Đài Loan: ‘Nhỏ mà có võ’!
Cô gái Đài Loan mang chiếc khẩu trang có hình lá cờ Tổ Quốc. (Ann Wang/Reuters)
Đ.TRANG
Đài Loan đã giành được lời khen ngợi trên toàn cầu về cách ứng phó đối với đại dịch Covid-19. Khi các quốc gia phải đóng cửa biên giới và thực thi nhiều biện pháp để chống lại sự bùng phát của đại dịch, các nhà lãnh đạo đang tìm đến Đài Bắc để học kinh nghiệm.
“Thôi đã muộn rồi”?
Vào ngày 19-03, Đài Loan cho đóng cửa biên giới, trong bối cảnh một làn sóng thứ hai những người đi du lịch tứ tán ở ngoại quốc trở về. Đảo quốc tự trị này hiện có 379 trường hợp bị nhiễm Covid-19, một con số vẫn còn tương đối thấp. Đó là kết quả của quá trình với một loạt các biện pháp ngăn chặn, kiểm dịch và giám sát tích cực.
Đài Loan, không (được) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã quyết định sàng lọc tất cả hành khách từ Vũ Hán bắt đầu từ ngày 31-12-2019, cùng với ngày họ biết có loại virus nào đó xuất hiện từ Trung Quốc.
23 triệu công dân Đài Loan đã có biện pháp phòng ngừa, mọi sự hoảng loạn đều được kềm chế. Người Đài Loan tin tưởng vào nguồn tin duy nhất là từ Trung tâm chỉ huy dịch bệnh trung ương Đài Loan – được thiết lập để ứng phó cấp thời với virus.
Thật là đáng tiếc, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới lại không chủ động được như Đài Loan, để không lâu sau, đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi. Cho đến nay, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu vẫn cứ đang ‘tranh giành’ cấp bậc nhất – nhì- ba về số người nhiễm và số ca tử vong cao nhất. Trong ‘cuộc chạy đua’ này, không ai, không có bất kỳ người dân nào mong muốn đất nước mình ở vị trí ‘đầu bảng.’
‘Cô láng giềng’ của Đài Loan, đảo quốc Philippines cũng đang quay cuồng vì một ‘ổ dịch’ ngay giữa thủ đô Manila, khiến các bệnh viện đang yên lành trở nên quá tải; cả nước từ thành thị đến nông thôn, ra tới vùng xa xôi hẻo lánh, ai ai cũng hoảng loạn; các quốc gia ở phía Nam và Đông Nam Á khác cũng nào có yên, phải vật lộn, xoay xở, lóng ngóng xem lúc nào thì dịch bùng phát. Đối với nhiều quốc gia đã phát dịch phải hối hả, một mặt đi kiểm soát dịch bệnh, một mặt lo điều trị bệnh nhân. Khốn đốn và đau thương hơn hết là phải tìm chỗ… chôn xác nạn nhân, bởi số lượng tử vong quá nhiều. Quá muộn để ngăn chặn.
Chưa muộn để được giúp đỡ
Quá muộn để ngăn chặn, nhưng vẫn chưa quá muộn để nhận sự giúp đỡ từ Đài Loan. Tháng trước, Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) đã nói trên Twitter: “Đài Loan sẵn sàng đóng góp khả năng của mình để bảo vệ sức khỏe con người trên toàn thế giới.”
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) đeo khẩu trang bên cạnh các quan chức và quân nhân trong chuyến thăm một căn cứ quân sự ở Đài Nam, miền nam Đài Loan, vào ngày 09-04. (Sam Yeh / AFP via Getty Images)
Nói là làm, vào ngày 01-04, Đài Loan tuyên bố sẽ tặng 10 triệu khẩu trang cho Hoa Kỳ, 11 quốc gia Châu Âu và các đồng minh ngoại giao. Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Năm cho biết một lô sáu triệu khẩu trang sẽ được tặng cho các quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Đài Loan – không được là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các tổ chức quốc tế khác do sự can thiệp trắng trợ của Bắc Kinh, nhưng lại kiểm soát dịch bệnh virus Vũ Hán quá tốt, trong khi châu Âu, Mỹ… lại quá chật vật.
Trong khi đó, hiện nay Đài Loan chỉ còn được 15 quốc gia trên thế giới công nhận – đa số là những nước nghèo ở châu Mỹ La tinh và Thái Bình Dương, vì bốn năm vừa qua, Trung Quốc đã dùng tiền bạc mua chuộc được bảy đồng minh của Đài Bắc.
Không nao núng, Đài Loan đang cố gắng tự mình xây dựng cho mình một mạng lưới ngoại giao, bên ngoài giới hạn quan hệ với Trung Quốc, mà không gian tà như Trung Quốc.
Đại dịch toàn cầu là lúc mà Đài Loan thể hiện tấm chân tình của mình. “Chúng tôi không thể ích kỷ trong lúc này. Chúng tôi cần hợp tác nhanh nhất có thể.”, ông Wang Ting-yu, nhà lập pháp thuộc Đảng Dân tiến Đài Loan nói.
Tháng trước, Đài Bắc đã ký một thỏa thuận song phương với văn phòng đại diện của Hoa Kỳ tại Đài Loan về việc gửi khẩu trang đến Hoa Kỳ. Ông Wang hy vọng những thỏa thuận như vậy sẽ sớm được nhân rộng với các quốc gia khác.
Đừng làm ‘người mẫu’ mà hãy là ‘quý nhân’
Trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ mới đây có đưa ra 124 hành động mà Đài Loan đã thực hiện để chống lại sự bùng phát của dịch bệnh. “Các chính sách và hành động không chỉ giới hạn ở kiểm soát biên giới, vì họ biết như vậy vẫn chưa đủ.”, nhà nghiên cứu chính sách y tế của Stanford, Jason Wang, thuộc trường Stanford Medicine mô tả.
Một số biện pháp dứt khoát được áp dụng sớm ở Đài Loan là cấm người đến từ Trung Quốc nhập cảnh, không cho du thuyền cập bến, phạt nghiêm khắc người vi phạm lệnh cách ly tại nhà… Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế trong nước, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người trước đó bị viêm phổi không xác định được nguyên nhân, trừng phạt các hành vi tung tin giả về dịch bệnh… Ở Đài Loan, tất cả những hành động ấy diễn ra cấp thời, chớp nhoáng, giữa lúc các quốc gia khác còn đang ngồi rung đùi, đặt câu hỏi: “Giờ chúng ta nên làm gì?”.
Từ rất sớm, chính phủ Đài Loan đã yêu cầu công dân đeo khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh. Hình minh họa (ABC News)
Giờ thì từ Đài Loan, các nhà lãnh đạo ở các quốc gia trên thế giới đang nhận ra đảo quốc này không chỉ làm mẫu, mà còn đem lại lợi ích cho nhiều ‘anh em’. Israel hồi tháng trước cho biết họ sẽ theo dõi bệnh nhân kiểu như Đài Loan. Thủ tướng Jacinda Ardern xinh đẹp của New Zealand nói, bà cũng đang theo dõi, khá chặt chẽ, ‘cô người mẫu Đài Loan’.
Nhưng Chunhuei Chi, giáo sư tại Đại học Oregon, lại không muốn Đài Loan là ‘cô người mẫu đỏng đảnh’, mà là hãy là ‘quý nhân phù trợ’ đi giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, trực tiếp hơn.
Nhìn trên ‘bản đồ dịch bệnh’, các nước Châu Mỹ Latinh vẫn còn thời gian để lập kế hoạch sớm và thực hiện sớm, theo giáo sư Chunhuei Chi. Có nghĩa ngay từ bây giờ hãy làm một số biện pháp phòng ngừa sớm nhất, như ở Đài Loan. “Bất kể trong hoàn cảnh nào, ông nói, bây giờ là thời điểm tốt để nói chuyện.”
Nhỏ mà có võ
Chính phủ Hoa Kỳ đã xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Đài Loan kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016. Cả Đài Bắc và Washington đều chia sẻ sự hoài nghi về Bắc Kinh. Đối với Đài Loan, sự nghi ngờ này chỉ được chắc chắn khi WHO phớt lờ cảnh báo về sự lây truyền virus từ người sang người, mãi cho đến hai tuần sau, vào ngày 20-01, khi Trung Quốc xác nhận.
Đài Loan và Hoa Kỳ cũng có một lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực dược phẩm, David Lee, Giám đốc điều hành của Công ty Dược phẩm Servier có trụ sở tại Boston cho biết. Nhiều loại thuốc và vaccine trên thị trường toàn cầu được phát triển ở Đài Loan và được gửi đến thị trường Hoa Kỳ để thử nghiệm lâm sàng.
Đài Loan có một hệ sinh thái rất lành mạnh, cùng với sự hỗ trợ lớn và đầu tư đáng kể của chính phủ cho đổi mới và khoa học, theo David Lee. Đài Loan là một trong số ít nơi có thể phát triển nhanh chóng các loại thuốc chống virus và vaccine phòng ngừa.
Đài Loan không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm thuốc điều trị và vaccine. Hình: Trong một phòng thí nghiệm ở Đài Loan (Taiwan Today)
Tại Academia Sinica, tổ chức nghiên cứu quan trọng hàng đầu của Đài Loan, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu gen đã thông báo vào ngày 09-03 rằng họ đã thử nghiệm thành công các kháng thể coronavirus mới, có thể được sử dụng để tạo ra một bộ xét nghiệm phát hiện virus trong 20 phút. Vào ngày 02-04, Viện nghiên cứu y tế quốc gia Đài Loan cho biết họ đã phát triển một bộ thử nghiệm nhanh, cung cấp kết quả sau 10 đến 15 phút và sẽ thảo luận về sản xuất thử nghiệm với các doanh nghiệp trong tuần này.
Việc sản xuất hàng loạt các bộ dụng cụ như vậy sẽ làm ‘thay đổi cuộc chơi’ khi cả thế giới đang chạy đua với nhiều thử nghiệm, đặc biệt là những bộ test có khả năng mang lại kết quả nhanh chóng. Thêm một bài học cho cả thế giới, rằng ‘đừng khi dễ nước nhỏ’!
Các nhà lãnh đạo và chuyên gia y tế của Đài Loan từ lâu đã nổi giận vì bị loại khỏi WHO. Đại dịch coronavirus đã khiến các nhà quan sát, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Đan Mạch, ông Fog Fogh Rasmussen, lưu ý trong một phát ngôn hồi tháng Ba, rằng sự tham gia của Đài Loan trong cơ quan quản lý sức khỏe toàn cầu có thể cứu được nhiều nhân mạng.
Mặc dù bị loại khỏi WHO, Đài Loan lại thành công trong trận chiến chống Covid-19. Hóa ra, cứ đứng ngoài, lại hay. “Vâng, Đài Loan nên ở bên ngoài [WHO] và cho thế giới thấy các bạn tuyệt vời như thế nào,” Chunhuei Chi nói.
Theo Foreign Policy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét