Tại Anh, những nơi được gọi là "trang trại" cần sa thực chất là những cơ sở nhỏ, nằm trong những ngôi nhà bình thường trong thành phố hoặc các khu nhà bỏ hoang ở vùng ngoại ô. Thông thường, tại những cơ sở nhỏ như ngôi nhà trong bức ảnh trên chỉ có khoảng 1-2 người coi sóc (họ còn được biết đến với biệt danh là "gardener - người làm vườn") Ảnh: Carl Eve
Ví dụ, tại cơ sở từng được sử dụng làm trung tâm giải trí ở Newport, Gwent, trong tấm ảnh trên có thể trồng đến 4.000 cây cần sa. Ảnh: Wales News Service
Những hầm trú bom hạt nhân lớn như trong bức ảnh này cũng được các băng đảng tại Anh tận dụng làm trang trại cần sa. Những "người làm vườn" gần như bị giam lỏng trong các cơ sở này (một hình thức nô lệ thời hiện đại), và chỉ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài khi nhận đồ ăn hoặc chỉ thị từ các băng đảng sở hữu "trang trại".
Lối vào một trang trại cần sa nằm trong một hầm trú bom hạt nhân ở Wiltshire, Anh. Ước tính 1.000 cây cần sa có thể tạo ra nguồn lợi nhuận lên đến 622.000 USD. Nhiều người nhập cư trái phép, trong đó có người Việt Nam, đã bị các đường dây buôn người lừa bán vào các trang trại cần sa này. Ảnh: David Levene/The Guardian
Theo số liệu năm 2012 của tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Ecpat UK, có đến 96% nạn nhân bị lừa bán vào các trang trại cần sa tại Anh là người Việt Nam, trong đó có đến 81% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Ảnh: Solent News
"Ngành công nghiệp" cần sa tại Anh sử dụng rất nhiều lao động trẻ em và trẻ vị thành niên. Các em bị chủ đe dọa, đánh đập nhẫn tâm và phải làm việc ngày đêm khi bị "giam lỏng" tại các trang trại cần sa. Ảnh: Shutterstock
Những căn nhà bình thường được các băng đảng sửa chữa lại và trang bị các hệ thống chiếu sáng, thông gió và tưới nước. Trong ảnh trên là đường ống thông gió được chủ trang trại cần sa sửa lại từ ống lò sưởi. Ảnh: Penny Cross/Northcliffe Media Ltd/Plymouth Herald
Theo một bài viết được đăng tải năm 2017 của Daily Mail, mỗi ngày cảnh sát Anh lại phát hiện thêm 20 trang trại cần sa mới trên toàn quốc, và phần lớn trường hợp có liên quan tới trẻ vị thành niên Việt Nam. Ảnh: Solent News
Theo số liệu của Đơn vị Giám sát Ma túy Độc lập năm 2017, có từ 1,7-3,6 triệu người sử dụng cần sa ở Anh. Những người này tiêu thụ từ 620 đến 1.400 tấn mỗi năm, tương đương giá trị thị trường ước tính từ 2,9 tỷ đến 8,6 tỷ bảng Anh. Ảnh: Shutterstock
Trong những năm gần đây, các băng nhóm trồng cần sa ở Anh có xu hướng tìm đến những căn nhà bình thường ở vùng ngoại ô, thay vì hoạt động trong các cơ sở lớn như nhà kho. Điều này giúp chúng giảm thiểu thiệt hại sau những cuộc đột kích của cảnh sát, do các cơ sở khác trong cùng đường dây vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều kiện sống ở những nơi này không được đảm bảo. Ảnh: Solent News.
Philippa Southwell, một luật sư tại London thường xuyên giúp đỡ các trường hợp trẻ vị thành niên bị lừa bán vào các trang trại cần sa ở Anh, cho biết: "Khi những trẻ vị thành niên nhập cư trái phép được đưa tới Anh theo 'đường dây', các em thường trở thành tù nhân của những nhóm buôn người, và bị bắt làm việc ở các trang trại cần sa để trả nợ. Ảnh: GMP
Trong ảnh là quần áo của những "người làm vườn" được treo gần những thiết bị điện. "[Trong đó] rất nguy hiểm. Dây điện được nối trực tiếp từ đường dây chính, và cửa sổ, cửa hậu luôn bị khóa chặt, chặn kín để ngăn những 'người làm vườn' bỏ trốn" Ảnh: GMP
Với khoản nợ khổng lồ trên vai, các trẻ vị thành niên bị lừa bán vào những trang trại cần sa cũng không dám bỏ trốn. Theo Asia Correspondent, trước đây từng có trường hợp một nam thiếu niên người Việt được giải cứu và được nhận nuôi, nhưng không lâu sau đó cậu ta đã bỏ trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi, để lại lời nhắn: "Chúng đang đe dọa em gái cháu ở nhà, cháu không thể ở lại đây được". Ảnh: David Levene/The Guardian
Trước thực trạng bóc lột lao động, đặc biệt là trẻ vị thành niên tại các trang trại cần sa, loại cần sa được trồng tại Anh còn có một tên gọi khác là "cần sa máu". Trong ảnh là nơi phơi khô thành phẩm sau khi thu hoạch. Ảnh: Solent News
Số cần sa trị giá đến 850.000 bảng Anh. Với nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng như hiện nay, vấn nạn buôn người và lao động chui tại các trang trại cần sa rất khó giải quyết triệt để. Ảnh: GMP
Cuong Nguyen, 41 tuổi, là một người Việt từng vượt biên trái phép sang Anh năm 2008 và chủ động tìm đến các trang trại cần sa để kiếm tiền. Tuy nhiên, có rất nhiều người (cả phụ nữ và trẻ vị thành niên) không chủ động như anh ta, mà bị các đường dây buôn người ép phải làm việc trong những trang trại cần sa này để trả nợ cho số tiền mua chiếc vé đến "miền đất hứa". Ảnh: AFP
Bao, một trẻ vị thành niên mồ côi từng bị bắt cóc và bán vào trại cần sa ở Anh năm 15 tuổi, cho biết em thường bị chủ trại dọa "cho nhịn đói" nếu không hoàn thành tốt công việc. Không có tiền, cũng không biết nói tiếng Anh, Bao chưa từng nghĩ tới chuyện chạy trốn. Những năm tháng bị cô lập trong trang trại cần sa đã khiến em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Ảnh: David Levene/The Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét