Chỉ có ở Bolsa! (Little Saigon )

6:56:00 SA


Khu mua sắm Phước Lộc Thọ - một biểu tượng của Bolsa 
Bài và ảnh: CAO TRÍ
Bolsa không chỉ là tên một con đường, chính xác hơn là Bolsa Avenue – Đại lộ Bolsa, mà là một “biểu tượng” của cộng đồng người Việt ở Quận Cam thuộc Nam California. Chạy dọc Bolsa cũng na ná như lang thang ngắm đường Lê Lợi hay Nguyễn Huệ ở Sài Gòn. Các bảng hiệu gần như toàn bằng tiếng Việt, từ “dạy kèm tại gia” đến “nhập tịch Mỹ không cần kết hôn”. Không hổ danh là “thủ đô của người Việt tỵ nạn”, Bolsa là văn hóa, Bolsa là ẩm thực, Bolsa là chính trị nữa. Biểu tình là phải ra Bolsa nghen! 
Có một “tổng kết” như vầy về Bolsa. Không biết ai là tác giả nhưng lâu nay nó lan truyền trên mạng: 
CHỈ CÓ Ở BOLSA: Các hãng xe Nhật khi bán xe cho người Việt có thể bớt $1,000 để khỏi gắn đèn signal vì người Việt lái xe khu Bolsa không bao giờ xài signal khi quẹo hoặc đổi lane. Đậu xe chờ đèn xanh còn ngồi móc mũi búng ra ngoài cửa sổ!
CHỈ CÓ Ở BOLSA: Thợ nail, thợ tóc người Việt khu Bolsa: mặc quần jean Li Vài (Levis), mang bóp ví Eo Vì (LV), đeo mắt kiếng Gu Chì (Gucci), chơi dây nịt Ác Ma Nì (Armani), lái xe Mẹt Xi Đì (Mercedes), trong xe có mấy thùng Mì, mặt nhìn thấy Lì Lì… 
CHỈ CÓ Ở BOLSA: Ly dị ĐƠN GIẢN giá $399.00; Khai phá sản DỄ DÀNG giá $299.00. 
CHỈ CÓ Ở BOLSA: Bolsa là trung tâm thần dược của thế giới. Cứ vài ngày là mấy đài tivi hoặc radio quảng cáo một loại thần dược mới trị tất cả bệnh nan y mà nhà thương Mỹ còn bó tay lắc đầu.
CHỈ CÓ Ở BOLSA: Các loại thuốc bổ dược thảo bán ở Bolsa mang các con số cho dễ nhớ vì “nạn nhân” là người già cả, đầu óc lộn tùng phèo nhớ trước quên sau. Ví dụ chai số 39 trị cao máu, chai số 40 trị cao đường…

Bolsa đâu chỉ có vậy. Bolsa “cái gì” cũng có. Muốn ăn món Việt, phải “về” Bolsa. Bún mắm, cháo lòng, bún riêu, bún bò, lẩu dê, tiết canh lòng lợn, hột vịt lộn… Có hết! “Cho xin cục huyết đi chị”. Có luôn. “Về” Bolsa chỉ để ăn cho đã thèm là… “khao khát” và “nguyện vọng” có thực của nhiều người Việt sống khắp nước Mỹ. Từ sáng sớm trời còn giăng giăng sương mù che kín đường đi lối về, chuỗi tiệm “Bánh mì và chè Cali” đã mở cửa hân hạnh đón chào quý khách. Bánh mì bì, bánh mì chả lụa, bánh mì thịt nướng, bánh mì chà bông, bánh mì gà, bánh mì xíu mại, bánh mì pate, bánh mì chay… Có hết. Bánh bò, bánh tiêu, bánh ít, bánh ú, bánh bao chỉ, bánh chưng, bánh trung thu, bánh giò nóng hổi vừa thổi vừa ăn… Có luôn! Thèm gì cũng có. Mà họ bán quanh năm suốt tháng nha. 
“Góc phố” Bolsa cũng y như “góc phố” Sài Gòn. Các quán café cũng mù mịt “khói huyền bay lên cao”. “Không khí chém gió” y như Sài Gòn. Ta nói, chém bạo luôn! Chém như thiệt. Chém mọi thứ! Ngày nào cũng thế. Rất Bolsa! Oh yeah, Bolsa mà… Khi một địa danh trở thành một “tính từ” thì bạn có thể hình dung nó chứa nhiều điều như thế nào. 
Bolsa có khu Phước Lộc Thọ, có tượng Đức Thánh Trần, có đường Sài Gòn, đại lộ Trần Hưng Đạo… Bolsa cũng là nơi duy nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung – tức là “chấp luôn” toàn bộ cộng đồng người Việt ở mọi nơi thế giới – có đủ dịch vụ đáp ứng mọi thứ cho sinh hoạt cộng đồng, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có, từ gia hạn visa, bán vé máy bay, đến “xóa tích kịt” (ticket, vé phạt vi phạm giao thông). Chưa kể nhiều thứ trời ơi đất hỡi khác. Một bảng quảng cáo có ghi vầy nè: “Bẩm sinh siêu linh. Tiên tri tối cao huyền bí. Nhìn xuyên hồn người. Được công nhận bởi Hội đoàn tiên tri toàn quốc và Hội đoàn luật sư tiểu bang. (Đây là) Bà LS Elisa đến với khu Bolsa! Cơ hội khởi đầu giới thiệu đặc biệt: $10 cho một câu hỏi thắc mắc (thời vận, tình yêu, gia đạo, sự nghiệp, tiền bạc)…”. Tương tự các quảng cáo thảo dược, những người như bà “Elisa” này cũng “câu” dính không ít nạn nhân. Lạ thiệt ha. This is Bolsa, man!

Bolsa rất… người! Mà là người thì có tính tốt lẫn tật xấu. Giành nhau parking. Xả rác bừa bãi. Leo rào hái trộm. Đụng xe chạy luôn, no sorry, đường tui, tui đi… Lái xe hút thuốc gạt tàn ra cửa sổ là chuyện nhỏ. Còn búng luôn tàn thuốc cái vèo mới ghê. Một người quen kể, bữa hổm “xui quá, búng tàn trúng ai không trúng lại trúng ngay chóc một ông cảnh sát Mỹ”! Hey man, what the hell are you doing? Chơi gì kỳ vậy ông nội! Dĩ nhiên những vụ như thế này không thể sorry là ok. Còn việc chen nhau, miễn sorry, khi giành chỗ xếp hàng, là bình thường. Không chỉ những việc vặt vãnh ấy, còn có các vụ lừa tình lừa tiền chao đảo bao nhiêu cuộc đời oan mạng đầy những tình tiết éo le nghe ngoạn mục như trên phim ảnh. Lạng quạng khờ khờ chết ráng chịu, than thở gì. 
Tuy nhiên, bất luận thế nào, những chuyện kỳ cục, dù nghe hàng ngày, thấy thường xuyên, không phải “hình ảnh tượng trưng” của Bolsa. Xem một video thấy cảnh một người ở Sài Gòn ném rác xuống sông và lập tức kết luận “dân Sài Gòn” sống lôi thôi quá thì đâu có đúng. Tương tự, cũng khoan vội nói Bolsa “gì mà ghê vậy”. “Tỷ lệ” các vụ “búng thuốc cái vèo” hoặc “giành parking cái ào” là rất thấp. Cái xấu đang tồn tại là có nhưng nếu nhìn kỹ thì nó là cái xấu cá nhân chứ chưa phải là “điểm chung” của tập thể và cộng đồng. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Cộng đồng người Mễ, cộng đồng người Hàn, cộng đồng người Hoa, có cộng đồng nào không có người xấu? Dù vậy, không ít người Việt Bolsa và thậm chí người Việt ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ cũng bắt đầu lo, rằng nếu không lên tiếng, không phản ứng… thì e rằng cái xấu sẽ phát triển và mang lại những ảnh hưởng tệ hại hơn cho cộng đồng. 

Có nhiều cái hay của Bolsa cần được ghi nhận. Có lẽ không cộng đồng người Việt hải ngoại nào trên thế giới luôn ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống bằng Bolsa. Đến tận giờ, các lớp dạy tiếng Việt – có đủ bộ sách giáo khoa từ lớp một đến 12, được nhiều thế hệ giáo chức người Việt biên soạn – vẫn tiếp tục duy trì, để dạy tụi “con nít Mỹ hóa” tiếng mẹ đẻ thật sự của chúng. Nghe mấy đứa nhỏ này nói tiếng Việt không thể không có cảm giác xúc động. Nhiều gia đình thậm chí vẫn áp dụng “quy định” nói tiếng Việt trong nhà đối với con cái họ. “Không có “ok, dad” mà phải “dạ, thưa ba” nghen mậy”. “Không có “hello” mà phải “dạ, chào bác” khi gặp người lớn nha”. Mỗi dịp Tết, từ hàng chục năm nay, Hội chợ Tết Sinh Viên luôn được tổ chức gần như không khác gì ở Việt Nam. Tại đó, có thể thấy mô hình đình, chùa, bụi chuối, bờ tre, giếng nước, đụn rơm, ao làng, câu đối… Rồi những thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, hát “Cái trống cơm” sau khi ra hiệu với nhau, “Hey, let’s begin; it’s showtime!”…
Phải thấy những cảnh đó mới thấy cái hồn Việt Nam của người Việt hải ngoại nói chung và người Việt Bolsa nói riêng vẫn được ý thức lưu giữ như thế nào. Và vài trong số hình ảnh này, chắc chắn, chỉ có ở Bolsa!--
TÔN ÁI NHÂN

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.