Bí ẩn những dấu chân khổng lồ trên núi Cậu ở Bình Dương
(VTC News) -
Rải rác trên các tảng đá núi Cậu (Dầu Tiếng, Bình Dương) có những dấu chân khổng lồ, người dân cho rằng đó là kết quả từ những lần tu luyện pháp thuật của Cậu Bảy.
Giữa cái se se lạnh buổi chiều tà ở vùng núi Dầu Tiếng (thuộc địa phận tỉnh Bình Dương), ánh nắng vàng vọt xuyên qua kẽ lá in hình lên con đường trải nhựa liên tiếp những khúc cua tay áo, chúng tôi chạy xe máy hàng giờ đồng hồ để lên đỉnh núi, tìm về một huyền thoại ly kỳ đã lưu truyền hàng trăm năm - đó là truyền thuyết Cậu Bảy Tây Ninh.
Theo người dân nơi đây, truyền thuyết về Cậu Bảy đã có trong những câu chuyện kể truyền miệng suốt bao thế hệ. Nhiều người nói truyền thuyết ấy đã có khoảng 200 năm, nhưng tới nay các nhà khoa học vẫn chưa chứng thực được điều này. Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh kỳ bí ấy bắt nguồn từ những dấu chân khổng lồ in hằn trên đá.
Vượt qua quãng đường từ chùa Thái Sơn lên đỉnh núi, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi hệt như một bức tranh thủy mặc, yên bình và tĩnh lặng. Từ đây, có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ hồ Dầu Tiếng rộng lớn, xa tít tới tận chân trời.
Đỉnh núi này cũng được cho là nơi phát tích về truyền thuyết Cậu Bảy.
Theo những bậc cao niên ở đây, trước kia quần thể núi Tha La có đến 36 ngọn, cao từ 100m đến 400m. Nhưng sau đó, nhiều ngọn núi đã bị san bằng để lấy đất, đá xây dựng công trình hồ Dầu Tiếng.
Hiện nay, dãy Tha La chỉ còn hơn 21 ngọn núi như Tha La, núi Chúa, núi Cửa Ông, núi Ông, núi Cậu... nằm sát nhau và quây thành hình chữ U, với diện tích khoảng 1.600ha. Dù cụm núi Cậu nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương nhưng người ta vẫn quen gọi Cậu Bảy là Cậu Bảy Tây Ninh.
Truyền thuyết Cậu Bảy
Dẫn chúng tôi lên đỉnh núi, ông Nguyễn Hữu Xuân (68 tuổi - người dân sống ở chân núi) cho biết, dân gian truyền miệng tên gọi quần thể núi Cậu xuất phát từ nhân vật thường được gọi là Cậu Bảy. Tuy nhiên, gốc tích thật của cậu Bảy thì cho đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.
Từ xa xưa, người ta đã thấy trên đỉnh núi Cậu có một hang đá được gọi là miếu thờ Cậu Bảy. Bên trong ngôi miếu có bức tượng Cậu Bảy đứng thủ bộ võ với hình tượng một võ tướng, râu tóc dài, thần thái uy nghi.
Sau năm 1975, ông Đinh Văn Trên, cựu chiến binh từng có nhiều năm hoạt động ở vùng này, bỏ công sức ra xây lại miếu thờ Cậu Bảy, ông cũng cho xây thêm một ngôi chùa dưới chân núi Cậu, đặt tên là chùa Thái Sơn do chính ông làm trụ trì. Ở chính điện ngôi chùa mới này cũng đặt một bức tượng Cậu Bảy.
Theo lời của ông Xuân, các bậc cao niên sống ở đây cũng thường kể Cậu Bảy và bà Lý Thị Thiên Hương (bậc thánh trấn núi Bà Đen, Tây Ninh) có liên quan đến nhau.
Vào khoảng thế kỷ 18, núi Bà Đen lúc bấy giờ có tên gọi là núi Một. Một võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu và là trụ trì tại một ngôi chùa trên lưng chừng núi, tức nhà sư Trí Tân.
Trong một chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân gặp một bé trai sơ sinh còn sống nằm khóc giữa tử thi của một cặp vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé về nuôi, đặt tên là Lê Sĩ Triệt rồi truyền võ nghệ.
Trong khi đó, Lý Thị Thiên Hương xuất thân từ 1 trong 4 dòng họ gốc Bình Định di dân vào phương Nam theo chiếu khẩn hoang của chúa Nguyễn. Gia đình bà cùng đoàn di dân định cư, khai hoang vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Quan trấn nhậm đương thời là Hà Đảnh thấy mẹ của bà Thiên Hương xinh đẹp nên sát hại cha bà và bắt người mẹ làm hầu thiếp, mặc dù lúc bấy giờ bà đang mang thai Thiên Hương.
Người vợ nhẫn nhục chờ ngày sinh con và tìm cách báo thù giết chồng. Bà sinh 1 bé gái, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương. Lớn lên Thiên Hương rất xinh đẹp, được nhiều chàng trai ngỏ lời cầu hôn nhưng cô chưa dám nghĩ đến chuyện gia thất khi lòng còn mối thù chưa trả.
Trong một lần lên núi Một lễ Phật, Thiên Hương bị băng cướp chặn đường, lúc bấy giờ xuất hiện một tráng sĩ giải vây, đó là Lê Sĩ Triệt. Kể từ đó, đôi trai tài gái sắc nảy sinh tình cảm.
Lê Sĩ Triệt cưới Thiên Hương làm vợ. Thiên Hương mới kể rõ mối thâm thù giữa mình với cha dượng Hà Đảnh. Biết được ngọn nguồn câu chuyện, Lê Sĩ Triệt đã thay vợ báo thù, cũng từ đó mang án sát nhân.
Khi đó đương lúc Nguyễn Ánh tuyển mộ binh lính để chống lại sự tấn công của nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt gia nhập binh ngũ để trốn án. Sau khi chồng tòng quân, Thiên Hương bỗng dưng mất tích.
Sư Trí Tân trong một lần thiền định đã được linh hồn Thiên Hương về báo mộng, rằng mình bị thuộc hạ của cha dượng giết hại, ném xác nơi triền núi.
Nhà sư theo báo mộng tìm thấy thi thể của Thiên Hương, lúc này đã sạm đen. Sư Trí Tân đem thi thể cô về gần chùa an táng.
Về phần Lê Sĩ Triệt, vì lập nhiều công trạng nên đã trở thành võ quan cận thần của vua Gia Long.
Nhiều lần thoái lui trước sức mạnh của nhà Tây Sơn, quân đội nhà Nguyễn phải dạt về phương Nam. Lê Sĩ Triệt đưa vua Gia Long chạy vào vùng núi Một trốn tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Khi tàn quân đói lả trong rừng, vua Gia Long thiếp đi dưới tán cổ thụ, mơ màng thấy một người con gái đen đúa xuất hiện bảo những quả chín trên cây có thể cứu đói. Vua tỉnh giấc cho người ăn thử, quả nhiên loại quả vừa chua vừa chát này giúp binh sĩ tạm thời cầm cự.
Vua Gia Long biết được cô gái báo mộng kia chính là Thiên Hương nên ban sắc chỉ phong cho Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ đó, người ta gọi núi Một là núi Bà Đen (Tây Ninh) cho đến ngày nay.
Trước khi xuôi vào Nam, vua Gia Long giao Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho Thiên Hương, đồng thời chiêu binh chờ vua phục quốc. Sau này quân Tây Sơn tràn lên núi nhằm tiêu diệt tàn quân nhà Nguyễn, Lê Sĩ Triệt phải rời núi Một lánh sang núi Yên Ngựa, là núi Cậu sau này.
Tại đây, ông tìm đến ngọn núi cao nhất ẩn thân tu luyện phép thuật, âm thầm tuyển mộ binh lính rèn luyện đao kiếm. Để che giấu tung tích, Lê Sĩ Triệt chỉ xưng là Cậu Bảy, chính là nhân vật được thờ phụng tôn kính đến bây giờ.
Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện lưu truyền lý giải về gốc tích Cậu Bảy.
Dân gian cũng lưu truyền nhiều câu chuyện khác về gốc tích của Cậu Bảy.
Có chuyện kể rằng, thời Pháp chiếm Nam kỳ Lục tỉnh, Cậu Bảy chính là Cử Đa, tức Nguyễn Thành Đa, hay Nguyễn Đa - người thi đỗ võ cử nhân thời vua Tự Đức.
Ông là một trong những người tham gia phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XIX. Sau khi căn cứ kháng chiến Láng Linh - Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành tử nạn, Cử Đa di chuyển khắp vùng rừng núi phía Nam, dùng tâm linh tiếp tục tuyển mộ nghĩa quân. Cử Đa đã để lại dấu tích khắp vùng núi Tà Lơn, Thất Sơn, núi Bà Đen và núi Cậu.
Bí ẩn những dấu chân khổng lồ
Cùng những câu chuyện về gốc tích của Cậu Bảy, núi Cậu còn gắn liền với nhiều truyền thuyết kỳ bí về những dấu chân khổng lồ, còn được người dân hay gọi với cái tên thân thuộc là “dấu chân tiên”.
Những dấu chân tiên này dài chừng nửa mét, ngang 20 phân, nằm rải rác, in sâu vào những phiến đá. Điều thú vị là những dấu chân tiên khổng lồ ấy không chỉ được phát hiện ở núi Cậu mà núi Bà Đen cũng có nhiều dấu tích tương tự.
Theo quan sát của PV VTC News, dấu chân tiên khổng lồ rõ cả 5 ngón, tỷ lệ cân đối và tự nhiên, in sâu trên bề mặt những tảng đá, chẳng khác vết bàn chân người in trên đất mềm.
Dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện đầy màu sắc tâm linh, huyền bí về nguồn gốc của những dấu chân khổng lồ này. Trong đó, có truyền thuyết cho rằng, những dấu chân in sâu dưới đá trên núi chính là kết quả từ những lần tu luyện pháp thuật của Cậu Bảy, khi nội công đạt đến trình độ dời non lấp bể.
Theo truyền thuyết, xưa kia núi Bà và núi Cậu vốn gắn liền với nhau. Bà (Lý Thị Thiên Hương) và Cậu (Lê Sĩ Triệt) thường xuyên đấu phép cùng nhau. Cậu hóa phép cho núi Bà ngày càng cao lên, còn Bà dùng phép biến hóa thành hàng ngàn con gà sang núi Cậu bới chỗ ở của Cậu.
Hai người bay qua lại giữa núi Bà, núi Cậu để đấu phép thuật. Những trận tỉ thí long trời lở đất của hai người để lại những dấu tích bí ẩn còn hiện hữu đến tận ngày nay. Rải rác trên các tảng đá núi Bà lẫn núi Cậu vẫn còn những dấu chân khổng lồ của 2 người.
Khu vực núi Bà có 2 dấu châu khổng lồ, 1 dấu nằm trên tảng đá gần điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, 1 nằm trên tảng đá phía mạn Bắc của núi.
Ở cụm núi Cậu có ít nhất 7 dấu chân chân nằm rải rác. Trong đó, 2 dấu nằm ở phía suối Trúc (còn gọi là hồ Than Thở Dầu Tiếng), 2 dấu nằm gần miếu Cậu và 3 dấu nằm rải rác dưới mạn sườn núi Ông Cậu.
Có truyền thuyết khác lại cho rằng truyền thuyết về Cậu Bảy là hư cấu. Những năm đầu thế kỷ 20, vùng rừng núi Tha La là chốn rừng thiêng nước độc, ít ai dám bén mảng tới, và là căn cứ quan trọng của quân cách mạng vùng Dương Minh Châu.
Cậu chuyện truyền thuyết Cậu Bảy và những dấu chân trên đá do các chiến sỹ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp dựng lên để tạo khu vực cấm, giữ bí mật trạm giao liên trên núi Cậu. Cậu Bảy là mật danh của một cán bộ giao liên ẩn dưới áo "ẩn sĩ luyện phép tiên".
Đến giai đoạn chống Mỹ, năm 1961, thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Phân liên khu Miền Đông, Huyện ủy Dương Minh Châu, chỉ định cấp ủy, chi bộ thị trấn Dầu Tiếng gồm 5 người, trong đó Trần Văn Lắc phụ trách khu vực ấp 4 Bàu Sình lên đóng quân trên núi Cậu. Chính nhờ những truyền thuyết huyền bí này mà lực lượng cán bộ cách mạng chủ chốt ở phía Nam của ta đã đóng chốt tương đối an toàn.
Hàng năm, cứ đến mùng 7 tháng 5 Âm lịch - ngày giỗ Cậu Bảy, hàng nghìn người từ khắp nơi lại đổ về núi Cậu lễ bái. Trong số những người đổ về núi Cậu lễ bái, có cả các cao tăng trong nước và nước ngoài, tới xin cậu chứng quả đắc đạo, thăng cấp. Rất nhiều nghệ sỹ cải lương tên tuổi cũng cũng đến ca hát ngợi ca công đức tâm linh của Cậu. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn mang tính tự phát chứ chưa được lễ hội hóa một cách bài bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét