Bé gái lai Tây xinh đẹp, 3 tuổi đã nói lưu loát 2 thứ tiếng
Không chỉ làm các mẹ Việt “chao đảo” bởi vẻ đáng yêu của một thiên thần lai Tây, bé Kate của mẹ Nga còn khiến mọi người xung quanh xuýt xoa vì khả năng nói cùng lúc 2 thứ tiếng vô cùng dễ thương.
Chị Nga Nguyễn (Hà Nội) hiện đang giảng dạy tại trung tâm tiếng Anh do chị sáng lập và ông xã là người Mỹ đang làm việc cho Hội đồng Anh. Anh chị có cô con gái đáng yêu tên Kate, 3 tuổi.
Cô công chúa nhỏ mang hai dòng máu Việt – Mỹ thừa hưởng tính cách tự tin, phóng khoáng từ bố mẹ. Dù còn khá nhỏ nhưng con đã bộc lộ khả năng ngôn ngữ vô cùng lưu loát, bé có thể giao tiếp bằng cả hai thứ tiếng Việt - Anh mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Chị Nga và con gái Kate trong trang phục mang đậm truyền thống dân tộc Việt Nam.
Để có được những thành công đó ở Kate, cả chị Nga và chồng đã phải cùng nhau thoả thuận, đưa ra những nguyên tắc dạy con rất kĩ lưỡng.
Dùng tính từ để dạy con học nói
Kể về cô gái nhỏ Kate, chị Nga tâm sự, ngay từ nhỏ bé Kate đã là một đứa trẻ tương đối nhạy cảm, từ giấc ngủ đến ăn uống và ngay cả ngôn ngữ. Hiểu được điều đó nên chị luôn chăm sóc và tạo điều kiện để con phát triển toàn diện.
Chị rất chú trọng việc dạy và phát triển ngôn ngữ cho con. Hiện tại dù mới 3 tuổi nhưng bé Kate có thể nói tiếng Anh và tiếng Việt thông thạo. Tiết lộ về bí quyết kỳ diệu đó, bà mẹ kiêm cô giáo dạy ngoại ngữ chia sẻ: “Ngay từ nhỏ bé Kate được mẹ dạy nói và tư duy ngôn ngữ bằng cách mô tả các sự vật và hiện tượng xung quanh.
Ví dụ thay vì con nói: “Mẹ ơi, hôm nay trời đẹp nhỉ?” thì con sẽ nói là: “Mẹ ơi, hôm nay thời tiết mát mẻ, dễ chịu, ánh nắng nhẹ”. Hoặc khi nhìn vào bức tranh thay vì con nói: “Mẹ ơi, bức tranh này đẹp quá” thì con sẽ nói: “Mẹ ơi, bức tranh này rất tươi sáng, hài hòa”.
Để con hiểu và diễn đạt được hết ý mà con nói mình đã tập cho con dùng thật nhiều tính từ để mô tả. Dạy con học tốt điều đó, con sẽ hiểu được cách mà bố mẹ dùng ngôn ngữ với nhau, từ đó con cũng hình thành khả năng ngôn ngữ cho mình.
Nhờ được rèn luyện từ nhỏ nên giờ đây mới 3 tuổi nhưng con có thể diễn tả được hết các ý mà con nghĩ, rất có bố cục, chặt chẽ cả trong tiếng Việt và tiếng Anh”.
Kate là cô bé nhí nhảnh và năng động.
Chia sẻ về lý do muốn con một lúc tư duy, phát triển hai loại ngôn ngữ, chị Nga cho biết, mặc dù lấy chồng là người nước ngoài nhưng chị may mắn được sinh con và sống tại Việt Nam. Là người con đất Việt nên chị hiểu rất rõ nguồn cội và những giá trị văn hóa cha ông ta để lại, tiếng Việt cũng là một trong số những giá trị mà mỗi người trong chúng ta cần phát huy, giữ gìn.
Với mẹ con chị Nga, tiếng mẹ đẻ còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa 2 mẹ con, từ tiếng nước nhà con có thể hiểu được cách nghĩ của mẹ, quan điểm cũng như lối sống của gia đình.
Con sở hữu nét đẹp của hai dòng máu Việt - Mỹ đẹp tựa thiên thần.
Để giúp con vừa hiểu và nói thông thạo hai thứ tiếng cùng lúc, ngoài những giờ học và chơi chị Nga luôn tận dụng thời gian ở bên con làm các đồ chơi, thậm chí làm bánh, nấu ăn cùng mẹ. Thông qua các nguyên liệu làm bánh, mẹ cũng sẽ lồng ghép vào đó những câu chuyện liên quan tới ngôn ngữ với hy vọng con sẽ hiểu và tư duy chính xác.
Dù ở bất cứ phương diện nào từ chơi, ăn, học chị Nga đều cố gắng diễn đạt ngôn ngữ một cách chính xác nhất để con mê tìm hiểu tiếng Việt. Giờ đây, trong gia đình con sẽ nói tiếng Anh với bố và mẹ, nói tiếng Việt với ông bà ngoại cùng bác giúp việc.
Ngay từ những ngày còn nhỏ, Kate được mẹ dạy cho cách sử dụng ngôn ngữ Việt và Anh.
“Kate may mắn được ở gần ông bà ngoại nên con nói chuyện hàng ngày, đó cũng là điều kiện thuận lợi để con phát huy khả năng giao tiếp ngôn ngữ của bé.
Mình khuyên những bà mẹ mà có con lai, con nên được học về tiếng Việt vì như thế con sẽ cảm thấy gần mẹ hơn, hiểu mẹ hơn. Đặc biệt khi được học một ngôn ngữ mới con sẽ có thể hiểu rất nhiều về văn hóa, về phong tục tập quán” – chị Nga tâm sự.
Bố muốn con ngủ riêng để tự lập nhưng mẹ thì ngược lại
Lập gia đình với ông xã là người gốc Mỹ, chị Nga và chồng đã không ít lần gặp bất đồng về quan điểm nuôi dạy con. Đơn giản như chị muốn ngủ chung với con để chăm sóc giấc ngủ cho con một cách tốt nhất thì anh xã ngược lại, anh muốn rèn con tự lập nên cho con ra ngủ riêng ngay từ những ngày còn nhỏ.
Chị Nga là người đề cao việc tạo dựng sự kết nối và thấu hiểu với con bằng ngôn ngữ thỏa thuận.
Chị nhớ lại: “Vì bố của bé muốn rèn con tính tự lập nên cho con ra ngủ riêng. Có một lần, hồi con còn bé, không biết con ôm gối đứng trước cửa phòng mẹ từ lúc nào, sáng ra vừa thấy mẹ con liền chạy tới và nói: “Con nhớ mẹ quá nên không ngủ được”.
Nghe con nói mà thương vô cùng, từ ngày đó mình cho con ngủ lại với mẹ, còn trong tư tưởng của bố thì vẫn dứt khoát muốn con tự ngủ riêng”.
Chị Nga cũng thú nhận bản thân học được rất nhiều từ cách nuôi dạy con của ông xã. Nhớ có lần lúc đó chị đang mệt mỏi vì áp lực công việc thì con có chạy tới đòi hỏi thứ gì đó chị cảm thấy rất cáu và muốn trút giận lên con.
Tuy nhiên, bố của bé lại có cách hành xử ngược lại, ngay lúc anh đó sẽ không quát mắng con vì có nổi giận lúc đó con sẽ không nhận ra lỗi sai của mình mà chỉ nghĩ là tại vì mẹ mệt nên mẹ to tiếng chứ không phải mình sai.
“Khi con mắc lỗi, bố sẽ giải thích rất rõ ràng và sẽ không lên giọng, anh xã của mình có một điều rất hay đó là luôn nói là bố rất yêu con, nhưng con cần phải sửa những lỗi sau đây, nếu con không sửa sẽ có những biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn như là vào phòng tối ngồi hoặc bị phạt” – mẹ Hà Nội kể.
Ngoài những bài học và quan điểm cụ thể về nuôi dạy con, mẹ Việt lấy chồng Mỹ cũng rất rõ ràng trong việc tôn trọng sở thích cá nhân của con. Nếu con muốn mặc một bộ quần áo hoặc tô màu sắc nào đó, mẹ sẽ dạy con học cách thỏa thuận.
Chị thường hỏi ý kiến con, “Theo con màu sắc định tô này sẽ hợp với màu nào mình đang có”, hoặc “Thời tiết lạnh thế này mình có nên quàng khăn hay không?”.
Com luôn được mẹ thỏa thuận và hỏi ý kiến trước khi làm bất cứ việc gì.
Mỗi khi mẹ đặt câu hỏi con có quyền suy nghĩ và đưa ra ý kiến cá nhân của mình để cho con cảm thấy rất được tôn trọng và tin tưởng bố mẹ. Có được sự tôn trọng đó con biết cách thể hiện mong muốn một cách lịch sự chứ không đòi hỏi hay bị cáu gắt. “Con mới 3 tuổi nhưng con không bị dỗi hay ăn vạ như nhiều bạn bằng tuổi. Khi con cần và con muốn điều gì con sẽ diễn đạt” – chị Nga tự hào kể.
Là cô giáo nên chị Nga cũng khéo léo dạy con những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Ngay từ khi còn nhỏ, bé Kate đã được mẹ chỉ cách quản lý tài chính.
Theo lời chị Nga, bé có nuôi lợn tiết kiệm để đựng toàn bộ tiền mừng tuổi và quà mọi người cho, đôi khi con đòi hỏi mẹ mua cho trứng khủng long hoặc lego - những thứ mà con đã có trước đó, mẹ sẽ hỏi ý kiến con rằng: “Con có nghĩ là mình thực sự cần mua không, vì nếu tiết kiệm được con sẽ có đủ tiền mua một chiếc máy nhồi bột mà con thích, nghe ý kiến của mẹ xong Kate đã suy nghĩ và kiềm chế cảm xúc tại thời điểm đó để tiết kiệm tiền cho một mục đích dài hơn”.
Không chỉ gần gũi với mẹ, Kate còn rất "bám" bố mỗi khi chơi các trò chơi sáng tạo.
Theo chị Nga, chỉ với những chi tiết và thỏa thuận nho nhỏ như vậy nhưng lại chính là những bài học quý giá cho con trong việc trang bị kỹ năng sống, cụ thể là kỹ năng quản lý tài chính để chi tiêu sao cho hợp lý cũng là để con biết trân trọng những gì con có.
Bà mẹ giáo viên là người đề cao việc tạo dựng sự kết nối và thấu hiểu với con bằng ngôn ngữ thỏa thuận. Có làm tốt những điều đó con mới cảm nhận được hết tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình mỗi ngày.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/be-gai-lai-tay-xinh-nhu-thien-than-3-tuoi-da-noi-luu-...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét