Cô dâu Việt - nạn nhân của sự kỳ thị người nước ngoài ở Hàn Quốc
Lien Dinh luôn là fan của phim Hàn, nơi nam chính thường lãng mạn, thành công, tôn trọng phụ nữ. Cô sang Hàn Quốc để lấy “nam chính” của riêng mình, một thợ điện hơn cô 10 tuổi.
Nhưng khi tới Daegu, cô nhận ra xã hội Hàn không màu hồng như trên màn ảnh.
Phim Hàn thường nói về cuộc sống ở Seoul, khác xa so với cuộc sống nông thôn của nhiều cô dâu Việt sang Hàn Quốc lấy chồng. Ảnh: SCMP
“Thực tế khác xa so với kỳ vọng của tôi”, Lien nói với South China Morning Post. “Đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài thường lớn tuổi, cách ứng xử không lịch thiệp và hào hoa như những chàng trai bảnh bao trên phim”.
Dù học tiếng Hàn, Lien vẫn thường bị gia đình nhà chồng kỳ thị và nghi là cô đang lợi dụng chồng mình. “Nhiều người Hàn Quốc coi chúng tôi chỉ là những người đến từ một đất nước nghèo. Mọi người hiểu lầm rằng những người vợ nhập cư sẽ bỏ chồng, bỏ con khi đã trở thành công dân”, Lien nói.
Những năm gần đây có làn sóng phụ nữ ngoại quốc nhập cư vào các vùng nông thôn Hàn Quốc, nơi mà “hôn nhân đa văn hóa” chiếm tới 18,4% tổng số cuộc hôn nhân - trong số này, cô dâu Việt chiếm tới 3/4.
Trong số 6.000 cô dâu Việt sang Hàn mỗi năm, nhiều người bị kỳ thị, xa lánh, giống như Lien, hoặc tệ hơn là bị đánh đập, bạo hành.
Những vụ việc nổi cộm gần đây khiến công chúng cả ở Hàn Quốc và Việt Nam giận dữ về nạn bạo hành cô dâu Việt, cũng như về việc các chính quyền ở Hàn trợ cấp cho đàn ông nước này tìm vợ Việt.
Những người chỉ trích nói việc môi giới chồng Hàn - vợ Việt chẳng khác nào “mua vợ”, còn người ủng hộ thì nói đó đơn thuần là việc mai mối.
Tháng 11, một chồng Hàn 55 tuổi đâm chết vợ Việt 30 tuổi và chôn thi thể của cô ở tỉnh xa xôi Bắc Jeolla. Tháng 7, người chồng Hàn đánh đập vợ Việt dã man trong ba tiếng trước con nhỏ đang khóc, trong một video đã lan truyền viral trên mạng xã hội.
Chính phủ đã tuyên bố sẽ ra luật mới cấm đàn ông có tiền sự về bạo hành, tấn công tình dục, giết người, cướp của đi cưới vợ ngoại quốc, đồng thời thành lập lực lượng cảnh sát đa ngôn ngữ hỗ trợ các cô dâu.
Nhưng các chuyên gia nói như vậy vẫn chưa đủ, và vấn nạn kỳ thị có gốc rễ trong văn hóa gia trưởng, trọng nam khinh nữ của Hàn Quốc, cũng như trong thái độ với người nước ngoài.
Một người chồng Hàn chụp ảnh với vợ Việt Nam ở Đầm Sen, TP.HCM. Ảnh: AP.“Mua vợ” hay “mai mối”?
Những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc từ nông thôn chuyển lên thành thị, dẫn đến mất cân bằng giới tính và nhu cầu cưới vợ nước ngoài.
Nhiều đàn ông Hàn trả tiền để các cô dâu nước ngoài, trong các thỏa thuận lên tới 12.000 USD (đối với vợ Việt Nam), bao gồm tiền trả cho môi giới ở Hàn Quốc và Việt Nam.
“Nhiều đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài không coi đó là ‘mua vợ’... mà coi đây là hình thức ‘mai mối’”, Shin Gi Wood, giáo sư Hàn Quốc học ở Đại học Stanford, nói với South China Morning Post. “Tất nhiên còn phụ thuộc vào việc cô dâu Việt được chủ động, được tự quyết định tới mức nào”.
Dù gọi bằng tên gì, việc môi giới cũng rất phổ biến. Hơn 35 chính quyền địa phương trợ cấp 3-10 triệu won (2.500-8.500 USD) cho đàn ông Hàn Quốc muốn cưới vợ qua môi giới. Một số nơi yêu cầu vợ chồng phải ở với nhau một khoảng thời gian tối thiểu, nếu không sẽ phải hoàn lại tiền.
“Tôi 40 tuổi, chưa bao giờ lấy vợ, đang tìm một người vợ nghiêm túc muốn cưới”, một người đàn ông Hàn đăng trên nhóm Facebook kín có tên “Bạn có muốn tìm vợ Việt không?”
Trong nhóm Facebook khác, công ty môi giới đăng quảng cáo cô dâu Việt, kèm tuổi, miêu tả, và “số báo danh”, hầu hết sinh cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000. “Cô ấy đang học tiếng Hàn, vì vậy cô ấy có thể chuyển sang Hàn Quốc rất nhanh nếu cưới. S-236 là ứng viên mà bạn nên đặc biệt quan tâm”, một post viết.
Một môi giới trụ sở ở Seoul nói khách hàng sẽ đặt cọc 2 triệu won (1.700 USD) để bay sang Việt Nam 6 ngày, rồi đi hẹn hò với 20 cô gái Việt. Giá tổng sẽ vào khoảng 10.000 USD, bao gồm tiền hồi môn cho gia đình vợ. Từ đăng ký tới lên đường nhập cư mất khoảng 6 tháng.
“Nếu thấy thích cô gái, bạn có thể làm lễ cưới ngay và hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn ngay trong chuyến đi”, đại diện môi giới nói với South China Morning Post. Sau đó cô dâu học tiếng trong ba tháng.
“Nhiều (cô dâu Việt) muốn sống ở nơi có kinh tế ổn định hơn, và họ muốn con cái lớn lên trong hệ thống giáo dục có triển vọng hơn”, đại diện môi giới này nói về lý do các cô gái Việt tìm đến mình.
Tuổi trung bình của chồng Hàn là 43,6, còn vợ Việt là 25,2, theo báo cáo năm 2017 của bộ phụ trách bình đẳng giới và gia đình của Hàn Quốc.
“Phim và nhạc Hàn Quốc vẽ nên bức tranh về đất nước Hàn Quốc tốt bụng hơn, nhân từ hơn so với thực tế”, John Lie, giáo sư xã hội học tại Đại học California - Berkeley, nói với South China Morning Post. Ông nói thêm nạn kỳ thị đối với cô dâu Việt là do xã hội coi họ thấp kém.
Hàn Quốc có chấp nhận sự đa dạng?
Các chuyên gia nói chính phủ có ra thêm nhiều quy định vẫn là không đủ trừ khi bản thân xã hội trở nên tôn trọng hơn sự khác biệt.
Có 3,6% dân số ở Hàn Quốc là người nước ngoài, nhưng người nhập cư vẫn không được chấp nhận, theo Shin Gi Wook của Đại học Stanford.
Người Hàn Quốc không quen thuộc với việc sống với những người từ dân tộc khác. Mãi tới những năm 1980, người Hàn mới được phép rời đất nước, và phần lớn dân chúng chưa sẵn sàng làm quen với đa văn hóa. Chỉ 42,48% trong số 4.000 người được hỏi cho biết họ “sẵn sàng ra bắt chuyện với người nhập cư”.
Về phần mình, chính phủ thường ra chính sách nhằm giúp người nước ngoài hòa nhập hơn với xã hội Hàn Quốc, nhưng “đa văn hóa nên là sự tương tác nhiều chiều, trong đó người Hàn cũng học hỏi và tôn trọng các văn hóa khác”, Shin Gi Wook cho biết.
John Lie của Đại học California - Berkeley, nói việc chấp nhận các văn hóa khác cũng vẫn là chưa đủ, và xã hội cần thay đổi sự gia trưởng, trọng nam khinh nữ.
“Hàn Quốc là xã hội không bình đẳng và cũng cạnh tranh rất cao. Người Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong xã hội này”, ông nói. “Bạo hành gia đình xảy ra với quá nhiều phụ nữ Hàn ”.
Ông nói phụ nữ, dù Hàn Quốc hay ngoại quốc, cần được hỗ trợ tốt hơn, chẳng hạn cần thêm các cơ sở trông trẻ, giảm gánh nặng cho các bà mẹ đi làm và ngăn chặn các biểu hiện của thói gia trưởng - đó là những giải pháp về chính sách mà ông John Lie đề ra.
Shin Gi Wook từ Đại học Stanford nói thay đổi quan trọng nhất đến từ công chúng.
“Chính sách... không thể thay đổi thái độ của con người”, ông nói. “Điều quan trọng nhất là giáo dục người Hàn Quốc rằng xã hội cần chấp nhận và quan tâm tới người nước ngoài, tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trong cùng cộng đồng, và cuối cùng trở thành một xã hội toàn cầu đúng nghĩa vốn sẽ có nhiều lợi ích”.
TheoZing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét