Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua?

8:35:00 SA
Kể từ Ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970, nhân loại đã làm sạch Trái Đất hơn rất nhiều nhưng vẫn còn đó những thách thức mới.

Ngày Trái Đất năm 2020 diễn ra giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi, khiến nhiều chính phủ phải mạnh tay thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết.

Sản xuất công nghiệp và nhiều hoạt động ảnh hưởng đến thiên nhiên khác bị gián đoạn, giúp Trái Đất được thanh lọc trong thời gian này. Hãy lội ngược dùng về quá khứ, xem hành tinh của chúng ta thay đổi như thế nào trong suốt 50 năm qua.

1970: Ngày Trái Đất đầu tiên

Dân số thế giới: 3,7 tỷ. Ngày 22/4 năm đó, có khoảng 20 triệu người Mỹ xuống đường để kêu gọi sự chú ý và hành động nhằm bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, những đạo luật mới về môi trường đã có hiệu lực tại Mỹ, giúp đánh giá những hành động gây hại thiên nhiên và có chính sách bảo vệ tự nhiên tốt hơn.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 1

Bức ảnh hành tinh xanh chụp vào Ngày Trái Đất năm 1970. Ảnh: NASA.

1972: Bảo vệ động vật biển

Đạo luật bảo vệ động vật biển bắt đầu có hiệu lực tại Mỹ và một số quốc gia khác, mở ra một chặng đường kéo dài hàng thập niên để liệt kê các loài, thống kê số lượng cá thể của các loài. Cá voi, cá heo, hải cẩu là những quần thể bị đe dọa tuyệt chủng nhưng đã sớm được phục hồi số lượng.

1976: Thảm họa hóa chất ở Seveso, Italy

Vụ rò rỉ hóa chất ở Ý đã khiến hàng ngàn người phơi nhiễm với dioxin ở mức độ cao nhất từng được ghi nhận vào lúc đó.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 2

Thảm họa hóa chất khiến người dân Ý phơi nhiễm cao với dioxin. Ảnh: Marka/Getty Images.

1980: Mỹ bắt đầu dọn dẹp hóa chất độc hại

Dân số thế giới: 4,5 tỷ. Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ bắt đầu dọn sạch các khu vực có chất thải gây hại, người gây ô nhiễm phải đóng tiền phạt và trả tiền cho người lau dọn. Cùng năm, bang Alaska bắt đầu bảo vệ môi trường tự nhiên ở hơn hàng triệu km vuông đất rừng.

1985: Phát hiện lỗ thủng tầng ozone

Các nhà khoa học lúc bấy giờ phát hiện ra sự suy giảm về mật độ của tầng ozone trên bầu trời Châu Nam Cực. Thủ phạm gây ra chính là chlorofluorocarbon và nhiều hóa chất khác.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 3

Lỗ thủng tầng ozone bên trên bầu trời Châu Nam Cực. Đồ họa: NASA.

1986: Thảm họa hạt nhân Chernobyl

Một lò phản ứng hạt nhân phát nổ ở nhà máy điện Chernobyl, làm chết 30 người và khiến hơn 330.000 người phải di tản, cùng theo đó là sự nghi ngờ về mức độ an toàn của công nghệ hạt nhân.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 4

Hiện trường vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô. Ảnh: AP Images.

1987: Cứu sống diều hâu

Ở toàn bang California lúc đó chỉ còn 27 cá thể diều hâu, buộc chính quyền phải tiến hành nuôi nhốt trong môi trường nhân tạo nhằm duy trì nòi giống. Sau một thời gian, ngày nay có hơn 200 con diều hâu được sống tự do trong tự nhiên.

1988: Xác định sự ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính

Nhà khí hậu học James Hansen của NASA báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng carbon dioxide và một số loại khí khác được giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng hành tinh hơn qua từng ngày.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 5

Ảnh: The Mercury News.

1990: Luật quốc tế về săn bắt ngà voi

Dân số thế giới: 5,3 tỷ. Nỗ lực quốc tế giúp làm chậm lại những vụ săn bắn trộm voi ở châu Phi để lấy ngà. Cùng năm, Liên Hiệp Quốc thực hiện dự báo về sự nóng lên trên toàn cầu vào 25 năm tới, hóa ra những gì được dự báo đã trở thành sự thật ngày nay.

1991: Hồi sinh chồn chân đen

Chồn chân đen từng bị xác định là tuyệt chủng trong tự nhiên, đã được giới khoa học nuôi trong môi trường nhân tạo để duy trì nòi giống. Ngày nay, mặc dù chúng đã thoát khỏi tình trạng tuyệt chủng nhưng vẫn bị đe dọa và gặp nguy hiểm.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 6

Chồn chân đen được cứu khỏi sự tuyệt chủng. Ảnh: Joel Sartore/National Geographic.

1995: Mất một phần lớn rừng Amazon

Tỷ lệ phá rừng Amazon tăng lên đáng kể trong thập niên này, chủ yếu do nông dân Brazil muốn tạo đồng cỏ để lập trang trại chăn nuôi gia súc. Nguồn tiêu thụ thịt bò lớn là động lực chính dẫn tới lá phổi Trái Đất bị đe dọa.

1997: Vụ tuyệt chủng lưỡng cư

Các nhà khoa học xác nhận loài nấm chytrid ăn da vô tình bị nhân rộng ra bởi con người, đã giết chết hàng trăm loài ếch và kỳ nhông. 90 loài lưỡng cư đã bị tuyệt chủng và không thể hồi phục, khiến đây trở thành sự kiện tuyệt chủng tồi tệ nhất gây ra bởi mầm bệnh.

1999: Tạo ra gạo vàng

Gạo biến đổi gen được bổ sung Vitamin A được giới thiệu, nhằm tăng thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của người châu Phi và châu Á.
Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 7

Gạo vàng bổ sung Vitamin A sau quá trình biến đổi gen nhân tạo. Ảnh: Craig Cutler.

2000: Cách mạng nhiên liệu lai

Dân số thế giới: 6,1 tỷ. Xe Prius của Toyota trở thành mẫu xe sản xuất hàng loạt đầu tiên được trang bị động cơ xăng lẫn động cơ điện. Dòng xe này mở ra một chương mới cho phương tiện giao thông chạy điện.

2002: Thềm băng Larsen B sụp đổ

Vệ tinh của NASA đã ghi lại vụ nứt băng lớn ở Châu Nam Cực, chỉ trong một tháng tại thềm băng Larsen B đã chứng kiến 3.200 km vuông băng bị đổ gãy và tan vào nước biển do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 8
Thềm băng Larsen B sụp đổ vào năm 2002. Ảnh: NASA.

2006: Chất thải đổ tràn ở Côte d’Ivoire

Chất thải chứa hydro sunfua và nhiều hóa chất khác được đổ trực tiếp ra tự nhiên ở cảng Abidjan của thành phố này tại Ý, làm 15 người chết và khiến 100.000 người bị ảnh hưởng.

Cùng năm, giới chuyên gia cũng ghi nhận lượng CO2 cao nhất mà nguồn phát là tại Trung Quốc. Quốc gia này đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt Mỹ, dẫn tới các ngành công nghiệp dùng nhiên liệu hóa thạch bùng nổ, CO2 bình quân đầu người bỏ xa các nước khác.

2008: Tesla giới thiệu xe điện

Công ty Tesla Motors thành lập vào năm 2003, đã giới thiệu mẫu xe Roadster hai cửa chạy điện hoàn toàn vào năm 2008. Trong những lần thử nghiệm, xe có thể chạy được gần 400 km chỉ với một lần sạc, vượt xa mọi mẫu xe điện trước đó của các đối thủ.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 9

Mẫu xe điện Tesla được giới thiệu vào năm 2008. Ảnh: Motor Musuem.

2008: Hầm lưu trữ hạt giống quốc tế

Hầm chứa hạt giống của mọi vùng khí hậu trên thế giới đã được xây dựng ở đảo Svalbard, vận hành bởi chính phủ Na Uy. Hiện tại, nơi đây đã lưu giữ 4,5 triệu hạt giống cây trồng và sẽ gửi lại tự nhiên để tránh mất đa dạng sinh học.

2010: Vụ nổ giàn khoan dầu ở Mexico

Dân số thế giới: 6,9 tỷ. Một giàn khoan để khai thác dầu sâu dưới lòng đất ở Mexico đã phát nổ, khiến 11 công nhân bỏ mạng và làm 492 triệu lít dầu tràn ra Vịnh Mexico, trở thành vụ tràn dầu lớn nhất lịch sử Mỹ.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 10

Vụ tràn dầu lớn nhất lịch sử Mỹ trong Vịnh Mexico. Ảnh: Charlie Riedel/AP Photo.

2011: Thảm họa hạt nhân Fukushima

Thảm họa kép gồm động đất mạnh và sóng thần đã diễn ra ngoài khơi Nhật Bản, làm một phần của 3 lò phản ứng hạt nhân ở nước này bị hỏng, dẫn tới rò rỉ chất phóng xạ vào không khí và nước biển.

2015: Ký kết Hiệp định Paris

Lãnh đạo của 195 nhà nước cùng nhau đồng ý và ký hiệp định nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, giúp giữ nhiệt độ trung bình của hành tinh không lên cao quá 2 độ C. Tuy vậy, nhiều quốc gia sau đó tuyên bố rút khỏi hiệp định gồm có Mỹ.

2016: Thềm băng Larsen C nứt sâu

Sau vụ sụp đổ thềm băng B vào năm 2012, tiếp tục tới thềm băng C khổng lồ ở Nam Cực bị rạn nứt do sự biến đổi khí hậu tiêu cực. Cùng năm, vụ tuyệt chủng lớp thú đầu tiên gây ra bởi thay đổi khí hậu đã diễn ra, nạn nhân là Bramble Cay melomys - một loài gặm nhấm Úc.
Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 11

Thềm băng Larsen C bị nứt sâu vào năm 2016. Ảnh: NASA Earth Observatory.

2017: Anh Quốc ghi nhận ngày không than

Lần đầu tiên kể từ thập niên 1880, vương quốc của cách mạng công nghiệp dùng than đá đã ghi nhận ngày đầu tiên không có khí thải của than. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đóng tất cả nhà máy chạy than đến năm 2025.

2019: Hai vụ hỏa hoạn lớn

Năm này đánh dấu sự ra đời của bánh burger dùng thịt nhân tạo - không phải thịt thật lấy từ động vật. Nhưng cũng trong năm này, rừng Amazon ở Brazil bốc cháy dữ dội khiến giới khoa học lo ngại rừng mưa nhiệt đới sẽ sớm thành rừng savan khô; và Australia cũng chứng kiến vụ cháy rừng làm thiêu rụi một vùng có diện tích lớn hơn cả Ireland, giết chết một tỷ cá thể động vật.

Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 12

Vụ hỏa hoạn tàn khốc ở Úc vào cuối năm 2019. Ảnh: Matthew Abbott, New York Times.

2020: Ngày Trái Đất tròn 50 năm tuổi

Dân số thế giới: khoảng 7,8 tỷ. Dịp kỷ niệm Ngày Trái Đất lần thứ 50 diễn ra trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, dù gây thiệt hại nặng nề về y tế và kinh tế, nhưng môi trường trên hành tinh đã được chữa lành tạm thời trong một thời gian ngắn.
Diện mạo Trái Đất thay đổi như thế nào trong 50 năm qua? - 13

Một đàn dê núi bước đi trước một cửa hàng đã đóng ở LLandudno, Wales, Anh Quốc vào 31/03/2020. Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images.
Quang Nien (Theo National Geographic)
Nguồn : http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dien-mao-trai-dat-thay-doi-nhu-the-nao-trong-50-nam-qua-c7a763367.html

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.