ÁI THỦY - NỮ KIẾN TRÚC SƯ TẠO NÊN CÂY CẦU VÀNG

7:55:00 SA


 ÁI THỦY - NỮ KIẾN TRÚC SƯ TẠO NÊN CÂY CẦU VÀNG “MADE IN VIETNAM” LÀM KINH NGẠC KHẮP THẾ GIỚI VÀ LẦN ĐẦU NGHE KỂ VỀ Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA ĐÔI BÀN TAY KHỔNG LỒ...!

Vào năm 2018, Cầu Vàng chính thức đi vào hoạt động với tên tiếng Anh là Golden Bridge. Thời điểm đó, trên mạng xã hội mà đặc biệt là dân chơi ảnh quốc tế thông qua Instagram ai nấy đều sửng sốt và hứng khởi trước những góc chụp cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam. Tất nhiên, rất nhiều người cũng tò mò về việc đơn vị nào đứng sau công trình hoành tráng này. Và câu trả lời khi có được đã khiến cho chúng ta vô cùng tự hào bởi nó là 100% thiết kế made in Vietnam. Đó là sản phẩm của Công ty Tư vấn Thiết kế TA Landscape Architecture.
Hôm nay, nữ kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy – CEO của công ty sẽ chia sẻ về quá trình nghiên cứu thiết kế đã trở thành niềm tự hào này.

Theo :

"Một con đường đi trên mây" nghĩ đâu là điều không tưởng!

Mỗi ngày trên đất nước Việt Nam đều xuất hiện rất nhiều công trình nhưng không phải công trình nào cũng có thể trở thành điểm nhấn. Cầu Vàng tại Bà Nà Hills Thành phố Đà Nẵng đã rất may mắn khi được đông đảo du khách đón nhận và đã 2 năm trôi qua rồi, cảm giác của chị Thủy hiện tại như thế nào?

Xin chào quý độc giả của Afamily. Nói về sự kiện khánh thành cây Cầu Vàng thì dù đã 2 năm trôi qua nhưng thực sự là tôi thấy nó chỉ như cái chớp mắt thôi. Thời điểm mới ra mắt, Cầu Vàng đã được bình chọn vào top ảnh du lịch ấn tượng trên tạp chí CNN. Đây là một niềm tự hào của đơn vị thiết kế chúng tôi nói riêng và cả Việt Nam nói chung khi có một dự án đi vào lòng người như vậy.

Nói về cảm xúc lúc này thì không có gì hơn 2 từ hạnh phúc vì tác phẩm của chúng tôi đã đạt được thành công ngoài cả sự mong đợi.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 2.

Được tham gia vào một công trình được cộng đồng quốc tế công nhận chính là niềm tự hào của chị Thủy và cả các cộng sự.

Nhiều người Việt đều đã check in Cầu Vàng, bạn bè quốc tế cũng có rất nhiều ảnh ở đây nhưng chắc chắn là vô số người vẫn cảm thấy rất tò mò về ý tưởng của chị cùng các cộng sự!

Cũng có khá nhiều người đã đặt cho tôi câu hỏi về việc ý tưởng đến từ đâu, thực ra thì ban đầu, nhóm kiến trúc sư thực hiện không nghĩ sẽ tạo ra một cây Cầu Vàng vì khu vực xây cầu bây giờ thực ra là phần mở rộng của vườn hoa Le Jardin d'Amour.

Trong thời gian khảo sát, khi mọi người cùng đứng trên điểm dừng của cáp treo, chúng tôi thấy con đường đi xuống vườn hoa dốc quá và điều lo ngại hiện lên: Đây sẽ là điểm khó khăn đối với người lớn tuổi, người khuyết tật và trẻ nhỏ khi di chuyển thế nên trong các buổi bàn bạc, chúng tôi đã thống nhất quan điểm là cần có một con đường kết nối có độ dốc nhẹ giúp mọi người lưu thông thuận lợi từ điểm dừng cáp treo xuống vườn hoa.

Và điều ngỡ ngàng đã xảy đến là khi đưa flycam lên để kiểm tra cao độ, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy tầm nhìn ở đây quá tuyệt vời. Ý tưởng về việc kiến tạo một lối đi để tất cả mọi người có thể di chuyển thuận lợi trên cung đường được bao bọc bởi thiên nhiên chắc chắn sẽ mang đến một trải nghiệm đặc biệt rất riêng mà chỉ Bà Nà Hills mới có. Vì lẽ đó, một đường cong đã được phác thảo ngay tại chỗ. Chúng tôi không muốn tác động quá nhiều vào tự nhiên mà chỉ đặt đường nét đúng chỗ có địa hình thuận lợi vốn có.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu vực cáp treo và cây Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Sưu tầm

Những góc chụp của các du khách trong nước, quốc tế khi đến thăm Bà Nà Hills. Ảnh: @homeforzen, @viajandocomamalarosa, @evivavietnam

Cây cầu sẽ không đặc biệt nếu như không có hình đôi bàn tay ở phía dưới. Lý do gì khiến chị lựa chọn hình ảnh đó?

Vì câu chuyện chung của khu vườn Le Jardin mở rộng là nơi ở của những vị thần và với con người, có lẽ sự hình dung về những vị thần là sự khổng lồ và ở góc nhìn nhỏ bé của chúng ta sẽ chỉ là những chi tiết như một phần bàn tay, đôi mắt, đôi môi, mái tóc… Chúng tôi đã sáng tạo dựa trên nguồn cảm hứng này.

Một dải lụa được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ là một ý tưởng phác thảo hợp lý ở thời điểm đó, đơn giản chỉ là chúng tôi – những kiến trúc sư cảnh quan muốn đưa mọi người phá vỡ khu vực an toàn và có thể chạm đến một không gian có tầm nhìn được mẹ thiên nhiên ôm trọn.

Khi Cầu Vàng hình thành và được yêu mến thì những du khách trong nước cũng như cộng đồng quốc tế còn hình dung ra nhiều điều thú vị và phải thú thật là ý tưởng của họ còn hay hơn cả khi chúng tôi thiết kế hình ảnh này. Họ nói về cây cầu đặc biệt không đi qua mặt nước, cây cầu lửng lơ băng qua những đám mây với sự nâng đỡ của đôi bàn tay ai đó – là đấng thiên nhiên hay bàn tay của Phật? Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy hấp dẫn hơn với chính tác phẩm của mình.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 5.

Vậy còn về chất liệu để tạo nên cây Cầu Vàng thì sao? Các chị đã lựa chọn như thế nào?

Đã là cầu thì phải luôn luôn đảm bảo được yếu tố chắc chắn, bền vững nhưng thông điệp của Cầu Vàng thì lại là dạo bước trên lưng chừng mây với sự nâng đỡ từ bàn tay của một vị thần khổng lồ nên làm sao để cho lối đi này trở nên mềm mại lại là một bài toán không hề dễ. Bà Nà Hills mỗi ngày đều như có 4 mùa, nắng đó nhưng có thể chỉ cần vài giây sau, bạn sẽ thấy mây bay ngang qua mình, do vậy những hiệu ứng từ ánh sáng mặt trời hay cảm giác nhẹ nhàng của sương đặc biệt gây cảm xúc cho kiến trúc sư chúng tôi, 3 tiêu chí được đưa ra: 1 là chất liệu phải thân thiện với ánh sáng mặt trời, 2 là khối tích cần tạo cảm giác nhẹ như sương và cuối cùng là kết cấu phải đảm bảo an toàn.

Cầu Vàng gồm 8 nhịp, 7 trụ và 2 mố, với tổng chiều dài 150m. Bề rộng toàn bộ cầu là 5m, trong đó phần mặt cầu dành cho người đi lại rộng 3m, 2 bồn hoa mỗi bên rộng 1m, chất liệu chủ đạo là thép chuyên dụng phủ vàng.

Ngoài ra nếu để ý kỹ thì mọi người có thể thấy con đường trên cầu được tạo thành như những mảnh ánh sao ghép lại giống như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ ở ngoài trời vậy.

Chị có tự tin khi so sánh tác phẩm Cầu Vàng của mình với những cây cầu nổi tiếng khác trên thế giới?

Hiện nay chúng tôi là Văn phòng tư vấn thiết kế về kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam, khi làm dự án này, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có may mắn đi hơn 30 điểm có những dự án kết nối giao thông mang tính biểu tượng trên thế giới. Và thực sự là việc so sánh với những cây cầu khác trở nên rất khó vì bản chất cầu là hình dạng công trình mang tính kết nối, thông thường qua mặt nước, mặt biển chứ không từ điểm này qua điểm khác hoặc "lơ lửng" trên mây như Cầu Vàng. Đồng thời, Cầu Vàng tại Bà Nà Hills với cảnh sắc hùng vĩ này chúng ta cũng không thể tìm tương tự như vậy ở nơi nào khác trên thế giới.

Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng đã hoàn thành và chúng tôi rất hạnh phúc khi không chỉ thành công trong thiết kế dự án mà còn đóng góp sức mình vào công cuộc giới thiệu cảnh đẹp của Việt Nam đến với thế giới.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 8.

Chị có phải là nhân vật nữ duy nhất và lại đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm kiến trúc sư thực hiện công trình Cầu Vàng? Và việc là phái yếu có khiến chị gặp khó khăn nào trong quá trình làm việc không?

Tỷ lệ nam nữ trong team TA là cân bằng, còn tôi đóng vai trò đầu tàu, là người khởi động dự án, định hướng, đi từ điều phối đến trình bày, thuyết phục khách hàng. Theo tôi thấy thì sáng tạo kiến trúc hoàn toàn không có ranh giới hay phân biệt nam hay nữ. Công ty là một đội ngũ thống nhất, phát huy điểm mạnh của từng thành viên để hướng đến thành quả tốt nhất. Như tôi chẳng hạn, đối với công trình Cầu Vàng hay các công trình khác, việc trèo đèo lội suối để chọn được vị trí tốt, tầm nhìn đẹp là một việc làm bình thường và quan trọng đối với 1 kiến trúc sư đứng đầu văn phòng thiết kế.

Nhưng việc đóng góp vào một công trình mang tầm cỡ quốc tế như vậy là điều ít phụ nữ nào làm được. Cảm nhận của chị như thế nào?

Như đã đề cập, việc có một công trình như Cầu Vàng được sự quan tâm, đánh giá tốt từ cộng đồng không chỉ trong nước mà cả quốc tế, không chỉ giới chuyên môn mà đông đảo mọi người mọi giới là niềm hạnh phúc và tự hào của cả cá nhân tôi cùng các cộng sự. Song chúng tôi tin rằng những tác phẩm tốt của mình vẫn còn đang chờ thành hình trong thời gian sắp tới.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 8.

Theo chị Thủy, việc sáng tạo kiến trúc hoàn toàn không có ranh giới hay phân biệt nam hay nữ và Cầu Vàng chính là một trong những niềm tự hào của chị.

Sau đây chị có kế hoạch nào về một công trình tầm cỡ hơn cả Cầu Vàng hay không?

Nói câu này có thể mọi người sẽ thấy lạ nhưng đúng là chúng tôi thường không có kế hoạch nào về một công trình tầm cỡ, bởi về bản chất thì với chúng tôi, công trình nào cũng được thực hiện với tất cả sự nghiêm túc, nhiệt huyết và tỉ mẩn. Nếu như hoàn thành xong một công trình mà nó nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ thì đó là điều hạnh phúc, chúng tôi không trông chờ sự tầm cỡ ở những bước khởi đầu. Song chúng tôi luôn tự tin rằng các sản phẩm của công ty đã đi vào lòng của người dân cả nước vì chúng tôi không chỉ thiết kế Cầu Vàng, chúng tôi còn có Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường Sách, Công viên Lam Sơn, Phố đi bộ Nguyễn Huệ… đều là những công trình nổi bật và ghi dấu ấn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 10.

Trong giới kiến trúc sư cảnh quan, chị Thủy thực sự là một tài năng.

Kiến trúc sư không phải nghề gai góc, nó là nghề nhiều cảm

xúc

Ngoài lề câu chuyện cây Cầu Vàng một chút thì tại sao chị Thủy lại chọn nghề kiến trúc sư, một công việc mà khá nhiều người cho là gai góc, khô khan và tỉ mẩn mà không có nhiều phụ nữ lựa chọn vậy?

Cách đây 20 năm, điều đó có thể là đúng nhưng trong quá trình tôi đi học đến tận bây giờ tôi vẫn tự mình cảm nhận rằng, nếu nói nó khô khan tỉ mẩn thì chắc chắn kiến trúc đã không tạo nên sự hấp dẫn mà khi nhắc đến kiến trúc sư thì trong ký ức của mọi người luôn là sự lãng tử và nghệ thuật.

Nghề kiến trúc sư, đặc biệt là kiến trúc sư cảnh quan thì lại càng cần phải có yếu tố sáng tạo thì mới thực hiện được sản phẩm của mình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì được cảm hứng đối với nghề, đôi khi một vệt nắng, chú sóc trên cành cây, chiếc lá rơi hay một rặng núi cũng có thể tạo cho tôi niềm cảm hứng mãnh liệt. Tôi yêu nhất ở nghề của tôi chính là những cảm xúc đó. Nó cũng giúp cho cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn vì một khi lúc nào bản thân cũng có cảm hứng sống thì nhìn mọi thứ xung quanh sẽ không thấy áp lực, dù cường độ làm việc có lớn đến cỡ nào. Làm công việc yêu thích thì sẽ không thấy khó khăn.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 11.

Chọn nghề kiến trúc nhưng chị Thủy không thấy mình khô khan, thậm chí còn rất giàu cảm xúc.

Được biết là chồng chị cũng đồng thời là cộng sự của chị trong việc phát triển công ty, vậy anh chị làm thế nào để có thể cân đối thời gian dành cho công việc và gia đình trong khi công ty có quá nhiều việc cần làm?

Điều chúng tôi đã từng và luôn lấn cấn nhất đó chính là sự phân bổ thời gian dành cho công việc và gia đình. Chúng tôi may mắn vì có sự giúp đỡ của ông bà nên hai vợ chồng mới có thể theo đuổi được đam mê vì ngoài điều hành công ty thiết kế, cả tôi và chồng hiện còn đang là giảng viên của trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bạn biết đó, nghề kiến trúc sư thường phải làm việc về đêm vì sự tĩnh lặng sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhưng mà vì còn có các con nên chúng tôi cũng vẫn phải cân đối dẫu cho thời gian dành cho chúng không được nhiều lắm. Thế nhưng vợ chồng tôi vẫn thống nhất một khoảng thời gian cố định và hướng các con đến các kỹ năng giúp chúng hạnh phúc nhất trong cuộc sống, điểm không cần 10 nhưng phải viết chữ thật đẹp, và các con không cần quá giỏi nhưng phải có được nguồn cảm hứng sống ở khắp mọi nơi, giống như bố mẹ của chúng vậy.

Vậy thì có đâu đó nhược điểm nào sẽ phát sinh khi cả hai vợ chồng chị cùng làm trong ngành kiến trúc sư không!?

Đối với nghề này thì cái tôi, cá tính, cảm xúc rất mạnh nên 2 người cùng như vậy thì đương nhiên sẽ có điểm bất tương đồng. Nhưng chúng tôi đã sớm có sự thống nhất, ở công ty nếu ai nắm một dự án thì người đó ra quyết định và người kia tham gia với vai trò phản biện. Nhờ quy ước đó mà chúng tôi đã giảm thiểu được khá nhiều mâu thuẫn. (cười)

Còn khi về nhà thì chúng tôi không nói chuyện công việc, mọi lời nói chỉ xoay quanh gia đình, các con, những chuyến đi cùng nhau.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 12.

Khi cả hai vợ chồng cùng làm trong một ngành thì sự thỏa thuận luôn là điều cần thiết.

Nhiều người sẽ nghĩ nhà của kiến trúc sư sẽ rất đẹp, mọi thứ phải nuột nà đâu vào đấy chuẩn chỉ… Anh chị có đúng là như vậy không ạ?

Vì làm kiến trúc nên chúng tôi sẽ bị chi tiết một chút, trong nhà có khá nhiều đồ và mọi thứ phải luôn được cố gắng cho vào đúng nơi quy định, bỏ ra khoảng không gian sống cho cả gia đình. Cũng có lúc tôi làm biếng không bày biện cầu kỳ nhưng quan trọng nhất thì vẫn là sự gọn gàng.

Biết đâu có cơ hội nào đó tôi có thể mời mọi người tham quan ngôi nhà của chúng tôi. Đó không phải là căn nhà quá đẹp nhưng tôi tự tin rằng khi bước vào, mọi người sẽ cảm nhận được sự thoải mái và nghịch ngợm trong sự thiết kế của cặp vợ chồng kiến trúc sư cảnh quan.

Một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp, có tiếng vang trong nhiều công trình nổi bật của đất nước nhưng cũng có một gia đình rất hạnh phúc. Chị có thấy mình tạm thời rất hoàn hảo và viên mãn không?

Tôi là người yêu lao động nên đối với tôi việc được lao động là niềm hạnh phúc. Để có ngày hôm nay tôi cũng phải có sự nỗ lực và hiện tôi đang làm tốt nhất những gì có thể trong khả năng của mình.

Chị có lời khuyên nào để có thể "vui việc nước, đảm việc nhà" dành cho các chị em phụ nữ cũng đang theo đuổi nghề kiến trúc sư giống như chị không?

Cuộc sống có những gam màu nổi, màu trung tính, màu ombre (chuyển màu)… và dù là gặp phải sắc màu nào đi chăng nữa thì chúng ta hãy luôn tiếp nhận nó một cách thật vui vẻ. Chỉ là như vậy thôi.

Thực ra quan điểm sống của tôi nó sẽ hơi lãng đãng nhưng điều này đã làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc và làm việc tốt hơn. Để có lời khuyên chung thì thật là khó nhưng tôi cũng xin chia sẻ ra đây cách làm của tôi, đó là khi mình coi cuộc sống như là một bảng màu thì khi tiếp nhận sẽ rất đơn giản, nhiệm vụ của chúng ta chỉ là phối các màu vào nhau để tạo thành một bức tranh vui vẻ. Vì cuộc sống là muôn màu mà.

Thêm một điều tôi muốn chia sẻ nữa đó là mọi người đừng nghĩ kiến trúc sư là những người khô khan, chúng tôi cực kỳ giàu cảm xúc đấy ạ. Một lần nữa, tôi rất cảm ơn mọi người vì đã lắng nghe cuộc trò chuyện của tôi.

Gặp người phụ nữ đứng sau thành công của cây Cầu Vàng “made in Vietnam” nổi tiếng khắp thế giới, nghe kể về ý nghĩa thật của đôi bàn tay khổng lồ và bí mật cuộc sống của một nữ kiến trúc sư - Ảnh 13.

Cảm ơn chị Thủy vì những lời bộc bạch ngày hôm nay! Chúc chị ngày càng thành công và thăng hoa hơn với nghề cũng như hạnh phúc trong cuộc sống! Thân chào chị!

(Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được sưu tầm trên Internet và tài khoản Instagram) 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.