Các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép ở biển Đông có điểm yếu lớn
TPO - Theo National Interest, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã nạo vét, phá hủy các rạn san hô sinh thái ở vùng biển tranh chấp để xây dựng bảy căn cứ quân sự lớn hoàn chỉnh với các cảng, đường băng và radar và tên lửa.
Hình ảnh một căn cứ trên đảo nhân tạo ở biển Đông trên truyền hình Trung Quốc
Các hòn đảo hoạt động như những hàng không mẫu hạm không thể chìm, giúp củng cố các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh đối với vùng biển giàu cá và khoáng sản, vùng nước mà các nước láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền.
Từ năm 2013 đến năm 2016, các tàu xây dựng khổng lồ của Trung Quốc đã nghiền nát các rạn san hô để tạo ra nguyên liệu thô cho xây căn cứ. Chỉ riêng tàu hút bùn Tianjing đã di chuyển 4.500 m3 vật liệu mỗi giờ, đủ để lấp đầy hai bể bơi có kích cỡ Olympic, theo tờ SCMP.
Bắc Kinh tuyên bố họ đã bắt đầu khôi phục các rạn san hô đã bị phá hủy, nhưng không rõ các nỗ lực phục hồi hiệu quả như thế nào. Nhà sinh vật học biển John McManus tại Đại học Miami cho biết, việc nạo vét giết chết cơ bản mọi thứ sống chung quanh các rạn san hô.
Các căn cứ trên đảo nhân tạo cho phép Trung Quốc “kiểm soát toàn bộ biển Đông trong bất kỳ kịch bản nào xảy ra trong cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ” theo nhận định của tờ Economist. “Các cảng và các cơ sở tiếp tế mới đang giúp sức mạnh của Trung Quốc tiến xa hơn. Các tàu khảo sát của Trung Quốc tìm kiếm dầu và khí đốt trong vùng biển bị tranh cãi”, tờ báo Anh viết.
Năm 2014, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc sau đó đã gỡ bỏ giàn khoan.
“Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo cách Trung Quốc muốn”, Economist viết tiếp. “Các tin tức chưa được kiểm chứng cho thấy bê tông trên các đảo nhân tạo đang sụp đổ và nền móng của chúng dần mủn ra do khí hậu khắc nghiệt. Và đó là trước khi xem xét một siêu bão có thể làm gì tiếp theo”.
Tương lai không có gì chắc chắn của các căn cứ trên đảo tuy vậy Trung Quốc vẫn ngấm ngầm đưa thêm thiết bị đến đây. Vào tháng 11/2019, một đốm sáng của thiết bị giám sát lần đầu tiên xuất hiện trên Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm).
Chuyên gia David Axe của National Interest nhận định, các tên lửa hành trình bay thấp chắc chắn là mối đe dọa tiếp tục đối với các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép này.
Những năm qua Hải quân Mỹ định kỳ điều động tàu chiến đến gần một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc dựng lên, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải. Trong trường hợp chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực phía tây Thái Bình Dương, các tiền đồn trên đảo nhân tạo có thể sẽ là mục tiêu quan trọng đối với người Mỹ.
MỜI XEM VIDEO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét