63 vụ cháy rừng đã bùng phát tại 21 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, trong đó cháy rừng đã lan rộng khắp 6 tỉnh duyên hải ven biển Địa Trung Hải, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng hàng loạt khu nghỉ dưỡng mùa hè ở Antalya, Adana và Mersin. 

Riêng tại huyện Manavgat, tỉnh Antalya, nhiều đám cháy cùng lúc bùng phát dữ dội. Thị trấn nghỉ dưỡng Manavgat được bao quanh bởi rừng đã bị thiêu rụi vào chiều 28/7, sau khi cùng lúc bị “vây” bởi 4 đám cháy.

Hàng loạt đám cháy rừng bùng phát khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong các ngày 28-29/7. Ảnh: AA. 

Cư dân tại 18 ngôi làng và khu phố ở huyện Manavgat đã được sơ tán khẩn cấp. Cơ quan Quản lí Thảm họa và tình trạng Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết hôm 29/7, 3 người đã thiệt mạng do hỏa hoạn, 138 người bị bỏng và ngạt khói, trong đó 58 người vẫn đang nằm viện. Cùng với rừng và thảm thực vật, hệ sinh thái và động vật hoang dã đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Thị trấn nghỉ dưỡng Manavgat ở Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cháy rừng quét qua. Ảnh: HA. 

Thống đốc Adana Süleyman Elban nói với báo chí, chỉ trong ày 28/7, có 22 đám cháy rừng đã bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Pakdemirli, cho biết, trong số 63 đám cháy xảy tại 21 tỉnh, vẫn còn 22 đám cháy chưa được kiểm soát.

Khói lửa mù mịt che kín bầu trời gần thị trấn Manavgat, Antalya, ngày 29/7. Ảnh AFP. 

Tổ chức nhân đạo Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ (Kızılay) đã gửi một bếp dã chiến, năm xe phục vụ ăn uống và các đơn vị cung cấp suất ăn với khả năng phục vụ cho hơn 20.000 người tới khu vực phía nam đất nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết, chính quyền đang huy động mọi phương tiện để chữa cháy.

Đám cháy bùng phát dữ dội tiến sát một khu cư ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.Ảnh: AA. 

Sự bùng phát đồng thời của hàng chục đám cháy rừng ở nhiều tỉnh khiến người ta ngờ rằng đó là hành vi cố ý với mục đích phá hoại và một tổ chức được coi là khủng bố ở nước này bị cáo buộc là thủ phạm.

Cháy rừng gần khu du lịch ven biển ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Video:Ragip Soylu/Twitter. 

Trước thảm họa cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuối ngày 29/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, một máy bay cứu hỏa của nước này sẽ khởi hành vào thứ Sáu, 30/7 để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch dập lửa; đồng thời tuyên bố, Ukraine sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tất cả sự trợ giúp cần thiết.

Nhiều khu dân cư tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiêu rụi sau khi cháy rừng tràn qua. Ảnh: DHA. 

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu, gửi lời chia buồn và bày tỏ sự sẵn sàng trong việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại giặc lửa.

Không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cháy rừng đang bùng phát trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Rừng, thảm thực vật, hệ sinh thái và động vật hang dã bị thiệt hại nghiêm trọng do cháy rừng quy mô lớn và trên diện rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. 

Hôm 28/7 một đám cháy rừng lớn đã bùng phát ở tỉnh Akkar, Lebanon gây thiệt hại khoảng hơn 200ha, trong đó có những cánh rừng thông và sồi đẹp nhất Lebanon. Cháy rừng sau đó cháy lan sang các khu vực biên giới của tỉnh Homs, Syria. Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết, có hơn 30 người bị thương, trong đó có 8 người phải nhập viện. Vụ hỏa hoạn đã giết chết ít nhất một người, là một thiếu niên 15 tuổi tham gia chữa cháy.

Đám cháy Dixie thiêu rụi nhà cửa ở cộng đồng Indiana Falls, hạt Plumas, bang California, Mỹ. Ảnh: AP. 

Gần 90 đám cháy rừng cũng đang hoành hành khắp các bang miền tây nước Mỹ khiến hơn 553.000ha rừng thành than. Đám cháy Dixie tại bang California khởi phát từ ngày 14/7 đã phá hủy thị trấn Indian Falls. Hiện đám cháy đang lan tới phía đông, tới các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận. Thống đốc California Gavin Newsom ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 4 hạt phía bắc sau khi có nhiều đám cháy bùng phát trên diện rộng.

Một đám cháy rừng ở vùng Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Julia Petrenko / Greenpeace. 

Tại Nga, vào đầu tháng 7, Cơ quan bảo tồn rừng quốc gia đã báo cáo 264 vụ cháy rừng trên khắp nước Nga. Khoảng gần 2 triệu ha rừng đã bị cháy ở tây Yakutsk, vùng Viễn Đông, vốn là vùng lạnh giá đóng băng vĩnh cửu liên tục. Hơn 5.000 người, hàng trăm phương tiện, 25 máy bay và trực thăng đã được triển khai để dập lửa. Tuy nhiên với quy mô đám cháy quá lớn trải trên một khu vực rộng lớn nên phần lớn diện tích rừng trong tình trạng cháy tự do. Khói dày đặc đã buộc sân bay ở thủ đô Yakutsk của khu vực phải đóng cửa tạm thời.

Làng Lytton miền nam Bang British Columbia, Canada bị thiêu rụi sau khi cháy rừng quét qua. Ảnh: Theguardian.

Tại Canada, sau khi ghi nhận nhiệt độ cao kỉ lục mọi thời đại ở Canada và Châu Âu  với 49,6°C vào ngày 29/6, ngày hôm sau, 30/6, một trận cháy rừng quét qua đã san phẳng ngôi làng Lytton miền nam Bang British Columbia. Thống đốc British Columbia đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi gần 300 đám cháy bùng phát khiến hàng loạt cư dân phải sơ tán khẩn cấp. Trong khi đó, đám cháy sau khi đã quét qua và phá hủy làng Lytton vẫn đang cháy lan trong khu vực thung lũng xung quanh.

TheoBaovephapluat