DƯỜNG NHƯ NGAY TỪ ĐẦU TRUNG QUỐC ĐÃ ĐẶT CƯỢC VÀO THẤT BẠI CỦA NGA ?

6:55:00 SA

 DƯỜNG NHƯ NGAY TỪ ĐẦU TRUNG QUỐC ĐÃ ĐẶT CƯỢC VÀO THẤT BẠI CỦA NGA ?

Bài của Csaba Barnabas Horvath, đăng trên tạp chí Geopoliticalmonitor. Dương Thắng dịch. Nguồn https://www.geopoliticalmonitor.com/was-china-betting-on.../
Một bài rất thú vị, mời các bác đọc
******
Một chiến lược được tính toán chặt chẽ ?
Trung Quốc được nhiều người coi là đồng minh quan trọng nhất của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, sau gần hai tuần giao tranh, những tình tiết khó hiểu đã lên đến đỉnh điểm xoay quanh thái độ của Trung Quốc với cuộc chiến. Trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng, Trung Quốc bỏ phiếu trắng chứ không bỏ phiếu chống để ủng hộ Nga. Về các biện pháp giảm thiểu sự trừng phạt đối với Nga, cho đến nay, Trung Quốc không tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ, và hai ngân hàng lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Công thương Trung Quốc thậm chí đã từ chối giúp Nga xử lý các giao dịch xuất khẩu. Thay vì ủng hộ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi giảm leo thang xung đột đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Trung Quốc dường như đang rút lại sự ủng hộ đối với Nga, ở mọi phương diện , từ ngoại giao đến kinh tế.
Tuy nhiên, mặt khác, những tuyên bố của Trung Quốc ngay trước cuộc chiến dường như cho thấy sự ủng hộ hoàn toàn của Bắc Kinh đối với Moscow, và việc Nga chờ đợi cho đến sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh mới khởi chiến dường như xác nhận những tin đồn rằng ông Tập đã yêu cầu Putin làm như vậy, và điều này cho thấy rằng Trung Quốc đã hoàn toàn nhận thức được những gì sắp đến và quyết định cố ý hỗ trợ Nga. Như vậy việc hỗ trợ tối đa cho cuộc xâm lược trước khi nó bắt đầu, nhưng sau đó thì sẽ rút lui dần dần mọi hỗ trợ khi cuộc xâm lược đang diễn ra - Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Trung Quốc có thay đổi quyết định do một sự kiện bất ngờ?
Phải chăng đây là một chiến lược được tính toán chặt chẽ để khuyến khích Nga tấn công trước, nhưng Trung quốc sẽ rút lại sự hỗ trợ sau khi cuộc chiến bắt đầu? Nếu có những hiểu biết nhất định về lịch sử quan hệ Trung-Nga, một chiến thắng của Nga dường như không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc quan tâm là một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực của Nga càng nhiều càng tốt, làm suy yếu nước này càng nhiều càng tốt, trong khi cô lập nước này càng nhiều càng tốt với phương Tây, và cuối cùng là thất bại của Nga.
Lược sử quan hệ Trung-Nga
Trong phần lớn chiều dài của lịch sử mối quan hệ Trung-Nga, Nga là kẻ thù chứ không phải đồng minh của Trung Quốc. Mục tiêu của Nga không phải là trở thành một đối tác nhỏ bé và lép vế trong liên minh Trung-Nga, mà là trở thành một cường quốc theo đúng nghĩa của nó. Nga có bản sắc cường quốc của riêng mình, có nghĩa là nước này tự theo đuổi chương trình nghị sự cường quốc của mình, và như lịch sử đã cho chúng ta thấy, bất cứ khi nào chương trình nghị sự đó xen kẽ với lợi ích của Trung Quốc, Moscow hiếm khi do dự khi đối đầu với Bắc Kinh và càng mạnh thì hơn nữa nó đã sẵn sàng để đối đầu trực tiếp. Nga chiếm khoảng một triệu km vuông của Trung Quốc trong Hiệp ước Aigun vào năm 1858-1860 - một khu vực được gọi là "Ngoại Mãn Châu", ngoại vi phía bắc của Mãn Châu cho đến lúc đó - và lãnh thổ cho đến nay được gọi là Viễn Đông Nga, với Vladivostok và Khabarovsk được thành lập nên bởi những người định cư Nga. Sử học Trung Quốc vẫn coi những hiệp ước này là "hiệp ước bất bình đẳng", sự sỉ nhục của phương Tây đối với Trung Quốc, và do đó ngay cả khi chúng hợp pháp về mặt pháp lý thì ít nhất chúng cũng không hợp pháp về mặt đạo đức. Mông Cổ cùng với Cộng hòa tự trị Tuvan thuộc Nga là một phần của Trung Quốc cho đến khi Đế chế nhà Thanh sụp đổ năm 1911. Lần đầu tiên Nga ủng hộ những lãnh thổ này giành độc lập trên thực tế vào những năm 1910, Mông Cổ đóng vai trò là quốc gia đệm chiến lược chống lại Trung Quốc. Sau đó, những người Bolshevik cũng mở rộng quyền cai trị của họ đến Mông Cổ và Tuva. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đạt được việc chính thức công nhận Mông Cổ độc lập tách khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trực tiếp sáp nhập Tuva. Hợp tác Trung-Xô sau chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc năm 1949 chỉ kéo dài một thập kỷ, và sau khi Trung-Xô chia rẽ vào cuối những năm 1950, hai cường quốc thậm chí đã đánh nhau trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào năm 1969 dọc theo các đoạn biên giới gắn với những phần đất mà Nga mua lại trong các hiệp ước bất bình đẳng 1858-1860. Quan hệ giữa hai nước chỉ ấm lên sau khi Liên Xô sụp đổ, với việc Nga đều trở nên yếu ớt và phải đi tìm kiếm tình bạn và là đất nước được Trung Quốc coi là vô hại. Sự hình thành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải dường như cho thấy sự khởi đầu của một liên minh Trung-Nga, nhưng đề xuất của Trung Quốc về một khu vực mậu dịch tự do SCO đã bị Nga từ chối, cho thấy mối lo ngại của Moscow đối với phương Đông: với dân số chỉ bằng một phần mười Trung Quốc, và nền kinh tế của nó chiếm một phần tỷ trọng nhỏ trong số đó, yếu tố duy nhất còn lại để Nga có thể nắm quyền ngang phân cùng với Trung Quốc, giống như cách Canada xuất hiện cùng với Hoa Kỳ, là quân đội của họ. Sau đó, việc bổ sung đồng thời Ấn Độ và Pakistan vào SCO cùng với sự đối đầu liên tục giữa họ với nhau đã làm loãng tổ chức này đến mức không còn có ý nghĩa chiến lược và biến nó thành một thứ giống như một phiên bản châu Á của OSCE. Nga coi Kazakhstan thuộc phạm vi ảnh hưởng của riêng mình, trong khi Trung Quốc, bằng cách kết nối với đất nước này thông qua các đường ống dẫn và các khoảng đầu tư vào ngành năng lượng Kazakhstan, muốn củng cố sự độc lập của Kazakhstan, tách khỏi Nga và biến nước này thành nhà cung cấp năng lượng chính cho Trung Quốc. Nói tóm lại, hợp tác Trung-Nga trong những năm gần đây chỉ đơn giản là tìm ra điểm chung chống lại Hoa Kỳ, thay vì hai bên coi nhau là đồng minh thực sự đáng tin cậy.
Vậy thì một chiến thắng hay thất bại của Nga sẽ là yếu tố phù hợp nhất với bức tranh này ? Có thể thấy ngay là một chiến thắng của Nga chắc chắn sẽ không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Nếu Nga thắng lợi trong việc sáp nhập Ukraine, bằng việc đột ngột tăng dân số của Liên minh Á-Âu này từ 185 triệu lên 226 triệu người, bằng cách loại bỏ một quốc gia đệm gồm 41 triệu người, phạm vi ảnh hưởng của Nga được mở rộng, và bằng cách củng cố các vị trí chiến lược của Nga đối với NATO và EU, nước Nga sẽ trở nên mạnh hơn đáng kể so với trước chiến tranh, một sự thay đổi như vậy, xét về mặt địa chính trị, gần như là việc tái lập Liên bang Xô viết. Nga mạnh lên đáng kể, có nghĩa là ít sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc hơn, sẵn sàng theo đuổi chương trình nghị sự cường quốc của chính mình hơn, theo đuổi nó ở mức độ mà nó thậm chí có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc
Nếu thua, Nga sẽ thua theo kịch bản nào?
Tuy nhiên, một thất bại của Nga, dường như vẫn có thể xảy ra, đặc biệt nếu khi Nga bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Thất bại này sẽ làm suy yếu đáng kể nước Nga và cô lập nước này hoàn toàn với Phương Tây, tình thế này sẽ khiến nước Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một đối tác cấp dưới trong liên minh Trung-Nga, nếu không muốn nói là một vệ tinh đơn thuần của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự của Nga, cho đến nay vẫn được coi là ngang bằng với Trung Quốc, qua cuộc chiến này đã lộ rõ cho thấy nó ít ghê gớm hơn nhiều so với suy nghĩ của thế giới, hơn thế nữa bộ máy chiến trang của Nga sau khi đã chịu thương tổn nặng nề, sẽ còn tiếp tục chịu những thương tổn nặng nề hơn nữa nếu vẫn muốn kéo dài cuộc chiến. Ví dụ, theo một thông tin rò rỉ từ trang web Lenta của Nga vào năm 2020, Nga có không quá 3.000 xe tăng ở tình trạng hoạt động tốt ; nhưng theo các nguồn tin Ukraine, hơn 300 chiếc trong số đó đã bị phá hủy, nghĩa là hơn 10% tổng số xe tăng mà Nga có đã bị phá hủy chỉ trong hai tuần. Con số này, mặc dù là thấp hơn, vẫn cho thấy một tỷ lệ đáng báo động là trung bình 12 xe tăng bị mất mỗi ngày, và với tỷ lệ này, Nga sẽ mất 10% số xe tăng của mình vào ngày 20 tháng 3.
Nga được cho là đã tập kết được 60% kho vũ khí trên bộ thông thường của mình ở biên giới Ukraine, và tỷ lệ đó tiếp tục tăng lênkể từ khi cuộc chiến nổ ra. Nếu với một nỗ lực lớn như vậy mà tiếp tục lâm vào tình trạng con số thương vong ngày càng cao, quân đội Nga cuối cùng sẽ là một cái hình bóng mờ nhạt của chính mình, đấy là chưa kể đến những thiệt hại cho nền kinh tế Nga từ các lệnh trừng phạt. Một nước Nga suy yếu như vậy, bị cô lập khỏi phương Tây, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên minh với Trung Quốc theo những điều kiện mà nước này yêu cầu. Cơ hội trời cho này sẽ ban cho Trung Quốc một đồng minh chiến lược cam kết trung thành và ngoan ngoãn, cũng như mở ra các khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia.
Nguy cơ lớn duy nhất đối với Trung Quốc trong trường hợp Nga thất bại là khả năng thay đổi chế độ của Putin bằng một chế độ thân phương Tây. Khi thời gian cứ trôi qua mà nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine không có tiến bộ cụ thể nào, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều cuộc thảo luận về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính chống lại Vladimir Putin trong trường hợp cuộc chiến tranh kết thúc trong một thất bại rõ ràng và không thể phủ nhận đối với nước Nga, tất cả những hy sinh mà nước Nga phải trả cho cuộc chiến hóa ra đều vô ích. Tuy nhiên, có một số yếu tố cần xem xét ở đây: thứ nhất, trong trường hợp Nga thất bại, sự thay đổi chế độ chỉ là một trong số các khả năng có thể xảy ra, còn trong trường hợp Nga chiến thắng, thì sự phục hồi của một Liên Xô, sự xuất hiện trở lại của một Đế chế mới sẽ là một điều chắc chắn. Khả năng thứ hai, nếu trở thành hiện thực sẽ là một ác mộng đối với Trung Quốc, trong khi trong trường hợp Nga thua, nhiều khả năng Vladimir Putin vẫn tiếp tục nắm quyền, và trong trường hợp này, một nước Nga suy yếu sẽ là nước bị cô lập nhất với phương Tây, và do đó phụ thuộc nhiều nhất vào liên minh với Trung Quốc.
Thứ hai, ngay cả khi có sự thay đổi chế độ xảy ra, điều đó cũng không đảm bảo chắc chắn rằng đó sẽ là một sự thay đổi tốt lên . Nhiều khả năng nhất vẫn là phương án theo đó nhóm quyền lực dưới quyền Putin hiện nay sẽ đồng lòng chỉ bãi nhiệm Putin và đổ lỗi cho ông ta về mọi trách nhiệm trong cuộc chiến ( mà thực ra họ cũng có một phần trách nhiệm) và sau đó những người này và đảng Nước Nga Thống nhất vẫn tiếp tục cai trị đất nước.
Thứ ba, nếu việc thay đổi chế độ không chỉ là một việc nội bộ mà kéo theo cả việc hạ bệ đảng Nước Nga Thống nhất và cả những thành phần tinh hoa của nó, thì ngay cả khi đó, như các cuộc bầu cử trong thập kỷ qua đã cho thấy, cả hai đảng đối lập Nga có quyền lực nhất hiện nay - đảng cực hữu của Vladimir Zhirinovsky và đảng Cộng sản Liên Bang Nga - đều không phải là các đảng thân phương Tây. Vì vậy, ngay cả khi đảng Nước Nga Thống nhất đánh mất quyền lực, rất có thể sẽ là Zhirinovsky, hay những người Cộng sản, hoặc một liên minh của cả hai sẽ tiếp quản đất nước, chứ sẽ không phải một chính phủ thân phương Tây.
Thứ tư, ngay cả khi bằng cách nào đó mà một nhóm thân phương Tây cố gắng nắm quyền kiểm soát, với sự ủng hộ to lớn không chỉ từ đảng Nước Nga thống nhất mà còn từ Đảng của Zhirinovsky và của những người Cộng sản, thì sự ủng hộ của công chúng đối với chủ nghĩa dân tộc Nga chống phương Tây dường như vẫn rất mạnh mẽ, khi đó bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiếp cận với xu hướng thân Phương Tây đều có thể kết thúc trong tình trạng bất ổn kéo dài hoặc thậm chí là nội chiến. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, đây sẽ là thứ mà Trung Quốc có thể tận dụng.
Đối với khả năng Nga suy yếu do hậu quả của chiến tranh, một sự thay đổi như vậy chắc chắn sẽ xảy ra kể cả khi nó kết thúc với một chiến thắng hoàn toàn thuộc về Nga. Hơn nữa, Nga sẽ không chỉ bị suy yếu, mà còn bị suy yếu theo cách để sẽ không bao giờ đạt được trở lại vị trí mà họ đã nắm giữ trong số các cường quốc trên thế giới trước chiến tranh. Nguồn lực kinh tế và nhân khẩu học của Nga trên thực tế quá yếu nên điều đáng ngạc nhiên không phải là sự yếu kém của quân đội nước này ở Ukraine, mà là việc bằng cách nào nước này đã có thể xoay sở để duy trì một sức mạnh quân sự như vậy trong suốt thời gian dài kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Về quy mô dân số, Nga chỉ đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng thế giới, sau các nước như Bangladesh, Nigeria và Pakistan. Về nền kinh tế, tính theo GDP danh nghĩa, nó chỉ đứng thứ 11, sau các nước như Canada, Ý và Hàn Quốc. Hơn nữa, vì nền kinh tế của nó bị chi phối phần lớn bởi xuất khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên, nguyên liệu thô và lúa mì, nó kém tinh vi đáng kể so với các nền kinh tế đứng trước nó. Với những vị trí kinh tế và nhân khẩu học yếu kém này, vị thế cường quốc của Nga quả thật chỉ được duy trì nhờ vào khả năng quân sự mà nước này được thừa hưởng từ thời Liên Xô, và vị thế quốc tế suy yếu sau chiến tranh đơn giản có nghĩa là Nga sẽ được xếp vào đúng với thứ hạng phù hợp thật sự với trọng lượng kinh tế và nhân khẩu học của mình .
Do đó, trong trường hợp thất bại, một nước Nga suy yếu bị cô lập khỏi phương Tây sẽ thấy mình ở vị trí không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên kết với Trung Quốc, đóng vai trò của một đối tác nhỏ trong một liên minh sẽ tồn tại không chỉ trong một thời gian ngắn cho đến khi Nga phục hồi trở lại sau chiến tranh, mà đó sẽ là một liên minh lâu dài trong nhiều thập kỷ tới.
Yếu tố Siberi
Yếu tố địa chính trị quan trọng hàng đầu trong quan hệ Trung-Nga đó chính là Siberia. Thái độ của Trung Quốc đối với Siberia từ lâu đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi. Siberia, một khu vực rộng lớn, dân cư thưa thớt, giàu tài nguyên thiên nhiên ngay cạnh Trung Quốc, và Trung quốc với một nền kinh tế khổng lồ, luôn thiếu tài nguyên rõ ràng sẽ rất quan tâm tới miền đất này. Tiếp cận an toàn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó đồng nghĩa với một đảm bảo thuận lợi nhất cho an ninh của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi nếu Siberia nằm dưới dưới sự cai quản của một chế độ thù địch, giấc mộng này hiển nhiên sẽ bị bóp nghẹt từ trứng nước. Dù có tuyên bố công khai hay không, việc đảm bảo quyền tiếp cận an toàn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia trên thực tế là lợi ích địa chính trị trung tâm của Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể đạt được điều này bằng hai cách. Một cách, đẹp nhất và sạch nhất, là thông qua một số hình thức liên minh với Nga. Cách khác, xấu xa nhất, là chiếm đoạt Siberia hoặc các bộ phận của nó bằng vũ lực. Trong trường hợp liên minh với Nga, Nga càng yếu thì càng tốt cho Trung Quốc, bởi vì một nước Nga mạnh và độc lập có thể sử dụng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn tài nguyên của Siberia để kiềm chế và chống lại nước này, trong khi một nước Nga yếu sẽ ít có khả năng dám làm như vậy. Đối với lựa chọn xấu xí, Siberia dễ bị tổn thương về mặt chiến lược đối với Trung Quốc ở một mức độ lớn theo nhiều cách.
Đông Siberia, đông sông Yenisei với diện tích khổng lồ hơn 10 triệu km vuông, tương ứng khoảng 60% lãnh thổ Nga, lại chỉ có khoảng 10% dân số Nga, tức là khoảng 14 triệu người thực sự sống ở đó, trong khi Mãn Châu và Nội Mông, các khu vực lân cận phía bắc Trung Quốc, có tổng dân số không ít hơn 123 triệu. Trên thực tế, dân số 14 triệu người của Đông Siberia nhỏ hơn khu vực đô thị của bất kỳ thành phố nào trong số ba thành phố lớn của Trung Quốc - Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Trùng Khánh - và gần bằng dân số của Quảng Châu hoặc Thiên Tân. Số dân Siberia cũng ít hơn dân số của Đài Loan. Ngoài ra, các khu vực rộng lớn ở Đông Siberia là các chủ thể liên bang tự quản của các nhóm dân tộc bản địa gốc Á của Nga, nơi sự cai trị của Nga đã gặp phải một số kháng cự theo thời gian trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, mặt khác, vì Nga là một cường quốc hạt nhân, một “lựa chọn xấu xí” như vậy có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, điều mà Trung Quốc chắc chắn sẽ không dám mạo hiểm.
Tuy nhiên, trường hợp khó xảy ra nhưng không hoàn toàn bất khả thi đã được thảo luận ở trên, đó là khi một thất bại rõ ràng và không thể phủ nhận ở Ukraine là chất xúc tác cho một cuộc đảo chính hoặc một số hình thức thay đổi chế độ khác ở Nga, một cuộc đảo chính vấp phải sự kháng cự và không kết thúc suôi sẻ mà trái lại , sẽ gây ra tình trạng bất ổn nội bộ kéo dài hoặc thậm chí là nội chiến , một tình huống như vậy có thể là thời điểm "có một không hai " để Trung Quốc tiến quân vào Siberia, có thể là dưới chiêu bài gìn giữ hòa bình hoặc một cái gì đó tương tự.
Tuy nhiên, đây vẫn là một kịch bản có xác suất rất thấp, vì vậy kịch bản khả dĩ nhất mà Trung Quốc tin tưởng, và có lẽ đã mong muốn như thế , chỉ đơn giản là làm sao cho cuộc chiến Nga chống Ukraine bùng nổ, đẩy Nga vào tình trạng cô lập và đối đầu tối đa với Phương Tây đến mức nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc liên kết với Trung Quốc và chấp nhận một vai trò cấp dưới trong liên minh. Mặc dù ngay cả khi đó, với tình trạng dễ bị tổn thương chiến lược của Đông Siberia, khả năng tiến hành “phương án xấu xí” có thể sẽ được Trung Quốc liên tục sử dụng để gây áp lực tâm lý cho Nga bất cứ khi nào nước này có ý định xem xét rời bỏ giao ước.
Chúng ta không biết liệu việc Trung Quốc hủy hỗ trợ Nga trong thời gian vừa qua có phải là vì những lý do nêu trên hay không. Tuy nhiên, chúng ta biết rất rõ rằng nếu Trung Quốc muốn Nga giành chiến thắng, chắc chắn họ sẽ phải thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác với những gì họ đang làm hiện nay, và giới tinh hoa ở Bắc Kinh chắc chắn nhận thức được điều này. Đúng là Trung Quốc có thể lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây trong trường hợp nước này cung cấp thêm viện trợ, nhưng Bắc Kinh dường như không sợ vướng vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và Úc như trước đây nên việc này không phải là một lý giải hợp lý cho những cách hành động vừa qua của Trung quốc . Lời giải thích đơn giản nhất nhưng lại có sức thuyết phục nhất chính là việc Trung Quốc không muốn Nga chiến thắng bởi vì một nước Nga chiến thắng có thể trở nên quá quyết đoán để xử lý mọi việc, còn khi một nước Nga bị đánh bại, suy yếu, bị cô lập sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là trở thành một đồng minh chiến lược ngoan ngoãn của Trung Quốc, do đó bắt buộc phải cấp cho Trung quốc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia. Vì thế dường như Trung Quốc đã sớm biết về kế hoạch xâm lược Ukraine của Nga và đã khuyến khích Nga làm như vậy, họ chỉ chấm dứt sự hỗ trợ khi chiến tranh bắt đầu nổ ra và quay sang bắt tay với Ukraine.Tất cả những điều này cho thấy rằng Trung Quốc ngay từ đầu đã đặt cược vào một thảm bại của Nga tại Ukraine.
Có thể là hình ảnh về bản đồ và văn bản cho biết 'Russia's strategie vulnerability to China Csaba Barnabas Horvath 2022 Population of Eastern Siberia 14 million Indigenous Ethnie Federal Subjeets Sino Russian border before 1858 Population Mongollar) 3 million Population of the Northern Provinces:o China: 123 million'

ThepFB

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.