CÓ HAI NƯỚC MỸ

6:41:00 SA

 


CÓ HAI NƯỚC MỸ

Năm 1991, khi đó Tổng thống Mỹ Clinton chưa bỏ cấm vận đối với nước ta, tôi có chuyến công tác sang Canada, sau đó sang Mỹ. Chắc bạn cũng hình dung ra, tôi háo hức với chuyến đi này thế nào!
Một người xuất thân từ một đất nước khốn khó trăm bề, nhưng lại là một đất nước vừa giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh tàn khốc; hôm nay sang thăm đất nước vừa bại trận. Tôi thật sự choáng ngợp sự hiện đại và giàu sang của nước Mỹ. Tại Boston chúng tôi được chiêu đãi món tôm hùm, mà từ xưa đến lúc đó chưa bao giờ được trông thấy con tôm hùm nào to thế, chứ đừng nói đến chuyện ăn nó.
Rồi tôi đi thăm Disneyland, Holywood… bất cứ đến đâu tôi cũng thắc mắc, sao nó giàu có thế mà nó lại thua trước một đất nước nghèo vậy? Chẳng có thời gian đủ để tìm hiểu sâu hơn xã hội Mỹ nên thấy sự giàu có cứ lồ lộ ra bên ngoài chẳng dám khen. Còn chê? Đã biết gì đâu mà chê! Cho đến khi đọc một số sách có liên quan mới biết – à thì ra có hai nước Mỹ lận.
Một nước Mỹ của đảng Cộng hòa và một nước Mỹ của đảng Dân chủ.
Một nước “Mỹ Cộng hòa” bao gồm những nhà tài phiệt công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp vũ khí. Họ là những người “da trắng thượng đẳng” (White Supremacy), bênh vực cho người da trắng, tạo nên sự đối nghịch với các tầng lớp dân da màu. Vì thế mới có chuyện xây bức tường biên giới và kỳ thị những người nhập cư. Nếu phía Dân chủ đòi kiểm soát súng đạn thì phe Cộng hòa phản đối. Vì thế mà số người chết vì súng đạn chỉ thua số người chết trong đại dịch Covid mà thôi.
Một nước “Mỹ Dân chủ” thi hành đường lối mị dân, lôi kéo những sắc dân da màu về phía mình. Vì thế ngay trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, người da màu với khẩu hiệu “Black Lives Matter”, thậm chí sau đó còn có phong trào “Asia Lives Matter”, nhằm đối trọng với phong trào “White Supremacy”. Gần đây nhất, người đứng đầu nhà nước “Dân chủ Mỹ” còn đưa ra một dự thảo luật “ For the People Act” (Vì nhân dân), song bị phe Cộng hòa phản đối. Cái câu “vì nhân dân” nghe chừng có vẻ XHCN, song thực chất đây là cái mánh của phe Dân chủ nhằm thay đổi một số công đoạn gì đó trong bầu cử, nhằm giúp cho đảng Dân chủ chắc thắng vào năm 2024, chứ chẳng phải vì nhân dân.
Một nước Mỹ của những nhà tài phiệt, chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng lại nắm giữ tới 25% sự giàu có của thế giới và 90% tài nguyên đất nước. Đó là những tầng lớp người có tiền lại có quyền chi phối toàn bộ nền chính trị của nước Mỹ, có đủ sức biến 90% người dân Mỹ thành con nợ suốt đời.
Đối lại, ở phía bên kia là một nước Mỹ của những người nghèo và chịu sự bất công, bất bình đẳng, đáng kể nhất là các sắc dân da màu đến từ châu Á, châu Phi, người Hispanic và cả người Mỹ bản địa (gọi là da đỏ). Tầng lớp dân nghèo, con nợ của những nhà tài phiệt, khi còn khả năng trả nợ thì còn nhà, còn xe; một khi khả năng trả nợ không còn thì gia nhập vào tầng lớp vô gia cư, ra ngoài đường mà sống.
Một nước Mỹ của những bang miền bắc, ở đó tỷ lệ sắc dân da màu, đặc biệt là dân gốc Phi rất ít nên tình trạng phân biệt chủng tộc chưa đến mức nguy ngập.


Một nước Mỹ khác gồm những bang ở miền nam vẫn còn hơi hướng của cuộc nội chiến 1861-1865, ở đó những người da trắng vẫn thể hiện thái độ “thượng đẳng” của mình, coi những sắc dân đến từ châu Phi không khác gì nô lệ. Chính vào thời điểm những người da trắng dành được quyền lực, thì những nhóm khủng bố như tổ chức 3K (Ku Klux Klan) xuất hiện để đàn áp người da đen, tình trạng này vẫn còn đó, tuy mức độ có giảm hơn xưa. Nhưng sự bất công mà người da đen phải chịu đựng thì bao giờ cũng thế, ngay trong thế giới văn minh này.
Ngay trong thời gian hiện tại, mỗi khi có ngày lễ hay một dịp kỷ niệm nào đó, thì bên cạnh quốc kỳ sao và vạch của Hợp chủng quốc vẫn có lá cờ Liên minh miền nam, chứng tỏ sự chia rẽ vẫn hiển hiện.
Người ta nói, chưa có nơi nào như trên đất nước Mỹ, lại kết tội một con người dễ dàng đến thế. Đứa con nít còn đang là vị thành niên cũng có thể bị bỏ tù chung thân không ân xá và xử tử trên ghế điện.
Hợp chủng quốc Hoa kỳ tuy còn rất mạnh song trong xã hội Hoa kỳ đã xuất hiện tình trạng chia rẽ chính trị, giữa hai đảng thay nhau cầm quyền, việc làm đầu tiên khi đã nắm quyền là đưa ra các đạo luật để làm sao buộc đảng kia chịu thất thế; sự chia rẽ không chỉ trong giới cầm quyền mà còn cả trong dân chúng Mỹ, thậm chí người dân da đen lại trở thành kẻ khủng bố người dân châu Á da vàng vì họ cho rằng dân châu Á đã mang dịch Covid sang cho họ; sự bất bình đẳng trong xã hội giữa giới nhà giàu và nhà nghèo, ngày càng bị khoét sâu.
“Giới nhà giàu chỉ tập trung vào việc tính toán làm sao để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí mà không quan tâm nhiều tới hệ quả của những lợi nhuận và chi phí đó (tức là không quan tâm đến hiệu ứng xã hội)”, đó là kết luận của luật sư người gốc Phi, Bryan Stevenson./.
Hình trong bài: (1) Cuộc nội chiến vào năm 1861; (2) Người Mỹ vô gia cư.
Ngày 24/6/2021
Ph. T. Kh.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.