Sai và Đúng khi đọc tên phố Hà Nội

7:31:00 SA
Kết quả hình ảnh cho ảnh phố tạ hiền

THÔNG THƯỜNG cái gì nói sai thì phải sửa, cái đã sai thì không được chấp nhận, nhưng ở Hà Nội có một số tên đường phố bị gọi sai mà những người gọi sai đa phần lại là những người Hà Nội cũ, những người mà gia đình đã ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Những cái sai mà những người Hà Nội quy ước ngầm với nhau là chấp nhận được và thường không ai bắt bẻ.
Tôi xin liệt kê để quý vị suy ngẫm cho vui, coi như là chuyện "chém gió":
* PHỐ TẠ HIỆN nhiều người gọi là phố Tạ Hiền.(phố này đi từ phố Hàng Buồm đến phố Hàng Bạc).
Ông Tạ Hiện người thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình(nay là huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình)tên đầy đủ là Tạ Quang Hiện đã cùng Lưu Vĩnh Phúc(chủ soái quân Cờ Đen) dẹp giặc Cờ Vàng. Về sau ông tham gia phong trào Cần Vương của vua Hàm Ngh, ông là thủ lĩnh lãnh đạo nhân dân Thái Bình chống Pháp. Ông bị người Pháp bắt và giết chết ở Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.
* PHỐ ĐỖ HÀNH nhiều người gọi là phố Đỗ Hạnh.(phố này đi từ phố Yết Kiêu đến phố Lê Duẩn).
Ông Đỗ Hành quê ở thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một danh tướng dưới triều Trần Nhân Tông người đã có công bắt sống tướng Nguyên Ô Mã Nhi trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng.
* PHỐ TỐ TỊCH nhiều người gọi là phố Tô Tịch.(phố này đi từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai).
Con phố này nằm trên đất thôn Tố Tịch của huyện Thọ Xương xưa, thôn này có nghề dệt chiếu trắng mà thành tên(Tố Tịch có nghĩa là chiếu trắng hay còn gọi là chiếu đậu). Khi mở phố, ở đây không còn nghề dệt chiếu nữa. Nhiều gia đình gốc ở Nhị Khê lên Thăng Long lập nghiệp ở con phố này với nghề mộc và tiện đồ gỗ.
* PHỐ QUÁN THÁNH, đền Quán Thánh nhiều người gọi là phố Quan Thánh, đền Quan Thánh.(phố này đi từ phố Hàng Than đến phố Thụy Khuê).
Theo đạo Giáo đây là một quán tu hành và thờ ông thánh Huyền thiên Trấn vũ, một nhân vật huyền thoại có công dep trừ thủy quái ở hồ Tây và phía Bắc kinh thành Thăng Long nên được vua Lý Thái tổ phong là vị thần trấn giữ phía bắc kinh thành Thăng Long cho nên quán đã trở thành đền của Phật giáo.
* PHỐ NGUYỄN THIẾP nhiều người gọi là Nguyễn Thiệp.(phố này đi từ phố Nguyễn Trung Trực đến phố Hàng Khoai).
Ông Nguyễn Thiếp người ở làng Mật thôn, xã Nguyệt Áo, huyện La Sơn, phủ Đức Quang - Hà Tĩnh(nay thuộc huyện Can Lộc - Hà Tĩnh) được Vua Quang Trung tin dùng giao nhiệm vụ chuyên lo việc dịch thuật kinh dịch, văn bản từ chữ Hán sang chữ Nôm và phụ trách công việc ở viện Sùng chính. Được người đời gọi là La Sơn phu tử. Ông là người có công xây dựng Phượng hoàng trung đô là kinh đô mới của nhà Tây Sơn.
* XÓM HÀ HỒI nhiều người gọi là xóm Hạ Hồi.(xóm này gồm 4 ngõ:một ngõ thông ra Trần Hưng Đạo, một ngõ thông ra Trần Quốc Toản và hai ngõ thông ra Quang Trung)
Hà Hồi là một địa danh thuộc huyện Thường Tín nơi đây đã diễn ra trận thắng vang dội mở đường cho đội quân Tây Sơn tiến vào giải phóng Kinh thành Thăng Long mùa xuân năm 1789. Địa danh lịch sử này được lấy để đặt tên cho một xóm của Hà Nội.
* PHỐ BÁO KHÁNH nhiều người goi là phố Bảo Khánh.(phố này đi từ phố Lê Thái Tổ đến phố Hàng Trống).
Con phố này ngày xưa nằm trên đất của thôn Báo Thiên Tự thuộc phường Báo Thiên nơi có ngôi chùa Báo Thiên được xây dựng từ năm 1057 thời Lý. Về sau thôn Báo Thiên Tự sáp nhập với thôn Hữu Khánh Thụy đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương thành thôn Báo Khánh. Vì vậy con phố nằm trên đất thôn Báo Khánh được mang tên là phố Báo Khánh.
* PHỐ LÝ VĂN PHỨC nhiều người gọi là Lý Văn Phúc.(là một phố cụt đi từ chỗ số nhà 161 Phố Nguyễn Thái Học đi vào).
Ông Lý Văn Phức (1785 - 1819)sinh ra ở làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức Hà Nội(nay là phường Bưởi quận Tây Hồ). Tổ tiên ông là người Chương Thâu tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc làm quan dưới triều Minh, nhưng vì tránh sự truy diệt của nhà Thanh nên đến làng Hồ Khẩu nước ta để lánh nạn. Ông làm quan dưới triều Minh Mạng và Thiệu Trị nhà Nguyễn. Ông là tác giả nhiều cuốn sách ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe khi đi sứ nước ngoài, có nhiều giá trị về lịch sử, địa lý và dân tộc học.
* PHỐ PHẠM ĐÌNH HỔ nhiều người gọi là phố Phạm Đình Hồ.(phố này đi từ phố Tăng Bạt Hổ đến phố Lò Đúc).
Ông Phạm Đình Hổ (1768 -1839) ngươi xã Đan Loan, huyện Đường An (nay là huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), ông sinh sống ở phường Hà Khẩu, kinh thành Thăng Long, làm quan dưới triều Minh Mạng nhà Nguyễn.Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, nổi bật là hai tác phẩm "Vũ trung tùy bút" và " Tang thương ngẫu lục" là những tập truyện và ký ghi lại những điều chân thực thời Lê mạt, trong đó nói nhiều về cảnh vật và con người Thăng Long thủa ấy. Ông là một danh nhân văn hóa và lịch sử.
* PHỐ TÔNG ĐẢN nhiều người gọi là Tôn Đản.(phố này đi từ phố Trần Nguyên Hãn đến phố Tràng Tiền).
Ông Tông Đản(có sách chép là Nùng Tông Đản) sinh năm 1046 là người dân tộc Nùng ở tổng Kim Pha, châu Quảng Nguyên, thuộc đạo Thái Nguyên nay là Nà Cạn, phường Sông Bằng, tỉnh Cao Bằng.Ông là tướng dưới triều nhà Lý, cùng thời với Lý Thường Kiệt, có công trong cuộc chiến đánh chiếm Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu trên đất Trung Quốc, phá tan âm mưu định sang đánh nước ta của nhà Tống(1075-1077).
Sở dĩ người Hà Nội cũ gọi sai như vậy vì các con phố này có thời gian dài đã gắn biển tên phố sai như vậy. Lỗi là do sự tắc trách và kém hiểu biết về lịch sử của những người làm công tác quản lý thành phố Hà Nội. Đến nay các con phố này đã được gắn biển với tên gọi đúng, nhưng vì gọi sai quá lâu thành quen nên khó sửa và cũng không muốn sửa.
Có lúc tôi cảm thấy đây là những cái sai đáng yêu của người Hà Nội cũ. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn con, cháu chúng ta đừng gọi sai tên danh nhân và địa danh lịch sử, văn hóa của đất nước như thế nữa.
TheoFacebook

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.