Thế yếu của Trung Quốc qua cuộc chiến chống COVID-19

9:15:00 SA
(PL)- “Có rất ít quốc gia tin vào hình mẫu hay thông điệp đến từ Bắc Kinh” - hai chuyên gia Michael Green và Evan S. Medeiros trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs nhận định.
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc (TQ) vào đầu năm nay, giới quan sát đã nhanh chóng dự báo chắc nịch rằng: Đại dịch chính là “thảm họa Chernobyl” của TQ. Tuy nhiên, khi TQ khống chế khá hiệu quả đại dịch và tuyên truyền “chiến thắng” của họ vào tháng 3 thì đây cũng là sự khởi đầu của quá trình Mỹ cùng châu Âu vỡ trận vì đại dịch.
Bắc Kinh đã ngay lập tức khởi động một chiến dịch quốc tế, trực tiếp lẫn gián tiếp đánh vào cách quản trị nền dân chủ của Mỹ và phương Tây, đồng thời chuyển đến cộng đồng quốc tế “mô hình kiểu mẫu” về biện pháp chống dịch và trách nhiệm cộng đồng.
Hôm 14-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm ngừng hỗ trợ tài chính trong thời gian tới cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Động thái này của Mỹ tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ khỏa lấp chỗ trống của Washington tại các thể chế quốc tế, điều mà TQ gia tăng thực hiện dưới thời “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Hình ảnh xấu đi trên truyền thông
Tuy nhiên, các chuyên gia của tờ Foreign Affairs nhận định có nhiều cơ sở để nghi ngờ việc TQ có thể biến một đại dịch, vốn xuất phát từ chính đất nước này, trở thành cơ hội để Bắc Kinh thực hiện một bước tiến lớn trong quá trình “trỗi dậy” của họ.
Trước tiên, chiến dịch truyền thông của TQ đã chững lại. Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền về “thành công của TQ” trong chiến đấu chống dịch kể từ tháng 3 năm nay. Thực tế, nhiều quốc gia vẫn học hỏi nhiều giải pháp chống dịch của TQ. Tuy nhiên, không vì thế mà các nước gia tăng lòng biết ơn với Bắc Kinh. Thế giới đã biết rất rõ về nguồn gốc của virus gây bệnh xuất phát từ TP Vũ Hán (TQ), dù rằng WHO không chọn tên của TP này đặt tên cho virus. Bên cạnh đó, sự chủ quan ngay từ đầu, yếu kém trong công tác minh bạch thông tin và đối xử không công bằng với nhiều bác sĩ có công cảnh báo dịch bệnh... đã khiến tô đậm sự thiếu trách nhiệm của TQ đối với hệ lụy dịch bệnh lây lan toàn cầu.
Thế yếu của Trung Quốc qua cuộc chiến chống COVID-19 - ảnh 1
Trung Quốc không thể nhờ vào chống COVID-19 để trở thành lãnh đạo thế giới. Ảnh minh họa: REUTERS
Dù thế giới nhiều lần kêu gọi TQ cần minh bạch thông tin hơn nữa nhưng Bắc Kinh đã từ chối các nhà báo Mỹ của một số tờ báo và hãng tin như The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal vào làm việc. Điều này làm cho hình ảnh TQ xấu đi. Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ đã có cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, thừa nhận những sai sót trong giai đoạn đầu chống dịch. Đó cũng chính là giai đoạn vàng để có thể khống chế COVID-19, không cho lây nhiễm cộng đồng.
TQ cũng lên tiếng cáo buộc quân đội Mỹ đã mang virus gây bệnh đến Vũ Hán, trong khi các học thuyết âm mưu cho rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm TQ được lan truyền tràn ngập trên Internet. Vài tuần gần đây, TQ đã giảm đổ lỗi cho Mỹ, trong khi đó truyền thông phương Tây bắt đầu rộ lên thông tin cáo buộc trách nhiệm TQ về nguồn gốc dịch bệnh. Tổng thống Trump hôm 15-4 (giờ Mỹ) cho hay chính phủ Mỹ đang điều tra để xác định xem liệu virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có phải xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, theo hãng tin Reuters. Đây có thể khởi đầu cho “một cuộc chiến mới” mà Bắc Kinh nằm ở thế yếu vì tất cả yếu kém của họ đầu mùa dịch.
Các hành xử của TQ ở biển Đông, bao gồm việc vận hành các trung tâm nghiên cứu trái phép và đâm chìm tàu cá của Việt Nam khiến Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích “lợi dụng đại dịch để gây sức ép”. Đây cũng là lý do giải thích vì sao niềm tin của các nước với TQ bị suy giảm trầm trọng và uy tín Bắc Kinh bị ảnh hưởng nặng nề. 
Rất ít quốc gia ủng hộ
Lãnh đạo một số nước, bao gồm Campuchia, Iran, Pakistan hay Serbia, thời gian qua có nhiều tán thưởng về hành động của TQ sau khi Bắc Kinh triển khai “ngoại giao y tế” - hỗ trợ, viện trợ, xuất khẩu nhiều thiết bị, vật tư y tế và đội ngũ y bác sĩ ra nước ngoài chống dịch. Tuy nhiên, rất ít chính phủ các nước tán thành với những thông điệp gần đây của TQ.
Thứ nhất, chính phủ các nước thường chịu áp lực từ dân chúng khi chấp nhận sự hỗ trợ của TQ. Dư luận các nước dường như không đặt nhiều niềm tin vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh, nhất là khi nước này thường dùng “ngoại giao vật chất” đổi lấy sự ảnh hưởng ngoài kỳ vọng của các nước, ví dụ đòi hỏi quyền lợi quá tầm ở nước sở tại.
Thứ hai, chất lượng các gói hỗ trợ của TQ không cao. Nhiều quốc gia nhận viện trợ từ TQ trong đợt dịch này khẳng định các bộ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ y tế TQ không đảm bảo chất lượng. Gần nhất, thủ tướng Phần Lan đã sa thải người đứng đầu cơ quan cung ứng thiết bị khẩn cấp vì đã chi hàng triệu euro để mua khẩu trang TQ kém chất lượng. Một số lãnh đạo khác đã bác bỏ các thông điệp của TQ, tìm cách thuật lại chính xác câu chuyện về phản ứng (thiếu minh bạch, hiệu quả) của TQ trước đại dịch.
Ông Josep Borrell, đại diện ngoại giao và an ninh cấp cao kiêm phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, mới đây đã công khai chỉ trích các nỗ lực (chống dịch) của TQ chỉ để gia tăng ảnh hưởng. Lãnh đạo Brazil và Ấn Độ, vốn cũng đang chịu thách thức từ đại dịch, cũng chỉ trích và từ chối nhận viện trợ của TQ. Ở châu Phi, các câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc lan rộng ở miền Nam TQ đối với người nước châu Phi khiến dư luận tại “lục địa đen” rất quan tâm. Cùng lúc đó, niềm tin của các quốc gia châu Á đối với TQ từ trước khi dịch bùng phát đã suy giảm. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew tại sáu nước châu Á được công bố vào cuối tháng 2 cho thấy công luận nghiêng về phía Mỹ hơn là TQ.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, cho đến nay vai trò của Mỹ bị suy giảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để vươn lên lãnh đạo thế giới, TQ dù muốn vẫn lực bất tòng tâm.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu
Đại dịch cũng khiến TQ bị ảnh hưởng. Mặc dù TQ cho mở cửa lại các nhà máy, giúp nguồn cung sản phẩm gia tăng nhưng việc kích cầu còn gặp nhiều khó khăn thật sự.
Nền kinh tế TQ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu. 12 quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh hiện nay chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu của TQ. Đa số các quốc gia này cũng là nhà cung cấp hàng hóa trung gian quan trọng nhất của TQ ra thị trường thế giới. Nền kinh tế TQ sẽ không thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng ở mức 5%-6% mỗi năm như trước đây cho đến khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi.
Vì vậy, chính phủ TQ có thể sẽ phải kìm hãm việc kích cung (tức hỗ trợ sản xuất) cho đến khi nhu cầu thị trường thế giới trở lại bình thường. Trong khi đó, việc tung ra các gói kích cầu hay các gói tín dụng hỗ trợ trong nước cũng khó khăn với TQ khi mức nợ công tăng mạnh. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), tổng nợ của TQ hiện tiệm cận mức 310% GPD, mức cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi. 
ÁNH NGỌC

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.