Nàng Công chúa Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản
Trong thời gian sinh sống tại Nhật Bản cùng chồng, bà tích cực thúc đẩy mối giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Công nữ Ngọc Hoa tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, không một tài liệu lịch sử nào ghi lại năm sinh của Công nữ Ngọc Hoa.
Theo một tài liệu lịch sử ở Việt Nam và những câu chuyện còn đang được lưu truyền ở Nhật Bản, Công nữ Ngọc Hoa là con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, sau được gả cho một doanh nhân người Nhật, Araki Sotaro, đến Việt Nam buôn bán. Câu chuyện giữa Công nữ Ngọc Hoa và chồng đã trở thành một giai thoại phổ biến ở tỉnh Nagasaki, Nhật Bản.
Trong khi đó, Araki Sotaro vốn là một samurai (Võ sĩ đạo) nhưng về sau đã rẽ hướng sang nghề buôn. Đầu thế kỷ 17, ông dẫn đầu đoàn thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam giao dịch. Araki Sotaro lúc đấy lấy tên Việt là Nguyễn Thái Lang.
Năm 1619, Araki Sotaro gặp Công nữ Ngọc Hoa, con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cả hai nhanh chóng phải lòng nhau. Một thời gian sau, chúa Sãi gả Công nữ Ngọc Hoa cho Araki Sotaro.
Năm 1620, Araki Sotaro đưa vợ mới cưới về quê nhà Nhật Bản. Công nữ Ngọc Hoa được người dân địa phương chào đón nồng nhiệt bởi sự xinh đẹp hơn người và tính tình hiền lành, hòa thuận. Cuộc đón tiếp long trọng đã được tổ chức dành riêng cho cô dâu có thân phận cao quý từ một đất nước xa xôi.
Lễ hội Okunchi tái hiện khung cảnh đón tiếp nàng dâu Việt đầu tiên ở Nhật Bản.
Ngoài cái tên Wakaku hay Wakakutome, Công nữ Ngọc Hoa còn được mọi người gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san. Ngoài ra, do thân phận cao quý, bà còn được gọi một cách trang trọng là Anio-hime (Hime nghĩa là Công chúa). Công nữ Ngọc Hoa được ban pháp danh Diệu Tâm.
Không những xinh đẹp, hội tụ đủ công dung ngôn hạnh mà Công nữ Ngọc Hoa còn hòa thuận và giúp đỡ người xung quanh. Bà cũng thường xuyên đứng ra giải quyết những khó khăn cho người dân địa phương khi giao dịch với Việt Nam. Chính vì thế, người dân Nhật Bản rất yêu mến và kính trọng bà.
Khi vừa về Nhật Bản, Araki Sotaro đã mở một trung tâm thương mại tại nơi sinh sống, ông và Công nữ Ngọc Hoa đã cùng nhau điều hành nơi này. 15 năm sau, Araki Sotaro qua đời, Công nữ Ngọc Hoa vẫn tiếp tục đảm nhận công việc sổ sách ở cơ sở kinh doanh của chồng. Thời gian sau đó, bà tích cực thúc đẩy mối quan hệ buôn bán giữa Nhật Bản và triều đình nhà Nguyễn.
Công nữ Ngọc Hoa có một người con gái duy nhất. Từ khi lấy chồng và định cư tại Nhật Bản, bà chưa bao giờ đặt chân về Việt Nam. Thậm chí khi chồng trở lại Quảng Nam (Việt Nam) vào năm 1622, Công nữ Ngọc Hoa cũng không đi cùng.
Công nữ Ngọc Hoa sống tại Nhật Bản được 26 năm, qua đời năm 1645 trong ngày giỗ thứ 10 của chồng. Bà an nghỉ tại chùa Daionji (Đại Âm Tự), tỉnh Nagasaki. Hiện tại, chính quyền Nhật Bản đã cho dựng bảng tiểu sử ngắn gọn của Araki Sotari và Công nữ Ngọc Hoa trước khu nghĩa trang của chùa Daionji.
Khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bị gián đoạn suốt một thời gian dài sau đó. Rất nhiều người cho rằng, chính Công nữ Ngọc Hoa đã giúp văn hóa Việt Nam ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Nagasaki.
Công nữ Ngọc Hoa được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nhật. Ngày 13/2/2004, chính quyền Việt Nam đã đặt tên một con đường ở phố cổ Hội An theo tên của Công nữ Ngọc Hoa. Tại tỉnh Nagasaki, Nhật Bản vẫn diễn ra lễ hội Okunchi tái hiện lại hình ảnh đón tiếp cô dâu Việt đầu thế kỷ 17, kéo dài từ ngày 7 đến 9/10 hằng năm.
Nguồn: MLIT of Japan(TheoToquoc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét