Người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam

2:40:00 CH



Đến Việt Nam khi mới hơn 20 tuổi, cô họa sĩ trẻ người Thụy Sĩ Aline Rebeaud đã dành trọn trái tim và tuổi xuân của mình để chăm lo cho những người nghèo khổ, thiếu may mắn ở một đất nước xa lạ.

Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 1.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 2.
-26 năm trước, khi lần đầu tới Việt Nam, chị có ấn tượng gì?
Tôi đã nghe nói nhiều về Việt Nam trước khi đến đất nước này. Sau một hành trình dài bằng đường bộ từ Thụy Sĩ, Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ, tôi ở Trung Quốc 1 năm rồi mới tới Việt Nam. Khi tới đây, tôi cảm thấy suy nghĩ của người Việt khác biệt nhiều lắm.
Tôi rất thích Việt Nam, dường như không có lí do gì để giải thích được. Tới Việt Nam, tôi có cảm giác như tìm thấy lại quê hương của chính mình vậy đó, quen thuộc và hòa nhập rất là nhanh. Lúc đầu chưa biết tiếng, nhưng nhìn ra dấu cũng hiểu được nhau. Nhờ đó, tôi học tiếng Việt rất nhanh.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 3.
- Điều gì đã khiến chị quyết định ở lại Việt Nam và dành cả tuổi xuân để chăm lo cho những người thiếu may mắn?
Khi tới Việt Nam, tôi tình cờ làm quen với một nhóm tình nguyện viên và cùng họ tới thăm Trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần ở Thủ Đức. Thời đó chúng tôi đi xe đạp, mang theo mì gói tới thăm các bệnh nhân, cùng họ ca hát, vui chơi. Trong chuyến đi đó, tôi gặp một em bé tên là Thành bị bệnh tim và nhiều bệnh khác, mà theo lời những người trong trung tâm là "sắp chết rồi". Tôi nghĩ rằng còn nước còn tát nên đã đi gặp ban giám đốc và xin được đưa bé đi bệnh viện.
Tôi đưa bé đi rất nhiều nơi để tìm cách chữa trị nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cuối cùng, tìm đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thành mới có cơ hội. Tôi đã chăm sóc Thành suốt hơn 3 tháng liền trong bệnh viện cho tới khi em bình phục.
Sau khi Thành hồi phục, tôi nghĩ rằng không thể gửi Thành lại nơi khủng khiếp mà tôi đã gặp em được nên quyết định nuôi em. Trước khi bước ra khỏi cộng bệnh viện, tôi đã được những thân nhân của bệnh nhân ở đó đặt cho cái tên mới theo tên bệnh viện. Từ đó có gái Thụy Sĩ Aline có một cái tên Việt Nam là Tim.
-Cha mẹ chị khi ấy đã phản ứng thế nào?
Thời đó chưa có internet, trong suốt chuyến đi dài của mình, đến mỗi thành phố mới tôi sẽ tìm bưu điện trung tâm để nhận thư của cha mẹ gửi và viết thư về nhà. Cũng mất rất nhiều thời gian cha mẹ tôi mới biết tin tôi sẽ ở lại Việt Nam. Họ nói chung cũng không có phản ứng gì.
Vài năm sau, khi ba tôi tới Việt Nam dự lễ khánh thành Nhà May Mắn đầu tiên, báo chí cũng hỏi rằng ông phản ứng thế nào khi con gái quyết định bỏ xứ đến Việt Nam để chăm sóc cho những người nghèo khổ. Ông nói là: Thực sự lúc đầu tiên tôi nghĩ con gái mình bị điên. Nhưng đến khi chứng kiến những gì con gái làm, ông biết rằng con gái mình thực sự khôn ngoan. Ông cũng trở thành một người ủng hộ tôi từ quê nhà rất nhiều.
Ba cũng là người động viên tôi viết cuốn sách Nhà May Mắn - tương lai cho những người thiếu may mắn. Ba tôi xuất thân là một nhà báo, người làm chính trị, vì thế ông luôn nhắc nhở tôi nên viết sách để để lại cái gì đó chia sẻ câu chuyện của mình.
- Từ khi nào chị mang quốc tịch Việt Nam?
Nhiều năm sau khi tới Việt Nam, tôi đã được nhập quốc tịch thứ 2. Quyết định do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký. Kể từ đó, khi làm việc với quốc tịch Việt Nam thì mọi chuyện dễ dàng hơn.
Tôi đã ở Việt Nam đã hai mươi mấy năm, còn lâu hơn thời gian ở Thụy Sĩ rồi đó. (Cười)
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 5.
-Khi mới đến Việt Nam, khó khăn lớn nhất của chị là gì?
Khi mới qua, điều khó khăn nhất với tôi là làm sao để hợp thức hóa việc thành lập Nhà May Mắn ở Việt Nam. Trước đây, các tổ chức phi chính phủ NGO làm việc ở Việt Nam luôn có một đối tác là một đơn vị ở Việt Nam. Thông thường, họ sẽ tài trợ cho các đối tác Việt Nam thực hiện dự án. Còn tôi chỉ là một cô gái trẻ, một người nước ngoài, không thuộc một tổ chức nào hết và chẳng có bao nhiêu tiền.
Vì thế khi muốn thành lập một mái ấm cho người thiếu may mắn, tôi phải liên hệ đến các cơ quan hành chính và gặp khá nhiều khó khăn với bộ máy hành chính lúc bấy giờ. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để hợp thức hóa việc thành lập Nhà May Mắn. Bởi lúc đó chưa có luật phù hợp với trường hợp như này nên giấy tờ được chuyển lên các cấp trên nữa.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 6.
-Với những người bị tật nguyền, bị tai nạn, mất niềm tin vào cuộc sống, chị làm thế nào để giúp họ nhận ý nghĩa cuộc đời và muốn sống thêm lần nữa?
Tôi nghĩ, đầu tiên phải giúp họ bớt đau đớn về thể xác thì họ mới lấy lại tinh thần được. Ban đầu, tôi đón trẻ em đường phố, mồ côi. Sau đó một nhóm người bất hạnh thứ 2 là những người nghèo phải đi lao động nguy hiểm rồi bị tai nạn, gãy cột sống lưng và bị liệt 2 chi dưới hoặc tứ chi… Những người như vậy thường bị người thân bỏ rơi vì không nuôi nổi… Tôi đón họ về giúp cho họ có mái ấm, cơm ăn, chăm sóc sức khỏe của họ, không phải lo lắng về những nhu cầu cơ bản nhất…
Sau khi họ lấy lại được sức khỏe tương đối thì Nhà May Mắn giúp đỡ họ về tinh thần bằng cách tập trung những người đồng cảnh với nhau để họ có thể chia sẻ, an ủi, đỡ cô đơn…
Tôi cũng mở lớp dạy chữ cho họ. Bởi các đối tượng về với Nhà May Mắn thường không biết chữ, chưa bao giờ đi học, ít nhất họ cần học để biết mặt chữ, tính toán và học nghề phù hợp với người khuyết tật. Tôi động viên, giúp họ hiểu ra rằng, họ có thể tàn nhưng không phế, họ vẫn còn tài sản quý giá nhất của con người là cái đầu để suy nghĩ…
Về Nhà May Mắn, họ có cơ hội làm lại cuộc đời và khám phá một nghề mới. Tôi muốn những người đó lấy lại được danh dự và cảm thấy được hạnh phúc chứ không phải lệ thuộc người khác, sống một cuộc sống vô nghĩa.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 7.
Quá trình xây dựng và phát triển Nhà May Mắn từ ban đầu cho tới nay, có bao giờ chị cảm thấy bị nhiều áp lực? Chị làm thế nào để duy trì sự tâm huyết đối với công việc này?
Đương nhiên tôi không thể tránh khỏi việc cảm thấy áp lực. Bởi khi chỉ chăm sóc cho bản thân thì không va chạm với ai, nhưng khi mình trực tiếp can thiệp vào cuộc đời của người khác (hiện giờ là hơn 700 người) thì có nhiều thứ có thể xảy ra. Nhiều khi bị áp lực, bực mình, thậm chí bị vu khống… nhưng tôi đều có thể vượt qua hết.
Khi thành lập trung tâm đầu tiên, tôi đã mất rất nhiều thời gian, phải đến hơn 7 năm, từ khi mua đất, xin giấy phép, thiết kế, giám sát xây dựng, tổ chức đến khi khánh thành cơ sở Nhà May Mắn đầu tiên. Lúc đó, tôi đã khóc vì hạnh phúc. Cả thời gian đồng hành cùng Nhà May Mắn là hành trình hạnh phúc của tôi.
Tôi đã chấp nhận công việc của mình là chăm sóc cho những người khác. Tôi không có con ruột, nên tôi coi Nhà May Mắn là gia đình và tôi là một người mẹ ruột thịt bình thường. Mà một người mẹ thì sẽ không bỏ rơi con của mình.
Lúc khó khăn, tôi sẽ đối mặt và tìm ra giải pháp thôi. Tôi cho rằng cuộc đời là một đống các vấn đề phải giải quyết. Đó là công việc, cuộc sống của tôi nên tôi sẽ chấp nhận hết. Tôi tin rằng cuối cùng rồi sẽ có giải pháp cho mọi việc. Cứ nỗ lực kiên trì, rồi bạn sẽ đạt được mục tiêu.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 8.
- Vì sao chị lại phát triển Làng may mắn theo mô hình doanh nghiệp xã hội, dạy nghề và đào tạo việc làm?
Nếu chỉ giúp đỡ họ về vật chất thì chưa đủ. Mục đích cuối cùng của tôi là giúp họ tự lập càng nhiều càng tốt. Khi làm việc họ có thể phần nào quên đi số phận không may mắn của mình. Thứ 2 là họ có điều gì đó để cảm thấy tự hào về bản thân. Đó là một cách để họ hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
Đương nhiên, chúng tôi tạo điều kiện hết cho họ. Ví dụ như phát triển các phòng học nghề đề tạo việc làm, xây dựng những căn hộ trong làng may mắn được thiết kế đặc biệt dành riêng cho những người ngồi xe lăn. Chúng tôi cho thuê để họ có thể đóng góp một phần chi phí.
Ví dụ tôi từng thấy ở nhiều nước phát triển, người khuyết tật được nhà nước hỗ trợ một số tiền hàng tháng, giống bảo hiểm an sinh nhưng họ rất tránh đời, không có yêu đời lắm. Bởi họ không có việc gì để làm hết, cuộc sống rất vô vị. Tôi muốn tránh tình trạng này ở Nhà may mắn.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 9.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 10.
- Sau 26 năm gắn bó với Việt Nam, điều chị cảm thấy hạnh phúc nhất là gì?
Thật khó trả lời vì tôi có rất nhiều niềm vui nỗi buồn trong suốt thời gian qua. Tôi không có con đẻ nhưng có rất nhiều con nuôi. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy họ trưởng thành, học đại học, lập gia đình và sinh con cái… Đó là niềm an ủi rất lớn đối với tôi.
- Trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống ở Việt Nam, ai là người chị tâm sự, chia sẻ?
Tôi có rất nhiều người quen ở khắp nơi, họ đều liên quan nào đó với công việc tôi làm. Một số người bạn lớn tuổi, đã trải qua nhiều chuyện và có thể cho tôi những lời khuyên hay. Khi nào cần lời khuyên, tôi sẽ gọi điện thoại để tâm sự với mấy người đó.
Tôi thương người nhiều lắm và cũng thương thú nữa. Bao nhiêu năm nay, tôi luôn luôn nuôi chó. Còn ở Đắk Nông, tôi cũng đã thực hiện được giấc mơ thuở nhỏ của mình là sẽ có một con ngựa. Trang trại mini ở đây của tôi có 6 con ngựa. Hàng ngày, con chó, con ngựa cũng là bạn tâm sự của tôi.
- Dành cả tuổi xuân để chăm lo cho những người thiếu may mắn, chị cũng phải có cuộc sống riêng chứ?
Tôi sang Việt Nam lúc 20 tuổi và bây giờ tôi đã hơn 40 tuổi rồi. Bây giờ tôi là người Việt Nam và tôi đã "chấm" một miếng đất ở Đắk Nông để trồng cỏ, dựng một ngôi nhà sàn để có một mái ấm nhỏ bé đầu tiên của riêng mình.
- Khi tới Việt Nam, chị đang là một họa sĩ trẻ có triển vọng. Gắn bó với những mảnh đời thiếu may mắn, chị duy trì đam mê hội họa của mình như thế nào?
Khi bắt đầu xây dựng Nhà may mắn, tôi không vẽ tranh nữa nhưng tôi trao lại kiến thức về hội họa của mình cho những người khuyết tật. Trong 25 năm vừa rồi, xây dựng rất nhiều công trình, tôi tự tay vẽ, thiết kế, lựa chọn từng màu sắc, chất liệu cho Nhà May Mắn.
Hoàng Nữ Ngọc Tim – người phụ nữ Thụy Sĩ dành trọn trái tim cho người khuyết tật Việt Nam: “Bây giờ, tôi là người Việt Nam” - Ảnh 11.
- Nếu thời gian quay lại, liệu chị có lựa chọn ngã rẽ ở Sài Gòn 26 năm trước khiến chị gắn bó với Việt Nam hay không?
Tôi không hối hận một điều gì hết. Tôi thấy rất được vui khi được cuộc đời để trên đường đi những câu chuyện như vậy. Nhiều lúc đúng là có áp lực, khó khăn, va chạm với nhiều chuyện... Nhưng nếu được làm lại tôi vẫn sẽ chọn lựa như vậy và sẽ làm lại tốt hơn vì tôi đã có kinh nghiệm nhiều hơn chứ không còn ngây thơ như ngày xưa.
- Gắn bó với Việt Nam và những người thiếu may mắn trong thời gian dài, ước mơ trong thời gian tới của chị là gì?
Tôi hy vọng sẽ kiếm được cách nào đó để giảm bớt áp lực kiếm tiền, không phải vất vả cực khổ như bây giờ. Mong muốn có được một nguồn thu đều đều để lo cho mọi người trong Làng May Mắn. Như vậy mới có thời gian để gần gũi mọi người, có tinh thần sảng khoái để điều hành và phát triển công việc mình làm.
Xin cảm ơn chị!
 
Thu Hoài
 
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.