Vén màn bí ẩn xác ướp Việt
Khi xác ướp vườn đào (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) được mở ra, PGS. TS Nguyễn Lân Cường và các cộng sự bất ngờ khi thấy mùi dược liệu tỏa ra thơm lừng, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn như mới được chôn…
Tiếp tôi trong phòng làm việc ở Viện Khảo cổ học Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Lân Cường vừa đánh số, lắp ráp một hộp sọ cổ được phát hiện ở Hòn Hai Cô Tiên (Hạ Long - Quảng Ninh) vừa trò chuyện: Mộ cổ có nhiều loại: hài cốt, xác ướp,... Hài cốt cũng có nhiều loại nhưng xác ướp ở Việt Nam có hai loại chính: xác ướp trong quan ngoài quách và xác ướp nhục thân.
Trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ khai quật mộ cổ, ông Cường từng khai quật và tiếp cận 1093 bộ xương người xưa, khoảng 10 xác ướp trong quan ngoài quách và 4 nhục thân của các vị thiền sư.
Theo ông Cường, những ngôi mộ cổ được phát hiện đã hé lộ những bí quyết ướp xác độc đáo và kỹ thuật cao siêu của người Việt xưa. Tuy nhiên, đằng sau giấc ngủ trăm năm của các xác ướp cho đến nay vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người chưa thể giải mã hết.
Trong các xác ướp cổ trong quan ngoài quách, ông Cường thấy ấn tượng nhất là xác ướp ở vườn đào, phường Nhật Tân, Tây Hồ (sau vẫn được biết đến với định danh dân gian là "xác ướp vườn đào"). Đây có lẽ là một trong những ngôi mộ cổ có số phận "hẩm hiu" nhất trong số những ngôi mộ được phát hiện và khai quật ở Việt Nam.
Tháng 5/2005, khi thực hiện hoạt động giải phóng mặt bằng đô thị, một số người dân bất ngờ phát hiện ra một ngôi mộ cổ. Thông tin này lập tức gây chấn động, nhiều người hiếu kỳ đổ xô đến đây với hy vọng tìm được châu báu chôn cất theo. Điều này đã khiến mộ cổ bị xâm phạm, làm lộ ra cả xác ướp bên trong. Về sau, để bảo vệ mộ cổ, người dân làng Nhật Tân đã phải tiến hành dựng rạp, cắt cử người bảo vệ trông coi chờ các nhà khoa học vào cuộc.
PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết, đây là một ngôi mộ cổ khá lạ lùng. Quan quách được làm bằng gỗ quý và người chôn cất thực hiện ướp xác bằng dầu thơm nên trải qua bao nhiêu năm tháng, thi thể nằm trong mộ vẫn như nguyên vẹn. Khi ông Cường cùng các đồng nghiệp tiến hành khai quật, mở nắp quan tài, mùi dược liệu tỏa ra thơm lừng. Điều lạ lùng là chỉ sau chừng 5 phút, mùi trở nên khó chịu. Xác mở ra trông nguyên vẹn như xác chết trôi nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn là lập tức đen sạm lại.
Xác ướp được xác định là nam, khoảng 60- 62 tuổi, cao 1m62 sống vào cuối thế kỷ thứ 18, thời Lê Trung Hưng. Điều đặc biệt, xác ướp được khoác chừng 23 lớp áo bên ngoài, gồm cả áo gấm và áo liệm, mặc 2 chiếc quần. Cụ được đi một đôi hia vải rất dày và đẹp, cao quá đầu gối. Tất cả quần áo đều được thêu hoa văn rất tinh tế.
Hai bàn tay của cụ cũng được đeo một đôi găng tay bằng sa tanh, có đầy đủ cả năm ngón. Điều này theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường là chưa từng thấy bao giờ trong các ngôi mộ hợp chất.
"Những lớp áo này khả năng được may sau khi người quá cố qua đời. Dựa vào hoa văn quần áo mà người này mặc, thì chắc chắn đây phải là người có xuất thân giàu có. Ngay địa điểm chôn cất trước kia cũng là bến sông Hồng, thuyền bè tấp nập, nơi quy tụ của các nhà buôn giàu có bậc nhất kinh đô", ông Cường nói.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường kể, việc khai quật mộ cổ thời bấy giờ gặp không ít cản trở do người dân tập trung quá đông. Để đảm bảo tiến độ, an toàn cho mộ cổ, đoàn các nhà khoa học đã phải nhờ lực lượng công an can thiệp. Song để người dân an lòng, các nhà khảo cổ đã vừa khai quật, vừa phải nhấc từng vật trong quan tài để mọi người theo dõi.
Điều khiến ông Cường nhớ nhất là chiếc túi gấm nhỏ thêu kim tuyến tinh xảo được phát hiện bên trong mộ cổ vườn đào.
"Chiếc túi bằng nửa bàn tay, dài 7,3cm, rộng 5,3cm. Miệng túi có dây vải để thít lại và có 2 hàng rèm, mỗi hàng 4 cánh xen kẽ chồng lên nhau. Khi đưa khỏi quan tài, chúng tôi không mở ra được vì túi bị thấm đẫm dầu thơm ướp xác, nếu cứ mở có thể làm túi rách.
Tuy nhiên, điều không ngờ là khi thấy túi không được mở ra, người dân theo dõi quá trình khai quật liên tục chất vấn, hồ nghi. Nhiều người nghĩ trong túi có chứa vật báu giá trị", PGS.TS Nguyễn Lân Cường cười nhớ lại.
Ngay tối hôm đó, ông Cường và các cộng sự đã phải tổ chức một cuộc họp để chia sẻ với bà con. Hàng nghìn người dân đã đứng kín đê Âu Cơ. Lúc đầu, buổi nói chuyện dự định diễn ra tại UBND Phường. Song, số lượng người quá đông, buổi trao đổi đã được di chuyển tới sân một trường học gần đó.
Các khúc mắc liên quan đến xác ướp vườn Đào lần lượt được các nhà khoa học giải đáp.
Thực tế bên trong chiếc túi gấm là 20 chiếc răng: 3 răng cửa trên, 4 răng cối lớn trên, 1 răng cửa dưới, 2 răng nanh dưới, 4 răng cối nhỏ dưới và 6 răng cối lớn dưới. Tất cả các răng đều nhuộm đen.
"Nghiên cứu và đo đạc các răng chúng tôi thấy đây là răng của chủ nhân ngôi mộ bị rụng ngay khi còn sống và có độ mòn không lớn", ông Cường nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chiếc túi gấm đã chứa những "bằng chứng thép" về tục chôn theo răng hàng ngàn năm của người Việt.
Theo đó, khi còn sống, người ta sẽ giữ lại những chiếc răng đã rụng của mình. Rồi khi khuất, những chiếc răng này sẽ được chôn cùng với xác. Tục lệ này phản ánh quan niệm muốn giữ trọn vẹn thi thể khi sang thế giới bên kia. Các phát hiện tương tự về việc chôn răng theo xác cũng được tìm thấy ở Mán Bạc (Ninh Bình); Bái Trạch (Thanh Hóa); Dương Xá (Hà Nội)...
Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là toàn bộ số răng của cụ ông ở Nhật Tân, không có chiếc răng nào bị sâu. Vậy tại sao răng lại bị rụng nhiều và sớm như vậy? Rất may khi gỡ dần các lớp áo bên ngoài xác ướp, các nhà khảo cổ đã phát hiện một nhành cây khô.
PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã gửi cành cây này tới Viện Dược liệu, Bộ Y Tế và được xác nhận đây là cành cây quỷ châm thảo. Theo y học phương Đông, cây này là loại dược liệu chữa các bệnh răng miệng.
Theo ông Cường, 20 chiếc răng rụng, không chiếc nào bị sâu, kèm với cành cây quỷ châm thảo chôn cùng xác ướp, nhóm ông có đưa đến giả thuyết, người này khi sống bị lún lợi nên các răng rụng sớm.
Có khả năng cụ đã dùng cây thuốc trên để tự chữa bệnh cho mình khi thấy răng bị rụng. Và sinh thời, ông đã dùng cây quỷ châm thảo rất thường xuyên nên người nhà đặt một cành cây bên trong quan tài chôn theo khi ông mất", PGS. TS Nguyễn Lân Cường nói.
Khi mới khai quật xác ướp vườn Đào, nhiều giả thuyết ly kỳ quanh ngôi mộ cũng được mọi người thêu dệt. Việc phát hiện mộ cổ gần mộ phần của TS. Nguyễn Kiều - chồng bà Đoàn Thị Điểm làm dấy lên những tranh cãi. Nhiều người cho rằng, xác ướp này mới là mộ thật của ông Nguyễn Kiều, bởi từ xưa đến nay chuyện "mộ thật, mộ giả" trong lịch sử khảo cổ không phải không có tiền lệ.
Tuy nhiên, sau khi khai quật rõ ràng cũng như đối chiếu các chứng tích lịch sử, PGS. TS Nguyễn Lân Cường khẳng định xác ướp cụ ông không thể là của TS Nguyễn Kiều.
"Xác ướp được xác định quãng 60 - 62 tuổi còn TS. Nguyễn Kiều 72 tuổi. Mặt khác, ngoài việc hai mộ phần cạnh nhau, không có căn cứ gì để chứng minh đây là xác ướp của TS. Nguyễn Kiều", ông Cường nói.
Sau cuộc khai quật, xác ướp được các nhà khoa học bàn giao lại cho làng Nhật Tân. Người dân tại đây đã góp tiền mua quan tài, mua quần áo mới mặc cho cụ, huy động cả xe đòn và phường bát âm đến thực hiện các nghi thức ma chay theo truyền thống.
Lý giải về kỹ thuật ướp xác của người xưa, ông Cường cho hay: "Các thuật ướp xác này vẫn còn cần nhiều thời gian để giải mã song cùng chung một nguyên tắc lớn nhất là không cho vi khuẩn xâm nhập. Điều này đảm bảo chất hữu cơ bên trong không bị vi khuẩn tiêu hủy."
Theo đó, cách ướp xác trong quan ngoài quách, người xưa đã dùng các hợp chất tạo nên lớp quách dày bao phủ bên ngoài. Vật liệu của hợp chất này là vôi, san hô nghiền vụn, cát, đôi khi có cả vỏ nghêu sò… cùng với các chất kiến dính như mật, nhựa, giấy dó, dây tơ hồng, than hoạt tính
Gỗ trong quan tài cũng được lựa chọn tỉ mẩn. Loại gỗ thường được dùng là gỗ Ngọc Am (còn được gọi là Hoàng đàn rủ). Đặc tính của loại gỗ này là thơm, chắc, khó phân hủy.
Ngoài quách, quan tài, thi thể người đã khuất cũng được tẩm liệm kỹ càng.
Bởi những quy trình nghiêm ngặt, các xác ướp trong quan ngoài quách ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khi mấy trăm năm sau đào lên, người trong quan tài vẫn như đang ngủ.
Ông Cường tái khẳng định về kỹ thuật ướp xác của tiền nhân qua xác ướp vườn đào: "Xác ướp ở vườn đào chúng tôi tiếp cận được sau 10 ngày kể từ khi bị người dân đào lên. Tuy nhiên, đó là một trong những xác ướp tương đối nguyên vẹn ở miền Bắc. Nó cũng thể hiện nhiều kỹ thuật ướp xác của người Việt cách đây 3 thế kỷ".
Hiện tại, các xác ướp trong quan ngoài quách ở Việt Nam được tìm thấy lâu nhất là vào thời Hậu Lê, cách đây khoảng 300 năm. Nhưng theo các nhà khoa học, đây vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng. Ở đâu đó trên gấm vóc quê hương, những xác ướp lâu hơn vẫn đang yên nghỉ trong "cái chớp mắt ngàn năm", đợi chờ sự khai phá của hậu thế.
Nội dung: Phạm Mỹ
TheoDantri - Ảnh: Toàn Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét