ tuyên bố: "Kể từ ngày hôm nay em sẽ hớt tóc cho anh. Cấm anh ra tiệm!". Hôm đầu tiên "ra nghề", mẹ phải cày cục gần một buổi mới hớt xong mái tóc của bố. Không biết "tác phẩm nghệ thuật" của mẹ đạt đến trình độ nào mà sáng hôm sau bố phải đội sùm sụp cái mũ trên đâu để đến cơ quan.

Qua mấy chục năm, tay nghề của mẹ đến nay đã hết sức "vững vàng". Mặc dù là hiệu trưởng của một trường cao đẳng sư phạm, phải giảng dạy, họp hành suốt ngày nhưng chưa bao giờ mẹ quên việc chăm sóc mái tóc của bố.  Món quà mà mẹ tặng bố sau những chuyến công tác về thường là những chai thuốc gội đầu, những lọ dầu xịt tóc.  Và công việc trước tiên là kiểm tra xem cái râu, cái tóc của bố có "vấn đề" gì không. Còn bố, từ một chú học trò chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời thì bây giờ đã "nghiện" nặng. Đố ai hớt tóc được cho bố. Có những lần đi công tác ở nước ngoài gần năm tháng trời nhưng bố vẫn không chịu hớt tóc viện lý do là để vậy cho ấm. Bố thường bảo:  không có hạnh phúc nào  bằng sau những chuyến đi mệt nhoài được ngả người trên ghế để cho mẹ hớt tóc và gội đầu. Những lúc hai người giận nhau thì bao giờ bố cũng làm lành trước. "Chiêu thức" thường dùng của bố là soạn "đồ nghề" ra nhờ mẹ hớt tóc.  Và mẹ chỉ chờ có thế để chính thức tuyên bố "hòa bình" .

Mẹ tôi ngã bệnh đã gần nửa năm nay. Căn bệnh nan y đã rút cạn sức lực của mẹ. Suốt thời gian đó, bố túc trực bên giường bệnh, tự tay lo lắng tất cả, ngay đến việc đút cháo cho mẹ bố cũng giành làm vì sợ chúng tôi vụng về. Một hôm mẹ nắm tay bố cười buồn nói: "Thôi! em cho anh ra tiệm hớt tóc đó. Gớm ! tóc tai gì mà phát khiếp !". Bố nghẹn ngào lắc đầu, chẳng nói được lời nào .

Ít lâu sau thì mẹ mất. Chôn cất mẹ xọng, bố tôi già xọm hẳn đi. Lúc đêm vợ tôi nói: "Mai anh đưa tiền cho cụ đi hớt tóc . Trông cụ mà não cả lòng".

Sáng ra bố bảo: "Thằng cả hớt tóc cho bố". Nói xong bố đến bên bàn thờ của mẹ, run run lần mở bọc vải lấy ra những thứ "đồ nghê" mà mẹ để lại và đưa cho tôi. Khi nhát kéo đầu tiên vừa lướt qua thì những giòng nước mắt nóng hổi của bố cũng lặng lẽ rơi xuống. Tôi ôm lấy bố nức nở. Phía trên kia mẹ vẫn cười tinh nghịch .




Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.