Nhát dao chém vào lòng dân: " đường sắt Cát Linh–Hà Đông "

10:25:00 SA

VIỆT NAM
URL rút ngắn
30
Theo dõi Sputnik trên
Liên quan đến dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố muốn dự án vận hành, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt, có thể là trước tháng 10/2020.
Những vướng mắc nào khiến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể chạy thật? Như “khúc xương 13km”, “cục gân gà nuốt không trôi, bỏ thì tiếc”, dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông đúng là bài học đắt giá sau gần 10 năm triển khai mà vẫn đắp chiếu, trong khi Việt Nam vẫn phải gánh nợ, trả tiền cho phía Tổng thầu Trung Quốc.

Vì sao dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa xong?

Ngày 8/6, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi thông tin với báo chí về tiến độ dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng như hướng giải quyết hàng loạt vấn đề vướng mắc còn tồn tại ở “bảo tàng kinh nghiệm” này.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc vừa qua Tổng thầu EPC Trung Quốc yêu cầu Việt Nam thanh toán thêm 50 triệu USD (hơn 1.163 tỷ đồng) để đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thử, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, bản thân ông không nắm rõ về vấn đề này vì chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT). Đây là chuyện trao đổi giữa Tổng thầu EPC Trung Quốc và Bộ GTVT.
Thông tin về tiến độ đánh giá an toàn của dự án, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, hiện 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án đã được tư vấn Pháp chứng nhận, chỉ còn 1 chứng chỉ cuối cùng thì phải dựa vào kết quả chạy thử nghiệm, mà hiện còn phải chờ chuyên gia Trung Quốc sang.
Trả lời câu hỏi về vướng mắt lớn nhất khiến dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa hoàn thành, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho hay, điểm nghẽn lớn nhất chính là hiện nay, các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa có lịch sang cụ thể vì Covid-19. Ông Huệ cũng khẳng định, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ xem xét cơ chế đặc thù cho họ, bố trí cách ly tại khách sạn theo đúng quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn thì sẽ để các chuyên gia này làm việc để đảm bảo tiến độ dự án.
“Khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường. Hiện nay, một số đại sứ mong muốn chuyên gia của họ sang, Thành phố bố trí nơi cách ly có điều kiện tốt như khách sạn, tất nhiên tự họ lo chi phí”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đối với vấn đề thanh toán chi phí, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, đúng hơn là vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành vào tháng 10?

Về vai trò của Hà Nội trong dự án này, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ. Hà Nội có Tổng Công ty đường sắt, đơn vị này sẽ phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn.
“Quan trọng nhất hiện nay là phải chạy thử được để tư vấn Pháp đánh giá. Dự án này, Bộ GTVT là chủ đầu tư. Tổng công ty đường sắt của Hà Nội sẽ tiếp nhận vận hành dự án, nên có vấn đề về đào tạo cán bộ vận hành. Càng để lâu thì giữ chân đội ngũ này rất khó, sau này cũng phải đào tạo lại hết”, ông Vương Đình Huệ tóm gọn.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó, vì thế Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngày để “gỡ” vướng dự án. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng.
“Thứ nữa, tất cả những vốn liếng của dự án, Hà Nội là người nhận nợ để trả, nên khai thác được sớm ngày nào thì lợi cho Hà Nội ngày đó”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Theo lãnh đạo Thành ủy, Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Về mốc thời gian chốt hạn dự án Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành và khai thác, Bí thư Vương Đình Huệ nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020.
“Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt/4”, ông Vương Định Huệ thông tin.
Trả lời về việc cá nhân Bí thư có chắc chắn về dự án này không, ông Vương Đình Huệ cho rằng, vẫn phải chờ báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án từ Tổ Công tác Bộ GTVT và Hà Nội.
Về kinh nghiệm rút ra từ các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ của Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết:
“Tất cả kinh nghiệm có thể tổng kết bằng một câu rất đơn giản thôi. Chuẩn bị đầu tư phải rất kỹ lưỡng thì triển khai mới thông suốt, nhanh, hiệu quả được. Hai dự án sắp tới thì càng chuẩn bị càng sớm càng tốt. Thế giới người ta cũng làm như vậy. Các dự án kể cả của các nhà đầu tư tư nhân thôi, họ chuẩn bị kỹ lắm. Mình mà không khéo thì lại ngược lại, chuẩn bị thì nhanh nhưng làm thì lại thành lâu, cuối cùng tổng lại thành lâu”, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Như nhát dao chém vào lòng tin của người dân

Đây là phát biểu đáng chú ý tại tổ ĐBQH TP Hải Phòng của đại biểu Quốc hội, Nhà báo Thuận Hữu (Tổng biên tập báo Nhân dân) khi đề cập đến những vấn đề còn tồn tại khi Việt Nam mở cửa đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài cũng như rút kinh nghiệm từ hàng loạt dự án chậm tiến độ, đội vốn hàng ngàn tỷ, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Đại biểu Thuận Hữu dẫn chứng một số dự án như nhiệt điện Thái Bình “cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất một ôtô Toyota”. Hay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”, chậm trễ, đội vốn, cứ để như vậy dân bức xúc, “thà biến thành bảo tàng đường sắt”.
ĐBQH, Nhà báo Thuận Hữu cũng đồng thời cũng đề nghị Chính phủ nêu rõ các giải pháp xử lý những vấn đề tồn đọng, gây bức xúc xã hội nhiều năm mà chưa giải quyết được.
“Điển hình là các dự án ngàn tỷ đắp chiếu chùm mền như gang thép Thái Nguyên, nhiệt điện Thái Bình… Tiền đắp chiếu nằm đấy, rồi mất cả cán bộ. Thủ tướng thì rất tâm huyết nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt, cơ chế mắc mớ, khi đặt vấn đề anh quyết anh phải chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết”, Nhà báo Thuận Hữu phân tích.
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông đã thi công từ hơn chục năm nay, cũng đã cả mười lần thất hứa lỗi hẹn với nhân dân, năng lực, uy tín và trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc cũng như những giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện thực sự khiến người dân phải nghi ngờ, thậm chí là “nản lòng” khi gọi dự án này là “bảo tàng kinh nghiệm”, lỡ hẹn, đội vốn không biết bao nhiêu lần.
Cát Linh- Hà Đông: Khúc xương 13km và bài học quá đắt
Dự án Cát Linh – Hà Đông là bài học quá đắt không chỉ riêng cho Bộ GTVT. Nhiều người ví von đường sắt Cát Linh – Hà Đông này là “khúc xương 13km”, “cục gân gà nuốt không trôi, bỏ thì tiếc” khi sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn đắp chiếu trong khi tiền đầu tư tiếp tục tăng.
Tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức vốn đã vọt lên 891,9 triệu USD.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05km, đi trên cao và có 12 nhà ga, 13 đoàn tàu. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào quản lý, khai thác vận hành.
Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Tuy nhiên sau gần 10 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây dựng nhưng vẫn chưa thể vận hành và nhiều lần lỡ hẹn khai thác. Cụ thể, tháng 7/2015, tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ đến giữa 2016.
Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu 2018.
Tháng 12/2016, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư, nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10/2017. Nhưng mốc này cũng bị vỡ do việc vay vốn bổ sung 250 triệu USD của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc gặp trục trặc về pháp lý dẫn tới giải ngân chậm.
Tháng 5/2017, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý các vướng mắc, đặc biệt về vốn để dự án vận hành thương mại vào quý II/2018.
Đến tháng 12/2017, trong cuộc họp tiến độ, sau khi Ngân hàng Eximbank thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu cuối 2018 dự án phải vận hành thương mại. Nhưng dự án vẫn không thể về đúng hẹn.
Mốc tiến độ tiếp tục được lùi lại sau khi vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018, chính thức vận hành tháng 4/2019 cũng đã bị phá vỡ. Như vậy, tính đến tháng 4/2019, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã 8 lần vỡ tiến độ.
Ngày 1/10/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm 2019. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, vẫn chưa có một thời hạn chính xác cho ngày chính thức vận hành.
Đáng chú ý, dù liên tục chậm tiến độ song tiền đầu tư dự án lại liên tục tăng. Theo kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, dự án đã được điều chỉnh vốn từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng.
Bộ Giao thông vận tải cũng chưa chứng minh hiệu quả tài chính, kinh tế xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại. Chi phí dự phòng điều chỉnh theo quyết định của chủ đầu tư chưa xem xét yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của 3 năm liền kề.
Ngoài vấn đề tiến độ, tư vấn độc lập của Pháp còn đưa ra nhiều khuyến cáo về sự an toàn của tuyến đường sắt mà nhà thầu Trung Quốc thực hiện suốt 10 năm không xong. Trong khi đó, Tổng thầu thừa nhận “mất giấy tờ” khi không cung cấp được đầy đủ trong hồ sơ dự án mà tư vấn Pháp yêu cầu.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân còn để xảy ra sai sót, trong đó có việc ký phụ lục hợp đồng số 11 điều chỉnh hình thức hợp đồng từ đơn giá và tỷ lệ phần trăm sang hình thức trọn gói khi một số hạng mục chỉ tạm tính, không có dự toán chi tiết, thương thảo bổ sung hơn 21 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm vào giá hợp đồng trọn gói thiếu cơ sở pháp lý.
Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định đối với những sai sót tồn tại trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư từ hơn 8,7 nghìn tỷ đồng lên hơn 18 nghìn tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng
Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.