Cảnh báo về dòng chảy xa bờ mới xuất hiện ở Việt Nam
Khi chẳng may bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, cần bình tĩnh để đợi thời điểm thoát ra, càng vùng vẫy sẽ dẫn đến kiệt sức và đuối nước.
Năm 2020 có mùa hè nóng nực nhất trong những năm gần đây, bối cảnh dịch bệnh cũng khiến cho việc du lịch trong nước, đặc biệt là tại các vùng biển tăng cao. Tuy vậy, ngoài biển luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm với con người khi đi du lịch, cần luôn cảnh giác để tránh những tai nạn không đáng có.
Một trong những mối nguy hại khi đi biển đang được quan tâm gần đây là dòng chảy xa bờ, với loạt bài viết cảnh báo được chia sẻ rầm rộ trên MXH.
Ảnh chụp màn hình một bài viết cảnh báo về dòng chảy xa bờ, với hơn 5,4k lượt chia sẻ. Nguồn: VTV2 Chất lượng cuộc sống, Thời tiết Bình Định.
Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng dòng chảy xa bờ đã xuất hiện dọc các bờ biển Việt Nam vài năm gần đây, từng ghi nhận ở Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên… Dòng chảy xa bờ được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khi tắm biển.
Vậy dòng chảy xa bờ là gì?
Dòng chảy xa bờ (rip current) còn được gọi là dòng rút xa bờ, dòng rút bờ, dòng rip… Hiện tượng này hiểu nôm na là một dòng nước chảy mạnh từ bờ ra phía biển, xảy ra khi sóng liên tục đánh và nước biển vào bờ, hình thành một dòng đi ngược ra biển.
Dấu hiệu nhận biết dòng chảy xa bờ: nơi có vùng nước lặng bất thường, gần như không một cơn sóng.
Dòng nước rút xa bờ thường hẹp, chỉ rộng khoảng 1-3m, nhưng cũng có thể lên đến 10m. Trong một ngày, chúng có thể di chuyển đa vị trí trong vùng đới sóng đổ của bất kỳ khu vực đại dương, bờ biển, hồ lớn nào.
Dòng chảy xa bờ nguy hiểm đến mức nào?
Nhiều người đã từng nghe đến dòng chảy xa bờ nhưng không hiểu hết về mối nguy hiểm của hiện tượng này. Dòng chảy xa bờ được xem là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ tai nạn đuối nước trên biển.
Nguyên lý hoạt động của dòng chảy xa bờ.
- Vận tốc trung bình của dòng chảy thay đổi từ 0,5-1m/giây, thậm chí còn có thể lên tới 2,5m/giây khi có sự thay đổi đột ngột của sóng biển. Khả năng bơi ngược khỏi dòng nước để thoát ra là không thể, cho dù bạn là vận động viên Olympics.
- Dòng chảy xa bờ có bề nổi khá êm đềm, tĩnh lặng, xảy ra ở cả vùng nước nông khiến nhiều người bị hiểu lầm là nơi an toàn, nhưng nếu bị cuốn vào, dòng nước sẽ đẩy bạn ra xa. Du khách sẽ dễ bị hoảng loạn khi bị cuốn đi và có xu hướng cố bơi ngược trở lại nhưng điều đó là không thể, sẽ bị kiệt sức và đuối nước.
Cần làm gì để phòng tránh và ứng phó?
Trước tiên, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, mỗi người cần biết cách xác định đúng dòng chảy xa bờ khi ở khu vực bờ biển. Có thể nhận dạng dòng rút xa bờ bằng mắt thường thông qua một số dấu hiệu như: vùng nước rộng khoảng 1-3m có màu đậm hơn, mặt nước êm lặng, có sóng nhỏ hoặc không có sóng, thi thoảng thấy những mảnh vỡ, bọt khí đang trôi dần về phía biển.
Nếu bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, tuyệt đối không được vùng vẫy vì sẽ càng bị cuốn ra xa và mất sức hơn, hãy nhớ:
- Dòng chảy xa bờ sẽ không nhấn chìm bạn mà chỉ đẩy bạn ra xa tới vùng nước có sóng bạc đầu, khi đó sóng bạc đầu sẽ đưa bạn lại vào bờ biển.
- Với người biết bơi và tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
- Với người bơi yếu, cố gắng thả nổi hoặc bơi đứng để giữ sức, đồng thời giơ tay ra tín hiệu, kêu to để cầu cứu sự trợ giúp với đội ngũ cứu hộ và người trên bờ. Khi lấy lại được bình tĩnh và dòng chảy yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển đến chỗ sóng bạc đầu, chúng sẽ đưa bạn vào bờ.
Tuyệt đối không bơi ngược chiều với dòng chảy xa bờ.
Trên hết để tránh những tình huống xấu, du khách chỉ nên tắm biển, chơi đùa ở những bãi biển có lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Hạn chế bơi một mình, không biết bơi thì nên hạn chế ra vùng nước quá sâu. Cẩn tắc vô ưu, bạn có thể trao đổi với đội cứu hộ hoặc người dân bản địa xung quanh bãi tắm, cũng như đọc kỹ các biển cảnh báo về địa thế của vùng biển trước khi xuống nước.
TheoNes6Vnay.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét