HAI BỨC HỌA TRIỆU ĐÔ CỦA CỐ HỌA SĨ LÊ PHỔ
HAI BỨC HỌA TRIỆU ĐÔ CỦA CỐ HỌA SĨ LÊ PHỔ
Trong năm nay, đã có rất nhiều tranh của cố họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) được đem ra đấu giá, trong đó nổi bật lên là 2 bức Tự họa trong rừng (Autoportrait dans la forêt) và Thiếu nữ choàng khăn (Jeune femme attachant son foulard).
Tự họa trong rừng (Autoportrait dans la forêt) là bức đầu tiên trong số 2 bức cán mốc triệu USD. Bức họa được đem ra đấu giá ngày 16/03/2021 tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá ước tính chỉ khoảng 150.000 - 200.000 euro (khoảng 3,8 - 5 tỷ đồng). Tuy nhiên, phiên đấu giá bức họa đã kết thúc với mức giá cuối lên đến 883.700 euro (tương đương 1,052 triệu USD, khoảng 23,8 tỷ VNĐ).
Một thông tin khá thú vị là cố họa sĩ Lê Phổ đã có 3 thời kỳ sáng tác khá nổi bật: Thời kỳ Hà Nội với chủ yếu là tranh lụa vẽ con người Bắc bộ; thời kỳ Romanet (Pháp) từ những năm 1940 - 1950 vẽ niềm hoài cố hương và chân dung quê mẹ, chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu; và thời kỳ Findlay (Mỹ) cuối thập niên 60 với đặc trưng là sơn dầu tĩnh vật hoa.
Do đó, bức chân dung tự họa là một trong những tranh có chủ đề đặc biệt hiếm thấy ở cố danh họa Lê Phổ với chất liệu sơn dầu. Được biết, tranh sơn dầu đã có từ những năm 1390 – 1441, có thể nói việc sử dụng chất liệu sơn dầu để vẽ tranh là một cuộc cách mạng kỹ thuật lớn trong hội họa. Tranh sơn dầu du nhập vào Việt Nam những năm 1925 và từ đó đến nay tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Bức thứ hai trong năm nay vượt mốc triệu USD của cố họa sĩ Lê Phổ là bức Thiếu nữ choàng khăn (Jeune femme attachant son foulard), được chứng thực là tranh của cố họa sĩ vẽ vào khoảng năm 1938 bởi chính con trai của ông, nhà sưu tập Pierre Lê Tân. Bức họa Thiếu nữ choàng khăn này đã được đưa ra vào phiên đấu giá ngày 24/5/2021 (GTM+7) ở nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông.
Được giới chuyên môn đánh giá cao, bức tranh Thiếu nữ choàng khăn được định giá từ 6,8 - 8,8 triệu HKD (khoảng 875.000 - 1,1 triệu USD). Sau những lần gõ búa kịch tính, bức Thiếu nữ choàng khăn cuối cùng đã được trao cho người đưa ra mức giá 1,11 triệu USD (khoảng 25,3 tỷ VNĐ).
Bức họa Thiếu nữ choàng khăn được xem là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng lớn của cố họa sĩ Lê Phổ: Người phụ nữ Việt với khăn choàng. Ông luôn khắc họa những hình dung đẹp nhất, trang nhã và thuần khiết nhất về người phụ nữ Việt, qua đó thể hiện niềm yêu mến, lòng ngưỡng mộ của chính mình.
Thậm chí, trước khi buổi đấu giá bức Thiếu nữ choàng khăn được diễn ra, nhà sưu tập Lý Đợi cũng đã có dự đoán rằng bức này sẽ có được mức giá cao. Trên tờ Thanh Niên, nhà sưu tập này chia sẻ:
Thứ nhất, về vật liệu và chất liệu, nó tiêu biểu cho tranh lụa của Việt Nam. Năm 1938 thuộc đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Lê Phổ. Năm 1937, ông trở lại Paris vào lần thứ hai, sau lần đầu lưu trú vào các năm 1931-1932. Trước đó, năm 1933, ông là giáo sư chính thức tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nên học thuật càng phát triển. Năm 1934 đi nghiên cứu tranh lụa ở Trung Quốc, tại đây ông có dịp nghiên cứu thêm tranh lụa Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan… Bức "Thiếu nữ choàng khăn" đúng như câu thơ của Tản Đà: "Con đường vô hạn khách Đông Tây", là sự kết hợp, giao thoa tài tình giữa kỹ thuật Đông Tây và tự tình Việt Nam.
Thứ hai, về đồng đại và lịch đại, hành trình của "Thiếu nữ choàng khăn" rất minh bạch, ấn tượng, qua tay các nhà sưu tập danh tiếng.
Thứ ba, hiện tại đang có mấy nhà sưu tập quốc nội của Việt Nam và Trung Quốc nhìn ngắm, nên triệu USD là lẽ thường tình. Có khi hứng quá, tăng giá đấu quá... 5 triệu USD cũng không có gì bất ngờ.
GIA TÀI HỘI HỌA ĐẮT GIÁ CỦA CỐ HỌA SĨ LÊ PHỔ
Đây không phải năm đầu đánh dấu sự trọng vọng của giới sưu tập đối với tác phẩm của cố họa sĩ Lê Phổ. Sự nghiệp hội họa của ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đắt giá. Lê Phổ được mệnh danh là "cây đại thụ" trong làng mỹ thuật Việt Nam và là một trong tứ kiệt trời Âu (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu – Vũ Cao Đàm).
2 bức họa trên đã góp phần làm giàu thêm gia tài hội họa đấu giá triệu USD của ông; trong đó, một số bức có thể kể đến như: Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn được vẽ bằng mực màu trên lụa, có kích thước 91x71cm được "gõ búa" với con số cuối là 1.164.760 euro (bao gồm cả thuế và phí giao dịch), tương đương 32,6 tỉ đồng; bức tranh mực và bột màu trộn keo trên vải bố, kích thước dài rộng 82 x 66cm Đời sống gia đình được đấu giá tại Sotheby's Hong Kong ngày 2/4/2017 thuộc về chủ nhân mới với mức giá cuối là 1.172.080 USD (khoảng 27 tỷ VNĐ) hay bức Khỏa thân được bán trong phiên đấu giá 20th Century & Contemporary Art của Christie’s tại Hong Kong vào ngày 26/5/2019 đạt giá bán đấu giá lên đến 1,4 triệu USD (khoảng 32,5 tỷ VNĐ).
Con số 1,4 triệu USD này hiện vẫn đang là kỷ lục đấu giá cá nhân của cố họa sĩ.
Chuyên gia mỹ thuật Lauren Bradley, trong chia sẻ với tờ LiveAuctioneer, đã nhận định: Tác phẩm của Lê Phổ đang rất được săn đón trên thị trường ngày nay. Các chủ đề đa dạng của ông thu hút nhiều nhà sưu tập khác nhau, cho dù họ quan tâm đến cuộc sống truyền thống của người Việt, về sự dịu dàng của tình mẫu tử, hay về những tĩnh vật hoa sống động, rực rỡ.
Giám đốc mỹ thuật Joseph Stanfield của Hindman Auctions (Mỹ) nhận định: Thị trường cho tranh Lê Phổ rất rộng và đang trên đà tiến triển nhanh và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Họa sĩ Lê Phổ (sinh ngày 2/8/1907 - mất ngày 12/12/2001) được sinh ra ở Hà Đông, Hà Nội. Ông là một trong những sinh viên ưu tú khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với bạn thân Mai Trung Thứ (còn ký Mai Thứ, 10/11/1906 - 10/10/1980) và các đồng môn Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Cao Luyện, Công Văn Trung, Georges Khánh, Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh)…, được hiệu trưởng - họa sĩ, giáo sư người Pháp Victor Tardieu - đào tạo. Lê Phổ gần như sống xuyên suốt thế kỷ 20 tại Việt Nam với hơn 30 năm và hơn 60 năm tại Pháp, từ năm 1937.Một chút về cố họa sĩ Lê Phổ
TheoSoha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét