Câu chuyện xứ người : NGỤC TÙ
Minh Sư nói với đệ tử: "Con quá tự hào về trí thông minh của con. Con chẳng khác nào một tù nhân hãnh diện về chiều rộng của xà lim nhốt mình.”
Học tập, nghiên cứu thường cung cấp cho chúng ta cả kho kiến thức, và chính kho kiến thức này dễ trở thành bức tường kiên cố của nhà tù mà chính chúng ta vô tình tự giam hãm mình.
Điều đáng tiếc là chúng ta vẫn cầm nơi tay Chìa Khoá Ánh Mắt Tâm Linh, nhưng chẳng ai tự mở cửa để được tự do! - Anthony de Mello---
Trong bữa tối với những người bạn ở Thung lũng Silicon, bạn tôi Vikash nói: “Phần lớn công ty khởi nghiệp công nghệ ở đây được tạo nên bởi các kỹ sư Ấn Độ.”
Bốn mươi năm trước, khi những người di cư Ấn Độ bắt đầu tới Mỹ, họ không bao giờ nghĩ mình có thể thành công như người đi trước - Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng trong hai mươi năm qua, rất nhiều người Ấn Độ đã làm việc và thành công ở đây hơn những nhóm người di cư khác. Chẳng hạn, Sundar Pichai - CEO của Google, Satya Nadella - CEO của Microsoft, Santana Narayen - CEO của Adobe, và nhiều nghìn người nắm những vị trí quản lý cấp cao. "Chúng tôi thậm chí còn vươn tới các ngành công nghiệp khác, các bạn có thể thấy Indira Nooyi - CEO của Pepsi Cola, Vikram Pandit - CEO của Citi group, và nhiều người nữa", Vikash tiếp.
Tôi ngạc nhiên: "Đó là thông tin thú vị đây, nhưng tôi tự hỏi cái gì đã xảy ra cho những nhóm khác như người Trung Quốc và Nhật Bản?". Vikash giải thích, rằng phần lớn người di cư Trung Quốc đều hội tụ vào kinh doanh nhỏ, như thương mại, nhập khẩu, xuất khẩu hay nhà hàng; đa số người Nhật Bản đã quan tâm tới việc làm trong chính phủ, nhưng ít người chú ý tới khu vực công nghệ. Người Ấn Độ nắm lấy cơ hội này và trở nên thành công nhất trong số những người di cư trong công nghiệp công nghệ.
Vikash lý giải tiếp cho câu hỏi tại sao sau đó của tôi. Một trong những thành công then chốt của người Ấn là họ có nhiều thông tin về thị trường việc làm. Chẳng hạn, phần lớn người di cư Trung Quốc đều lấy thông tin từ gia đình và họ hàng. Truyền thống gia đình vẫn ảnh hưởng tới quyết định của họ. Nếu bố mẹ sở hữu nhà hàng, con cái đi theo bằng việc mở nhà hàng. Còn người Ấn đều đi theo cái mới một cách cẩn thận.
Họ đọc nhiều về thị trường việc làm và xu hướng xã hội, và họ chia sẻ thông tin về công nghệ và cơ hội việc làm rộng rãi bằng hàng nghìn blogs, tài khoản mạng xã hội.
Khi thị trường công nghệ Mỹ đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt, nhiều người Ấn biết điều đó, nhanh chóng để học những kỹ năng này. Mơ ước của thanh niên Ấn Độ là thoát khỏi nghèo nàn bằng cách làm việc ở Mỹ. Và việc thiếu hụt kỹ năng ở Mỹ mở ra cánh cửa cho họ.
Ramesh, một người bạn khác, nói thêm: "Một trong những ưu thế là chúng tôi nói tiếng Anh rất tốt khi so sánh với những người di cư khác". Vì ưu thế này, sinh viên Ấn Độ học tốt ở đại học cũng như làm tốt ở công ty vì có kỹ năng giao tiếp. Nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy người Ấn không chỉ thành công ở Mỹ mà còn ở các nước khác như Singapore, Anh, Đức, Australia, và Scandinavia.
Tôi không chịu: "Nhưng ngày nay nhiều người Trung Quốc và người Nhật Bản cũng nói tiếng Anh tốt nữa. Cái gì ngăn cản họ đạt tới thành công mà người Ấn có được?".
Vikash trả lời ngay: "Đó là khía cạnh văn hoá. Bởi lý do nào đó, nhiều người không chia sẻ thông tin với người khác mà giữ nó cho bản thân họ. Chẳng hạn, khi Google đi tìm những kỹ năng nào đó, trong vòng vài phút, phần lớn các blogs và trang Facebook ở Ấn Độ đều đăng tin này nhưng anh không thấy điều đó ở các nước khác."
Có nhiều blogs cung cấp lời khuyên và hỗ trợ kỹ năng trên khắp Ấn Độ. Những người khác nắm bắt và tìm cách đáp ứng. "Chúng tôi tin cách tốt nhất để khuyến khích thanh niên học là cung cấp nhiều thông tin hơn, nhiều tin tức công nghệ hơn về các cơ hội việc làm và điều công nghiệp cần - không chỉ ở Mỹ mà mọi nơi khác", Vikash nói.
Như lời anh nói, ngày nay Internet là công cụ mạnh kết nối những người Ấn Độ làm việc ở hải ngoại và sống ở nước nhà. Ta có thể thấy rằng ở bất kỳ nước nào có ông nghiệp công nghệ mạnh sẽ có các kĩ sư Ấn Độ ở đó. Anh tiếp: "Công nghệ càng tiến bộ, càng tốt hơn cho người Ấn vì tất cả chúng tôi đều biết cách nắm lấy cơ hội để tạo ra việc sống trong thế kỉ 21."
Báo cáo Công nghiệp năm 2019 toàn cầu dùng từ "nóng" cho thị trường kỹ sư phần mềm ở Mỹ do thiếu hụt người có kỹ năng và cạnh tranh trong các công ty hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft và Apple. 5 năm qua, số sinh viên ghi danh vào ngành Khoa học máy tính, Kỹ nghệ phần mềm đã tăng trên 30% nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Điều được dự báo là việc thiếu hụt này sẽ tiếp tục trong ít nhất 7 năm nữa.
Phải học cái gì để có nghề nghiệp thành công trong một thế giới nơi công nghệ đang dẫn lái mọi thứ? Điều gì xảy ra nếu tôi không thể vào được đại học? Cách tốt
nhất là gì để sống còn trong thị trường thay đổi thường xuyên này? Đó là những câu hỏi tôi đã nhận được mọi tuần từ nhiều người trên khắp thế giới kể từ khi blog của tôi được dịch sang nhiều thứ tiếng. Nhiều bố mẹ đã hỏi tôi: "Thầy sẽ khuyên con tôi học khoa học máy tính hay công nghệ thông tin chứ? Thầy sẽ khuyên chúng vào đại học nào đó như thầy đã vào chứ?". Câu trả lời của tôi là: "Điều đó phải tuỳ vào con bạn sau khi chúng nghiên cứu về trường và môn học chúng muốn."
Phần lớn các bố mẹ đều muốn con họ vào đại học và có bằng cấp. Nhưng đại học không dành cho mọi người, một số người sẽ học tốt nhưng những người khác có thể không học tốt và bị phí thời gian ở đó. Ngày nay, bằng cấp không đảm bảo cái gì nhưng nhiều bố mẹ vẫn muốn con họ vào đại học vì đó là niềm tự hào của gia đình và là một phần của văn hoá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, có nhiều phương án khác như trường trực tuyến, các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs) và các chương trình đào tạo được thiết kế cho một lĩnh vực đặc thù nhưng giúp người học phát triển những kỹ năng cần thiết để họ có việc làm tốt. Phần lớn các môn học trực tuyến tại edX, Coursera, Udemy đều hội tụ vào kết quả vì chúng ngắn và thực tế. Và phần lớn các môn học trực tuyến trên mạng mở cho bất kỳ ai, không tính tiền (nếu bạn cần chứng chỉ thì mới phải nộp 20 tới 50 USD). Nhưng bằng việc đi qua các môn này, người học sẽ có kết quả ngay lập tức và hiểu ra điều họ muốn và có thể không muốn. Tôi cho rằng, rất đáng dành ra vài tháng học các môn này trước khi quyết định rằng vào đại học có thể tốt hơn cho bạn hay không.
Người học ngày nay cần chủ động hơn vì học để thành người độc lập và để xác định tương lai, điều mình muốn làm với cuộc đời, để nhận biết bản thân cũng như thị trường việc làm. Người có giáo dục không phải là người có tri thức chuyên môn hay bằng cấp mà là người hiểu biết bản thân mình và phát triển một tâm trí mạnh để có thể học bất kỳ cái gì muốn học. Người có giáo dục cũng thường đọc nhiều sách hữu dụng để giáo dục bản thân mình vì việc đọc có thể ảnh hưởng tới tâm trí và thái độ của họ trong cuộc sống. Vấn đề là ngày nay, nhiều người không đọc gì thêm mà để các phương tiện khác kiểm soát họ. Xem thụ động video trên YouTube, đọc mọi thứ trên Facebook, Twitter có thể làm lãng phí nhiều thời gian.
Hiện tượng người Ấn Độ thành công ở Thung lũng Silicon cho thấy, trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, có kỹ năng tốt là chưa đủ. Bạn phải có tính dự ứng bằng việc liên tục chia sẻ, tìm hiểu và tự học nếu bạn muốn giữ việc làm tốt.
Giáo dục chính thức (tại trường học) kết thúc và bạn có bằng cấp. Nhưng nó chỉ là bắt đầu. Bạn phải liên tục tự học khi mọi thứ thay đổi quá nhanh, bạn cần giữ cho mình bắt kịp thế giới và sẽ được đánh giá bởi điều bạn biết. Khi ở trong trường, bạn dành vài tuần để học trước kỳ thi và đỗ nó, quan trọng để được điểm tốt và bằng cấp. Nhưng sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ khám phá ra rằng "giáo dục thực" bắt đầu sau giáo
dục chính thức khi bạn học về việc làm, về trách nhiệm, về tương tác với người khác và các kỹ năng mềm mà bạn đã không được học trong trường. Khi đó, bạn bắt đầu cuộc sống độc lập riêng của bạn. Không có điểm số, không bằng cấp, không đánh giá, không đỗ hay trượt nhưng bạn phải tạo ra quy tắc riêng của bạn, việc học riêng của bạn, và cuộc sống riêng của bạn.
Bạn sống thế nào, bạn làm việc thế nào, bạn phản ứng thế nào, bạn hỗ trợ gia đình, xã hội và bạn giáo dục bản thân thế nào để đối diện với "cuộc sống thực" - điều đó sẽ định vị hạnh phúc và thành công của bạn.
John Vũ
Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong, là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới (mà đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs).
Ông chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng Hành trình về Phương Đông, 1 trong những tác phẩm hay nhất về phương Đông từ trước đến nay. Giáo sư John Vũ cũng là một người rất quan tâm đến khoa học công nghệ, với trên 10.000 bài viết đã được đăng trên blog Science Tecnology.]
Theo Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét