Xứ Bắc Kỳ hơn 100 năm trước

7:21:00 SA
Lần đầu cầm cuốn Une campagne au Tonkin (“Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, NXB Văn học và Công ty Đông A phát hành, bản dịch tiếng Việt năm 2020, dịch giả: Đinh Khắc Phách), xuất bản năm 1892, thật thà mà nói, tôi khá thờ ơ bởi đã từng đọc sách của mấy “ông Tây” thực dân viết về xứ An Nam thuộc địa, trong khi lần này tác giả lại còn là “ông Tây nhà binh”, quan ba thầy thuốc Hocquard trong đội quân xâm lược nước ta, có mặt ở Bắc Kỳ vào giữa những năm 80, thế kỷ XIX.
Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >
Bức tranh khắc phố Cờ Đen (nay là phố Mã Mây, Hà Nội).
Hóa ra định kiến của tôi cũng chẳng sai. Cái “mùi thực dân”, “cái vị sô vanh”, dẫu không nồng nặc như mấy cuốn đã đọc trước đây, song vẫn khá đậm đà. May sao những lời lẽ ấy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong hơn năm trăm trang sách. Nếu bình tĩnh gạt chúng sang một bên thì những trang sách còn lại, cùng với 230 bức hình lớn nhỏ, là nội dung chủ yếu và giá trị đích thực của tác phẩm sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin phong phú, nhiều mặt và bổ ích về con người và cảnh vật đương thời những nơi tác giả đã có mặt trên đất nước ta.
Đặt tên sách là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, nhưng thực tế tác giả tham gia tới bốn chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có tới ba cuộc đôi bên giao chiến ác liệt. Thế nhưng ông không kể nhiều về các trận đánh mà tập trung viết những gì tai nghe, mắt thấy, lượm lặt hoặc tìm hiểu được trên những nẻo đường đã qua và những nơi lưu lại ít hay nhiều ngày về đất nước, con người, hoạt động sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật...
Từ đó, tôi ngờ rằng khi ông tự nguyện tham gia quân viễn chinh ở Bắc Kỳ thì động cơ yêu nước, muốn góp phần mở mang thuộc địa cho tổ quốc chỉ là cái cớ, là bình phong cho một động cơ khác, mãnh liệt hơn: khám phá một vùng đất xa xôi ở Viễn Đông, lúc đó hoàn toàn xa lạ với phần đông người Pháp. Trong sỹ quan Hocquard là nhà thám hiểm trẻ Hocquard. Tham gia quân viễn chinh chỉ là cách tối ưu để thực hiện ước mơ khám phá, dụng cụ y tế tạo điều kiện cho đồ nghề nhiếp ảnh hoạt động theo hành trình của tác giả kể từ ngày 15/2/1884, khi vào vịnh Hạ Long.
Hành trình ấy tóm tắt như sau: Từ vịnh Hạ Long vào cảng Hải Phòng, tác giả chỉ kịp thăm viện quân y và ngó qua quang cảnh quanh cảng đã phải xuống tàu theo đường sông mà ông tưởng là sông Hồng để lên Hà Nội. Từ đây Hà Nội trở thành trung tâm cho mỗi lần đi về của tác giả cho tới khi từ giã hẳn. Sau nửa tháng thì hành quân đi Bắc Ninh. Xong quay lại Hà Nội khoảng mươi ngày thì theo đường Hoài Đức, Phùng lên Sơn Tây rồi hành quân theo đường núi tới Bất Bạt, qua sông Đà đến Hưng Hóa. Mùa hè về Hà Nội ở lại hơn hai tháng thì được điều động về trạm quân y Nam Định đến đầu tháng 10 thì theo đường sông đào Nam Định sang sông Đáy, qua thị xã Ninh Bình, ghé thăm giám mục Puginier ở nhà thờ Kẻ Sở rồi phủ Lý Nhân, ra sông Hồng về Hà Nội. Sau đó đến Kép, Chũ thuộc Bắc Giang ngày nay. Về tới Hà Nội đã được lệnh đi cùng đội quân áp tải đoàn thuyền tiếp tế cho quân đồn trú ở Tuyên Quang, theo đường sông Hồng lên Sơn Tây, tới Bạch Hạc thì vào sông Lô ngược lên, dừng lại mấy ngày ở Đoan Hùng. Đến cuối tháng 1/1885 thì hành quân đến Lạng Sơn, từ địa điểm tập kết là Chũ phải hành quân qua đèo Vân hiểm trở rồi mới tới được Lạng Sơn, rồi Đồng Đăng và cuối cùng là Nam Quan, sát biên giới Trung Quốc. Từ Lạng Sơn về lưu lại Hà Nội lần này là lâu nhất từ trung tuần tháng 3 tới đầu tháng 9 thì đi theo đoàn khảo sát sông Đà, lên đến ghềnh Hào Tráng, tàu không đi được nữa, quay về đến Bạch Hạc thì được lệnh tham gia đoàn quân ở Thanh Mai (Phú Thọ). Trong quân phát bệnh dịch tả phải đối phó vất vả. Khi quay lại Hà Nội thì tác giả nhận lệnh vào Huế làm bác sỹ cho tòa sứ, liền xuống ngay Hải Phòng, ở lại chờ tàu tám ngày. Trên đường đi, gặp thời tiết xấu, tàu không vào được cửa Thuận An như đã định mà phải vào Đà Nẵng, phải ở lại đây khoảng một tuần thì ra Huế theo đường bộ qua đèo Hải Vân, tới Huế ngày 16/1/1886, ở lại khoảng nửa tháng thì được lệnh hồi hương liền trở ra Hải Phòng, ngày 15/2/1886 xuống tàu về Pháp.
Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >
Bức tranh khắc Phụ nữ Bắc Kỳ in trong sách.
Có lẽ vì là thầy thuốc nên tác giả viết tương đối ngắn gọn, lại là nhà nhiếp ảnh nên cách viết cũng giống như chụp ảnh, thấy sao viết vậy, ít bình luận nên tương đối khách quan, đối tượng nào gặp trên đường thì phác vài nét ký họa, đối tượng nào có thời gian quan sát thì được mô tả dưới nhiều góc độ khác nhau.
Về Hà Nội, nơi tác giả có nhiều ngày lưu lại nhất và là nơi tập trung tinh hoa của Bắc Kỳ, bác sỹ Hocquard đã dành trọn bốn chương II, III, X, XI, khoảng một nửa chương I và hai phần ba chương VI trong tổng số 23 chương của cuốn sách để mô tả người và cảnh cùng những hoạt động về nhiều mặt. Ông chăm chú quan sát “những nghề nho nhỏ thực hiện ngoài trời” như hát xẩm, xiếc uốn dẻo, cắt tóc, lấy ráy tai, xoa bóp... rồi thích thú nhận xét “thủ đô xưa của Bắc Kỳ là một trong những thành phố thú vị nhất của trái đất này”. Nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ Hà thành cũng được ông đánh giá cao. Nhận mấy bộ quần áo may đo, ông hài lòng viết: “Tôi khuyên các bạn nào sắp sang Bắc Kỳ mà muốn sắm quần áo thì hãy ráng đợi để bàn việc ấy với thợ may Hà Nội.” Còn thợ khảm trai, đối với ông, là những nghệ sỹ thực thụ: “... tận mắt xem họ làm việc mới thấy họ đã kiên nhẫn như thế nào, ... khéo léo đến mức nào để tạo nên những đóa hoa đẹp, những đường cong tuyệt mỹ bằng xà cừ...”. Qua xưởng thợ thêu, tác giả ca tụng “người An Nam thật khéo phối hợp các màu chỉ thêu”, rồi nghĩ đến việc xuất khẩu các hàng mỹ nghệ này sang châu Âu. Tranh Hàng Trống thì ông chê là thua tranh Tàu và tranh Nhật rồi tìm ra nguyên nhân người An Nam không phát triển được tài năng là do người thợ khéo sẽ bị trưng dụng vào làm cho vua, phải xa gia đình, đối xử tệ bạc. Tác giả cũng cất công đi xem việc sản xuất giấy ở chợ Bưởi nhưng nhận xét chất lượng không cao. Còn khi thấy tượng thần Trấn Vũ mà tác giả gọi là “ông Phật lớn” thì ông đã kinh ngạc kêu lên “Thật là một tác phẩm kỳ vĩ!” rồi nghi hoặc “có đúng là người Bắc Kỳ đã tạo nên tuyệt phẩm này không?” vì trước đó ông đã xem tượng Phật ở một số chùa tạc theo khuôn mẫu nhàm chán. Nhưng có lẽ khi xem chiếc đỉnh đồng cao ngang đầu người ở cung đình Huế, ông đã hết nghi ngờ.
Tác giả cũng khá quan tâm đến các công trình kiến trúc chẳng những ở Hà Nội mà cả ở những nơi đã đặt chân tới, đáng quý là những dòng mô tả và cả hình ảnh của những công trình nay không còn nữa như chùa Báo Ân, cửa Nam thành Hà Nội, cửa Nam Quan ở Lạng Sơn, cung Bảo Định ở Huế...
Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >
Bản tiếng Việt "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" do Đông A phát hành tháng 5/2020.
Phong tục tập quán An Nam được tác giả đặc biệt quan tâm: tục nhuộm răng đen, tục ăn trầu, búi tóc của đàn ông, nón quai thao của đàn bà, chỏm của trẻ con, thói đi chân trần, quần áo nâu của người Kinh, quần áo chàm của người Tày... đều được ghi lại.
Tục đa thê, thân phận người vợ lẽ trong gia đình, vấn đề kế thừa gia sản, việc cưới hỏi, cách đặt tên tục, tên chính thức, tên hèm, cách tính tuổi của mỗi người, trình tự của lễ tang... đều được ghi lại khá kĩ, thậm chí có những chi tiết tỉ mỉ hơn cả sách Thọ Mai gia lễ, hay Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Bên cạnh đó, những công cụ sản xuất hay phục vụ sinh hoạt khác với bên Pháp cũng được nêu lên như xe cút kít, vó bè, thuyền nan, thuyền thúng, cối xay, cối giã gạo, điếu hút thuốc lào...
Tác giả đã để lại những trang tả chân đáng nhớ như nội thất một tiệm thuốc phiện mà hình như chưa tác giả Việt Nam nào tả kĩ thế, rồi cảnh hành quyết một tử tù mà bản thân tôi đã khá cao tuổi, từng chứng kiến nhiều cảnh bi thương, không dễ xúc động, thế mà phải vài buổi mới dịch xong vì có khi mới viết được mấy chữ đã không viết tiếp được nữa; hay cảnh một trại phong và phản ứng của bệnh nhân trước sự kỳ thị của xã hội, dịch xong rồi mà cảm giác ghê rợn vẫn đọng lại khá lâu.
Trên đây đã nói đến những phát hiện của Hocquard về những mặt tốt của người An Nam. Còn về những mặt xấu thì tuy có tự ái, chúng ta hẳn cũng phải nhận là ý kiến của ông không sai. Đó là máu mê cờ bạc, mê tín dị đoan mà hình như đến bây giờ đời sống đã khá khẩm, dân trí cao hơn nhiều song vẫn tồn tại trong không ít người; rồi thói tham nhũng...
Vốn là một cuốn sách viết cho người Pháp đọc, hẳn bác sỹ Hocquard không thể ngờ rằng có ngày đối với người Việt Nam tác phẩm của ông lại giúp chúng ta hình dung được phần nào người và cảnh một bộ phận quan trọng của đất nước gần một trăm năm mươi năm về trước. Dù tác phẩm không tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn, bởi chỉ với thời gian tác giả sinh sống khoảng hai năm, lại phải thực hiện nhiệm vụ chính là chăm sóc thương bệnh binh, không có điều kiện đi sâu tìm hiểu kĩ càng, nhưng với những giá trị quý báu về mặt tư liệu của nó, có thể nói đây là một tác phẩm quý, khách quan, nên đọc, đáng để tham khảo.
Đinh Khắc Phách(TheoĐaidoanket)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.