Những điệu Valse của Chopin: “Sang trọng từ nốt đầu đến nốt cuối”

3:03:00 CH
               Những điệu Valse của Chopin: “Sang trọng từ nốt đầu đến nốt cuối”
Đó là nhận xét của nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời Schumann, người cũng đã viết- chỉ vài tháng sau khi thần đồng Chopin đặt chân đến Paris: “Hãy ngả mũ thưa quý vị: Một thiên tài”. Nếu ta đã rất hâm mộ 2 tác phẩm lớn nhất của Chopin viết cho piano và dàn nhạc là 2 bản concerto, thì sẽ hiểu được lời Schumann khi biết rằng cả hai tác phẩm lớn này đều ra đời giai đoạn ấy, khi thần đồng mới bước vào tuổi 20. Thật đáng nể!
Nhưng Chopin còn nổi tiếng hơn với rất nhiều tiểu phẩm, trong đó có khoảng hai chục bản Valses. Nói đến valse ta hình dung ngay điệu nhảy quay tròn uyển chuyển, thật hào hứng và quyến rũ. Như tiêu đề của ca khúc Pháp nổi tiếng thập niên 1990 “Valses de Vienne”, thành Vienne chính là quê hương của điệu nhảy quý phái này, nơi Chopin đặt chân đến ngay năm đầu của lứa tuổi 20, trước khi định cư ở Paris. Tiếp nối một số nhạc sĩ đi trước, Chopin cũng viết nhiều bản nhạc thể loại này, tuy không phải nhạc nhảy. Mặc dù vậy, cũng như nhiều tiểu phẩm khác, chúng hấp dẫn bởi những ý nhạc thật phong phú và độc đáo (đó cũng là điều làm ta luôn bất ngờ thú vị khi nghe nhạc Beethoven).
Kết quả hình ảnh cho ảnh chopin
Các bản valses được viết rải rác từ năm 20 tuổi đến cuối đời, có số lượng không được biết chính xác vì nhạc sĩ thường viết chúng như những kỉ niệm nhỏ, những món quà tặng riêng, không được công bố. Khi còn sống tác giả chỉ xuất bản 8 bài, sau này được đánh số từ 1 đến 8 (theo năm xuất bản). Trong số này có nhiều bài nhịp điệu nhanh, phấn khích nhưng cũng có vài bài nhịp điệu chậm hơn, nhiều chất lãng mạn, tình cảm, sự ưu tư… có chất “buồn Chopin” hơn. Phải nói là tất cả 8 bài này đều hay, nhưng nếu nghe lần đầu thì dễ “cảm” nhất là hai bài thuộc loại thứ hai (chậm): Valse số 3 và số 7 (tức là bài số 2 thuộc tập (Opus) 34 và bài số 2 thuộc tập 64). Có lẽ phong cách này cũng liên quan đến việc nhạc sĩ ưa thích các buổi biểu diễn salon hơn là sân khấu lớn, đặc biệt thường biểu diễn ngay trong căn hộ của mình ở Paris với số ít bạn bè (tính cách này khác người bạn và đồng nghiệp nổi tiếng của ông là nhạc sĩ Hungary F. Liszt, và có vẻ lí giải một phần sự không hòa hợp giữa hai người bạn đều cỡ thiên tài này).
Nghệ sĩ Hà Ngọc Thoa sẽ tặng chúng ta một trong hai bài “valse salon” (loại tình cảm) nói trên: Valse số 7, được viết và xuất bản năm 1847 (37 tuổi, chỉ 2 năm trước khi qua đời). Bài này giọng đô thăng thứ- cùng giọng với bản Dạ khúc số 20 mà nghệ sĩ đã từng tặng chúng ta. Cùng với bản số 3, chắc đây là 2 bài valse nổi tiếng nhất; chúng cùng với một số tiểu phẩm khác của nhạc sĩ làm nên “chất Chopin” mà chúng ta thường cảm nhận.
Hãy nghe nhạc Chopin- ngọn cờ đầu của âm nhạc cổ điển lãng mạn- để làm cho cuộc sống thi vị hơn!
TheoFacebook

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.