Duyên dáng Trà Sư miền Tây Nam Bộ
Vùng Thất Sơn luôn ẩn chứa những tiềm năng đáng ngờ, rất nhiều “viên ngọc quý” đang ẩn mình trong đá chờ người khai thác. Rừng tràm Trà Sư cũng là một trong số đó. Rừng tràm được ví như “nàng công chúa” đang ngủ say chờ người đánh thức.
Trà Sư “thay áo mới”
Từ lâu, rừng tràm Trà Sư được biết đến là vùng ngập nước và là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây vẫn lưu giữ lại khung cảnh hoang dã của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ. Hàng ngàn cây tràm nối tiếp nhau vươn cao gần chục mét tạo nên một không gian lý tưởng như “ngôi nhà chung” của các loài động, thực vật.
Bước vào Trà Sư người ta có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu.
Rừng Tràm Trà Sư mang màu sắc mới, tươi sáng và sinh động hơn |
Đến với Rừng Tràm Trà Sư không dưới 4 lần và khoảng cách thời gian cũng không xa nhưng tôi cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của “Bảo tàng tràm nhiệt đới”. Lần đầu, tôi không khỏi thích thú vì sự lạ mắt và hoang sơ của rừng tràm. Tận hưởng cảm giác ngồi xuồng máy, xuồng tay dọc theo các con nước tham quan và “mục sở thị” một trong những khu rừng tràm quy mô bậc nhất ĐBSCL - những cây tràm hàng chục tuổi uốn lượn, vươn lên cao vút.
Một màu xanh đặc trưng của rừng tràm |
Mặc dù ấn tượng nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự trầm buồn, vắng vẻ của nơi đây và tôi trông đợi nhiều hơn thế nữa.
Được biết, từ năm 2003, tỉnh An Giang đã thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường. Từ đó một bài toán “lưỡng toàn kỳ mỹ” được đặt ra: vừa bảo vệ vừa phát triển du lịch sinh thái.
Rừng là phải bảo vệ tuy nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái thì không thể đơn điệu, trầm lắng. Trước đây, không ít lần tôi nghe du khách phàn nàn: “Đến rừng tràm Trà Sư chỉ ngồi xuồng đi một vòng ngắm tràm rồi về, chán ngắt”.
Nhiều du khách thích thú với những chậu hoa giấy tạo điểm nhấn chấm phá giữa nền xanh của rừng tràm |
Tuy nhiên, lần trở lại gần đây nhất, rừng tràm Trà Sư đã tạo nên một ấn tượng hoàn toàn mới. Trà Sư như được khoát lên mình một tấm áo mới tươi sáng, sinh động và đầy màu sắc.
Trà Sư không còn đơn điệu một màu xanh rì mà được điểm xuyến thêm những màu sắc rực rỡ, tràn đầy nhựa sống. Bước vào rừng tràm Trà Sư đứng bên đây con kênh nhỏ, nhìn xa xa đã thấy một sự khác biệt rõ rệt về màu sắc. Những bông hoa giấy khoe sắc hồng hồng, trăng trắng trên nền xanh của rừng tràm như một nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy mê hoặc.
Những chậu hoa nổi được trồng bồng bềnh trên nước phèn |
Vẫn như những lần đi trước, tôi lại đi xuồng máy và xuồng tay để lênh đênh sóng nước, tận hưởng hết sự yên bình và hoang dã nơi đây. Nói nơi đây là một vùng đất “rừng thiêng, nước độc” cũng chẳng sai. Nước phèn gần như đặc sánh, ngồi trên xuồng mà mùi phèn hắc lên nồng nặc vì vậy ở đây ít có loài hoa nào có thể sống được, rặc ri một màu xanh của tràm. Thỉnh thoảng, hoa sen, hoa súng cũng có dịp khoe sắc vào mùa nước nổi, vì lúc này nước lên cao, nước phèn bị pha loãng thì những loại hoa này mới có cơ may sống sót.
Điểm đầu của cầu tre trong rừng tràm |
Ấy vậy mà trong chuyến tham quan lần này tôi bắt gặp những chậu hoa nổi, ngang nhiên sống bất chấp nước phèn khắc nghiệt. Các chậu hoa bằng tre cứ bồng bềnh, lăn tăn theo những đợt sóng của chiếc xuồng đi qua. Việc làm nhỏ thế thôi nhưng lại tạo nên một điểm nhấn rất đặc biệt, một hình ảnh nhỏ chấm phá trong rừng tràm.
Bước trên cầu tre "vạn dặm" khiến du khách đi sâu vào tâm của rừng tràm, tận hưởng sự yên tĩnh và trong lành |
“Vạn dặm” cầu tre
Đến những khu rừng đặc dụng như thế này bên cạnh việc ngắm tràm, tận hưởng không gian gần gũi với thiên nhiên, du khách còn mong mỏi được chiêm ngưỡng những loại chim, cò sinh sống ở nơi đây. Tuy nhiên, để ngắm được những loại chim đó còn phải “hên xui”, tùy thuộc vào thời điểm. Chẳng biết có phải là một hình thức “khắc phục” sự “hên xui” ở trên hay không mà trong rừng tràm được bố trí hàng chục ngôi nhà bồ câu.
Nhìn xa xa, những chuồng bồ câu trắng như những lâu đài thu nhỏ. Những chú bồ câu thân thiện, gần gũi như những người bạn chào đón du khách đến với Trà Sư. Chúng quây quần, tụ họp tạo nên sự đông đúc, tăng thêm sức sống, tạo thêm nét động giữa một rừng tràm trà sư tĩnh lặng. thỉnh thoảng sẽ thấy những đàn chim sà xuống hoặc cất cánh bay lên tạo thêm một chút động lực, niềm tin cho con người trong cuộc sống.
Du khách nước ngoài đặc biệt thích thú với loại hình du lịch sinh thái ở rừng tràm Trà Sư |
Trước đây, chỉ có thể đi tham quan bằng xuồng máy hoặc xuồng tay thì hiện nay du khách có thể tự do rảo từng bước trên chiếc cầu tre “vạn dặm” được xây dựng uốn lượn như một con rồng vàng nằm thu mình trong một đầm nước xanh mát. Chẳng biết có chủ ý từ trước hay và một sự vô tình mà nhà đầu tư đã khéo léo chọn một loại vật liệu rất quen thuộc, được so sánh gần như cốt cách của người Việt Nam – đó là tre. Hàng triệu thanh tre nối tiếp nhau và cứ thế nối dài hun hút đằng xa.
Dưới góc độ của một người dân mê du lịch và muốn bảo tồn những giá trị văn hóa, chúng tôi rất mừng vì loại vật liệu được lựa chọn xây cầu là tre – vật liệu thiên nhiên chứ không phải là bê-tông, cốt thép.
Theo chủ đầu tư, cầu tre sẽ có tổng chiều dài khoảng 10km, bao gồm cả trục đường chính và đường nhánh thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Hiện nay, đã xây dựng được gần 3km. Bước trên chiếc cầu tre “vạn dặm”, chúng ta sẽ nghe những tiếng “két…két” do sự va chạm của các thanh gỗ, tiếng động này giúp người Việt gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm với những chiếc cầu tre được sử dụng phổ biến trước đây.
Những ngôi nhà bồ câu như những lâu đài thu nhỏ |
Chiếc cầu này sẽ đưa du khách đi sâu vào lòng rừng tràm, có thể ngắm và tận hưởng gần nhất những hàng trạm cổ thụ. Càng vào sâu, du khách sẽ càng tận hưởng sự tĩnh lặng, yên ắng và trong lành, không tiếng ồn, không khói bụi. Chiếc cầu tre này sẽ là người bạn gần gũi thân thiết giúp người dân khám phá rừng tràm, khiến người dân sẽ gần gũi và hòa nhập với thiên nhiên hoang sơ nơi này.
Cứ như thế, rừng tràm Trà Sư từng ngày “thay lá”, tạo nên sự bức phá độc đáo trong bảo tồn và phát triển rừng tràm. Trong một tương lai không xa, rừng tràm sẽ như một bức tranh bích họa thiên nhiên đầy màu sắc và đậm giá trị bảo tồn.
Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam.
Cầu tre trong rừng tràm Trà Sư với tổng chiều dài trên 10km vừa chính thức được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục “Cầu Tre trong rừng Tràm dài nhất Việt Nam”. Cầu là một trong những hạng mục công trình trọng điểm tại Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (Tập đoàn Sao Mai) đầu tư xây dựng. Công trình là sự tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, giúp du khách có thể cảm nhận đang đi “xuyên rừng”, khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp ở nơi được mệnh danh là “Bảo tàng Tràm nhiệt đới”
|
Theo: Đình Thương/baophapluat.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét