Người mẹ Nhật của hàng nghìn đứa trẻ Việt

6:56:00 SA



Người mẹ Nhật của hàng nghìn đứa trẻ Việt

Chưa từng kết hôn nhưng Kazuyo Watanabe được nghìn người gọi là mẹ. Đó là những bệnh nhi ung thư khắp dải đất miền Trung Việt Nam được chị giúp đỡ.

Sáng tháng 7, trong căn phòng ở thành phố Kamakura, chị Kazuyo Watanabe đứng trước các nhà tài trợ và bắt đầu bài phát biểu.

Mở đầu, người phụ nữ 54 tuổi này kể câu chuyện về một cô bé Việt Nam 8 tuổi, từ Kiên Giang ra Bệnh viện Trung ương Huế xạ trị. Ở đây, các bác sĩ nhận ra cô bé đủ điều kiện nên đã thực hiện ghép tế bào gốc u nguyên bào thần kinh. Chỉ 15 ngày sau ca phẫu thuật, em được xuất viện. Chị cũng kể về một cậu bé Quảng Trị, là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bị ung thư nguyên bào võng mạc di căn được ghép tủy thành công.

Các năm trước, tháng 7 là thời điểm Watanabe đang ở Huế, bên cạnh những đứa trẻ đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Hai năm nay vì Covid-19, chị không thể cứ 3 tháng một lần sang Việt Nam như trước. Nhưng con đường chị đã, đang và sẽ đi vẫn không thay đổi: Con đường thay đổi số mệnh trẻ em ung thư Việt Nam.

"Dù ở xa và ngăn cách bởi dịch bệnh, công việc hàng ngày của tôi vẫn xoay quanh những đứa trẻ, các gia đình, các y bác sĩ ở Việt Nam", từ thành phố Kamakura - một nơi cổ kính như cố đô Huế - Kazuyo Watanabe, 54 tuổi, chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL), chia sẻ.

Tất cả bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế và cha mẹ của chúng luôn gọi chữ Watanabe là Mẹ. Ảnh: Kazuyo Watanabe.

Tất cả bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế và cha mẹ của các em luôn gọi chị Watanabe là "Mẹ". Ảnh: Kazuyo Watanabe.

Mười sáu năm trước, Watanabe đang là một giảng viên đại học. Chuyến thăm khu điều trị ung thư trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế đã "bẻ lái" cuộc đời chị sang hướng khác. Trước mắt người phụ nữ Nhật là khu điều trị ung thư trẻ em có cơ sở vật chất nghèo nàn và chủ yếu chữa bệnh về máu. Ngay cả phác đồ điều trị cũng chỉ là truyền máu, tiêm kháng sinh và hóa trị đơn giản.

"Thời đó các y bác sĩ đến bệnh nhân đều nghĩ ung thư trẻ em là bệnh không điều trị được, 60% gia đình từ bỏ điều trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh. So sánh với hệ thống y tế cho trẻ em ung thư ở đất nước mình, lòng tôi xót xa", chị nói.

Ngay khi ra khỏi phòng, Watanabe nói với người bác sĩ dẫn đoàn: "Bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được điều trị, chăm sóc đầy đủ". Sau hai tháng, nữ giảng viên quay trở lại, cùng với hai bác sĩ người Nhật. Họ đánh giá tình hình, thăm khám, hội chẩn, lên phác đồ điều trị và cung cấp tài liệu chuyên ngành ung thư nhi. Tổ chức ACCL nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên y tế thông qua các khóa học trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức hội thảo thường niên, mời các chuyên gia nước ngoài và bác sĩ ung thư nhi khắp Việt Nam tựu về Huế.

Để cải thiện tình trạng bỏ điều trị, đích thân Watanabe đi đến những bản làng xa xôi ở khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... tìm hiểu hoàn cảnh của người bệnh và truyền cho họ niềm tin "ung thư nhi có thể chữa được".

Đứa trẻ đầu tiên Watanabe gặp và giúp đỡ là cậu bé Nguyễn Anh Tài, 8 tuổi ở Quảng Trị, mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lymphoblastic. Ban đầu chị gặp Tài ở viện, sau đó về tận nhà ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh thăm ba lần. Em được điều trị phác đồ mới, đến năm 11 tuổi thì lui bệnh và đi học trở lại.

"Nhưng năm 12 tuổi em bị tái phát. Lúc đó em rất yếu, ba tháng nằm trên giường bệnh chỉ còn 24 kg. Các bạn điều trị cùng thời với em đã "ra đi" cả rồi, gia đình nghĩ em không qua khỏi. Thế rồi mẹ Watanabe từ Nhật bay sang, đến bên giường bệnh, nắm tay động viên em và gia đình đừng từ bỏ điều trị. Như một phép màu, em đã vượt qua được", Anh Tài, hiện 24 tuổi, chia sẻ.

Nguyễn Anh Tài (đầu tiên bên trái) trở lại bệnh viện tặng quà và động viên những trẻ em ung thư và gặp lại mẹ Nhật. Ảnh: Anh Tài.

Nguyễn Anh Tài (đầu tiên bên trái) trở lại bệnh viện động viên những trẻ em ung thư và gặp "mẹ Nhật" vào năm 2019. Ảnh: Anh Tài.

Thông qua hàng loạt cuộc gặp với nhân viên y tế và gia đình, Watanabe và tổ chức của mình đã giúp các gia đình, từ nâng cao hiểu biết về bệnh, tác động tâm lý, hỗ trợ kinh phí điều trị và chi phí đi lại. Chị còn lập "Ngôi nhà hy vọng" - nơi để nấu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các bé và chỗ nghỉ cho một số gia đình xa bệnh viện.

Trước khi có ngôi nhà này, hầu hết các gia đình từ xa về phải mua cơm quán. Chị Lê Thị Tư ở Gio Linh (Quảng Trị) là một trong số ít nấu được cơm cho con bằng việc chầu chực ở các quán ăn quanh bệnh viện, giúp đỡ việc lặt vặt, rồi mới dám mượn bếp nấu. "Mẹ Watanabe biết được điều đó đã bảo tôi và vài gia đình tìm một căn hộ. Sau khi tìm được, mẹ cho tiền thuê và từ đó có nhiều tình nguyện viên đến giúp đỡ chúng tôi", chị Tư, 32 tuổi, mẹ bé Lê Minh Quân bị ung thư máu, cho biết.

Bé Quân, hiện 9 tuổi, phát hiện bệnh từ lúc 2 tuổi. Sáu năm trước khi mới hóa trị được một đợt thì em bị nhiễm trùng nấm, thử nhiều loại thuốc kháng sinh không có tác dụng, ngoại trừ một loại không có trong danh mục bảo hiểm, giá gần 7 triệu đồng một lọ, một liệu trình cần hơn 40 lọ. "Tôi không biết bấu víu vào đâu. May nhờ các bác sĩ, các mạnh thường quân và mẹ Watanabe giúp đỡ mà con tôi được điều trị và lành bệnh", người phụ nữ nghèo nói.

Đối với gia đình này, chị Watanabe là người mẹ hiền. Không cùng ngôn ngữ nhưng họ dễ dàng hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ và nỗi niềm. Chị Tư không thể quên những đêm tĩnh mịch thấy bóng dáng "mẹ Nhật" đi đến từng giường bệnh xem lũ trẻ đã yên giấc hay chưa. "Mẹ" thường ngồi xuống và cùng ăn ngon lành những bữa trưa với người nhà bệnh nhân dù chỉ có bún với xì dầu. "Con tôi nằm viện lâu nên mỗi lần lấy ven mất hàng tiếng. Mẹ Watanabe đứng ngoài cửa thương đứa nhỏ nên khóc hoài", chị Tư kể trong dòng nước mắt. Với chị "chỉ cần nghĩ đến cái tên Watanabe là không kìm nổi xúc động".

Hai trung tâm ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tăng tỷ lệ sống cho trẻ em ung thư. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Hai đơn vị ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tăng tỷ lệ sống cho trẻ em ung thư. Trong ảnh là lễ sơ kết 10 ca bệnh thành công, diễn ra đầu tháng 7/2021. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Rất nhanh, những việc làm của "mẹ Nhật" đã tạo ra kết quả. "Chỉ sau 2-3 năm, tỷ lệ bỏ điều trị từ 60% giảm xuống còn 4-5%. Trước khi cô đến, chúng tôi gần như không cứu được cháu bé ung thư nào, nhưng 16 năm có cô đồng hành đã nâng tỷ lệ sống lên đến 70%. Đến nay gần 600 trẻ đã được tổ chức giúp đỡ", bác sĩ Châu Văn Hà, phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện, chia sẻ.

Năm 2018, Tổ chức Chăm sóc trẻ em châu Á đã hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế hình thành khoa điều trị ung thư trẻ em, với đội ngũ nhân viên y tế đươc đào tạo chuyên sâu, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuẩn quốc tế. Từ lúc đó bệnh viện không chỉ điều trị bệnh nhân ở miền Trung mà còn nhận nhiều bệnh nhân từ Hà Nội hay TP HCM về. Khu ghép tủy hoạt động từ cuối năm 2019, đến nay ghép thành công 11 ca. "Tôi mong ước một này không xa nơi đây sẽ trở thành một trung tâm ung thư trẻ em hiện đại xứng tầm với các nước tiên tiến trên thế giới", chị nói.

Mười sáu năm làm việc với bệnh nhi ung thư Việt Nam có rất nhiều chông gai, song khó khăn lớn nhất với Watanabe là đối mặt với cái chết của những đứa trẻ. "Điều đó thật sự rất đau lòng. Cuộc sống và nụ cười quý giá của những đứa trẻ đã mất luôn ở trong trái tim tôi. Các em đã dạy tôi rất nhiều điều và luôn là nguồn cảm hứng, động lực để tôi tiếp tục sứ mệnh", chị bộc bạch.

Dù một số em đã qua đời, "mẹ Nhật" vẫn kết nối với tang quyến. Chị giúp các gia đình tiền xây mộ, ngày giỗ đến thắp hương. Vài năm gần đây chị còn tổ chức một ngày lễ, mời tất cả các gia đình tập trung về một ngôi chùa ở Huế cầu siêu cho những đứa trẻ xấu số.

Với chị, hành trình đã đi qua có nhiều chông gai nhưng chưa bao giờ là hy sinh, bởi khi mang lại nụ cười cho ai đó cũng đang mang lại hạnh phúc cho mình. Chị có thể vui cả ngày khi Anh Tài chia sẻ đã có bạn gái và sắp chuyển từ TP HCM ra Hà Nội công tác trong ngành truyền thông. Hay bé Minh Quân giờ đã cao hơn, nặng hơn "gấp đôi hai năm trước"; và vui nhất là nhận tin những đứa trẻ từng là bệnh nhi ung thư khoe đỗ đại học, lập gia đình, sinh con cái như bao người bình thường.

Hai năm không thể sang Việt Nam nhưng hàng ngày, "mẹ Nhật" vẫn nhắn tin cho các gia đình cố gắng giữ bình an trong đại dịch. Gần hai năm, lỡ bao cuộc hẹn, chị đang ngóng chờ sớm ngày quay trở lại nơi chị coi là quê hương thứ hai của mình.

TheoVNexpress - Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.