Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn

 


TTO - Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn vừa về nước để làm buổi ra mắt cuốn tuyển tập thơ - họa đầu tiên của bố ông có tên Đặng Đình Hưng - một bến lạ vào tối 20-1 ở Viện Pháp tại Hà Nội. Danh cầm dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện cởi mở.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn - Ảnh: GIA TIẾN

Cuộc trải lòng là những khoảnh khắc xúc động cùng những tiếng cười giòn của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, trong sáng và hào sảng.

"Bố đã đi tong cả đời bố rồi, đời con phải khác"

* Chuyến trở về Việt Nam lần này đối với ông chắc hẳn rất đặc biệt, nhất là sau một năm phải ngồi yên ở Canada?

- Nó rất đặc biệt. Tôi đã đi trên chuyến bay giải cứu công dân về nước. Chuyến trở về này là một cuộc báo hiếu, cả với má và bố tôi. Má tôi tết này đã 104 tuổi ta, như ngọn đèn sắp cạn dầu. Tôi cố gắng về lúc này khi má còn nhận ra mình.

Với bố tôi, tháng 12 vừa rồi là tròn 30 năm ông ra đi. Cho tới lúc này, bố tôi vẫn là một người nghệ sĩ chìm trong bóng tối. Bố mới có hai cuốn thơ in riêng vào đầu những năm 1990, đây là lần đầu tiên ra mắt một cuốn tuyển tập thơ - họa đầy đủ của ông. Tròn 30 năm bố tôi ra đi, cuốn sách ra đời khiến tôi có cảm tưởng như ông được tái sinh.

* 30 năm sau khi bố ra đi ông mới làm tuyển tập có phải là hơi muộn?

- Tôi cũng thận trọng. Ai cũng biết quá khứ của cụ, cái đẹp một phần, nhưng cái số đúng là bi thương cả đời. Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm tốt, vậy mà khi làm cuốn sách này tôi vẫn thận trọng, lo lắng.

Chỉ khi cầm được giấy phép phát hành thì tôi mới thở phào. Có lẽ là vì tôi thừa hưởng ở bố tính đa nghi (cười lớn). Bố tôi đi đứng đàng hoàng oai vệ như một ông quan võ, nhưng bên trong rất nhiều cái sợ. Cái sợ ám ảnh cả đời bố.

Năm 1990, bố mất mà tôi không dám về. Lúc đó tôi biết ông ốm rất nặng, nhưng ông dứt khoát cản tôi về vì sợ tôi về sẽ không đi được nữa. Ông bảo: "Bố đã đi tong cả đời bố rồi, đời con phải khác. Thương nhớ thì ở bên trong!".

Hồi đó giới văn nghệ trong nước nói "Đặng Thái Sơn di tản kiểu mới". Những năm 1990-1992 đất nước mới mở cửa vẫn còn chặt chẽ lắm. Đến năm 1993 thì tôi mới dám về lần đầu, vẫn hãi. Tôi phải lấy cớ về diễn với dàn nhạc và tôi phải lôi một ông chỉ huy nước ngoài sang cùng để có bề gì ông ấy còn "ứng cứu".

Lần đó tôi diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vừa diễn xong, đi ra cánh gà tôi đã thấy đầy nhà báo. Tôi cứ tưởng họ đợi đó để chúc mừng buổi diễn của tôi nhưng không phải, câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: "Hiện nay ông đang mang quốc tịch gì?".

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn - Ảnh 2.

Đặng Thái Sơn với bố và má

Gia đình tôi mang ơn Thủ tướng Phạm Văn Đồng

* Vậy ông đã trả lời thế nào? Lúc đó và bây giờ ông mang quốc tịch gì?

- Tôi trả lời là tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Lúc đó và bây giờ tôi đều mang hai quốc tịch, tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Bây giờ có nhiều người Việt có hai quốc tịch, chứ lúc đó rất hiếm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Tôi mang ơn cụ Đồng từ nhiều thập niên, bắt đầu từ năm 1976 cụ đã giúp khi mà Nhà nước còn băn khoăn có nên cho tôi đi học nhạc bên Liên Xô không. Nhờ cụ mà tôi đã được đi du học. Tôi là con một người thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm đầu tiên được đi du học, từ đó cũng tạo tiền lệ mới trong chính sách.

Rồi sau khi tôi giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ X năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), cụ Đồng lại là người đầu tiên cho phép tôi đi biểu diễn ở các nước, bao gồm cả các nước Tây Âu, mà thời điểm đó chỉ có những cán bộ "chín chắn" lắm mới được đi.

Lúc mới được giải Chopin, tôi nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn nhưng tôi nghĩ đó chỉ là chuyện hoang tưởng, không thể đi được. Đến lúc được bật đèn xanh thì cảm xúc của tôi lạ lắm, cái cảm giác thấy có tương lai. Cả giới văn nghệ sĩ lúc ấy nhìn vào những gì đang xảy ra với tôi mà cùng thấy có một tương lai.

Rồi cũng chính cụ Phạm Văn Đồng quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên cho tôi vào năm 1984, trước sự bàng hoàng của nhiều người. Lúc đó tôi mới 26 tuổi. Tôi nhớ sự kiện này là cú sốc trong dư luận.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

* Hình như Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó còn giúp đỡ gia đình ông cả đời sống vật chất nữa?

- Đó là câu chuyện dài, bắt đầu từ giải Chopin năm 1980. Tôi vẫn nghĩ giải thưởng đó đối với tôi như là định mệnh, nhờ nó mà bố tôi được mổ, sống thêm được 10 năm đủ đầy hơn trước về cả vật chất và tinh thần. Bố tôi được cái hậu vận.

Hồi đó, khi tôi đang đánh chung kết cuộc thi ấy thì ông nhập viện lao vì có u trong phổi. Coi như bố tôi chờ chết thôi. Rồi bất ngờ tôi giành giải nhất. Một số người nghe tin tức từ đài phát thanh nước ngoài đã báo tin cho bố và má tôi sớm.

Báo Nhân Dân đưa tin bài trong ba ngày liên tiếp trên trang nhất. Những bài báo rất chi tiết về tiểu sử, cuộc sống của tôi, đến cả con mèo tam thể trong nhà cũng được nhắc đến trong bài báo, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về bố tôi.

Tôi về nước và được đưa thẳng từ sân bay đến Phủ Thủ tướng. Cụ Đồng ra tận ngoài đưa tôi vào. Trong cuộc gặp, tôi xin hai nguyện vọng: "Cho phép cháu được đưa bố cháu ra nước ngoài chữa bệnh và cho mẹ cháu sang sống cùng với cháu bên Liên Xô".

Cụ Đồng đồng ý luôn nguyện vọng thứ hai, nhưng nguyện vọng thứ nhất thì cụ nói không đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh nhưng sẽ được chữa bệnh ở trong nước với những bác sĩ giỏi nhất bấy giờ. Lập tức bác sĩ mổ phổi số 1 lúc đó là Hoàng Đình Cầu và bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng mổ cho bố tôi.

Cụ Đồng còn giúp tôi, mà thực ra là giúp cho bố tôi, một căn hộ nữa. Lúc đó ông đang sống tại một căn gác lửng chật chội ở cầu thang một căn hộ phố Triệu Việt Vương, các ông nhìn vào chắc thấy cũng chướng nên ngay ngày hôm sau tôi về nước thì có người mang chìa khóa một căn hộ lắp ghép ở tập thể Giảng Võ đưa cho tôi. Nhờ thế mà bố tôi được sống 10 năm cuối đời tương đối thoải mái.

Kể những chuyện này để hiểu bối cảnh mà những vần thơ, bức họa rất mới mẻ ra đời trong thời đại của bố tôi rất khó khăn, nhưng tôi không bao giờ nhìn một cách đen tối. Đó chỉ là thời kỳ quá độ. Và ngay cả trong thời kỳ kham khổ ấy thì cũng vẫn có rất nhiều những ân tình đẹp đẽ.

Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, nhiều người bắt đầu lảng dần với bố tôi nhưng cũng có những người vẫn giữ quan hệ với ông, không chỉ nhóm bạn chí cốt cùng hoạn nạn như Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần... mà cả những bạn văn nghệ vốn đang có chức vị to lúc bấy giờ như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Văn Ký, nhà văn Tô Hoài hay nhạc sĩ Lê Yên. Họ vẫn qua lại thân tình và giúp đỡ bố tôi như bạn bè chí cốt.

* Vậy cũng có thể coi ông đã báo hiếu được cho bố mình?

- Nên tôi mới nói giải thưởng Chopin của tôi lúc đó như là một định mệnh. Và lần này thì ra được cuốn sách cho bố tôi. Ở đâu đó bây giờ chắc bố tôi thấy và mỉm cười. Bố tôi không ham giải thưởng, tôi biết bố tôi thích gì, ngay cả nấm mộ của bố tôi cũng nhỏ bé giản dị.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn - Ảnh 4.

Đặng Thái Sơn và mẹ - nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên - Ảnh: NVCC

Tôi cô đơn toàn phần

* Ông có thể chia sẻ thêm về gia đình bên ngoại của ông, một gia đình từng rất lừng lẫy ở Sài Gòn?

- Ông ngoại tôi là người Việt đầu tiên có bằng kỹ sư ở Pháp. Gia đình của ông ngoại tôi có quốc tịch Pháp. Má và dì tôi là hai người Việt Nam đầu tiên học piano chuyên nghiệp. Tôi không phải là người biểu diễn concert piano quốc tế đầu tiên mà là dì tôi. Dì tôi học âm nhạc ở Paris và những năm 1950 đã đi biểu diễn ở rất nhiều nước, cũng sáng tác âm nhạc nữa. Cho nên tôi mới có dịp tiếp xúc với cây đàn từ rất sớm.

Má tôi và anh trai của má là bác Thái Văn Lung theo Việt Minh. Một ông cậu của tôi thì lại chết trong một trại tập trung thời Đại chiến thế giới thứ 2 vì là sinh viên ở Pháp tham gia chống phát xít.

* Giữa bố và má thì ai là người ảnh hưởng nhiều hơn đến con đường âm nhạc của ông?

- Má tôi trao cho tôi nghề chơi đàn và nuôi tôi, chuyện tài chính là má tôi lo hết từ lúc tôi sinh ra. Lại nói chuyện tài chính, tôi nghĩ nếu là một người phụ nữ khác thì má tôi đã phải lu loa rằng chồng tôi không ra làm sao, nát rượu, không nuôi vợ con.

Nhưng má tôi không nói một câu nào. Sau này lớn lên tôi mới cảm nhận được sự bao dung và hiểu biết của má dành cho bố.

Bố tôi không nuôi được tôi, không truyền nghề chơi đàn cho tôi như má nhưng bố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách cũng như tư tưởng nghệ thuật của tôi. Về mặt con người, cái tâm là bố dạy cho tôi. Có những bài học của ông theo tôi suốt cuộc đời. Ví dụ như ông dặn tôi: "Nghiệp của con là nghiệp đánh đàn, không dính đến chính trị" thì tôi vâng lời bố cả đời.

Bố tôi còn cho tôi thẩm mỹ trong âm nhạc, đó là sự mộc mạc giản dị đi thẳng vào vấn đề, không hoa hòe hoa sói, là tính biểu hiện. Điều này có rất nhiều trong thơ của ông và âm nhạc của tôi cũng vậy.

* Điều gì đã kết thành một Đặng Thái Sơn khiến cả thế giới phải kinh ngạc về tài năng biểu diễn âm nhạc nảy nở trong một hoàn cảnh ngặt nghèo thời đó như vậy, theo ông?

- Nghệ thuật mà cứ êm đẹp thì lại không thành công, nó cứ phải gai góc, gập ghềnh. Tôi sống trong một gia đình không phải là hạnh phúc vẹn tròn, bố tôi và má tôi là rổ rá cạp lại...

Nhưng ông trời bao giờ cũng rất công bằng, nếu cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng thì nghệ thuật nhạt. Mấy ông nhạc sĩ thiên tài như Beethoven, Chopin... có ai tròn trịa đâu, chủ đề cô đơn khủng khiếp bao phủ âm nhạc của họ. Như bố tôi bảo sự cô đơn phải toàn phần thì mới sinh năng lượng, cô đơn cho người ta sự tập trung làm một điều gì đấy.

* "Ông trời" cho ông một sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ ở tầm thế giới, vậy "ông ấy" đã lấy đi của ông thứ gì?

- Cái giá đầu tiên phải trả với tôi có lẽ là sự đau khổ của bố tôi. Ngày tôi mang giải Chopin về, tôi lao vào ôm ông khi ông đang gần chết vì ốm mà không được chữa bệnh. 10 năm sau thì tôi không thể về khi bố tôi mất.

Cái giá thứ hai có lẽ là sự cô đơn toàn phần. Nhưng khổ nỗi là tôi lại không hề đau khổ, dằn vặt, tìm cách trốn thoát khỏi hoàn cảnh ấy. Mọi người chắc rất khó chịu nếu phải đưa đi cách ly hai tuần khi nhập cảnh về nước vừa qua, nhưng tôi lại thấy cực kỳ sung sướng.

Tôi chỉ cần có cây đàn bên cạnh, và WiFi nữa, chứ bây giờ mà không có WiFi thì chết đấy nhở (cười lớn), và đều được đáp ứng. Ở khách sạn cách ly, tôi được ưu ái cho lên tầng trên cùng, một phòng rộng rãi, có bancông, với hai cây đàn cho ban ngày và ban đêm. Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần mỗi cây đàn.

dangthaison

NSND Đặng Thái Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, tại Hà Nội. Bố mẹ ông là nhà thơ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên, kết duyên từ chiến khu Việt Bắc. Với huy chương vàng - giải nhất cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin tại Warszawa, Ba Lan năm 1980, Đặng Thái Sơn trở thành người châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu này.

Đặng Thái Sơn đã trình diễn tại hơn 40 nước của châu Âu, Á, Mỹ, Úc, với hàng trăm dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhất; Bộ Văn hóa Ba Lan tặng huy chương vàng Công huân về văn hóa năm 2018. Đặng Thái Sơn hiện sống tại Montreal, Canada.

Ngày 20-1, Đặng Thái Sơn là diễn giả và nghệ sĩ trình diễn trong buổi ra mắt cuốn tuyển tập thơ họa Đặng Đình Hưng - một bến lạ của bố ông ở Viện Pháp tại Hà Nội, cùng với các khách mời: nhà thơ Hoàng Hưng, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (ba người tham gia làm cuốn sách trên) và hai nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thị Thúy Hạnh.

dangthaison-giatien03

NSND Đặng Thái Sơn - Ảnh: GIA TIẾN

Tôi lựa chọn tự do sống theo cách của mình

* Thành danh vang dội ai cũng biết, hạnh phúc với cây đàn ai cũng biết, song liệu ông - một người nghệ sĩ - có đau khổ nào không?

- Đau khổ thì tôi giữ riêng cho mình. Có những thứ tôi giữ cho tôi, tôi không chia sẻ với ai. Nếu tôi mà là kẻ hám danh vọng thì năm 1980 khi được giải Chopin, tôi nhảy sang các nước bên Tây Âu luôn thì tôi sẽ lên ầm ầm. Nhưng không, tôi không chọn con đường ấy. Tôi không vì ích kỷ cá nhân mà bán những giá trị của mình.

Tôi đã lựa chọn vẫn tự do sống theo cách của mình nhưng không được ảnh hưởng đến ai. Tôi là kiểu người không thích xung đột, chiến tranh. Nếu tôi làm cú sốc trên thì có thể rất tốt cho sự nghiệp của tôi nhưng nó không những ảnh hưởng đến gia đình, đến bố tôi, mà thậm chí tôi thấy nó như là một sự phản bội đất nước. Tôi không bao giờ làm thế.


TheoTuoitre

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.