Tác giả chuyển ngữ ca khúc 'Hương xưa': 'Tôi có duyên với nhạc của Cung Tiến'
Từ Mỹ, nhạc sĩ Paulina Nguyễn (Giáng Tiên) - người đã chuyển và mang đến vẻ đẹp khác cho Hương xưa với lời Anh Scents of yesteryears, đã gửi cho Thanh Niên những chia sẻ, tình cảm, kỷ niệm của mình dành cho âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến khi hay tin ông qua đời...
Còn nhớ năm 2007, để chuẩn bị cho chương trình Duyên dáng Việt Nam diễn ra tại Singapore, ê-kíp biên tập đã "đặt hàng" nhạc sĩ Paulina Nguyễn (Giáng Tiên, đang sinh sống tại Mỹ) về việc chuyển từ lời Việt sang Anh đối với ca khúc Hương xưa của nhạc sĩ Cung Tiến. Chỉ sau một ngày trao đổi, tác giả Giáng Tiên đã gửi về cho ban tổ chức chương trình bản lời Anh: Scents of yesteryears.
Scent of Yesteryears (Giáng Tiên chuyển ngữ từ Hương xưa)
Have you ever let your soul wander along a dream
A dream of a path to far away dear home sweet home
Where leaves are whispering
Where trees stand still waiting
Where nights are still immense with stars and sound of distant flute
And I still remember tales of once upon a time
When life was filled with sweet dreams and peaceful lullabies
The sound of spinning loom Shadow of lazy kite
And all of my ever lasting, loving memories
Oh, I have wandered in my dreams through endless nights
Not much joys in my life
For love and life are often at strife ‘ though I have been calmly waiting
Melodies of old moon lute Harmonize with a romance mood
And the strings of a violin softly sing in the breeze
Just like my heart is chanting for love
Oh, I have gone through nights dreaming about your love
And get used to despair
The good old days have gone far away
When will I be in love again
Nights embraced in pure silence
Days began with innocence
Now there’s only emptiness and sorrowful regret
Love is sinking in darkness
My love, is the sun still shining warmly everywhere?
Don’t you hear the sound of falling leaves in autumn night?
Has love ever been sweet or stained with bitterness
Just keep your heart widely open to love and to life
Life is as sweet as lovers’ song Life is as sweet as lovers’ song.
Nhạc phẩm này được thể hiện dưới hình thức song ngữ bởi ca sĩ Nguyên Thảo - Đức Tuấn (do nhạc sĩ Đức Trí hòa âm phối khí) tại Duyên dáng Việt Nam 18 - Charming Vietnam Gala in Singapore (năm 2007) và nhận được nhiều khen ngợi từ người xem vì cả vẻ đẹp nguyên bản cũng như lời Anh mượt mà và vẫn giữ được nét đẹp, chất thơ của Hương xưa.
Đến Duyên dáng Việt Nam 20 tại Anh diễn ra trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Việt Nam tại Anh (3.2008), tiết mục này được đề xuất trình diễn lại vì ý nghĩa, vì sự "hợp chất" của nó đối với chương trình giao lưu văn hóa lúc bấy giờ...
Nguyên Thảo và Đức Tuấn hát Hương xưa (Cung Tiến, lời Anh: Giáng Tiên)
Từng chia sẻ với Thanh Niên khi chuyển lời Anh cho Hương xưa, tác giả cho rằng mình đặc biệt chú trọng đến việc trau chuốt ngôn ngữ, nhưng vẫn phải giữ đúng tinh thần của ca khúc, càng chính xác càng tốt. Bên cạnh đó, chị cũng quan tâm đến vần điệu - sao cho trong một đoạn càng có nhiều câu có vần với nhau càng tốt; nhưng phải chọn từ sao cho các âm tiết được phân bổ hợp lý, hay đặt trọng âm của chữ cho đúng nhịp mạnh.
Nhạc sĩ Paulina Nguyễn (Giáng Tiên) NSCC |
"Khó khăn nhất là làm sao giữ được ý nghĩa của phần lời tiếng Việt mà không làm cho bản tiếng Anh thô vụng, khó nghe. Phân đoạn khó nhất có lẽ là những câu mà nhạc sĩ Cung Tiến sử dụng lối ẩn dụ trong tích xưa (chẳng hạn như Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó). Mặc dù biết tác giả mượn chuyện tình bất hủ của Phạm Thái với Quỳnh Như để nói lên tình cảm của chính mình, nhưng câu này không thể dịch sát được mà chỉ phỏng theo ý thôi, và rất hy vọng là đã hiểu đúng ý nhạc sĩ", nhạc sĩ Paulina Nguyễn chia sẻ lúc bấy giờ.
Và những ngày qua, khi hay tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời, chị đã gửi về cho Thanh Niên những lời tiễn biệt...
Tranh vẽ nhạc sĩ Cung Tiến của họa sĩ Aroma Profundo (tên thật là Nguyễn Phạm Thúy Hương) hiện sống ở Tây Ban Nha DUYÊN DÁNG VIỆT NAM |
“Từ khi còn ở những lớp đầu tiên ở cấp tiểu học, tôi đã hay nghe ba má tôi thỉnh thoảng đàn mandoline và hát bài Thu vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. Khi nhà tôi mới sắm cây đàn piano thì đây là bản nhạc mà chị tôi hay đàn cho chị em tôi hát mỗi khi tụi tôi nổi hứng hợp ca, vì đứa nào cũng thích nhịp điệu valse của bài này.
Lớn lên tí nữa, ở tuổi 13, tôi cũng tập tành ôm đàn guitar nghêu ngao vài bài tình ca lãng mạn, và bài Hoài cảm của Cung Tiến cũng là bài nhạc đầu tiên tôi có thể vừa đàn vừa hát say sưa mặc dù khả năng rất hạn chế.
Và rồi hình như là tôi có duyên với nhạc của Cung Tiến! Tôi không nhớ rõ là vào năm nào, một người bạn làm việc trong ban biên tập Duyên dáng Việt Nam, đã liên lạc với tôi và nhờ tôi chuyển ngữ giùm bài Hương xưa của nhạc sĩ Cung Tiến sang tiếng Anh để ca sĩ Đức Tuấn và Nguyên Thảo hát trong chương trình này, tổ chức ở Singapore. Tôi đã nhận lời “một cách rất dè dặt”, vì sau khi nghe qua bài Hương xưa, tôi sợ mình sẽ không chuyên chở trọn vẹn được những ý tứ rất sâu sắc trong bản nhạc có giai điệu cổ điển rất hay như bài này.
Tuy nhiên, khi tôi càng tập trung cho việc chuyển ngữ, tôi càng bị cuốn hút vào giai điệu và lời ca quá đẹp của bài hát; và tôi đã ao ước được một lần gặp mặt để cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã tặng cho cuộc đời những Thu vàng, Hoài cảm, Hương xưa… rất nhẹ nhàng mà sâu lắng, rất lãng mạn và sang trọng trong từng câu, từng chữ.
Nhưng tôi đã chưa và không có dịp thực hiện được điều mình ao ước… Nhạc sĩ Cung Tiến vừa xa rời cõi tạm ở tuổi 83.
Những dòng chữ này xin thay cho lời chân thành cảm ơn đến nhạc sĩ. Xin gởi lời chia buồn đến gia đình ông và xin góp lời cầu nguyện cho hương hồn ông được an nghỉ”.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, sinh năm 1938 tại Hà Nội; định cư tại Mỹ từ năm 1987. Ông đã qua đời vào ngày 10.5 tại Los Angeles, California, Mỹ; tang lễ được tổ chức ngày 2.6.
Nhà thơ Du Tử Lê từng viết về "hiện tượng Cung Tiến" trong tân nhạc Việt rằng: "Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi (Hoài cảm, Thu vàng), như trường hợp Cung Tiến. Có lẽ chính vì thế mà, có người không ngần ngại gọi hiện tượng Cung Tiến là thiên tài của bộ môn nghệ thuật này".
Sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Cung Tiến đã nói rằng trước khi sáng tác ca khúc Hương xưa, ông đã được nghe thêm nhiều nhạc Tây phương, nhất là nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart, người mà ông rất ngưỡng mộ và có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của mình từ đó...
Nhạc phẩm của Cung Tiến từng được ghi âm, biểu diễn ở nhiều nước: Anh, Pháp, Đức, Úc... Đặc biệt vở Ballad of an Warriors Wife đã được những dàn nhạc giao hưởng của nhiều nước trình diễn.
TheoThanhNien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét