Việt Nam - điều thần kỳ trong thế kỷ 21
Một trong những tờ báo lớn và có uy tín nhất ở Mỹ The New York Times vừa đăng một bài viết về nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên COVID-19. Tác giả ghi nhận những hành động nhanh chóng và quyết đoán của chính phủ Việt Nam đã giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới, với không đến 1 ca tử vong trên 1 triệu dân.
Việc nhanh chóng cách ly các ca bệnh đã giúp Việt Nam nhanh chóng nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ đó Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm nay. Trong khi nhiều nền kinh tế chứng kiến sự suy giảm mạnh, GDP của Việt Nam sẽ tăng 3% vào cuối năm 2020. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại lớn, bất chấp thương mại toàn cầu suy giảm trong đại dịch.
Tác giả bài báo so sánh Việt Nam với Nhật Bản, tiếp theo là Đài Loan và Hàn Quốc, rồi gần đây nhất là Trung Quốc là những "điều thần kỳ châu Á" đã thoát cảnh nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại và đầu tư, trở thành những "ông lớn" về sản xuất và xuất khẩu. Giờ đây, Việt Nam cũng đang đi theo hướng đó, nhưng trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trên toàn cầu và bùng phát các cuộc chiến thương mại.
Tác giả bài báo trên tờ The New York Times cho rằng, chế độ một đảng cầm quyền trong thời gian dài là mối đe dọa đối với sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, tình trạng như vậy làm phát sinh những chu kỳ tăng giảm thất thường kìm hãm sự phát triển. Nhưng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã né tránh điều này, và đây là một thành tựu rất ấn tượng, tờ báo lưu ý.
Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong ba thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16%/năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất trên thế giới và gấp ba lần mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.
Tác giả bài báo cũng lưu ý rằng, vào thời kỳ mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đi ngược xu hướng bằng cách ký kết hàng chục thỏa thuận tự do thương mại (FTA), trong đó nổi bật là thỏa thuận ký với Liên minh châu Âu mới đây.
Bài báo vẽ ra một viễn cảnh ấn tượng cho Việt Nam, và lưu ý rằng, quốc gia này không có những sự "quá đà" như thâm hụt ngân sách chính phủ hay nợ công lớn. Việt Nam biến chế độ mà tác giả gọi là “chủ nghĩa tư bản độc tài” thành rất thành công thông qua các chính sách kinh tế cởi mở và quản lý tài chính hợp lý. Tuy nhiên, tác giả nói về một vấn đề mà Việt Nam cần lưu tâm: Chính phủ vẫn sở hữu những công ty lớn. Nếu có vấn đề, thì những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn này chiếm một phần không nhỏ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ chính là nơi mà vấn đề có thể bắt đầu. Nợ gia tăng đã từng dẫn tới những cuộc khủng hoảng tài chính đánh dấu chấm hết thời kỳ tăng trưởng cao kéo dài ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đối với Trung Quốc hiện nay, lượng nợ lớn cũng là một thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam giống như phép màu từ một thời kỳ đã qua, đang vươn lên thịnh vượng, tác giả bài báo kết luận.
Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói:
“Phép màu Việt Nam” do con người tạo ra. Đó là nhờ vào điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty sản xuất hàng xuất khẩu, cả điều kiện tự nhiên và “lợi tức nhân khẩu học” cũng như nhờ các điều kiện do nhà nước Việt Nam tạo ra. Hiện nay, nhờ những biện pháp cực kỳ sáng suốt của ban lãnh đạo Việt Nam, cấp quản lý cao đã tránh được những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch đối với người dân và nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nhiều ngành kinh tế như du lịch, hàng không, ngành dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng GDP 3% là ở mức thấp nhất nếu so sánh với những thành công trong những thập kỷ gần đây. Nhưng, nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới, đây vẫn là một thành công lớn. Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục tăng trưởng. Các chuyên gia phương Tây và Việt Nam cho rằng, cần phải cải cách thể chế hành chính nhà nước một cách nghiêm túc, cải cách lĩnh vực tài chính và ngành ngân hàng. Việt Nam nên thoát khỏi sự phụ thuộc vào các tập đoàn xuyên quốc gia nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và xuất khẩu thành phẩm, nên thành lập các cơ sở sản xuất có sức cạnh tranh của riêng mình. Và sau đó sẽ xuất hiện điều thần kỳ Việt Nam thực sự”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét