Chúng ta không cần những con robot
Chúng ta không cần những con robot
TTO - Nói chính xác hơn thì câu trên phải là: Chúng ta không cần những con robot cho những vấn đề do chính con người gây ra. Có lẽ mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản như vậy nếu chúng ta không tìm hàng ngàn lý do để chối đẩy trách nhiệm của mìn
Sự tham lam từ muôn thuở đã khiến con người đánh mất trạng thái cân bằng của tự nhiên và rồi nương nhờ những cỗ máy có thể giúp mình giải quyết những sai lầm ấy.
"Nếu thuyết siêu nhân (transhumanism) nói về cách công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề muôn thuở của con người thì cyberpunk nói về cách công nghệ thất bại trong việc đó".
Nhận định này của diễn viên, nhà sáng tạo trò chơi điện tử Stephen Lea Sheppard cũng chính là hình thù của những bộ phim vị lai gần 100 năm qua: quen thuộc và đôi khi... nhàm chán.
Không là người phục vụ thì là kẻ thù
Nổi lên từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, dòng phim cyberpunk là một thế giới quan tiêu cực của các tiểu thuyết gia, nhà làm phim về tương lai loài người. Trong những thước phim kinh điển của Blade Runner (1982), Ghost in the Shell (1995), RoboCop (1987)... thế giới hiện ra với một tình cảnh bất đối xứng giữa công nghệ cao và đời sống thiếu thốn của người nghèo.
Dưới ánh đèn neon và những khẩu súng lăm lăm trên tay đội quân người máy, con người lầm lũi bước về khu ổ chuột, bên trên là những người giàu có sống trong tòa cao ốc sang trọng.
Cyberpunk là cách các nhà làm phim phản ứng lại với những công nghệ ngày càng "xâm lấn" các khía cạnh đời sống con người, trong đó công nghệ là để phục vụ người giàu và trấn áp người nghèo - những kẻ nổi loạn.
Không kể những tựa phim kinh điển ở trên vốn mường tượng về thế giới tương lai khi Internet chưa mở rộng toàn cầu như hiện nay, Blade Runner 2049 (2017) hay Ready player one (2018) là những bộ phim mới ra mắt của Hollywood vẫn nhìn về tương lai không khác mấy so với gần 50 năm trước.
Chẳng hạn, trong tuyến truyện của Blade Runner 2049, dù đạo diễn Denis Villeneuve đã gợi ra câu hỏi về tình cảm, đạo đức của người nhân bản nhưng khán giả vẫn nhận ra hàm ý về sự trỗi dậy của người máy có thể cạnh tranh, đối đầu với con người.
Nếu dòng phim cyberpunk cho thấy một thế giới vô chính phủ, nơi con người và robot đối kháng nhau để giành quyền sống, quyền suy nghĩ thì ở phía ngược lại, những người theo thuyết siêu nhân mở ra viễn cảnh người máy hỗ trợ cho đời sống nhân loại.
Còn nhớ những thước phim về robot Wall•E đã khiến người xem phải cảm động thế nào khi cậu bé người máy trong phim cứ mải miết thu nhặt rác cho loài người trên một Trái đất vắng tênh, cô độc. Hay chàng robot không tên trong bộ phim Robot & Frank (2012) đã làm dâng lên trong khán giả nỗi ray rứt bởi sự tận tụy với ông lão Frank cho đến những phút cuối cùng.
Nói cách khác, dù suy nghĩ về trí tuệ nhân tạo ở góc cạnh nào chăng nữa của hai trường phái làm phim trên, con người vẫn mang tư duy thực dụng, tiêu thụ. Nếu một cỗ máy không hoạt động đúng như mục đích chúng được sinh ra, cỗ máy đó sẽ làm hại đến nhân loại, ngược lại, chúng sẽ giúp loài người tiến lên phía trước.
Trong cách suy nghĩ như vậy, con người là chủ thể của thế giới, hoặc bị chống lại, hoặc được phục vụ. Đương nhiên, chúng ta sẽ phải hỏi: nếu không là vì con người, người máy sẽ là gì?
Con người phải tự đối mặt với vấn nạn mình gây ra
Cách đây 2 năm, cặp đôi đạo diễn Pete Ohs, Andrea Sisson đã gói gọn những gì họ nghĩ về tương lai vào bộ phim độc lập Everything beautiful is far away (2017). Bộ phim là cuộc hành trình của Rola, Lernert và... một cái đầu robot tên Susan trên đường đi tìm hồ Pha Lê chưa ai từng đặt chân đến. Nếu không nhờ những câu nói của Rola, Lernert cũng sẽ xem Susan như công cụ để sinh tồn giữa sa mạc khắc nghiệt chứ không phải một người bạn đường.
Đạo diễn của bộ phim đã đưa ra một tuyên ngôn táo bạo về thế giới vị lai, nơi nhân loại và người máy có vị thế ngang nhau trên chặng đường đi tìm mục đích của cuộc đời, truy cầu chân - thiện - mỹ.
Đây là một lối suy nghĩ xa lạ với hầu hết những bộ phim về quan hệ giữa con người và trí tuệ nhân tạo, lấy con người là trung tâm của vũ trụ: người máy có thể trở thành bạn của con người nhưng công năng chính vẫn là để phục vụ chúng ta.
Hướng tư duy của Everything beautiful is far away vô hình trung đặt để con người về lại với trách nhiệm vốn có của mình, ở đó sự tham lam từ muôn thuở đã khiến con người đánh mất trạng thái cân bằng của tự nhiên và rồi nương nhờ những cỗ máy có thể giúp mình giải quyết những sai lầm ấy.
Nếu không như thế, vì sao cảnh tượng những khu chất thải khổng lồ của con người lại gắn với robot Wall•E hay bầy chó hoang và máy dọn rác phải sống lang thang trên những đảo rác trong bộ phim Isle of dogs (2018)? "Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar" và những gì con người gây ra, con người phải tự đối mặt.
Chỉ tiếc rằng, những suy nghĩ nhân văn, mới mẻ của Everything beautiful is far away chỉ dừng lại ở phạm vi một bộ phim độc lập, vốn ít kinh phí và lượng khán giả hạn chế. Tên của bộ phim (tạm dịch: Những điều đẹp đẽ luôn ở xa xôi) như một nốt cảm thán lắng đọng giữa những bộ phim hành động mãn nhãn suốt trăm năm qua về cuộc chiến của con người và máy móc, dẫu cuộc chiến ấy vô nghĩa đến nhường nào.
Người máy giúp ích cho con người hay chống lại con người? Không dưới 100 bộ phim đã được ra đời ở cả khía cạnh ủng hộ lẫn phản đối. Thế nhưng, có lẽ điều tốt nhất những bộ phim này làm là lặp đi lặp lại những câu hỏi đến phát ngán về đạo đức, nhân tính của con người và người máy: liệu robot có quyền được sống tự do hay không, con người có bị hủy diệt hay không, robot giúp ích gì được cho con người...?
Những câu hỏi dạng này, như tự bản thân chúng đã chứng minh qua các bộ phim mới - cũ, bao nhiêu năm qua vẫn ở yên đấy và các vấn đề đạo đức nhân bản dường như chẳng khả quan hơn.
Theo Tuoitre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét