Thiền sư Thích Nhất Hạnh và bộ phim: "Bước chân an lạc"
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và bộ phim: "Bước chân an lạc"
“Bước chân an lạc” – một bộ phim tài liệu về Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đã được công chiếu ở nhiều quốc gia. Với lời dẫn chuyện trích từ tác phẩm "Nẻo về của ý" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bộ phim đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm đặc biệt, đầy thiền vị.
“Bước chân an lạc” do Doctor Strange' Benedict Cumberbath dẫn chuyện, đây là một hành trình điện ảnh vào thế giới của chánh niệm và của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai. Bộ phim đã được thực hiện trong 3 năm và đó là một hành trình không định trước, một hành trình thiền định trong cộng đồng những con người dốc lòng từ bỏ của cải vật chất để an nhiên sống đời tu hành ở một miền nông thôn miền Nam nước Pháp.
Bộ phim do hai nhà làm phim Max Pugh và Marc J.Francis thực hiện đã được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim South by Southwest ở Texas (Mỹ) vào ngày 15/3/2017, sau đó chu du đến nhiều nước Âu-Mỹ và Châu Á từ tháng 8-2017 đến nay. Ngày 18/9/2017, bộ phim đã được công chiếu tại Thái Lan với sự có mặt của thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai.
Với những hình ảnh rất chân thực, gần gũi của các vị xuất sĩ Làng Mai trong đời sống tu tập hàng ngày cũng như trong những chuyến hoằng pháp bên ngoài tu viện. Có thể nói, “Bước chân an lạc” như một tuyệt phẩm đã dẫn dắt người xem có dịp hạnh ngộ với thế giới tu hành của vị chân sư nổi tiếng Thích Nhất Hạnh, đồng thời khắc họa khá rõ nét cuộc đời của một cộng đồng thiền sinh đã quyết tâm từ bỏ của cải vật chất đời thường, cùng hướng tâm về một đời sống tâm linh, cùng thực hành pháp chánh niệm của Phật giáo.
Với những thước phim đẹp, tĩnh lặng, sử dụng âm thanh tự nhiên, cùng lời dẫn chuyện trích từ tác phẩm “Nẻo về của ý” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bộ phim tài liệu “Bước Chân An Lạc”đem đến cho người xem một trải nghiệm rất đặc biệt, đầy thiền vị. Người xem có cơ hội bước vào xứ sở của phút giây hiện tại và hiểu thêm về nếp sống của người xuất gia, đặc biệt là những người xuất gia trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong tăng thân Làng Mai.
Năm 1982, Thiền sư Thích Nhất Hạnh lập nên Tu viện Làng Mai - một thiền viện ở vùng Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp, cho hơn 600 tăng ni cùng sinh sống và tu thiền. Đây cũng là nơi để mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến thực hành chánh niệm. Ngoài ra, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập thêm những thiền viện khác, cùng với rất nhiều Trung tâm thực hành Chánh niệm ở Mỹ và khắp châu Âu. Những năm gần đây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã liên tục đứng ra tổ chức nhiều sự kiện cho Nghị viện Mỹ và Phụ nữ và Nghị sĩ ở Anh, Ireland, Ấn Độ, Thái Lan… Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng đọc diễn văn UNESCO ở Paris, kêu gọi những bước đặc biệt để đảo chiều bạo lực, chiến tranh và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu… đọc diễn văn tại sự kiện Nghị Viện của Tôn giáo Thế giới ở Melbourne.
Tại Việt Nam, vào đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tổ chức 3 Trai đàn Chẩn tế lớn tại 3 miền Việt Nam, gọi là "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan" - cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của Chiến tranh Việt Nam, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc. Tháng 11/2014, một tháng sau kỳ sinh nhật thứ 89 sức khỏe của Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuống dốc đột ngột.
Với những hoạt động ấn tượng cùng sức đóng góp to lớn trong cộng đồng xuyên suốt mấy mươi năm qua, thiền sư Thích Nhất Hạnh được ghi nhận là người lãnh đạo tinh thần, nhà thơ, nhà hoạt động hòa bình và người tiên phong mang giáo lý Phật giáo đến chia sẻ và phổ biến rộng khắp với các nước phương Tây. Truyền thông phương Tây gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “Cha đẻ của Chánh niệm”, là “Một Dalai Lama khác”; là “Một thiền sư có sức hút lấp đầy sân vận động”…
Theo Phatgiao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét