Bức ảnh anh cõng em đã chết trên lưng với gương mặt vô cảm khiến cả thế giới rơi lệ
Bức ảnh này được đánh giá là một biểu tượng mạnh mẽ của thảm họa ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, 75 năm về trước.
Chiến tranh hẳn là cơn ác mộng mà chẳng ai muốn trải qua. Ấy vậy mà có những đứa trẻ, buộc phải sống giữa bom đạn loạn lạc như thời Thế chiến II hay vụ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.
Khi đó, 2 khu vực này của Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, bị tổn thất về người và của nặng nề, trong số các nạn nhân khi đó có em trai của một đứa trẻ 9 tuổi.
Cả hai anh em xuất hiện trong một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell mà mỗi khi nhìn lại, người ta liền nhớ đến thảm kịch 75 năm về trước và những nỗi đau mà con người thời đó phải chịu đựng, có khi theo đuổi họ đến cuối đời.
Nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell.
Được biết, nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell được quân đội Hoa Kỳ gửi đến Nhật để thu thập tài liệu về những tổn thất mà nơi đây phải gánh chịu sau 2 vụ ném bom nguyên tử liên tiếp.
Thế là từ tháng 9/1945, Joe đã có mặt ở Nhật Bản và đi khắp miền Tây nước này để ghi lại những gì còn sót lại sau thảm kịch, để cho mọi người có cái nhìn chân thật nhất về cuộc đời của những nạn nhân trong vụ ném bom, bao gồm người đã chết, người bị thương, kẻ vô gia cư và mồ côi.
Khi đó, hình ảnh của những con người đau khổ này không chỉ được lưu trong thước phim của Joe mà còn in đậm trong tâm khảm và trái tim của ông.
Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất mà Joe chụp được trong chuyến đi công tác lần này là hình ảnh bé trai 9 tuổi cõng trên lưng đứa em 5 tuổi của mình. Sẽ không có gì đặc biệt nếu như đứa trẻ đang được anh địu đã chết.
Ấn tượng với Joe là biểu cảm gương mặt của đứa trẻ lớn hơn.
Dường như em đang cố gắng kìm nén nỗi đau bằng hành động cắn chặt môi trên gương mặt cứng đờ, có vẻ như đứa trẻ này cũng không hề muốn phải chia tay em mình tại nơi nghĩa trang lạnh lẽo.
Joe tin rằng hình ảnh của cậu bé chính là biểu tượng tiêu biểu và đầy xúc động trong thảm kịch ném bom vừa qua.
Vài năm sau, Joe đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với phóng viên người Nhật, ông nói: "Tôi nhìn thấy một bé trai độ khoảng 10 tuổi đi ngang qua.
Trên lưng của em là một em bé khác.
Những ngày đó ở Nhật Bản, không khó để bắt gặp các bé trai, bé gái chơi đùa cùng nhau khi trên lưng vẫn địu một đứa trẻ khác nhưng cậu bé này lại khác. Tôi có thể thấy được rằng em có mặt ở đây vì một lý do đặc biệt.
Gương mặt của em cứng đờ. Đầu đứa trẻ nằm trên lưng anh thì nghiêng về phía sau như thể đang chìm sâu vào giấc ngủ. Cậu bé kia cứ đứng đó trong khoảng 5-10 phút.
Rồi những người đàn ông đeo khẩu trang trắng đi ngang qua cậu bé, lặng lẽ cởi dây ràng trên người em. Đó là lúc tôi biết đứa trẻ nhỏ hơn đã chết.
Những người đó ôm tay chân đứa trẻ trước khi đặt em vào đống lửa trên giàn thiêu.
Cậu bé còn lại vẫn cứ đứng đó, đôi mắt vô hồn nhìn ngọn lửa, dần dần âm thầm tiễn biệt em trai mình rời xa thế giới. Đứa trẻ này ngày càng cắn môi chặt hơn đến nỗi đổ máu.
Ngọn lửa yếu dần đi như hoàng hôn của Mặt trời buông xuống. Cuối cùng, em cũng quay lưng rồi lặng lẽ rời đi".
Hình ảnh và câu chuyện của 2 đứa trẻ trong bức ảnh khiến người ta nhớ đến bộ phim Mộ Đom Đóm năm 1988 và tin rằng đây không khác gì phiên bản đời thực của tác phẩm này.
Nội dung của Mộ Đom Đóm nói về hoàn cảnh chật vật để sống sót qua Thế chiến II của một bé trai với cô em gái từng lấy đi nước mắt của đông đảo khán giả.
Năm 2007, nhiếp ảnh gia Joe O'Donnell qua đời ở tuổi 85 và không ai biết gì thêm về thông tin về đứa trẻ trong bức ảnh để đời của ông.
Tháng 1/2018, tờ Mainichi đã đăng một bài báo trong nỗ lực tìm kiếm bé trai trong bức ảnh, theo nguyện vọng của ông Yoshitoshi Fukahori, 90 tuổi, người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu hình ảnh của vụ ném bom ở Nagasaki tại Quỹ Xúc tiến Hòa bình Nagasaki.
Cuối cùng thì ông Yoshitoshi không thể xác định được bức ảnh được chụp chính xác ở đâu hay danh tính của cậu bé trong ảnh.
Ông đã đọc bài báo về bức ảnh và nghĩ rằng đây là đứa trẻ mình đã từng gặp nên đã quyết định cố gắng tìm kiếm bé trai ấy nhưng không thành.
Ông Yoshitoshi bắt đầu công cuộc này bằng cách đọc lại những cuốn sách viết về trẻ em.
Tài liệu về học sinh của trường tiểu học Quốc gia Zenza tại Nagasaki đã bị thất lạc trong đám cháy và mặc dù ông Yoshitoshi đã tham khảo thêm dữ liệu từ các ngôi trường nằm ngoài thành phố nhưng cũng không mang lại kết quả nào.
Ông Yoshitoshi cũng tìm gặp một người tự nhận biết tên cậu bé trong ảnh nhưng đáng tiếc không có thông tin hữu ích nào.
Thế là danh tính về đứa trẻ kia vẫn là bí ẩn nhưng hình ảnh của em sẽ mãi được nhắc đến mỗi khi người ta nhớ đến thảm họa ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố Nhật Bản năm 1975.
Theo ttvn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét