Quan hệ Việt Mỹ ngày càng tốt hơn bất kể ai làm TT Mỹ
VietTimes – "Đối với Việt Nam, thì dù ông Biden hay ông Trump thắng cử, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không thay đổi, mà chỉ còn tiến tới gần gũi và cao độ hơn nữa. Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam như là "đối tác" chiến lược chống chọi với Trung Quốc. Hiện nay, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần Mỹ cũng như Mỹ cần Việt Nam để đối chọi với tham vọng bá quyền của Trung Quốc" - Giáo sư (GS) Nguyễn Hữu Liêm.
GS có thể cho biết cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ ứng xử như thế nào về cuộc bầu cử TT Mỹ vào ngày 3/11 tới?
-Cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiện có hai xu hướng khá rõ, nếu không nói là phân cực nặng nề. Phía ủng hộ D.Trump đối lại phía chống D.Trump. Bên nào cũng mãnh liệt sôi nổi, đầy cảm xúc, và nhiều lúc khá cực đoan. Phe ủng hộ Trump thì chê phe chống Trump là mang tư tưởng cánh tả, không nhận ra tài năng lãnh đạo của Trump, không biết ủng hộ chính sách đối với Trung Quốc và di dân lậu của Trump, mà quá nhấn mạnh đến yếu tố khuyết điểm nhân cách của Trump.
Trong khi phía chống Trump thì cho bên kia là "cuồng Trump," rằng ai ủng hộ Trump là bỏ qua yếu tố đạo đức trong chính trị, là mang tâm lý bình dân. Phía nào cũng dùng nhiều lời lẽ nặng nề. Tôi nghĩ cũng có một số khá đông không bày tỏ ý kiến công khai, nhưng họ cũng có quan điểm rất rõ rệt về Trump và Biden: chống hay ủng hộ. Vì nhiệt độ tranh cãi chính trị cho kỳ bầu cử lần này khá nóng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng người Mỹ gốc Việt sẽ tham gia đầu phiếu với tỷ lệ rất cao.
Nguyễn Hữu Liêm, Tiến sĩ luật khoa, Tiến sĩ triết học, hiện ông là Giáo sư triết học tại San Jose City College, California.
|
Theo GS thì tỷ lệ người Việt tại Hoa Kỳ đang nghiêng về ứng cử viên nào: ông Biden hay đương kim TT Trump?
-Tôi chưa đọc hay biết đến một thăm dò nào cho cộng đồng Mỹ gốc Việt nên khó có thể tiên liệu tỷ lệ ủng hộ Trump hay Biden của họ sẽ như thế nào. Tôi nghĩ là hai phía ngang ngửa nhau. Thường thì phía ủng hộ Trump có số tuổi lớn hơn phe ủng hộ Biden. Có thể kỳ này họ sẽ bỏ phiếu cho Biden hay Trump không phải vì họ ủng hộ ứng viên đó, mà chỉ để tỏ thái độ chống đối ứng viên kia mà thôi.
Có cảm giác chưa bao giờ cộng động người Mỹ gốc Việt lại bị chia rẻ về quan điểm đối với Một TT Mỹ như đương kim TT Trump: người ủng hộ thì ca tụng hết lời, nhường chống thì phê phán cũng hết sức gay gắt. GS có thể giải thích hiện tượng này được không?
-Hiện tượng tranh cãi nhiệt tình, cao độ, với ngôn ngữ nặng nề, tuyệt đối hóa quan điểm cho các đề tài tranh luận là chuyện bình thường trong bất cứ xã hội dân chủ nào có định chế bầu cử phổ thông nhiều đảng. Tuy nhiên, điều khác biệt hiện nay là khi các diễn đàn xã hội trên mạng đem cá nhân lên sân khấu tranh luận quá dễ dàng đã làm cho người ta trở nên hời hợt, nông nổi, diễn đạt ý kiến thiếu suy nghĩ chính chắn, hoàn toàn bị thúc đẩy và cai chế bởi cảm xúc chính kiến - thay vì tranh luận trong tinh thần thẳng thắn, nhưng biết tôn trọng lẫn nhau và biết áp dụng nguyên tắc phản biện đúng quy tắc.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, dù là giới bình dân, hay trí thức, đều vẫn còn mang tâm chất của một khối dân thiểu số từ thế giới thứ Ba, với nhiều xúc động cực đoan về chính kiến. Một số thân hữu của tôi là những trí thức, chuyên gia thành đạt ở Mỹ, nhưng họ rất cực đoan và quá khích về chuyện Trump và Biden.
Họ xóa bỏ quan hệ "bạn" (unfriend) trên Facebook nếu người bạn nào mang quan điểm phía khác. Từ chuyện này tôi cho rằng họ cùng chia sẻ một mẫu số chung tầm thấp của chính trị bình dân Mỹ - thay vì cố vươn lên đứng ở một nấc thang cao hơn trên bình diện tiến hóa cho ý thức và thái độ chính trị xứng đáng là những công dân trưởng thành trong một quốc gia dân chủ pháp trị. Đây là một chuyện đáng buồn.
Chưa bao giờ cộng động người Mỹ gốc Việt lại bị chia rẻ về quan điểm đối với Một TT Mỹ như đương kim TT Trump: người ủng hộ thì ca tụng hết lời, nhường chống thì phê phán cũng hết sức gay gắt.
|
GS có tham gia bầu cử TT Mỹ lần này không? Nếu bỏ phiếu GS sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào? Hai ái nữ của GS có cùng quan điểm với GS không?
- Tôi sẽ tham gia bầu cử kỳ này - như tôi đã làm mấy thập niên qua. Gia đình chúng tôi thường đến phòng phiếu sớm, cũng là để tránh đám đông nếu trễ. Năm nay thì chúng tôi sẽ bỏ phiếu bằng thư bưu điện vì bệnh dịch. Những kỳ trước, thường thì tôi và bà xã cùng đứng bên nhau trong phòng phiếu và tôi thường khuyên bà nên bỏ phiếu như thế nào, nhất là về các dự luật tiểu bang khá phức tạp.
Nhưng năm nay, thôi, tôi xin không có ý kiến, vì cả nhà tôi, ai cũng có quan điểm mạnh mẽ về Trump hay Biden. Trong các bữa cơm gia đình, chúng tôi vẫn tranh luận nhau. Tôi thì đóng vai thẩm phán, cố gắng xử dụng vị trí gia trưởng để hòa giải, phân tích hai chiều. Tôi không tham gia phe nào - và thường nói chuyện trào phúng cho bữa cơm được hòa thuận. Và tôi cũng không cho ai biết là tôi sẽ bỏ phiếu cho ai.
"Nếu Biden thắng cử thì chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ có nhiều thay đổi về thái độ và phương cách theo chiều hướng truyền thống của đảng Dân chủ"- GS Liêm.
|
Theo GS, nếu ông Biden thắng cử thì chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ có thay đổi gì không?
-Nếu Biden thắng cử thì chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ có nhiều thay đổi về thái độ và phương cách theo chiều hướng truyền thống của đảng Dân chủ. Tức là Mỹ sẽ hòa hoãn hơn với Iran, Trung Quốc, Cuba, Venezuela... chẳng hạn. Đây là lý do - nhất là thái độ đối với Trung Quốc - mà nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump vì họ cho rằng Trump cứng rắn và dứt khoát chống Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Thay đổi lớn sẽ có với Biden về vấn đề NATO, với Nga, với các quốc gia Trung Đông. Tôi thì nghĩ rằng nhu cầu chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục dưới thời Biden, nhất là đối với Trung Quốc, nên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi nhiều trên bình diện nguyên tắc, dù Biden có thể sẽ ít gay gắt và ôn hòa hơn.
Nếu ông D. Trump tái cử theo GS thì chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sẽ như thế nào?
- Còn đối với Việt Nam, thì dù Biden hay Trump thắng cử, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không thay đổi, mà chỉ còn tiến tới gần gũi và cao độ hơn nữa. Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam như là "đối tác" chiến lược chống chọi với Trung quốc. Hiện nay, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần Mỹ cũng như Mỹ cần Việt Nam đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc.Câu chuyện ngày nay ít nhiều lập lại quan điểm Domino chính trị thập niên 1960 của họ khi Mỹ nhúng tay vào Việt Nam để cố chặn "làn sóng Đỏ Trung quốc". Thân phận Việt Nam vẫn là của một nước nhỏ trên bàn cờ chiến lược của các cường quốc mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét