EVFTA tác động thế nào đến "nồi cơm" của người dân Việt?
VTV.vn - Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, thị trường EU với 508 triệu dân và GDP lên tới 18.000 tỷ USD đã rất rộng mở với Việt Nam.
Sáng nay (8/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Liên minh châu Âu (EU), thị trường với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18.000 tỷ USD thực sự là một thị trường đầy tiềm năng và không thể bỏ qua của Việt Nam. Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, con đường để Việt Nam tiếp cận với thị trường này đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều.
Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA
Trong ngắn hạn cũng như dài hạn, EVFTA sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, xã hội của Việt Nam?
Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong EVFTA?
Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU
Đối với các nhóm hàng quan trọng, cam kết của EU như sau:
- Dệt may: trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 07 năm.
- Giày dép: EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.
- Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 03 năm, 90,3% trong vòng 05 năm và 100% trong vòng 07 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn/năm.
- Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 03 đến 05 năm.
- Đường: EU dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn/năm đối với đường trắng và 10.000 tấn/năm đối với sản phẩm chứa đường trên 80%.
- Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
- Các sản phẩm khác: EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 30.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 07 năm), 400 tấn tỏi, 350 tấn nấm mỗi năm.
- Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, EVFTA đóng vai trò thế nào trong việc khôi phục nền kinh tế?
Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033). Bên cạnh đó, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Dệt may có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sau khi EVFTA được thông qua (Ảnh minh họa)
Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
EVFTA có tác động thế nào tới lao động, việc làm, an sinh xã hội…?
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030….
Tuy nhiên, một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 - 0,36%/năm.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm
EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.
EVFTA có ảnh hưởng gì đến cuộc cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam?
Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo "Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA" do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn.
EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp làm tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%.
Cụ thể, Hiệp định sẽ giúp làm tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các giới thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.
EVFTA có tác động thế nào đến người nông dân và ngành nông nghiệp?
Ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.
Ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).
Ngành nào sẽ được hưởng lợi, ngành nào sẽ chịu sức ép từ EVFTA?
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với các ngành như sau:
- Ngành nông thủy sản: EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam, cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2% trong giai đoạn 2020-2030).
- Ngành chế biến chế tạo: Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Đối với ngành da giầy, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Ngành nông thủy sản cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn từ EVFTA
Ở chiều ngược lại, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho ta trong một số ngành như sau:
- Ngành dược phẩm: Cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, theo hướng: (1) dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn; (2) mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; (3) cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam (trong nhóm đã cam kết mở cửa cho nhà thầu EU). Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn.
- Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
- Ngành logistics: EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ: (1) cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (2) cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.
TheoNews6Vnay.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét