Cội nguồn ca khúc TÓC XƯA

6:56:00 SA


Ngô Thụy Miên, tên thật là Ngô Quang Bình, là một nhạc sĩ thành danh tại Sài Gòn từ trước năm 1975, hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ(Wikipedia)

Tháng 2 năm 2014 nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhận được 1 email từ người bạn thuở học trò là bác sĩ Lê văn Thu cùng với bài thơ mang tên Tóc Xưa, nhờ NTM phổ nhạc giùm nếu có cảm hứng.

Nhận được email, cảm kích trước 1 bài thơ hay cùng mối tình tuyệt đẹp của tác giả, NTM không chỉ sáng tác 1 mà là 2 bài, 1 cho tông trưởng, 1 cho tông thứ để nhà thơ nghe tùy tâm trạng vui buồn mà cân bằng lại. Đặc biệt, NTM giữ nguyên vẹn bài thơ mà không cần thêm bớt gì như thông lệ phổ nhạc.

Tóc xưa là bài lục bát 24 câu, chia làm 6 đoạn 4. Chỉ 24 câu thôi mà đủ diễn tả một tình yêu nồng thắm thủy chung từ lúc tuổi đôi mươi cho đến ngày sinh ly tử biệt của 1 cặp đôi quen nhau từ thuở học trò còn e ấp. Đó là bác sĩ Dương văn Thiệt và dược sĩ Thọ Chí của miền nam cũ. Bác sĩ thiệt còn là 1 thi sĩ có tài. Ông làm rất nhiều thơ, nhưng sau khi vợ mất ông chôn theo bà, như là cách muốn giữ riêng tất cả kỷ niệm chỉ cho 2 người.

Sau 1975 gia đình này vượt biên năm 1979, định cư ở thành phố Bolton England, và tiếp tục hành nghề y dược sĩ.
Năm 2012 cô Thọ Chí qua đời vì bạo bịnh, để lại nỗi bàng hoàng, trống vắng, tiếc thương cho bác sĩ Thiệt. Năm 2013, trong lúc ông dọn dẹp nhà cửa, tình cờ thấy 1 sợi tóc còn sót lại trên gối. Nỗi nhớ bùng dậy, và bài thơ xúc động Tóc Xưa ra đời.


Mình không dám chạm vào cõi thơ vì dốt, nhưng đọc xong Tóc Xưa không khỏi bần thần xúc động về 1 câu chuyện tình êm đềm, thủy chung, cùng cái kết người ra đi mang theo cả cái hồn người ở lại.

Chỉ là sợi tóc thôi, nhưng thi tài và nỗi nhớ nhung cùng một tình yêu quá lớn giúp ông hoàn thành thi phẩm hay hiếm có này. 
4 câu mở đầu nhắc nhớ những ngày ông chăm sóc vợ bệnh ung thư, tóc rụng nhiều, với tất cả tình yêu thương, cùng những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống tha hương.

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Từ đây nỗi nhớ trải dài theo năm tháng, có sợi tóc nào đã kết chặt 2 mảnh đời từ thưở tóc xanh cho đến ngày đầu bạc.

Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau
Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay

Nhớ thuở yên vui, có bóng hình người thương cùng mái tóc thề buông hờ hững, ngọn gió vô tình nào lùa qua, mân mê bờ vai nhỏ, để đêm về nồng nàn ân ái.

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Có sợi tóc mai nào làm phải lòng người quân tử, để ngày ngày chàng phải sáng đợi chiều mong.

Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng
Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người

Nhưng ái biệt ly, tức yêu thương mà phải chia lìa là một trong những nỗi khổ đau ắt có của kiếp người. Bài thơ với 2 câu kết thật buồn thương luyến tiếc.
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa

Bà đã ra đi, nhưng với ông hình bóng đó sẽ mãi mãi theo ông đến tận cuối đời.

***
Bài thơ đã hay lại còn xúc động. Bác sĩ Thu là bạn thân của bác sĩ Thiệt, âm thầm liên lạc với NTM. Người nhạc sĩ tài hoa với tâm hồn lãng mạn đã không thể dửng dưng trước 1 bài thơ gây ấn tượng mạnh. Nhạc phẩm Tóc Xưa ra đời trong hoàn cảnh ấy, đặc biệt ông giữ trọn vẹn lời bài thơ, và tài phổ thơ của ông chắc không cần bàn cãi, để hôm nay chúng ta được thưởng thức món quà âm nhạc này. 
Tháng 5/2014 khi nhận được nhạc phẩm viết tay của NTM bác sĩ Thiệt đóng khung và trang trọng đặt lên bàn thờ vợ. Thật là một mối tình tương kính như tân cho dù đã gần nửa thế kỷ, khi kẻ đã ra đi người còn ở lại.

Tóc Xưa ra đời năm 2014, là một nhạc phẩm có lời là 1 bài thơ hay, cộng với tài hoa âm nhạc của NTM lại thêm mượt mà thổn thức. Đó là âm thanh của hoài niệm, của ray rứt nhớ thương.
Nhờ Tóc Xưa mà ta biết một câu chuyện tình yêu bền bỉ, thủy chung, cảm động. 
Ngẫm nghĩ các bậc đàn anh, cha chú sao mà vừa tài giỏi lại sống có tâm hồn. Kẻ hậu bối cần phải lấy làm hổ thẹn khi đời sống hiện nay quá thực dụng, trần trụi.  Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa?

Lời cuối xin cảm ơn bác sĩ thi sĩ Dương văn Thiệt và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cùng món quà Tóc Xưa tuyệt diệu này.

PS:
Tóc Xưa thật hay, nhưng lại không thấy phổ biến như những tình khúc khác. Chính thức chỉ có Bằng Kiều và Đoàn Thanh Tuyền là em vợ của NTM. Ngoài ra còn 1 phiên bản của ca sĩ Kim Mai mà mình thích nhất. Đâu rồi những giọng ca ăn khách Tuấn Ngọc, Nguyên Khang, Quang Dũng...?

Mời các bạn thưởng thức.



3. Tóc Xưa - Bằng Kiều : 
Video Youtube

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.