Cuộc gặp tình cờ với cô bé Việt năm 1992 đó đã làm thay đổi lẽ sống của vị bác sĩ - ông quyết định mở ra Nhà Xuân - cơ sở nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ đường phố ở Đà Nẵng.
Một ngày năm 2018, tại Nhà Xuân, bác sĩ Trần Tiễn Chánh bước vào, thấy chị Hiệp cùng hàng chục đứa trẻ chạy ùa ra, bá vai bá cổ. Chị ôm chặt người đàn ông có mái tóc hoa râm : "Con vừa về Việt Nam là đến đây luôn, hy vọng được gặp bố". Bác sĩ Chánh cười, vỗ vai chị rồi mở rộng tay ôm bọn trẻ vào lòng.
Lê Thị Hiệp, 32 tuổi, chuyên viên một tập đoàn kiểm toán tại Paris, từng là thành viên đội ăn xin đường phố đó cùng với mẹ.
Một lần người ta phát hiện em đói lả bên góc đường nên đưa về Nhà Xuân. Lần đầu gặp bác sĩ Chánh, Hiệp đứng nép trong góc tường. "Ra đây với bố nào", ông Chánh gọi rồi xoa đầu cô bé 6 tuổi. Cô bé ngỡ ngàng vì được người lạ ôm, còn dặn, "Gắng học nha con, học giỏi thì mới thoát khổ".
Lời dặn ấy là động lực mạnh mẽ, đưa Hiệp vào khoa tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, rồi sang Pháp du học. Hiện cô làm việc tại đây và có cuộc hôn nhân "viên mãn".
|
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh và các em nhỏ Nhà Xuân chụp tháng 9/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
"Nếu không có chuyến trở về Việt Nam 1992, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm từ thiện và gắn bó với những đứa trẻ này", vị bác sĩ người Pháp gốc Việt chia sẻ.
10 tuổi, cậu bé Chánh rời Nha Trang sang Pháp đoàn tụ cùng bố mẹ. Tốt nghiệp đại học y, ông về thăm quê hương.
"Năm 1992 đó Việt Nam còn nghèo, ở đâu cũng xuất hiện rất nhiều trẻ ăn xin. Nhìn thấy bọn trẻ, tôi buồn lắm", ông nhớ lại.
Tháng 8/1992, bác sĩ Chánh đi qua phà Bính, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trời nóng, ông mua chiếc quạt giấy từ cô bé bán rong tại bến phà. Chiếc quạt 500 đồng, nhưng ông đưa 5.000 đồng và bảo không cần trả lại. Cô bé nhỏ xíu nhất định đòi trả lại tiền thừa mà không được.
Trước khi phà rời bến, ông Chánh tranh thủ ăn bữa cơm bụi. Đứng dậy trả tiền, ông nghe chủ quán nói đã có một cô bé trả giúp. Nhìn quanh, cô bé bán quạt lúc trước mỉm cười từ xa. Ông gọi lại, biết tên bé là Nhung, 10 tuổi, bán hàng tại đây vài năm. Rồi Nhung dẫn ông lên phà, hướng dẫn ông chỗ ngồi tốt nhất để tránh mưa, tránh nắng. Cầm mẩu giấy ghi địa chỉ cô bé, ông hứa sẽ liên lạc lại.
"Cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi suy nghĩ của tôi về trẻ em Việt. Những đứa trẻ ăn trước đó giống như ghim vào tim tôi lạnh giá mùa đông, thì Nhung đã thổi hơi ấm mùa Xuân, cho tôi niềm tin rằng dù nghèo đói nhưng vẫn luôn có sự tử tế",bác sĩ Chánh nói.
Trở lại Pháp, ông viết một lá thư ngắn:
"Cảm ơn cháu đã dạy chú về lòng tử tế. Cháu đã làm thay đổi nhận thức của chú về tình cảm giữa người với người...". Nhưng không có hồi âm. "Có thể địa chỉ bị viết sai do vốn tiếng Việt của tôi không tốt", ông nói.
Một năm sau, qua một người bạn trở lại Việt Nam, ông Chánh nhận được bức ảnh trên phà bến Bính, cô bé Nhung vẫn cười rạng rỡ, tóc đã dài hơn. Tấm ảnh được ông cất đi làm kỷ niệm..
|
Bức ảnh của bé Nhung năm 1993 do một người bạn của bác sĩ Trần Tiễn Chánh chụp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Tổ chức từ thiện mang tên Xuân do ông Chánh góp tay với bạn bè Pháp ra đời ngay sau đó, quyên góp tiền cho trẻ nghèo Việt Nam. "Bé Nhung đã mang cho tôi một sức sống, một mùa xuân mới trong nhận thức", ông lý giải về cái tên này.
Mùa hè năm 1993, tổ chức này thành lập Nhà Xuân tại Đà Nẵng. Hơn 200 đứa trẻ được sống, học tập và trưởng thành ở đây những năm qua.
Câu chuyện về sự tử tế của cô bé 10 tuổi lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn. Rất nhiều người muốn biết bé Nhung hiện tại ra sao.Trong một lần thu dọn lại hồ sơ vào năm 2017, bức ảnh cũ của Nhung rơi ra. Tấm ảnh giấu kín hơn 20 năm được người bạn của ông Chánh đưa lên website.
Cuối năm 2019, với sự giúp đỡ của nhiều người, bác sĩ Trần Tiễn Chánh gặp lại cô bé Nhung, nay đã gần 40 tuổi. Cả hai rưng rưng nước mắt.
"Cảm ơn cuộc gặp gỡ tình cờ với cháu năm đó. Chỉ vài chục phút thôi nhưng đã thay đổi hàng chục năm cuộc đời sau này của chú", nắm lấy bàn tay chai sạn của người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố, ông Chánh xúc động nói.
Hải Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét