Về một ông “trùm” người Trung Quốc thâu tóm hàng trăm ngàn hec-ta rừng Việt Nam

6:26:00 SA

                                   

Trước thực trạng, sạt lở đất, lũ lụt, gây tang thương cho đồng bào miền Trung, hơn nữa, còn là vấn đề an ninh quốc gia, nên tôi quyết định, viết về “ông trùm” thâu tóm hàng trăm ngàn hecta đất trồng rừng, ở Việt Nam, là một người Trung Quốc.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng có báo cáo, cảnh báo tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc “núp bóng” nhằm thâu tóm hơn 162.000ha đất, (thuê từ 5 đến 50 năm, tối đa 70 năm, hoặc nhờ người Việt mua, đứng tên hộ). Trong đó, có 6.300ha đất ven biển, biên giới và tại các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Tôi không rõ số liệu mà Bộ Quốc phòng thống kê đã bao gồm hơn 70.000ha mà nhiều chi nhánh Công ty TNHH MTV InnovGreen ở nhiều tỉnh, do nhiều người Trung Quốc làm chủ, thuê để trồng rừng hay chưa? Vì trong hơn một thập niên qua, báo giới chỉ nhắc đến hệ thống công ty InnovGreen của Trung Quốc thâu tóm đất rừng mà thôi.

Nhưng cũng trong tháng 5, báo chí lại loan tin chính quyền đã thu hồi gần 1.000 ha là diện tích đất mà Công ty InnovGreen đã thuê để trồng rừng (ở nhiều tỉnh, cả khu vực biên giới Việt-Lào, thuộc tỉnh Nghệ An). Đáng nói là đất này họ thuê với giá rẻ hơn bèo nhưng lại bỏ hoang, trong khi người Việt bản địa lại không có đất canh tác.

Vấn đề là, dường như không riêng báo giới, mà cả Bộ Quốc phòng đã “quên” nhắc đến một tập đoàn có yếu tố Trung Quốc đã thâu tóm cả trăm ngàn hecta đất trồng rừng, (có cả diện tích rừng phòng hộ,  ở Cà Mau), chỉ trong 2 thập kỷ (2000 – 2020). 

Tập đoàn này có tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH (2 thành viên trở lên) Hào Hưng, với hàng loạt công ty Hào Hưng con, trải dài từ Mũi Cà Mau, đến các tỉnh, có chung đường biên giới với Trung Quốc. Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên, là ông Thang Văn Hóa có quốc tịch Trung Quốc. 

Ông Thang Văn Hóa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng.

Theo Luật hiện hành, ông Thang Văn Hóa có thể chỉ là người làm thuê và là đại diện về tư cách pháp nhân. Nhưng với cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên thì người Trung Quốc này hẳn là người đứng tên chủ sở hữu phần vốn góp. Yếu tố doanh nghiệp Hào Hưng có vốn từ Trung Quốc đã xác tín.

Thế nhưng dường như có ai đó đang muốn khiến người Việt Nam ngộ nhận Hào Hưng là một công ty “thuần Việt”. Bởi lẽ tuyệt không tìm thấy thông tin những cá nhân góp vốn cùng với ông Thang Văn Hóa. 

Trong vòng 20 năm, từ một công ty nhỏ, Hào Hưng đã phát triển “thần kỳ” trở thành “ông trùm” thâu tóm hàng trăm hecta đất trồng rừng ở cả những nơi có vị trí quân sự hiểm yếu như Hà Giang, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam… Hào Hưng cũng là “ông trùm” về ngành gỗ dăm (chủ yếu cây keo tràm), thao túng giá cả thu mua, bởi thị trường chính xuất khẩu gỗ dăm của Hào Hưng là Trung Quốc.

Bên cạnh việc thâu tóm đất rừng, Hào Hưng cũng đóng vai địa chủ cho người Việt thuê lại đất trồng rừng. Quan thiết hơn, Hào Hưng còn nắm giữ, đầu tư, xây dựng hàng loạt cảng biển, trải dài cả nước. Nhiều dự án ở nhiều khu kinh tế, vùng biển trọng yếu như: Cảng Quảng Ninh, bến phao khu vực chuyển tải Hòn Nét (Quảng Ninh), Cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cảng Hòn La (Quảng Bình), Cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), Cảng Gò Dầu (Đồng Nai); khu vực rừng phòng hộ ở Cà Mau…

Xin nhắc nhớ, đầu tư xây dựng cảng biển đòi hỏi kinh phí vô cùng lớn, thu hồi vốn lại rất chậm. Xương xẩu vậy nhưng vì sao người Trung Quốc (Thang Văn Hóa) lại cố gặm thì câu trả lời vẫn là bí ẩn. Bí ẩn giống như hàng loạt sai phạm động trời mà Hào Hưng là thủ phạm. 

Chỉ tính riêng địa bàn Quảng Ngãi, nhà máy dăm gỗ Hào Hưng đã xả chất thải chưa qua xử lý, xả thẳng ra biển, gây chết biển một vùng ở khu vực cảng Hào Hưng – Dung Quất (huyện Bình Sơn). Để phục vụ cho nhà máy này, Hào Hưng nhập hàng trăm xe tải nặng, từ Trung Quốc, rồi tha hồ tung hoành ngang dọc khắp các tuyến đường nội tỉnh, và lân cận.

Vụ thứ hai, Hào Hưng nạo vét cảng biển ở đây, dù có Hải quan và Đồn biên phòng, họ vẫn ngang nhiên tuồn cát nhiễm mặn dự định bán lậu ra Đà Nẵng. Chính quyền tỉnh ngăn chặn kịp thời, còn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phải ra lệnh cấm triệt để việc này. Điều đáng nói là trong quá trình thi công dự án nạo vét, gặp chướng ngại vật là con tàu đắm mà chính quyền phải ra gần 50 tỷ từ ngân sách nhằm trục vớt, theo chỉ đạo của Hào Hưng.

Lý Sơn, một hòn đảo với vị trí tiền tiêu quân sự. Hào Hưng liền 3 lần dòm ngó, yêu cầu cho làm dự án lấn biển, xây khu du lịch. Vụ  việc, khiến lãnh đạo cấp cao ở Quảng Ngãi vắt chân lên cổ mà chạy. Tuy nhiên, tạm thời Hào Hưng chưa thâu tóm được Cù Lao Ré – tên gọi khác của đảo Lý Sơn.

Miền Trung vào những năm thập niên 90s trở về trước, những huyện bán sơn địa, khu vực miền núi, hệ sinh thái rừng vẫn còn đa dạng, phong phú. Cho dù lúc bấy giờ, dưới tác động của người Việt chúng ta đã xuất hiện những đồi trọc, chủ yếu là rẫy canh tác của người đồng bào thiểu số nhưng, lần nữa khẳng định rằng chỉ đến khi xuất hiện những nhà máy thu mua dăm gỗ, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, thì hệ sinh thái rừng đa dạng ở miền Trung mới thực sự bị phá vỡ. 

Tôi không chắc chắn, chương trình “phủ xanh đồi trọc”, chủ yếu trồng cây keo lá tràm được chính quyền phát động từ năm nào? Điều trùng hợp là, những nhà máy thu mua dăm gỗ của tập đoàn Hào Hưng có mặt ở Việt Nam từ năm 2000.

Ban đầu, làm gì có keo lá tràm mà thu mua. Cho nên người ta thu mua cây gỗ tạp nói chung, tất nhiên giá rẻ hơn rất nhiều so với gỗ keo lá tràm. Kể từ đây, cả khu vực trung du, chỉ cần trong vườn có đất trồng cây lâu năm thì nhà nhà người người chặt phá cây trồng để thay thế bằng cây keo lá tràm. Còn những đồi núi, có hệ sinh thái đa dạng rừng cây lá thấp, được chặt phá là điều không thể tránh khỏi.

Điển hình, như tỉnh Quảng Nam, có 7 huyện miền núi, theo số liệu năm 2018, diện tích trồng rừng mới chỉ có 15.500 hecta. Tuy nhiên, chỉ riêng tỉnh này, tập đoàn Hào Hưng (Trung Quốc), đã thâu tóm đến 25.000 hecta. Con số này đã nói lên rất nhiều điều, chứng minh rằng người Trung Quốc đã gián tiếp phá môi trường sinh thái rừng đa dạng, để thay thế bằng môi trường rừng chủ yếu cây keo lá tràm. Bên cạnh đó, còn có cây bạch đàn, cây cao su. 

Vậy hệ sinh thái rừng mới này đã gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở đất như thế nào?

Sạt lở đất ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.

Về tác hại của cây cao su, hẳn chúng ta, còn nhớ đến bài phát biểu của nữ Đại biểu quốc hội Ksor H’Bơ Khăp. Hơn ai hết, bà là người đồng bào thiểu số, lớn lên giữa núi rừng, nên bà hiểu rất rõ tác hại của việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành rừng cao su. Trong quá trình chuyển đổi đó là triệt hạ, để tận thu nguồn gỗ từ rừng tự nhiên. Điều này tương tự khi trồng rừng keo lá tràm thì người ta đã chặt hạ, tận thu dăm gỗ tạp như phần đầu bài viết đã nói.

Trong quá trình trồng đơn loài cây keo lá, nên giảm đa dạng sinh học. Dưới tán rừng keo lá tràm, chỉ số ít loài cỏ dại, côn trùng, sâu bọ sinh sống, khiến cho nhiều loài chim và thú cũng không trú ngụ được ở đây. Vì lẽ, khi chuỗi thức ăn trong quần thể bị mất đi dù chỉ một loài, sự đứt gãy mắt xích thức ăn đó kéo theo sự suy giảm cả hệ sinh thái. 

Tôi có thể lấy ví dụ rõ nét nhất là bây giờ ở miền Trung, làm gì còn mật ong rừng, mà chỉ có mật ong keo lá tràm. Bên cạnh đó cứ 4-5 năm, người ta sẽ đốn hạ keo lá tràm, để lấy dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Cứ thế, tuần hoàn, 4-5 năm, người ta bóc bỏ toàn bộ lớp vỏ thực bì mà vốn dĩ cái lớp vỏ này có tác dụng thấm được nước mưa xuống các mạch nước ngầm. 

Khi phá vỡ đi, đến mùa mưa sẽ gây lũ lụt. Mùa hè, nước mưa không thấm được xuống các mạch nước ngầm sẽ gây ra hạn hán. Đặc biệt, cây keo lá tràm là thân nước, cho nên, xung quanh khu vực trồng nó, không một dòng suối nào có được nhiều nước. Bề mặt mất đã bị xơ cứng, đến mùa mưa, khi trong lòng đất có sự chấn động tạo ra đường đứt gãy. Thay vì nếu còn lớp thực bì, lượng nước mưa thẩm thấu dàn trải làm giảm thiểu đi sự phá vỡ các liên kết đất, đá. Bây giờ, nước mua sẽ tập trung cuốn, thấm vào đó, tạo thành lũ ống là yếu tố gây ra sạt lở đất kinh hoàng. 

Ngoài ra, để khai thác, người ta sẽ làm những con đường dã chiến đến tận đỉnh đồi núi, cho xe tải nặng đi lên thu gom gỗ chở về xuôi. Về miền Trung hôm nay, chúng ta sẽ bắt gặp từng đoàn xe chở gỗ keo, vượt tải trọng như thế, ùn ùn kéo nhau về các nhà máy dăm gỗ nói chung, và Hào Hưng nói riêng. Nhìn toàn cảnh sạt lở đất ở miền Trung vừa qua, chúng ta thấy rõ, những điểm sạt lở chính, đều trên những cung đường. Những đoàn xe chở gỗ keo về xuôi, đã góp phần gây sang chấn, dần lâu, núi đồi nào mà không bị sạt lở.

Theo Ngọc Tuyên Đàm

(Tinh Hoa)


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.