Người Việt ở Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan vì dịch corona

10:09:00 SA
Căn bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút corona (SARS-CoV-2) gây ra tình huống tiến thoái lưỡng nan cho nhiều người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Hàn Quốc khi đây là nơi sinh sống và học tập của khoảng 200.000 người Việt.
“Mọi người ít đi lại hẳn so với ngày thường. Trên một số diễn đàn trực tuyến, các sinh viên Việt Nam liên tục chia sẻ thông tin về diễn biến và cách phòng tránh dịch bệnh,” chị Đặng Thị Kim Ngọc, sinh viên Việt Nam tại viện Khoa học và Công nghệ Ulsan (UNIST) ở thành phố Ulsan, Hàn Quốc chia sẻ với Forbes Việt Nam.
Không chỉ chị Kim Ngọc, nhiều người Việt đang học tập và làm việc tại xứ sở kim chi cũng có cùng tình trạng khi dịch bệnh Covid-19 lây lan tại Hàn Quốc với tốc độ chóng mặt trong khoảng tuần qua. 
Đang là du học sinh tại đại học Quốc gia Chungnam, thành phố Daejeon, anh Tô Tôn Thành cho biết đường phố vắng vẻ hơn, đặc biệt sau ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại Daejeon sáng 22.2. “Bạn bè, người quen của tôi hủy tất cả các cuộc hẹn, chủ động ở trong nhà nhiều nhất có thể, nhiều người gấp rút đặt vé máy bay về Việt Nam,” anh Thành chia sẻ tình hình từ Daejeon - thành phố nằm giữa hai điểm nóng dịch bệnh tại Hàn Quốc là Daegu và thủ đô Seoul.
Người Việt ở Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan vì dịch corona - ảnh 1
Thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào giờ tan tầm chiều 24.2. Ảnh: Trần Hải Quân
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo 60 ca nhiễm bệnh mới nhất đã đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 893 và 8 ca tử vong, tính đến 8h sáng nay, 25.2.
Kể từ hôm 23.2, Hàn Quốc đã nâng mức báo động lên cao nhất (báo động đỏ) đối với dịch Covid-19, cho phép chính quyền tạm thời đóng cửa trường học và cắt giảm các chuyến bay đến và đi khỏi Hàn Quốc. Chính phủ cho phép các địa phương sử dụng các biện pháp mạnh “chưa có tiền lệ” và “không bị giới hạn bởi các quy định” để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Hàn Quốc là thị trường lao động thu hút hàng ngàn người Việt mỗi năm. Năm 2019 có 7.215 lao động sang làm việc ở Hàn Quốc trong tổng số 152.530 lao động Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với Nhật Bản và Đài Loan, Hàn Quốc là một trong ba thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, theo cục Quản lý lao động ngoài nước, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia có lượng du học sinh đứng thứ hai trong các quốc gia có sinh viên du học tại Hàn Quốc, với gần 37.500 người, chiếm 23,4% trong tổng số hơn 160.000 sinh viên nước ngoài tại nước này, theo thống kê của viện Giáo dục quốc tế Hàn Quốc.
Hiện là nhân viên công ty Shisegae Media ở thủ đô Seoul, chị Cù Lê Thủy Tiên cho biết hiện Seoul chưa có quá nhiều ca nhiễm bệnh nhưng người dân chủ yếu di chuyển bằng phương tiện công cộng nên rất lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh.
“Tôi và một số bạn bè lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì dù rất muốn nhưng không thể về Việt Nam do đang đi làm. Nhiều người muốn về nước cũng bị mắc kẹt vì xuất cảnh khó khăn”, chị Tiên kể và cho biết đã gọi điện đến đường dây nóng hỗ trợ người Việt tìm hiểu thủ tục để sớm về nước.
Người Việt ở Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan vì dịch corona - ảnh 2
5 năm qua, Hàn Quốc luôn là một trong 3 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam
Cũng sinh sống và học tập tại thủ đô Seoul, chị Cao Thị Hương, sinh viên thạc sĩ Đại học nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Daegu, sự lo lắng về khả năng lây lan của dịch bệnh càng cao, không chỉ người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng mà việc ra vào nhiều toà nhà cũng được quản lý bằng vân tay.
Thành phố Daegu với 2,5 triệu dân và huyện Cheongdo (tỉnh Bắc Gyeongsang) với 43.000 dân đã được Hàn Quốc đưa vào danh sách “khu vực chăm sóc đặc biệt” vì có nhiều ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên với hệ thống giao thông công cộng phát triển, tàu siêu tốc kết nối toàn lãnh thổ nên không chỉ hai địa phương này mà mọi thành phố khác đều được đánh giá khó thể nằm ngoài vòng nguy hiểm. 
Chị Hương nhận thấy Daegu đang chịu tình trạng “kỳ thị” vì dịch bệnh, nhiều người nêu ý kiến nên đóng cửa và phong tỏa thành phố. "Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến nhiều người Daegu tìm cách trốn kiểm tra sức khỏe hoặc rời thành phố. Khi đó không những Daegu không an toàn mà cả Hàn Quốc cũng sẽ không còn an toàn," theo chị Hương.
Những người Việt Nam ở Hàn Quốc cho biết, từ những ngày đầu dịch bùng phát tại Hàn Quốc, các cơ quan truyền thông đại chúng và nhà mạng đã có những cảnh báo, hướng dẫn an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang cũng như phổ biến cách nhận biết các dấu hiệu bệnh, tạo website giúp theo dõi đường đi của những người đã nhiễm bệnh để người dân hạn chế đi đến.
Các chai nước rửa tay được đặt ở khắp nơi, đặc biệt ở trên xe buýt, tàu điện ngầm, trong các cửa hàng và tòa nhà lớn, nhiều khu vực công cộng phát khẩu trang miễn phí. Chính phủ có tổng đài hỗ trợ và chữa trị miễn phí cho cả công dân nước ngoài bị nhiễm bệnh ở Hàn Quốc.
Người Việt ở Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan vì dịch corona - ảnh 3
Người dân Seoul đeo khẩu trang khi ra đường phố chiều 24.2. Ảnh: Trần Hải Quân
Chia sẻ với Forbes Việt Nam, anh Trần Hải Quân - nhân viên một công ty cung cấp giải pháp IT tại Seoul cho biết một ngân hàng đối tác của công ty tôi đã phải dời lịch làm việc vì từ chối tiếp người bên ngoài. Hiện một số công ty khác cũng áp dụng hình thức tương tự đồng thời cảnh báo nhân viên đi làm bằng xe buýt lưu ý bảo vệ bản thân.
Hiện tại công ty anh Quân đã cho nhân viên làm việc từ xa, chỉ đến công ty trong trường hợp có cuộc họp quan trọng. "Tôi dự định chờ xem tình hình những ngày tới, nếu có được sự hỗ trợ sẽ về nước và cách ly", anh Quân nói. 
Tô Tôn Thành chia sẻ trước mắt chọn giải pháp “án binh bất động” vì theo anh cuộc tháo chạy khỏi thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi ba tuần trước đã khiến tình hình kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn hơn. "Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là án binh bất động, chủ động tự cách ly ở nhà và tuân thủ các nguyên tắc y tế,” anh Thành nói và cho biết sẽ bình tĩnh, dự trữ thức ăn ở nhà và theo dõi thêm diễn tiến dịch bệnh.
TheoForbesvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.