Người thầy của nhiều thế hệ vật lý Việt Nam

1:39:00 CH
Khoảng những năm 1990 của thế kỷ trước, tôi khá thân thiết với GS Nguyễn Hoàng Phương của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia).
Người thầy của nhiều thế hệ vật lý Việt Nam
Người thầy của nhiều thế hệ vật lý Việt Nam
Học trò chúc mừng thầy nhân dịp mừng thọ 75 tuổi.

Ở báo Quân đội Nhân dân Thứ bảy tôi cũng thích chủ đề về “ngoại cảm”, bởi nó mới và hấp dẫn người đọc. Cô Phan Thị Bích Hằng ở Tam Điệp, Ninh Bình bị chó dại cắn, lên cơn dại rồi mà không chết, sau tai nạn xuất hiện khả năng nhìn ảnh nói chuyện được với “người âm”(tôi còn giữ được cái ảnh chụp lúc cô đang hỏi chuyện qua ảnh của bố tôi và cô nói ông cụ xuống cõi âm được bổ nhiệm làm quan đông y); cậu Nguyễn Văn Liên ở Tứ Kỳ, Hải Dương học chưa hết cấp 2, đi bán bún rong có thể tìm mộ từ xa, ngồi một chỗ vẽ sơ đồ cho người nhà của liệt sĩ đến những nơi mà cậu chưa từng biết và nhiều trường hợp đã đào trúng được hài cốt; anh Bùi Long Thành ở Quy Nhơn (Bình Định) vốn là võ sư, có khả năng chữa bệnh tập thể, ngồi một chỗ “phát công lực” làm cho nhiều người cũng múa may quay cuồng theo như bị thôi miên, anh dùng cách này để chữa bệnh tập thể... Những nhân vật hấp dẫn như thế đều được tôi phát hiện, viết những bài đầu tiên, rồi sau này nhiều báo đăng theo. Vị giáo sư già 67 tuổi lúc ấy cười bảo tôi: “Em còn thích thịt chó thì theo ngoại cảm thế nào được. Động vật nói chung đều có hai thứ là hồn và phách; phách của chó rất giống phách của người, càng nói lên một điều là không được ăn thịt loài này”. Tôi nói: “Hồn thì em có thể hiểu phần nào, còn phách thì quả là khó hiểu”. Giáo sư đã giải thích sơ qua, tôi cũng chưa thông lắm. Dù sao, lời khuyên của ông bỗng làm tôi như sực tỉnh và từ đó không khi nào tôi đụng vào món cấm kỵ ấy của nhà Phật nữa (trước đấy tôi vốn là dân ghiền thịt chó)…

Để hiểu hơn về tài năng và nhân cách của GS Nguyễn Hoàng Phương, tôi tổng hợp lại một phần trong các bài viết đăng trên nội san của Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2014 nhân tròn 10 năm ngày giỗ GS Nguyễn Hoàng Phương, đó là các nhà vật lý học trò của ông: TS Nguyễn Phúc Kỳ Thọ, TS Phạm Thúc Tuyền:

...Ông từng là chiến sĩ biệt động hoạt động ở thành phố Huế. Năm 1949, được cử đi đào tạo khoa học cơ bản và sau đó ở lại giảng dạy ở Khu Học Xá, Nam Ninh, Trung Quốc. Khi tiếp quản thủ đô, ông về dạy ở trường Đại học Sư phạm và vào tháng 9-1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông đã có mặt, trực tiếp giảng dạy các môn toán cao cấp và vật lý. Ông là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Vật lý. Là người thầy hào hoa, uyên bác, đầy nhiệt huyết và rất yêu thương sinh viên, trong những năm ở số 16 Hàng Chuối, không mấy ai trong ngành toán lý chưa được nhìn thấy ông suốt ngày miệt mài bên chiếc máy chữ cũ kỹ đặt bên cửa sổ; những quyển sách ông đã đọc qua, không mấy trang không có bút tích của ông để lại... Năm 1961, từ một ý tưởng táo bạo coi khối lượng trong phương trình nổi tiếng của A. Einstein là toán tử, ông đề xuất một mô hình, trong đó không - thời gian vật lý được mở rộng từ 4 thành 6 chiều và nhờ các chiều phụ, ông đã có những kiến giải thuyết phục về đặc trưng nội tại của các hạt cơ bản. Phát kiến này đã giúp ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ): “Vật chất trong không gian sáu chiều" và là luận án tiến sĩ vật lý đầu tiên của nước Việt Nam mới, lại được hoàn thành ở trường đại học danh giá nhất phe XHCN ngày ấy là MGU. Năm 1970 thầy Nguyễn Hoàng Phương nghiên cứu một cấu trúc toán học tổng quát hơn đại số Quaternion (4 chiều) tương thích với Thuyết Tương đối hẹp của Einstein và trường điện từ Maxwell đó là đại số Cayley với hy vọng có thể tìm được phương trình mô tả chính xác không những Trường Điện từ mà cả Trường Sinh học, một lĩnh vực còn hoàn toàn xa lạ với các nhà vật lý. Từ năm 1985, một bước ngoặt kỳ lạ trong đời, GS Nguyễn Hoàng Phương chuyển hẳn sang nghiên cứu Kinh Dịch. Ông khẳng định: Bài toán giải mã số thứ tự các quẻ (tứ quái) là một trong những bài toán hóc búa nhất, hiểm trở nhất của Dịch lý ở toàn bộ lịch sử phát triển loài người... Ngoài giảng dạy và lãnh đạo Khoa, ông còn dành nhiều thời gian để viết sách và đã có nhiều sách chuyên khảo có giá trị, như quyển "Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào Vật lý Lượng tử" (NXB Khoa học kỹ thuật 1972), in khổ rộng với hơn 500 trang, hiện vẫn là quyển chuyên khảo đầy đủ duy nhất về lĩnh vực này ở Việt Nam... Ông cũng có quyển sách viết bằng ngôn ngữ phổ thông về A. Einstein rất truyền cảm, được độc giả đủ mọi lứa tuổi đánh giá cao và được tái bản nhiều lần, ngay cả sau khi ông đã mất. Với 77 năm trong "khí hồng trần", những điều ông thu được trong các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và xã hội là rất đáng khâm phục. Nó chứng tỏ ông có bộ óc siêu việt mà trình độ khoa học đương đại chưa thể có phán quyết thuyết phục. Ngoài đời ông là một người lãng mạn, chơi ghi-ta rất cừ, rất thích đàm đạo, thương người và sống rất có tình. Trong con người khoa học của ông là một trái tim nhân hậu. Là kẻ hậu sinh, tuy cùng nghề, nhưng chúng tôi chưa bao giờ dám đánh giá đúng - sai những điều ông đã viết. Mấy dòng này xin được xem là những nén tâm hương kính dâng lên hương hồn ông, nhân ngày giỗ của ông...

Thời kỳ gặp gỡ GS Nguyễn Hoàng Phương tôi cũng hay say sưa tìm hiểu về những người có khả năng đặc biệt như mấy trường hợp đã kể trên và từ đó tôi cảm thấy gần gũi với giáo sư, tất nhiên tôi không hiểu gì về lĩnh vực vật lý lý thuyết cao siêu cùng Trường Sinh học còn quá mới mẻ. Lúc nào tôi cũng kính trọng tài năng và nhân cách của ông. Có lần ông đưa mấy quyển nhật ký cho tôi đọc, có lẽ ông muốn tôi chia sẻ, hiểu thêm về đời tư không mấy được suôn sẻ của ông. Ông có vợ là bà Phạm Thị Tân, cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học giáo dục, không hiểu vì lý do gì mà hai ông bà không có con. Tôi luôn thấy ông lặp lại trong nhật ký câu hát quen thuộc “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua”. Và trong một đoạn ông mô tả sự tột cùng đau khổ khi bà vợ một lần bị sảy thai. Rồi bà qua đời, ông bảo thỉnh thoảng lại nằm mơ thấy bà như một ngôi sao xanh đậu xuống vai thủ thỉ một điều gì đó về thiên cơ. Rồi sau ngày nước nhà thống nhất, ông hay vào Sài Gòn giảng bài về Vật lý lượng tử, trong đó có những buổi xemina về Trường Sinh học, rất được học sinh sinh viên trong Nam hưởng ứng. Trong số những người hâm mộ ông có bà Trần Thị Lệ, lúc bà đến với ông vào khoảng ngoài 30 tuổi, đã có một đời chồng và ba con gái. Một lần tôi nghe ông kể chuyện tình của hai người. Nhà bà Lệ ở Hậu Giang và hai ông bà ra Ủy ban địa phương làm giấy đăng ký kết hôn sau đó dựng một túp lều bên sông Hậu sống với nhau vài tuần, đúng nghĩa “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Rất thơ mộng! Rồi họ lại về sinh sống ở 16 Hàng Chuối, ông xin cho bà được làm việc ở nhà in của trường Đại học Tổng hợp. Các sách ông viết thời kỳ này đều lấy tên vợ là đồng tác giả (hình như bà là y sĩ đông y).

Chẳng hạn cuốn: Đông y học dưới ánh sáng của toán tập mờ, ông tặng tôi và bảo: Anh biết gì về đông y đâu, kiến thức của chị Lệ cả đấy. Mấy lần đến nhà, đều thấy ông chơi vui vẻ với mấy đứa con riêng của vợ, ông coi chúng như con đẻ của mình. Trường sinh học hay Dịch lý người đời hay gán cho cái mác “mê tín dị đoan”, như thế lĩnh vực nghiên cứu của ông trở nên rất đơn lẻ. Nhân đọc bài ông đăng trên báo Văn nghệ, kể việc thời chống Pháp ông từng có mặt trong đội quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào, ba-lô sau lưng bao giờ cũng có cuốn Hình học, rồi bao nhiêu năm tháng ông nghiên cứu miệt mài mong tìm ra một quy luật chung hài hòa của vũ trụ (có lần ông nói với tôi về một công việc vô cùng khó khăn mà các nhà vật lý trên toàn thế giới đang tìm hiểu, trước đấy vĩ đại như A.Enstein mà phải chịu thất bại, đó là việc thống nhất tất cả các lực tương tác trong vũ trụ).

Tôi viết một bài thơ tặng ông, ngụ ý ông là người chịu đựng mọi điều thị phi và cô đơn để truy tìm cho được một con số đẹp hài hòa, đó chính là quy luật thống nhất của vũ trụ. Hôm đó ở nhà riêng của ông, đọc xong bài thơ ông xúc động bảo tôi: Khi nào có dịp em hãy đưa bài này vào tập thơ của em, coi đây là một kỷ niệm của anh em ta. Bài thơ sau này được đưa vào tập Tơ trời và gió, NXB Văn học 2006, tiếc rằng khi đó “Thái Thượng Lão Quân” của tôi (có lần ông bảo tôi: Anh là Thái Thượng Lão Quân giáng trần) đã về trời đã được 2 năm rồi. Bài có tựa: Con số đẹp hài hòa (Kính tặng giáo sư Nguyễn Hoàng Phương): Dường như thơ ngây/ Dường như mịn màng/ Dường như rực vàng/ Con số ấy/ Đời dường như dửng dưng.../ Linh cảm từ thời trẻ trung/ Cây súng trên vai, ống sáo đầu môi, cuốn hình học sau lưng/ Vượt Trường Sơn/ Một chiều Sê Pôn/ Anh thoáng thấy con số ấy trong rừng lá đỏ/ Buồn đau và mờ tỏ/ Cặm cụi tháng năm, lọc hàng núi con số tầm thường/ Cây bút chì cứ mòn vẹt đáng thương/ Mái đầu trắng xóa/ Trắng xóa trước mặt mình, già đi tất cả/ Giây lát gục trên bàn/ Ngôi Sao Xanh đậu xuống vai anh/ Bỗng trái tim trẻ lại/ Con số đẹp hài hòa lại tìm mê mải/ Đến một ngày/ Đã hiện ra trước mắt anh/ Ngây thơ/ Mịn màng/ Rực vàng/ Và anh biết/ Con số vĩnh hằng - Minh Triết. (Hàng Chuối, Hà Nội 1990).

Phạm Quang Đẩu
Nguồn : http://m.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nguoi-thay-cua-nhieu-the-he-vat-ly-viet-nam-tintuc455394?fbclid=IwAR2WNMCElfU-UqsAZp7A_e6t7lrscksqaY5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.