Châu Âu sẽ chất vấn Trung Quốc “những câu hỏi hóc búa” về Covid-19
Mỹ và các nước châu Âu, trong đó có Anh và Pháp, vẫn hoài nghi về sự minh bạch của Trung Quốc về đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, người hiện điều hành nước hay thay Thủ tướng Boris Johnson trong thời gian phục hồi sau điều trị Covid-19, đã có những bình luận khá gay gắt về Trung Quốc khi nói về đại dịch Covid-19 trong cuộc họp báo diễn ra hôm qua 16/4. Ông nói, mặc dù Anh và Trung Quốc đã hợp tác tốt đẹp trong cả vấn đề hồi hương công dân từ tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc cũng như cung cấp trang thiết bị y tế, song London vẫn cần đặt ra “những câu hỏi hóc búa” cho Bắc Kinh.
“Chúng tôi đang xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện một cách cân bằng, nhưng chắc chắn rằng quan hệ thương mại giữa Anh và Trung Quốc sẽ không còn bình thường sau cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi sẽ phải đặt những câu hỏi hóc búa về dịch bệnh xảy ra thế nào và tại sao không thể dập dịch sớm hơn", Ngoại trưởng Raab nói.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Raab nhấn mạnh: “Bài học duy nhất mà Covid-19 đã để lại cho chúng tôi là giá trị, tầm quan trọng của hợp tác quốc tế”.
Cùng với Mỹ, nhiều nước châu Âu tỏ ra hoài nghi về sự minh bạch của Trung Quốc về đại dịch Covid-19. Ngày 16/4, trả lời phỏng vấn Financial Times, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hoài nghi về cách thức ứng phó dịch bệnh tại Trung Quốc. Ông Macron nói, "không nên ngây thơ cho rằng Trung Quốc quản lý dịch bệnh tốt hơn nước Pháp vì có những điều xảy ra mà chúng ta không hay biết”.
Tại một cuộc họp báo trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lật lại nghi vấn virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. “Chúng tôi đang thực hiện điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân khiến tình hình tồi tệ này xảy ra”, ông Trump nói.
Phản ứng trước những hoài nghi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm 16/4 khẳng định: “Lập trường của Trung Quốc luôn rõ ràng về nguồn gốc cũng như con đường lây nhiễm của virus corona chủng mới. Chúng tôi luôn giữ quan điểm rằng đây là một vấn đề khoa học và nên được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và các chuyên gia y tế”.
“Tôi muốn nhắc lại cho mọi người rằng: Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều lần khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy virus (corona chủng mới) được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng trên toàn thế giới cũng mô tả những giả thuyết như “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” này là thiếu bằng chứng khoa học”, ông Zhao nói thêm.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái đến nay đã lan ra hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất hơn 145.000 người trong số gần 2,2 triệu người mắc bệnh.
Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Mỹ hiện là nước có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới, trong khi châu Âu chiếm gần một nửa số ca mắc bệnh. Trong khi Pháp, Tây Ban Nha và Italia được cho là đã qua đỉnh dịch, thì Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Anh. Anh hiện đã ghi nhận hơn 103.000 ca mắc Covid-19, trong đó gần 14.000 người đã tử vong.
Minh Phương
Theo AFP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét