Chuyện lạ về con phố mang tên đặc sản “huyền thoại” Hà Nội
Con phố này có cách hình thành tên gọi rất đặc biệt, khác với tất cả các phố khác trong 36 phố phường Hà Nội xưa.
Phố Chả Cá là con phố dài khoảng 180 m, kéo dài từ phố Hàng Mã đến phố Lãn Ông ở trung tâm khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân),
Đầu thế kỷ 19, phố này là nơi bán các loại sơn sống (sơn giọi, sơn thịt, sơn hòm…) vì vậy mà có tên là phố Hàng Sơn.
Đầu thế kỷ 20 có gia đình họ Đoàn ở nhà số 14 đã nghĩ ra một món ăn đặc biệt: lấy cá nướng làm chả ăn với bún và một số gia vị, được nhiều người thưởng thức khen ngợi.
Sau đó, gia đình này mở cửa hiệu bán món ăn ấy, thường được gọi là hiệu Chả Cá Lã Vọng vì ở ngoài cửa hàng có bày tượng ông Lã Vọng cầm cần câu và một xâu cá.
Dần dần món chả cá ấy được ưa thích, nổi tiếng khắp Hà thành, và người dân quen miệng gọi phố có hiệu chả cá là phố Chả Cá, từ đó trở thành tên gọi phổ biến.
Có thể nói, trong 36 phố phường Hà Nội, tên gọi phố Chả Cá có nguồn gốc rất đặc biệt. Nếu các phố khác từng là phố nghề với nhiều nhà làm nghề, thì phố Chả Cá chỉ có một gia đình làm chả cá mà thành tên.
Thời Pháp thuộc, người Pháp gọi là rue de la Laque, nghĩa là phố Hàng Sơn. Năm 1945 phố trở về tên gọi phố Chả Cá và giữ nguyên tên phố này cho đến nay.
Ngày nay phố Chả Cả là một con phố buôn bán sầm uất của khu phố cổ Hà Nội, và nhà hàng Chả Cá Lã Vọng ở số 14 vẫn vẫn hoạt động sau ngót trăm năm, là địa điểm nổi tiếng nhất con phố này.
Dù vậy, không giống như một thế kỷ trước, dựa trên công thức học từ Chả Cá Lã Vọng mà ngày nay nhiều nhà hàng chả cá mọc lên khắp Hà Nội, trong đó có một nhà hàng đối diện với cơ sở gốc trên phố Chả Cá...
Một số hình ảnh khác về phố Chả Cá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét