Chuyện làm dâu xa xứ của Chị Luyến Morrison
Chị Luyến Morrison (39 tuổi, Thái Bình) và anh Darren Morrison (51 tuổi, Úc) đều là những ông bố bà mẹ đơn thân. Nhờ mạng xã hội mà cả 2 gắn kết lại gần nhau hơn và quyết định về chung một nhà. Đến nay, 5 năm kể từ kết hôn, chị Luyến hạnh phúc với những gì mình đang có ở xứ sở chuột túi, đặc biệt hạnh phúc vì có người mẹ chồng vô cùng đáng kính, yêu thương.
Vợ chồng chị Luyến ở Úc.
Mới sang Úc, ngày nào mẹ chồng cũng gọi điện hỏi han
Mỗi ngày của chị Luyến thường bắt đầu vào 7h sáng để chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho con mang đến trường. Sau khi đưa con đến trường chị sẽ có khoảng gần 1h để chăm sóc bản thân và khu vườn nhỏ trước khi bắt đầu làm việc lúc 9h.
Công việc của chị thường kết thúc vào 5h chiều. Sau đó hai vợ chồng chị cùng thay nhau nấu bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, chở con đi học. Cuối tuần cả gia đình chị lại dành thời gian cho nhau, cùng đi chơi thể thao, mua sắm, xem phim. Cuộc sống mỗi ngày của chị cứ êm đềm trôi qua như vậy. Dù tất bật với cuộc sống nhưng chị hạnh phúc với những niềm vui giản dị.
Chị Luyến tâm sự, 5 năm kết hôn chị chưa từng phải làm dâu. Mẹ chồng luôn dành cho chị sự quan tâm, yêu thương đặc biệt từ lần đầu gặp mặt đến bây giờ. Ngay cả với con trai riêng của chị cũng vậy.
Nói đến đây, chị nhớ lại ngày đầu tháng 9/2014, khi lần đầu tiên sang Úc thăm anh Darren Morrison. Mẹ chồng có khuôn mặt phúc hậu, hiền lành và chu đáo đã khiến chị cảm nhận được sự quý mến, gần gũi của bà ngay từ lần gặp đầu tiên.
“Khi mình hỏi bà về chồng, bà mang ra cho mình một album 2 cuốn album ảnh, bắt dầu bằng tờ giấy chứng sinh của anh đến các bức ảnh sinh nhật 1 tuổi – 2 tuổi, đến những bức ảnh do nhà trường chụp khi đi học. Sau này lớn lên chồng mình chơi bóng đá Úc và có vài bài báo viết về anh bà cũng cắt lại lưu trong các cuốn album ấy.
Nó như một bức tranh đầy đủ sinh động về chồng mình từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành đủ để mình thấy mẹ chồng yêu thương và tự hào về con trai nhiều như thế nào. Sau ngày bọn mình cưới nhau bà tặng lại cho mình cuốn album đó, mình vẫn thường mở ra để xem lại, nó dường như giúp mình vun đắp cho tình cảm gia đình tốt hơn mỗi ngày”, chị Luyến chia sẻ kỷ niệm ngày đầu tiên gặp mẹ chồng.
Mọi người cảm ơn chị vì chưa bao giờ họ nhìn thấy niềm hạnh phúc đến như thế của ông xã chị trong ngày cưới.
Không những vậy, bà còn dặn chồng chị phải đối xử tốt với chị bởi bà biết chị đã hy sinh rất nhiều, xa gia đình bố mẹ tại Việt Nam, từ bỏ công việc, không có bạn bè khi quyết định kết hôn và sang Úc sinh sống.
Bà hiểu chị chỉ có anh Darren là người bạn duy nhất khi sang đây nên luôn dặn con trai rằng sẽ đứng về phía chị nếu 2 vợ chồng mâu thuẫn. Chính những tình cảm giản dị, mộc mạc ấy của bà đã khiến chị thực sự cảm động.
Thậm chí, sợ chị không có bạn bè tâm sự những ngày mới sang Úc, mẹ chồng và em dâu chồng cứ vài ngày một lần lại gọi để hỏi han, dặn dò chị hãy chia sẻ với mọi người nếu có chuyện không vui, không vừa lòng.
Cả 2 thường chở chị đi shopping, đi ăn và tổ chức những buổi gặp gỡ gia đình để bé Bin – con trai riêng của chị có bạn chơi. Sự quan tâm rất nhỏ ấy của bà và gia đình chồng khiến 2 mẹ con chị không gặp mấy khó khăn những ngày tháng đầu ở quê hương mới.
“Bố chồng mình đã mất nhiều năm trước khi mình về làm dâu nhưng trong câu chuyện gia đình mọi người thường hay kể về ông khiến mình có thể dễ dàng tưởng tượng ra ông là con người như thế nào và cảm thấy tiếc đã không gặp ông một lần trong đời. Chồng mình nói rằng nếu ông còn sống chắc ông cũng sẽ rất quý mến mình”, chị mỉm cười.
Chị luôn được mẹ chồng yêu thương coi như con gái.
Con trai riêng của chị cũng được mẹ chồng yêu thương.
Mẹ chồng hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày đón cháu đi học
Chia sẻ về chuyện làm dâu ở Úc, chị Luyến cho biết, ở đây không có phong tục làm dâu, không có quy định là con dâu phải làm gì mà mọi người luôn tôn trọng tự do cá nhân của nhau. Ngay cả những đứa trẻ mới 1-2 tuổi đã có chính kiến riêng, lời nói của bố mẹ chỉ là định hướng và người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên có quyền làm bất cứ thứ gì mà họ muốn, bố mẹ không có quyền ngăn cản. Bởi vậy, chị Luyến không gặp khó khăn gì trong việc làm dâu.
Chồng chị cũng luôn tôn trọng mọi sở thích cá nhân của vợ và luôn để chị được tự do làm những gì mình thích, luôn tin tưởng một cách tuyệt đối và tôn trọng chị.
Từ ngày sang Úc, chị học được cách tôn trọng quan điểm của người khác nên mỗi khi tranh luận thường không cố gắng phân thắng bại mà chỉ đơn giản đưa ra quan điểm của mình và tôn trọng quan điểm của họ. Chị hiểu mỗi người đều nhìn cuộc sống theo lăng kính của riêng mình, có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến góc nhìn của mỗi người như kinh nghiệm sống, tuổi tác, môi trường sống….
Tuy vậy vì là người Việt Nam, muốn được chăm sóc mẹ chồng ít nhiều theo kiểu Việt nên chị thường mời bà đến nhà mình ăn tối vào thứ 7 hàng tuần hoặc đôi khi nấu vài món ăn Việt Nam mang sang cho mẹ chồng. Những khi có thời gian rảnh, chị lại giúp bà làm vườn, dọn dẹp vườn.
Lãng hoa giấy chị làm tặng mẹ chồng trong Ngày của mẹ.
Hai người mẹ tuyệt vời nhất của chị.
Cũng kể từ ngày sang Úc làm dâu, mẹ chồng đã giúp cho chị học rất nhiều điều về cách bà yêu thương tôn trọng chồng con và chăm sóc con cái. Ngoài 80, mẹ chồng chị vẫn sống một mình, tự lái xe, đi chợ, nấu ăn, ngày ngày đón bọn trẻ từ trường về nhà giúp vợ chồng chị.
Chị học được ở bố mẹ chồng về bí quyết có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đó là tôn trọng sở thích cá nhân của nhau, xây dựng tình yêu dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và luôn nhìn vào những ưu điểu để yêu thương.
Bên cạnh đó, chị học được cách mẹ chồng chăm sóc các con một cách tỉ mỉ, cẩn thận qua cách sắp xếp những hình ảnh và kỷ niệm về quá trình trưởng thành của ông xã chị, luôn ở bên, dõi theo cuộc sống của từng đứa con, luôn ở đó khi các con cần.
Ngoài ra, chị còn học được ở bà sự lạc quan yêu đời, sống độc lập, tự chủ dù trải qua bao đau đớn, mất mát, bệnh tật. Nhờ đó, chị luôn cảm thấy biết ơn bà vì đã dạy dỗ chồng để chị có một người chồng tốt, hiểu biết và yêu thương vợ con đến như vậy.
“Bà không bao giờ can thiệp vào cuộc sống riêng của từng người, với kinh nghiệm của mình bà không khó để nhìn thấy những khi các con mắc sai lầm nhưng bà sẽ ở đó chờ đợi để hỗ trợ các con ngay khi cần. Sự kiên nhẫn của bà luôn khiến mình ngưỡng mộ và học hỏi được rất nhiều.
Bà luôn nói với mình rằng, bà cảm thấy rất hạnh phúc vì tất cả các con trai, gái, dâu, rể của bà đều là những đứa con hiếu thảo, chỉ cần như vậy là bà đã thấy mãn nguyện rồi. Lối sống và suy nghĩ tích cực của bà ảnh hưởng đến mình rất nhiều”, chị Luyến chia sẻ về mẹ chồng.
Theo chị, mọi người nên luôn suy nghĩ bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ.
Mặc dù có mối quan hệ tốt với mẹ chồng nhưng theo chị Luyến để duy trì mối quan hệ này, mọi người nên luôn suy nghĩ bố mẹ chồng cũng như bố mẹ đẻ.
Mặc dù thích văn hóa người Việt con cái có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ nhưng đối với chị, gia đình vợ chồng nên cư xử công bằng với hai bên cha mẹ. Đồng thời do điều kiện kinh tế và sức khỏe của hai bên khác nhau, cha mẹ cũng nên hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh riêng của các con, không nên so đo hơn thiệt và tạo áp lực. Suy cho cùng hạnh phúc là được sống “độc lập và tự do”, bởi vậy mọi người nên tôn trọng sự “độc lập và tự do” của người khác và tôn trọng quan điểm sống của họ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-viet-don-than-lay-chong-uc-man-nguyen-nhin-me-chon...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét