Những ngôi chùa có kiến trúc ấn tượng nhất thế giới
Sở hữu kiến trúc độc đáo cùng truyền thuyết lịch sử ly kỳ, những ngôi chùa cổ kính và nổi tiếng dưới đây luôn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách hàng đầu thế giới.
1. Ngôi chùa Haeinsa (Hải Ấn tự) nằm trên núi Kaya là một trong những ngôi chùa Phật giáo quan trọng nhất ở Hàn Quốc. Chùa được xây dựng lần đầu tiên năm 802 và được tái thiết lại năm 1818 sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ ngôi chùa xảy ra năm 1817.
Kho báu ngàn đời của ngôi chùa chính là những tấm gỗ Tripitaka Koreana (Tam Tạng) – một bộ sưu tập đầy đủ nhất các bản kinh, giáo pháp và những thỏa ước Phật giáo còn tồn tại cho đến ngày nay được khắc trên 80.000 tấm gỗ từ năm 1237 đến 1247, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Thế giới năm 1995.
2. Chùa Wat Arun hay còn gọi là Chùa Bình Minh nằm bên bờ Thonburi trên dòng sông Chao Phraya, tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan là một trong những ngôi chùa Phật giáo đẹp nhất, cổ kính nhất, thu hút nhiều khách du lịch nhất thủ đô Bangkok, có mô phỏng kiến trúc “Núi vũ trụ Meru” (Mount Meru) của người Ấn Độ.
Trong chùa có tháp Phra Prang cao 79m được khảm sành sứ Trung Hoa trên mái nhà và các bệ. Mặc dù là chùa Bình Minh nhưng cảnh chùa được ưa thích nhất lại là lúc mặt trời lặn.
3. Chùa Shwedagon, Yangon, Myanmar: Có thể coi đây là ngôi chùa lấp lánh nhất châu Á khi toàn bộ bảo tháp cao 110 m được bao phủ hoàn toàn bằng vàng. Đỉnh chùa được nạm 4.531 viên kim cương, trong đó viên lớn nhất nặng 72 carat.
Tương truyền, Shwedagon được xây dựng để lưu trữ các sợi tóc của Phật. Khuôn viên chùa bao gồm hàng trăm ngôi đền, bảo tháp và tượng đầy màu sắc, phản ánh phong cách kiến trúc kéo dài gần 2.500 năm. Ngày nay, Shwedagon trở thành trung tâm của các hoạt động Phật giáo và cộng đồng tại Myanmar.
4. Borobudur, Java, Indonesia: Trong khi Shwedagon tỏa sáng lấp lánh, ngôi chùa Borobodur lại có phần trầm bình hơn. Tọa lạc tại thung lũng Java ở Indonesia, Borobodur khoác lên mình lớp áo tối màu của đá với dáng vẻ an yên. Được xây dựng theo truyền thống Đại thừa vào khoảng năm 800 sau Công nguyên, đây là tượng đài Phật giáo lớn nhất thế giới.
Nổi tiếng với những chiếc chuông bằng đá và tượng Phật chạm khắc nhìn thẳng ra thung lũng, thật khó tin rằng kiến trúc đồ sộ này lại nằm ẩn mình trong nhiều thế kỷ dưới lớp tro núi lửa và rừng rậm. Giờ đây, Borobudur là một địa điểm hành hương phổ biến của các Phật tử, khách du lịch và là niềm tự hào của người Indonesia.
5. Đại chiêu tự Jokhang, ngôi chùa linh thiêng theo Phật giáo Mật Tông nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa ở Barkhor, Tây Tạng là nơi thu hút hàng nghìn tín đồ Phật giáo hành hương mỗi năm.
Ngôi chùa do vua Tùng Tán Cán Bố (605 – 649) xây dựng vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất theo lối kiến trúc pha trộn giữa Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc thời Đường trên một khuôn viên rộng 25.000 mét vuông. Jokhang được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2000.
6. Chùa Pha That Luang theo tiếng thổ ngữ có nghĩa là Tháp vĩ đại hay Tháp xá lợi linh thiêng là một trong những khu di tích quan trọng nhất tại Viêng Chăn, Lào. Được xây dựng năm 1566 dưới triều đại vua Setthathirat (1534 – 1572) theo hình một nậm rượu dát vàng, bên trên phế tích một ngôi đền Khmer trước đó, ngôi chùa có dáng hình một khối tháp uy nghi, khổng lồ đại diện cho sự giác ngộ Phật giáo, trong đó nơi cao nhất đại diện cho thế giới hư vô, nơi thấp nhất đại diện cho thế giới vật chất.
Pha That Luang bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của người Thái năm 1828, và được xây dựng lại vào năm 1931
7. Boudhanath, Nepal Tọa lạc tại vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu, Nepal, Boudhanath là một trong những tòa bảo tháp lớn nhất thế giới. Nơi đây được xem là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng ở Nepal, đồng thời cũng là nơi rất nhiều người tị nạn từ Tây Tạng định cư trong nhiều thập kỷ và là điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới.
Tòa tháp màu trắng nổi bật với chiều cao 36m, chung quanh tòa tháp là một vành đai với 108 hình ảnh Phật A Di Đà này còn nổi tiếng bởi trên cả 4 mặt của tòa tháp có chạm khắc đôi mắt Đức Phật nhìn xa bốn phương tám hướng.
Tuệ Như (Theo Phatgiao.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét