Nữ sinh 24 tuổi đỗ tiến sĩ ĐH Oxford, mong trở về Việt Nam làm việc

4:33:00 CH

 

(Dân trí) - Nguyễn Huỳnh Ngọc Thư sinh năm 1998 đỗ tiến sĩ ĐH Oxford chia sẻ, rất muốn trở về Việt Nam để phát triển nghiên cứu, cũng như hướng dẫn nghiên cứu cho thế hệ tiếp theo.

Nữ sinh 24 tuổi đỗ tiến sĩ ĐH Oxford, mong trở về Việt Nam làm việc - 1

Nguyễn Huỳnh Ngọc Thư là một trong 30 học giả trẻ xuất sắc được nhận học bổng Khoa học công nghệ Vingroup năm 2022.

Từ làng quê nghèo đến trúng tuyển 4 trường đại học danh tiếng

Nguyễn Huỳnh Ngọc Thư sinh năm 1998 tại một vùng quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hoàn cảnh gia đình Thư không mấy khá giả, ba mẹ cô mở một quán cafe nhỏ ngay tại nhà để mưu sinh, trang trải cuộc sống.

Ở vùng quê còn khó khăn về kinh tế, từ nhỏ, Thư đã nghe nhiều người nói con gái không cần học lên quá cao. Thế nhưng, cô bé vẫn khao khát muốn học để phát triển bản thân, tìm hiểu nhiều kiến thức hơn nữa. Thấy con ham học, ba mẹ Thư chắt góp, tạo điều kiện hết mình cho cô bé theo đuổi ước mơ.

Năm 13 tuổi, Thư khăn gói lên TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để có môi trường học tập tốt hơn. Tại trường cấp 2, cô thử sức ở nhiều đội tuyển học sinh giỏi, từ Toán, Lý, Hóa, Sinh,… và dần nhận ra niềm đam mê đặc biệt với môn Sinh học. Thư thích thú khi được làm thí nghiệm và tìm hiểu những kiến thức liên quan đến cá thể sống, sự sống. Cô thấy việc hiểu được cơ chế sâu bên trong sinh vật sống là điều rất thú vị.

Năm 2013, Thư đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Sinh của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. Sau đó, cô bắt đầu tham gia những cuộc thi về Sinh học và đạt nhiều giải thưởng: Giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh (năm 2014), Huy chương Vàng Olympic các trường chuyên thuộc vùng Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ (năm 2014), Giải Ba học sinh giỏi cấp Quốc gia (2015),…

Cũng nhờ Giải Ba cấp Quốc gia, năm 2016, Thư được tuyển thẳng vào trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ở trường đại học, cô tiếp tục gặt hái nhiều thành tích ấn tượng, liên tiếp giành được các học bổng khác nhau.

Đặc biệt, học bổng toàn phần Global UGRAD của Chính phủ Mỹ đã giúp nữ sinh có cơ hội đi học tập trao đổi tại Đại học Loyola Chicago trong một học kỳ. Trong khóa học trao đổi, điểm các môn chuyên ngành của Thư đạt 4.0/4.0.

Cuối năm 2020, Thư tốt nghiệp thủ khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Quốc tế. Đến tháng 9/2021, Ngọc Thư apply thành công học bổng Khoa học Công nghệ đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ du học nước ngoài của Tập đoàn Vingroup. Để nhận học bổng này, các học viên phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe, điều kiện chính thức nhận học bổng là vượt qua vòng xét chọn độc lập của các trường đại học danh giá.

Nhận được hỗ trợ tài chính từ Học bổng Vingroup, đầu năm 2022, Thư apply và đỗ chương trình Tiến sĩ của 4 trường đại học danh tiếng: Đại học Oxford (Anh), Đại học Cornell (Mỹ), Đại học Sydney và Queensland (Úc). Riêng trường Cornell, Thư xuất sắc nhận mức học bổng lên tới 8 tỷ trong 5 năm học.

Sau cùng, cô gái trẻ quyết định theo học chương trình Tiến sĩ ngành Ung thư học tại Đại học Oxford (Anh).

2 lần trúng tuyển chương trình đào tạo Tiến sĩ của ĐH Oxford

Giai đoạn đi học trao đổi, trong một lần tâm sự cùng thầy Michael Grillo - giáo viên tại Đại học Loyola Chicago (Mỹ), Ngọc Thư chia sẻ về mong muốn vừa làm công tác giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học trong tương lai. "Nếu muốn như vậy, em nên học thẳng lên Tiến sĩ, vì Tiến sĩ mới là bậc học cung cấp đủ chuyên môn để em để có thể làm tốt những việc đó", thầy Grillo nói. Lời động viên của thầy đã thôi thúc Thư tìm được hướng đi cho mình.

Ở các trường đại học danh tiếng tại châu Âu, Mỹ, Úc,… yêu cầu để học lên bậc Tiến sĩ chỉ là bằng cử nhân những chương trình liên quan. Tuy nhiên, với một sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, chưa học lên bậc Thạc sĩ như Thư, việc từ cử nhân trúng tuyển thẳng vào chương trình Tiến sĩ là điều khó.

"Mình có quen những anh chị đang theo học tại Đại học Oxford, mọi người cho biết trước nay chưa từng có ai học 100% ở Việt Nam mà có thể đi lên Tiến sĩ tại Oxford, đa số đều phải đi qua chương trình Thạc sĩ ở những nước thứ hai.

Tại Đại học Oxford cũng từng có trường hợp từ Cử nhân học lên Tiến sĩ, nhưng đều ở nước ngoài. Vì thực tế, các trường đại học nước ngoài có thứ hạng cao hơn trên bảng xếp hạng, có uy tín hơn. Với Việt Nam, các trường đại học thường xếp hạng phía dưới nên việc ứng tuyển sẽ khó hơn", Thư chia sẻ.

Biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn, cô vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ vào Đại học Oxford. Điều duy nhất Thư nghĩ lúc ấy là nếu không thử sẽ không biết bản thân có thể hay không. Thư không muốn sau này phải hối tiếc vì sự do dự của mình.

Nữ sinh 24 tuổi đỗ tiến sĩ ĐH Oxford, mong trở về Việt Nam làm việc - 2
Ngọc Thư (đứng giữa) cùng các bạn quốc tế.

Ít ai biết rằng, Ngọc Thư sau đó có tới 2 lần nhận được lời mời nhập học từ trường Đại học Oxford.

Tháng 4/2021, Thư lần đầu nộp hồ sơ vào chương trình đào tạo Tiến sĩ của trường. Lúc này, đợt tuyển sinh chính đã qua được vài tháng, cô được tạo điều kiện nộp hồ sơ bổ sung và thành công chinh phục được các vòng xét tuyển. Tuy nhiên, do đã qua đợt tuyển sinh chính, Thư bỏ lỡ cơ hội xét học bổng của Đại học Oxford. Học bổng Vingroup cho khóa 2021 cũng đã quá hạn nộp hồ sơ. Không đủ điều kiện tài chính, cô đành ngậm ngùi từ chối lời mời nhập học.

Đến tháng 9/2021, khi nhận được học bổng Vingroup cho khóa 2022, vấn đề tài chính không còn là nỗi lo với Thư. Cô apply lại vào Đại học Oxford và lần này đã không bỏ lỡ cơ hội.

Với số lượng sinh viên ứng tuyển rất cao, đa số đều có hồ sơ ấn tượng, khó khăn lớn nhất của Thư là hồ sơ chưa có tính cạnh tranh do cô chỉ mới tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều giúp Thư "ghi điểm" là kiến thức chuyên môn rất vững.

Trong vòng phỏng vấn, trước 30 phút, nhà trường gửi tới các ứng viên một đề bài giống như thực hiện một nghiên cứu thực sự, yêu cầu trả lời câu hỏi cho thí nghiệm đó, nêu các bước tiếp theo muốn mở rộng nghiên cứu.

"Vì là ứng tuyển bậc Tiến sĩ nên câu hỏi đều rất khó, mang tính học thuật cao. Có những câu hỏi mẹo, họ vẽ thiếu một phần nào đó của biểu đồ để xem thí sinh phát hiện được không. Khi mình thuyết trình về nghiên cứu, thầy cô sẽ hỏi không chỉ về chuyên môn mà còn là những câu hỏi mở về kỹ năng nghiên cứu", Thư nhớ lại. Chính việc trả lời tốt các câu hỏi của hội đồng tuyển sinh giúp Thư có điểm cộng.

Bên cạnh đó, điểm cộng thứ hai là trong 4 năm học tại trường Đại học Quốc tế, Ngọc Thư đã tham gia các nhóm nghiên cứu và có một số bài báo khoa học có giá trị như "Giá trị chẩn đoán và tiên lượng của nhóm miR-200 trong ung thư vú" đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology với vai trò đồng tác giả; "Đánh giá vai trò chứng nội trong nghiên cứu ung thư vú của mir-16" đăng trên tạp chí Molecular Biology với vai trò tác giả chính; "Xây dựng phương pháp tách chiếc miRNA từ mẫu máu" đăng trên tập san hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc với vai trò tác giả chính.

Dù đã tốt nghiệp đại học, Thư vẫn theo đuổi nghiên cứu và có một số bài báo tiếp tục apply đi các tạp chí uy tín khác. "Mình nghĩ đó là điểm cộng, cho thấy dù không theo học tại các đại học hàng đầu, nhưng mình vẫn có khả năng nghiên cứu và đã được khẳng định bởi các tạp chí uy tín. Đó có lẽ là những lý do giúp mình chinh phục được Đại học Oxford", Thư nói.

Mong có những nghiên cứu giá trị giúp đỡ bệnh nhân ung thư

Nói về lý do lựa chọn theo đuổi ngành Ung thư học, Ngọc Thư cho biết cô có định hướng này ngay từ năm 4 đại học.

Nữ sinh 24 tuổi đỗ tiến sĩ ĐH Oxford, mong trở về Việt Nam làm việc - 3

Ngọc Thư trong bộ ảnh kỷ yếu tốt nghiệp đại học.

Thời điểm ấy, Thư có cơ hội tham gia một nhóm nghiên cứu về bệnh ung thư. Càng nghiên cứu, cô càng thấy căn bệnh này còn quá nhiều thử thách, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Khi tới các Bệnh viện Ung bướu để thu mẫu phục vụ nghiên cứu, Thư ám ảnh khi nghe về hoàn cảnh của các bệnh nhân đang phải chống chọi với căn bệnh này.

Rồi Thư biết tin người anh trai thân thiết với mình cũng đột ngột mắc ung thư. Cô mong mỏi có thể làm điều gì để giúp anh. Khi tâm sự với một người bạn có người thân mắc ung thư, cô cảm thấy nỗi đau, sự tuyệt vọng quá lớn mà người nhà trực tiếp chăm sóc bệnh nhân ung thư phải đối diện…

"Việc nhận ra căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng quá lớn đến bệnh nhân mà còn với cả người thân của họ khiến mình càng có động lực muốn tìm hiểu rõ hơn về ung thư. Mình nghĩ rằng nếu biết rõ hơn về cơ chế của bệnh sẽ càng có những kiến thức để chống lại nó", Thư chia sẻ.

Qua tìm hiểu, Thư được biết Khoa Ung thư học tại Đại học Oxford có rất nhiều nghiên cứu giá trị về bệnh ung thư, có thể phục vụ việc chữa trị cho bệnh nhân. Đó là lý do cô muốn được tiếp tục học lên bậc Tiến sĩ ở Đại học Oxford.

Nữ sinh 24 tuổi bộc bạch, sau khi hoàn thành việc học Tiến sĩ, cô dự định ở lại nghiên cứu sau Tiến sĩ khoảng 2-3 năm để kiến thức sâu hơn. Sau đó, cô sẽ quay trở về Việt Nam, làm việc tại các trường đại học, vừa làm công tác nghiên cứu, vừa giảng dạy.

Theo Ngọc Thư, cô mong muốn sử dụng kiến thức nghiên cứu được trau dồi để trực tiếp tìm ra sáng kiến có ích cho cộng đồng, nhất là bệnh nhân ung thư ở Việt Nam. Bởi việc nghiên cứu thường mang tính quần thể rất cao, nếu thực hiện nghiên cứu trên người Việt Nam sẽ có những giá trị chính xác hơn. Bên cạnh đó, Thư chia sẻ hiện có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đam mê với lĩnh vực này, tuy nhiên việc giảng dạy ở trường đại học còn nhiều hạn chế, các phòng thí nghiệm nghiên cứu về ung thư khá ít, hầu như không có sự lựa chọn.

"Do đó, mình rất muốn trở về để phát triển nghiên cứu của mình, cũng như hướng dẫn nghiên cứu cho thế hệ tiếp theo", Thư nói.

Nữ sinh 24 tuổi đỗ tiến sĩ ĐH Oxford, mong trở về Việt Nam làm việc - 4
Nguyễn Huỳnh Ngọc Thư (thứ ba từ phải sang) cùng các học giả trẻ nhận Học bổng KHCN Vingroup.

Năm 2022, Học bổng KHCN Vingroup vinh danh 30 học giả trẻ Việt Nam xuất sắc. Tổng giá trị học bổng được trao lên tới 48 tỷ đồng.

Kể từ khi thành lập năm 2019, sau 4 mùa tuyển chọn, đến nay chương trình đã trao được 132 suất học bổng với tổng giá trị hơn 339 tỷ đồng cho các học giả trẻ xuất sắc, có khát vọng phụng sự cộng đồng và phát triển tương lai của khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Để nhận "Học bổng Khoa học Công nghệ đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ du học nước ngoài", các học viên phải trải qua quá trình tuyển chọn hết sức khắt khe. Sau khi vượt qua vòng nộp hồ sơ, những ứng viên xuất sắc nhất sẽ được chọn vào phòng phỏng vấn với các giáo sư thuộc Hội đồng cố vấn Khoa học Vingroup và các giáo sư hàng đầu tại trường đại học danh tiếng như Đại học Cornell, Đại học Illinois Urbana Champaign, Đại học Johns Hopkins, Đại học Công nghệ Nanyang… Sau vòng phỏng vấn, ứng viên sẽ nộp đơn vào các trường đại học mục tiêu và trải qua vòng xét chọn độc lập của các trường đại học này. Ứng viên thành công ở tất cả các vòng tuyển chọn sẽ chính thức nhận Học bổng Vingroup.

30 sinh viên nhận học bổng năm nay đều là những gương mặt ưu tú và có thành tích xuất sắc nhất trong số hơn 500 hồ sơ ứng viên dự tuyển.

Các bạn đã thành công chinh phục Hội đồng tuyển chọn các trường Đại học danh giá, bao gồm: Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học California, Los Angeles (Mỹ), Đại học Oxford (Anh), Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore)…

Tại buổi lễ trao học bổng tổ chức ngày 24/6, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni, đơn vị quản lý Chương trình Học bổng phát biểu: "Khi trao cho các trí thức trẻ cơ hội du học và tiếp cận với nền giáo dục đỉnh cao của thế giới, chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai họ sẽ thúc đẩy các tiến bộ KHCN để chung tay giải quyết các vấn đề lớn của Việt nam và thế giới, đồng thời tạo ra dấu ấn tích cực của nền KHCN Việt Nam trên bản đồ KHCN toàn cầu".

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.