Tại sao các đại dịch trên thế giới đều xuất phát từ động vật?
Nhân loại đã phải gồng mình sống sót qua rất nhiều đại dịch với quy mô toàn cầu, phần lớn chúng đều là bệnh dịch xuất phát từ động vật. Tại sao lại như vậy?
Cả thế giới đang phải trải qua những ngày hỗn loạn khi virus Corona có xuất phát điểm từ Vũ Hán đã lan truyền đến hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây lây nhiễm cho hơn 20.000 người cùng hơn 400 ca tử vong. Nhưng trước dịch viêm phổi do chủng virus này gây ra, loài người đã chứng kiến nhiều đại dịch tang thương hơn với sức tàn phá và độ lây lan kinh khủng.
Hành khách đeo khẩu trang chờ đến lượt lên tàu tại ga tàu lửa Hong Kong. Ảnh: Getty Images.
Chỉ trong vòng 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, điểm chung của chúng đều có nguồn phát bệnh từ động vật. Chẳng hạn như HIV/AIDS bắt nguồn từ loài vượn lớn, virus Zika nguồn gốc từ muỗi, dịch Ebola xuất phát từ cơ thể dơi ăn quả, hay cúm A/H1N1 từ những chú heo và dơi một lần nữa được cho là nguyên do gây ra dịch virus Corona.
Tại sao lại là động vật lây cho người?
Để giải thích cho câu hỏi tại sao các bệnh dịch mà con người mắc phải đều do lây từ động vật, Giáo sư Tim Benton từ Đại học Mở (Anh Quốc) trả lời với BBC: “Cơ thể con người cũng như các loài động vật khác luôn chứa mầm bệnh sẵn có. Sự sống sót hay phát triển của các mầm bệnh này phụ thuộc vào việc nó có lây nhiễm qua một vật chủ khác hay không”.
Gà là một trong nhiều loài động vật lây nhiễm bệnh cho người. Ảnh: Getty Images.
Ông giải thích thêm, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt các mầm bệnh ủ sẵn trong cơ thể, nhưng các mầm bệnh cũng ‘không phải dạng vừa’ khi không chịu đứng yên chờ chết, chúng sẽ tìm cách tiến hóa để tồn tại bằng cách nhảy sang một cơ thể vật chủ khác - nơi hệ miễn dịch yếu hơn để tiếp tục phát triển.
Tiến trình này vốn dĩ vẫn xảy ra, nhưng được thúc đẩy nhanh hơn trong thời buổi hiện đại hóa. Với sự phát triển ồ ạt của các đô thị dẫn đến biến đổi khí hậu, con người và các loài động vật đã thay đổi cách sinh hoạt so với tổ tiên cha ông trước đây. Con người sống nhiều hơn trong các thành phố và dẫn đến việc động vật cũng sống ở đô thị ngày càng nhiều.
Nhiều loại động vật sống hoang dã giờ đã quen mặt với các cư dân thành phố. Ảnh: Earth.com.
Ở nhiều thành phố, động vật vốn quen sống hoang dã như chim, chuột, sóc, gấu trúc, cáo, chó rừng, khỉ,... giờ đã thích nghi được với nhịp sống thị thành. Chúng sống gần gũi với con người và từ đó mang thêm nhiều mầm bệnh vào môi trường đô thị, tăng tỷ lệ lây nhiễm sang người.
Ai sẽ dễ bị lây nhiễm nhất?
Câu trả lời tưởng chừng như nghịch lý nhưng đó lại là sự thật: Những người sống ở thành phố sẽ dễ mắc các bệnh lây nhiễm từ động vật nhất, mà cụ thể là người làm trong ngành chế biến thịt động vật, chăm sóc động vật, dọn dẹp vệ sinh ở các đô thị, vì đây là các công việc tiếp xúc nhiều với mầm bệnh và nguồn gây bệnh.
Ảnh: The Balance Careers.
Ở khía cạnh xã hội, nhóm đối tượng này thường là những người có hệ miễn dịch yếu hơn do điều kiện dinh dưỡng kém, chất lượng sống không cao, ít được đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, cũng như không thường xuyên đến kiểm tra ở các cơ sở y tế. Do hệ miễn dịch trong cơ thể yếu, vi khuẩn dễ xâm nhập và lưu lại cơ thể.
Khi một người sống tại thành phố đã mắc bệnh, sự lây lan sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng do nhịp sống hiện đại khiến con người tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Xu hướng toàn cầu hóa cũng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, kéo theo khách quốc tế đổ về mọi ngóc ngách trên hành tinh rồi mang dịch bệnh đi khắp nơi.
Ảnh: The Dubrovnik Times.
Ngoài ra, tại những vùng cận thị, ngoại thành hay nông thôn, nơi người dân vẫn giữ tập tục ăn thịt sống từ nhiều thế kỷ trước, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng rất cao tuy nhiên do mật độ dân cư thưa thớt nên ít chứng kiến các đại dịch xuất phát từ khu vực này.
Phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh
Thay vì cố gắng ngăn cản và không cho phép một đại dịch nào xuất hiện, các chuyên gia nhìn nhận rằng con người nên chấp nhận đại dịch là một phần của tương lai nhân loại, từ đó ta sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống cho người lành và chữa trị cho người bệnh.
Kiểm tra thân nhiệt tại một sân bay ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Năm 1918, Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã làm lây nhiễm hơn nửa tỷ người và cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới. Nhưng sau đó với sự tiến bộ của y học, các đại dịch chưa bao giờ chạm đến quy mô đó nữa và chúng ta ngày càng chế ngự được sự lây lan của chúng.
Bất kể khi nào trong tương lai, nhân loại sẽ phải chứng kiến nhiều trận đại dịch lớn nhỏ khác nhau. Đây là một điều không thể dự báo trước được, tuy nhiên chúng ta có thể biết được rằng con người sẽ chủ động hơn và giảm nhẹ được nhiều hơn thiệt hại của các đại dịch.
Quang Niên (Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét