Báo Handelsblatt CHLB Đức viết về cuộc chiến chống dịch Corona của VN
Việt Nam đã trở thành người chiến thắng bất ngờ trong cuộc chiến chống virus corona như thế nào.
Tờ Handelsblatt (Thương mại), tờ báo có uy tín ở Đức, trong số ra ngày 22/4 đã có bài của Mathias Peer „Wie Vietnam zum Überraschungssieger im Kampf gegen Corona wurde“:
Ấy là khi chỉ có khoảng 6 người bị nhiễm ở một ngôi làng cách thủ đô Hà Nội 40km, nhưng đối với chính quyền địa phương thì cũng đến mức phải triển khai những biện pháp triệt để : Thôn Sơn Lôi với 10.000 nhân khẩu đã bị phong tỏa hoàn toàn trong 20 ngày. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Với biện pháp ngày 13/2 này thì Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa trong dịp khủng hoảng virus corona. Trong khi ở các thành phố bên Đức người ta còn chen vai thích cánh trong các lễ hội Carneval, thì tại nước đang phát triển này ở Đông Nam Á đã chuyển sang chế độ xử lý khủng hoảng.
Sự quyết liệt của Việt Nam nay đã được đền đáp : thứ tư vừa qua, tại đất nước 100 triệu dân này không xuất hiện thêm ca nhiễm mới nào. Tổng số ca nhiễm đến nay là 268 và không có ca tử vong. Theo các chuyên gia thì Việt Nam là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến đại dịch toàn cầu, và cũng hy vọng cũng sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Cũng theo đánh giá của các nhà kinh tế thì trong khi phần lớn các nước Châu Á rơi vào đình trệ kinh tế thì Việt Nam trước sau vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế rõ nét. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng phát triển Châu Á ADB theo một dự báo công bố tháng 4 thì trong năm nay Việt Nam sẽ là nước có tốc độ phát triển mạnh nhất.
Ngay cả khi TQ và Ấn Độ, hai nước đang cạnh tranh ngầm để trở thành đầu tầu kinh tế của Châu Á thì Việt Nam cũng đã chứng tỏ điều đó : Mặc dù nhu cầu thế giới giảm nhưng IMF vẫn dự đoán kinh tế VN sẽ tăng trưởng 3%, còn ADB còn dự đoán 5%.
Liên quan đến việc chống dịch thì các nhà quan sát quốc tế cũng khá lạc quan : Thứ ba vừa qua Tổ chức y tế thế giới WHO ca ngợi VN về cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh lần này. Bên cạnh đó thì tính kỷ luật của người dân cũng hỗ trợ khá tốt cho công tác chống dịch, theo như lời của Đại diện WTO Takeshi Kasai.
Xuất phát điểm không thuận:
Theo quan sát ban đầu thì thành công của Việt Nam thật không tưởng. Cách đây 2 tháng, vào ngày 21/2 cả Việt Nam và Đức đều có 16 ca nhiễm. Gần đây số ca lây nhiễm ở Đức tăng hàng chục ngàn, nhưng ở VN vẫn chỉ là 17 ca.
Trong khi đó thì xuất phát điểm của Việt Nam không hề thuận lợi: nằm sát biên giới với ổ dịch TQ, người TQ chiếm đến 1/3 khách du lịch đến VN. Với thu nhập đầu người 2600 USD/năm thì rõ ràng Việt Nam ít nguồn lực cho hệ thống y tế. Với những điều kiện như vậy thì thành tích của chính quyền cộng sản ở Hà Nội có đáng tin hay không?
John MacAthur, đại diện của Cơ quan phòng chống dịch Hoa Kỳ CDC ở khu vực Đông Nam Á tiết lộ có hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp địa phương, cùng theo dõi, đánh giá về sự lây lan của virus cũng như phân tích số liệu. „Điều đó cho phép chúng tôi nhận xét được liệu số liệu đó có đúng không hay chỉ là do thiếu xét nghiệm đầy đủ“. Ông cũng cho biết điều này qua lần thông tin báo chí mới nhất, đồng thời cũng khẳng định những đánh giá tích cực của ông về các đồng nghiệp Việt Nam „Đến thời điểm này chúng tôi không có bất kỳ một thông tin nào nói rằng những số liệu đó không chính xác“
Tổng số xét nghiệm mà VN tiến hành theo số liệu chính thức là 200.000, nhiều hơn bất kỳ nước nào ở ĐNA. Sau khi bùng nổ dịch ở một làng với 13 ca nhiễm gần Hà Nội, tháng 4 chính quyền đã tiến hành xét nghiệm cho 13.000 người có nguy cơ lây nhiễm. Hầu hết những xét nghiệm này đều đã cho kết quả âm tính, như thông báo của Bộ Y tế hôm thứ hai vừa qua.
„Quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất“:
Nhìn tổng thể thì trong đại dịch covid lần này chính quyền ở Hà Nội vốn khá khép kín lại cởi mở và minh bạch khác thường. Hàng ngày Chính phủ tổ chức họp báo và cung cấp thông tin cập nhật nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân vào „chiến dịch mùa xuân“ như thời chiến để chống lại sự lây lan của virus. Chuyên gia CDC MacArhur nói „ngay từ rất sớm ở Việt Nam đã có một quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất“.
Ngay từ tháng1, Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đóng cửa trường học. Đầu tháng 2, cũng chỉ với số rất ít người bị lây nhiễm nhưng Chính phủ đã tuyên bố dịch và sau đó đóng cửa toàn bộ đất nước với khách du lịch.
Hàng chục nghìn người Việt Nam từ nước ngoài trở về khi về đến sân bay đều được đưa đến các khu cách ly tập trung của Nhà nước. Các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dù số người bị nhiễm không nhiều nhưng cũng đã thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
So với các biện pháp phòng chống dịch ở Đài Loan hay Hàn Quốc nơi cũng tiến hành xét nghiệp đại trà thì cách thức tiến hành của Việt Nam khá hợp lý : „Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với khả năng tài chính của mình nhưng cũng rất hiệu quả“ như đánh giá của nhà nghiên cứu xã hội Hong Kong Nguyen „Kết quả này của Việt Nam có thể làm gương cho các nước đang phát triển noi theo“.
Những kết quả phòng chống dịch cũng giúp Chính phủ Hà Nội có điều kiện thể hiện sự quảng đại của mình trên bình diện quốc tế : đầu tháng tư vừa qua nước này đã ủng hộ nửa triệu khẩu trang y tế cho những nước đang cần. Nước Đức là một trong số đó./.
(Người dịch : Nguyễn Hữu Tráng)
Nguồn : Handelsblatt, 22.4.2020
Nguồn : Handelsblatt, 22.4.2020
TheoFb Trịnh THị Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét