Tản mạn về PHỐ LÒ ĐÚC
PHỐ LÒ ĐÚC bắt đầu từ ngã 5 (HànThuyên - Phan Chu Trinh - Hàm Long - Lê Văn Hưu - Lò Đúc) và kết thúc tại chỗ giao nhau với đường Trần Khát Chân. Xưa kia là một con đường hẻo lánh dẫn từ trung tâm kinh thành Thăng Long tới một cửa ô nằm ở góc Đông Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc kinh thành đó là cửa ô Đống Mác.
Thời Pháp thuộc đoạn đầu là phố Lò Đúc, đoạn giữa là phố Cây Đa Nhà Bò, đoạn cuối là phố Lò Lợn. Sau ba con phố này được gộp làm một mang tên Ác măng rút xô (Boulevard Armand Rousseau).Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đổi thành phố Lò Đúc cho đến ngày nay.
* Đoạn đầu phố vào cuối đời Lê (Tk XVIII) dân bên xứ Bắc đến nơi này lập nghiệp mở lò đúc đồng tạo thành phường đúc do đó thành tên. Dấu vết của phường đúc này là ngôi chùa Tổ Ong ở số nhà 79 Lò Đúc hiện nay, chùa thờ ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không. Khi mở phố người Pháp đã dồn dân phường đúc ở đây lên nhập với các phường đúc ở bán đảo Ngũ Xã đã có từ trước.
* Đoạn giữa ở cuối phố có một cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi xưa kia mọc giữa một vùng đất trống có nhiều cây hoang dại và hồ ao. Năm 1920 nhà hàng Weil ở đầu phố Hàng Giò (đoạn đầu Phố Bà Triệu bây giờ) đã mua bãi đất sát cây đa để thả bò trước khi giết mổ. Xung quanh lại có vài gia đình Ấn kiều nuôi bò để vắt sữa mang lên bán cho các nhà hàng trên phố. Một vài gia đình người Việt ở gần đấy như Cả Xây, Hai Hồ, Ba Cháo cũng bắt trước nuôi bò vắt sữa bán nên đã xây được nhà khang trang để ở. Do đó tên "Cây đa nhà bò" có từ ngày ấy.
Đến 1930 hãng hàng không Pháp(Air France) mua lô đất này để mở xưởng vẽ bản đồ bay. Sau đó xưởng vẽ lại trở thành phân xưởng cơ khí của hãng ô tô Berset.Về sau phân xưởng cơ khí bỏ đi thì có một nhà hộ sinh được xây dựng ở đây và nhà hộ sinh này cũng được gọi là "Nhà hộ sinh Cây đa nhà bò".
Năm 1960 nhà hộ sinh này được nâng cấp thành Nhà Hộ sinh B của khu Hai Bà Trưng. Nhiều thế hệ công dân Hà Nội được sinh ra từ địa chỉ này.
Trước năm 1946 bên gốc cây đa có một cái miếu sau ngày toàn quốc kháng chiến cái miếu không còn nhưng dưới gốc đã lại có một ban thờ cho đến ngày nay.Không biết sự linh thiêng của ban thờ ở Cây đa nhà bò như thế nào nhưng người dân buôn bán ở chợ Nguyễn Cao đều cúng lễ rất đông.Đặc biệt là tất cả thân nhân của các sản phụ đến sinh con tại nhà hộ sinh B đều không ai dám bỏ thủ tục cầu xin cho người nhà của mình sinh nở được "mẹ tròn con vuông"ở dưới gốc cây đa nhà bò này.
Hình ảnh đông người đến xì xụp khấn vái dưới gốc đa là phản cảm nhưng chính quyền các cấp không dám dỡ bỏ. UBND phường Đống Mác đã có sáng kiến cho dựng ở đây một cái bảng tin để che bớt hình ảnh cúng bái này.
* Đoạn cuối phố vào năm 1889 chính quyền thành phố cho xây một lò giết mổ lợn để cung cấp thịt lợn cho tư thương ở các chợ trong thành phố mà thành tên.Dân Hà Nội cũ gọi là Lò sát sinh Hà Nội.
Một đặc biệt duy nhất chỉ có ở phố Lò Đúc là người Pháp đã cho trồng hai bên hè phố những cây Sao đen rất đẹp, cây mọc thẳng có tán lá dầy và cao tới 30 m. Trước khi có chiến tranh phá hoại của Hoa Kỳ hằng năm có rất nhiều đàn cò, vạc về làm tổ tránh rét trên các ngọn cây Sao này. Phân cò, phân vạc từ trên ngọn cây rơi xuống phủ trắng xóa dọc hai bên đường phố Lò Đúc. Không ít người đi trên con phố này đã được hứng trọn cả bãi phân Cò trên đầu, trên vai. Dân Hà Nội thời đó đã gọi phố Lò Đúc bằng một cái tên rất hài hước nhưng cũng rất thân thương: BANG CÒ ỈA.
Bên số lẻ của phố Lò Đúc đoạn từ đầu phố đến Phạm Đình Hổ, ngày xưa có một số ngõ ngách thông được sang cả phố Hàng Chuối.
Góc phố Lò Đúc và Phố Nguyễn Công Trứ thời Pháp có một bệnh viện chuyên khám, chữa bệnh cho chó, mèo là những vật nuôi của các gia đình công chức Pháp và những gia đình giầu có người Việt. Dân Hà Nội cũ gọi chỗ này là Nhà Thương Chó, sau ngày tiếp quản ta lấy làm trụ sở Bộ Lâm nghiệp. Gần đây thấy phá đi để xây thành tòa nhà cao tầng, tôi cũng chưa biết là tòa nhà gì nhưng thấy vẫn bớt lại cái cổng cũ có mái ngói che rất đẹp.(Hình như là trụ sở của Tổng cục Thuế).
Chéo góc với nhà thương chó là nhà máy rượu của hãng rượu Fontaine được xây dựng năm 1898 thời Pháp thuộc trên một khuôn viên rất lớn choán cả hai mặt phố Lò Đúc và Nguyễn Công Trứ, đây là một trong năm nhà máy rượu lớn nhất Đông Dương thời đó. Dân Hà Nội thường gọi địa điểm này là Ngã tư Nhà Rượu.(chính ra tên Ngã tư nhà rượu là để chỉ ngã tư Phố Huế- Tô Hiến Thành- Phố Huế- Nguyễn Công Trứ). Sau tiếp quản, vào năm 1955 Chính phủ ta xây dựng thành nhà máy sản xuất cồn phục vụ cho y tế và quốc phòng. Sau này, đây là văn phòng của Công ty cổ phần Rượu Hà Nội(Halico) mang biển số nhà 94 Lò Đúc.
Phố Lò Đúc còn có một rạp Cinema Me'ling được xây dựng từ thời tạm chiếm của tư nhân ở số nhà 88, sau tiếp quản là rạp chiếu phim của Quốc doanh mang tên Mê Linh nhưng ngày nay cũng cùng chung số phận với nhiều rạp khác ở Hà Nội để biến thành vũ trường hay một loại hình dịch vụ giải trí, ăn chơi nào đó.
Ở ngã năm Lò Đúc, tại số nhà 2, thời Pháp thuộc có một trường tư thục chuyên dạy về Nữ công mang tên Trường Nữ công Gia đình. Sau tiếp quản là trường Vỡ lòng dậy chữ cho trẻ con 5-6 tuổi. Cũng tại địa điểm này thời bao cấp có một hàng chè đỗ đen nổi tiếng Hà Nội về ngon và đông khách.
Phố Lò Đúc có một trường học được xây dựng từ thời Pháp, đến nay vẫn là một cơ sở giáo dục có uy tín mang tên trường Phổ thông cơ sở Lê Ngọc Hân.Sau ngày tiếp quản Thủ đô, gần rạp Mê Linh còn có trường mầm non mang tên Chim Non là một trường nổi tiếng trong khối giáo dục Mầm non của Hà Nội.
Về ẩm thực thì không thể không kể đến một hàng Phở đông khách vào tốp nhất, nhì Hà Nội ở số nhà 13 phố này có tên là Phở Thìn (Đừng nhầm lẫn với thương hiệu Phở Thìn Bờ hồ).Đây là Phở Thìn chỉ chuyên độc một món Phở bò tái lăn dành cho những thực khách ưa thích vị béo ngậy ngọt lịm của nước, vị thơm của tỏi phi và vị thơm của thịt bò bị hơi cháy cạnh do ngọn lửa bùng vào trong chảo lúc đang lăn thịt.
Ở ngõ 190 phố Lò Đúc có một khu tập thể 3 tầng mang tên "Tập thể nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà".Đây là khu tập thể được thiết kế đặc trưng cho chủ nghĩa tập thể thời bao cấp. Nhà ở và công trình phụ không khép kín, 4-5 gia đình sử dụng chung một nhà vệ sinh, một nhà tắm và một nhà bếp. Nước sạch hàng ngày được bơm từ bể ngầm dưới đất lên các bể chứa trên sân thượng sau đó chảy theo đường ống về các phuy chứa nước của các hộ gia đình. Tầng một thiết kế đầy đủ nhà ăn tập thể, câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ và sân chơi.Tuổi thọ của khu tập thể đã trên nửa thế kỷ nên bây giờ xuống cấp trông rất sập xệ và mất vệ sinh, người dân đua nhau cải tạo cho riêng nhà mình theo kiểu tự phát nên rất nguy hiểm. Vì vị trí khu tập thể này thấp hơn mặt phố Lò Đúc nhiều lại nằm sâu trong ngõ bị bao bọc bởi các ngôi nhà mặt phố nên không là vị trí đắc địa, không phải là miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư địa ốc dòm ngó cải tạo.
Phố Lò Đúc còn một địa danh mà nhiều người Hà Nội đã đi xa vẫn còn nhắc đến, đó là Dốc Thọ Lão. Tên gọi là thế vì ở cuối con dốc có một ngôi chùa mang tên Thọ Lão được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Là một cái dốc tương đối cao nối phố Lò Đúc với một khu đất rộng mang trong lòng nhiều dẫy nhà tập thể trong đó có tập thể Nhà máy Rượu và tập thể nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo là lâu đời nhất. Một khu dân cư nghèo sinh sống trong những căn hộ xập xệ, có nhiều chuồng cọp cơi nới bừa bãi treo lơ lửng trên cao. Đường đi trong khu tập thể nhiều ngõ ngách nhỏ có thể thông ra tới hồ chùa Hai Bà và cả khu vực chợ Trời.
Tác giả: Viet Cuong Sarraut
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét