Người Mỹ tại Việt Nam

8:37:00 SA

Mark A.Ashwill
Mark A.AshwillNhà giáo dục

Người Mỹ tại Việt Nam


Khoảng thời gian tôi chu du ngoài quê hương mình chiếm đến hơn 40% cuộc đời. Tôi là một người con Hoa Kỳ, là một công dân quốc tế và giờ đây đang gọi Việt Nam là nhà.
Nhờ chuyến thăm Hà Nội đầu tiên vào 23 năm trước, Việt Nam đã trói được đôi chân tôi. Khi dọn đến đây vào năm 2005, tôi gia nhập một nhóm nhỏ người nước ngoài - số lượng ước tính hiện là 100.000 so với 97 triệu dân Việt Nam.
Là một người nước ngoài, bạn có thể ví tôi như một sinh vật lạ đến từ một hành tinh xa xôi nào đó, bước từng bước vô định trong khi bản thân bất giác bùng lên vô vàn xúc cảm, từ hứng thú đến tò mò và khác biệt; bị khinh thường và thậm chí cả sợ hãi. Người ngoại quốc trong mắt dân bản địa cũng có nghĩa là "nguồn thu nhập", là hình mẫu, kho tri thức, chiếc bình chứa vạn điều tốt, "miếng mồi dễ xơi" cũng như là cửa đón tất cả những xu hướng và thói quen xấu.
Cái "đẹp" của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào cặp mắt của người nhìn. Đôi khi họ rất quý và đôi khi thì không, thường có lý do chính đáng, dựa theo những trải nghiệm quá khứ hay một chuyện không vui khó quên.
Vì lý do gì mà vô vàn người ngoại quốc lại tràn về Việt Nam trong những năm gần đây? Có thể kể đến: chuộc tội, đức tin tôn giáo, hòa giải chuyện xưa, học bổng, học tập, kinh doanh, lợi nhuận, phát triển, thám hiểm, tham quan di sản văn hóa, thỏa mãn tính tò mò, tìm sự tha thứ, tình yêu và từ thiện. Một số người đến đây để nhận, số khác để cho hoặc hoàn trả, hoặc để trải nghiệm cái bình minh của thời đại mới tại một quốc gia đang trên đà bắt kịp thế giới, như để bù đắp lại khoảng thời gian đã mất.
Tôi hiểu rất rõ, và đôi khi cũng rất buồn rằng, suốt bao thế kỷ, những người có ngoại hình giống tôi, cụ thể là nam da trắng, đã đến Việt Nam nhân danh Chúa trời, văn minh, quốc gia, lý tưởng và lợi nhuận.
Bên cạnh những người đã được ghi tên trên những con đường của Việt Nam như Pasteur, Alexandre de Rhodes, Yersin bởi cống hiến của họ, có rất nhiều người đã lợi dụng, lạm dụng và chém giết. Việc họ đã rời đi hoặc chết đều là lý do để vui mừng.
Trong khi tôi sống cùng những người Việt, nhiều người nước ngoài lại sống một cuộc sống khá cô lập với nội tâm phản ánh cả hai thế giới. Họ chăm chú theo dõi "dân bản địa" như đang xem một bộ phim hay chiêm ngưỡng các bảo tàng, hầu hết chỉ chạm được tới bề nổi của tảng băng văn hóa. Rất nhiều người không ngừng phàn nàn tại sao "họ" không giống "chúng ta" hơn. Họ thậm chí không ngớt đưa ra những lời khuyên chả ai cần về những thứ Việt Nam nên làm hoặc nên cải thiện. Và cũng như bao dòng người khác, họ đến rồi đi liên tục, chỉ có một số ít đáng quý là ở lại lâu dài.
Tôi là người ngoại quốc nhưng cũng là một người Mỹ, do đó mà tôi thuộc diện đặc biệt. Trái ngược với những gì đồng hương Hoa Kỳ của tôi vẫn hay được nghe, đại loại như "toàn bộ người Việt Nam đều hướng về tương lai, quá khứ là chuyện cũ"; hay muốn tin vào câu đó như một cách có thể xoa dịu được tội lỗi của họ, tôi biết vẫn có nhiều người Việt hoài nghi hoặc không hề thích chúng tôi.
Trách họ được sao? Quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh đã gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam, đã biến nhiều vùng rộng lớn trở thành đất chết, thả hàng triệu tấn thuốc nổ lên một quốc gia có diện tích bằng nửa bang Texas, cùng lời tuyên bố tai tiếng của tướng Curtis LeMay "ta sẽ thổi tung họ về thời Đồ đá". Ước tính có đến hơn 3,8 triệu người đã bị giết, hơn nửa trong đó là thường dân trong một cuộc đại chiến mà số xác người vẫn còn đang trong quá trình đong đếm.
Nước Mỹ cũng đã tàn phá môi trường trên diện rộng và để lại các chiến tích kinh khủng như chất độc da cam và bom mìn chưa kích hoạt mà ngày nay chúng vẫn đang tiếp tục giết người, làm cho họ dị dạng hay tàn tật, xuyên suốt bốn thế kỷ sau khi bom đã ngừng rơi và súng đã ngưng nhả đạn. Một vài người Mỹ, bao gồm cả cựu binh, đã quay trở lại đây giúp giải quyết những dấu tích kinh khủng này. Đa số ở lại lâu hơn nhiều so với điều họ dự định, và trong vài trường hợp là lâu hơn rất rất nhiều.
Bạn của tôi, Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ trong chiến dịch Tết Mậu thân 1968 tại Sài Gòn, trở lại Việt Nam vào năm 1995 để giúp các em nhỏ bị tàn phế trong suốt ba năm. Sau đó hai thập niên, anh vẫn ở lại đây giúp đỡ dọn bom mìn và hỗ trợ các gia đình đang phải chịu hậu quả của chất độc da cam. "Dân Việt Nam chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì từ chúng tôi ngoại trừ hòa bình, tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau, kể cả sau những tàn phá nặng nề họ phải chịu đựng trong thời chiến", Searcy nói.
"Họ hòa nhã và cao thượng đáng ngạc nhiên trước những đóng góp nhỏ nhoi của chúng tôi trong khi, thật tâm mà nói, là những gì mà lương tâm buộc chúng tôi phải làm. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ người Việt về tính khiêm nhường và sự cảm thông".
Greig Craft, một nhà khởi nghiệp Mỹ lần đầu đến Việt Nam vào năm 1989, đã thành lập Hội phòng ngừa thương tích châu Á để chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do đi xe máy không đội nón bảo hiểm.
Lady Borton là một công dân Hà Nội. Trong chiến tranh, bà đã tổ chức một dự án chăm sóc người tàn tật tại Quảng Ngãi. Bà cũng đã làm việc trong rất nhiều dự án xoa dịu hậu quả chiến tranh ở miền Bắc. Với tiếng Việt thành thạo, bà Borton đã thu thập rất nhiều câu chuyện xuyên suốt nửa thế kỷ qua từ vô số người Việt trong mọi khía cạnh cuộc sống. "Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên", bà nói, "tôi lắng nghe câu chuyện và nhận ra rằng: Ồ, thì ra hoàn cảnh của họ không như mình nghĩ, và chắc chắn không phải cái mà người Mỹ chúng ta cho rằng mình biết".
Sống và làm việc ở đất nước này, qua những tương tác với người Việt, những định kiến, những bức tường ngăn cách dần bị phá vỡ. Tôi tới từ Hoa Kỳ nhưng không phải là "người Mỹ" trên nhiều khía cạnh bởi trải nghiệm và góc nhìn quốc tế cũng như toàn cầu, nói cách khác là không chỉ hướng về Mỹ. Mỗi khi tự nhìn vào gương, tôi nhận ra mình sẽ luôn là "người ngoài", nhưng là một "người ngoài" được chấp nhận, được tôn trọng và đã tìm ra được con đường của chính mình tại Việt Nam.
Tôi là "người ngoài", nhưng cũng là người nhà.
Mark A.Ashwill (TheoVNexpress)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.